thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lại chuyện "chính mạch"

Trong Việt số 3, trang 234-242, có bài "Khiêm tốn hay buồn thảm" của tôi. Trong bài đó, tôi đã đề cập, một cách khái quát, đến những vấn đề "chính mạch" và "bên lề" nêu ra trong bài của Nguyễn Hưng Quốc, "Sống và viết như những người lưu vong" (Việt số 2, trang 5-10). Để "bạn đọc tham khảo" "một cách lý giải khác" về những ý niệm ấy, Việt đã đăng kèm, theo sau bài của tôi, một đoạn từ bài "Tranh luận về một thái độ tranh luận đối với một số vấn đề quan trọng trong văn học lưu vong" của Hoàng Ngọc-Tuấn (Văn số 24, trang 65). Đó là một việc làm vừa chu đáo vừa công bằng. Tôi đã có ý định đáp lễ nhưng rồi cứ... lần lữa mãi đến hôm nay.

Tôi đã có ý định đáp lễ để công khai nói lên rằng mình đã phạm một lỗi lầm đáng kể. Đọc bài của Nguyễn Hưng Quốc, thấy từ "chính mạch" tôi đã nghĩ ngay đến chữ mainstream như được dùng ở Hoa Kỳ. Nguyễn Hưng Quốc chỉ nói đến "chính mạch". Tôi là người đã để cho mainstream lọt vào ý thức của mình. Và vì vướng phải mainstream tôi đã đọc toàn bài Nguyễn Hưng Quốc trong sự hiểu biết "chính mạch" là mainstream mặc dù tôi không biết chắc chắn rằng Nguyễn Hưng Quốc đã sử dụng "chính mạch" như là mainstream!!!

Có lẽ đó là một trong những nỗi "buồn thảm", không phải của "người viết lưu vong" mà là của "người đọc lưu vong". Bởi chăng, nếu lâu nay tôi vẫn ở, viết, và đọc tại quê hương, thấy từ "chính mạch", không có lý do gì làm tôi phải nghĩ đến mainstream cả.

Như đã nói ở trên, lỗi ở tôi. Thay vì đọc Nguyễn Hưng Quốc và chỉ hiểu những gì đã được viết qua lời văn của ông, tôi đã lan man trượt chân qua một từ Anh ngữ tương đương (ở Hoa Kỳ) và mắc kẹt vào đó. Mea culpa!

Để bạn đọc nắm vững "vấn đề" hơn, xin nói thêm: mainstream ở Hoa Kỳ đúng là không có ý nghĩa như Hoàng Ngọc-Tuấn đã "lý giải" ý niệm "chính mạch" trong bài của Nguyễn Hưng Quốc:

[...] "dòng văn chương chính mạch ở quốc gia mình định cư" nhằm nói đến sinh hoạt văn chương chủ lưu trong một quốc gia, bao gồm việc giao lưu sinh động giữa tác giả, nhà phê bình, và độc giả. Việc giao lưu này chủ yếu xảy ra trong phạm vi ngôn ngữ chính thức của quốc gia ấy."

Tôi không biết ở những nước sử dụng Anh ngữ (ngoài Hoa Kỳ) người ta hiểu mainstream như thế nào. Chỉ biết ở Hoa Kỳ mainstream đích thị là "giòng chính" đó (chủ lưu? chính mạch?) nhưng cũng tiềm tàng ý nghĩa "đám đông", "bầy đàn", có thể được coi như là thông tục, tầm thường, dễ dãi. Hoặc đó là một hiện tượng đã hiện hữu từ lâu trong xã hội, được đông đảo dân dã chấp nhận và bám theo. Hoặc đó là một hiện tượng mới xuất hiện, được quần chúng yêu chuộng, ngày càng phổ cập, đẩy lùi ra xa những hiện tượng tương tự để chiếm lấy vị trí nhiều ưu thế nhất.

Baseball là mainstream, footballmainstream, trong khi t'ai-chi, karate không phải là mainstream. Người ta thường nói mainstream politics để chỉ những sinh hoạt chính trị của hai đảng lớn nhất ở Hoa Kỳ, Dân Chủ và Cộng Hoà. Lâu nay vẫn được coi là một thức uống đặc biệt, tiêu thụ có giới hạn, trà có cơ may chiếm được vị trí mainstream của cà phê vì người ta mới khám phá có rất nhiều chất antioxydant trong chất trà, rất tốt cho cơ thể. Chủ nhật 26.3 vừa qua, buổi lễ trao giải điện ảnh Oscar đã diễn ra ở California. Hiện tượng "Hồ Ly Vọng" đó có thể được coi như mainstream movie business. Hai anh đạo diễn trẻ làm phim The Blair Witch Project (Việt số 5, trang 53-59) chi ba chục ngàn đô la, không phải là mainstream nhưng cuốn phim mới đem chiếu ba tuần lễ đã thu vào... 150 triệu đã biến họ thành mainstream. Vân vân. Đại khái thế.

Ấy vậy mà khi bước đến lãnh vực văn học có chất lượng, từ mainstream lại mang hẳn một ý nghĩa khác. Các giải thưởng văn chương như National Book Award, PEN /Faulkner, Pulitzer... là mainstream nhưng bà Danielle Steele chẳng hạn vẫn không phải là tác giả mainstream mặc dù bà viết bằng tiếng Anh và những truyện diễm tình của bà có ấn bản hàng chục triệu bán chạy ào ào. Trong khi những nhà văn như David Guterson, như Charles Frazier... không mainstream chút nào lại được trao những giải văn chương nhiều người ước ao chiếm được ấy.

Có một sự kiện nổi bật: sử dụng "ngôn ngữ chính thức của một quốc gia" không nhất thiết làm cho một tác giả trở thành mainstream. Không ai coi những nhà văn Hoa Kỳ như James Baldwin, như Raph Ellison là mainstream mặc dù các vị ấy viết bằng Anh ngữ.

Hoàng Ngọc-Tuấn có nhắc đến trường hợp nhà văn Cung Giũ Nguyên: [Ông Cung] "viết sách tiếng Pháp và được các nhà xuất bản quan trọng của Pháp ấn hành nhưng chẳng mấy người Việt biết đến hay đọc được do đó những tác phẩm ấy được xem là 'đứng bên lề' văn học Việt Nam." Tôi xin thêm: cũng chẳng mấy người Pháp biết đến (hay đọc) do đó những tác phẩm ấy vẫn không ở trong văn học mainstream của Pháp quốc. Phải chăng đó là lý do khiến cho ông Cung mới đây dịch một tác phẩm của ông ra tiếng Việt mặc dù mấy chục năm về trước, theo nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, ông đã có viết những tác phẩm bằng Việt ngữ?

Tôi cám ơn Nguyễn Hưng Quốc đã viết một bài nhận định sắc bén, can đảm. Tôi cũng cám ơn Việt đã đăng lại một đoạn của bài Hoàng Ngọc-Tuấn, uyên bác, đàng hoàng. Đáng ra, tôi phải biết "đề cao cảnh giác" từ lâu: ngôn ngữ vốn khó lường. Nếu dịch "hồng quần" (như trong "Phong lưu rất mực hồng quần") ra red pantaloons là một chuyện kỳ cục thì tại sao đọc thấy "chính mạch" lại cứ khăng khăng, như tôi đã làm, nghĩ rằng người viết muốn nói mainstream?

3.2000


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021