thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bài ca ngợi sự dũng cảm

 

Sau khi chứng kiến nhà thơ Bùi Chát nhận Giải thưởng Tự Do Xuất Bản do International Publishers Association (IPA) / Hiệp Hội Nhà Xuất Bản Quốc Tế trao tặng vào chiều ngày 25.04.2011 tại Buenos Aires, José Claudio Escribano (giáo sư của Academia Nacional de Periodismo / Học viện Báo chí Quốc gia Argentina) đã viết bài “Elogio del coraje” (Ca ngợi sự dũng cảm) và đăng trên báo La Nación ngày 26.4.2011.
 
Dưới đây, tôi xin trích thuật một số nhận định đáng nhớ từ bài báo ấy.
 
Hoàng Ngọc-Tuấn

 

________

 

José Claudio Escribano nhận định rằng sự dũng cảm là tinh thần đối mặt trước thử thách với thái độ hiên ngang. Ông viết:

“Sự dũng cảm của nhà thơ kiêm nhà biên tập người Việt Nam ký tên Bùi Chát được phản ảnh trong sự dấn thân trọn vẹn của anh cho sách và việc đọc sách, với sự tự do suy nghĩ và phát biểu những điều mình suy nghĩ, và điều đó làm cho chúng ta được tự do hơn... Không cần đến sự bạo động, nhưng tích cực phản đối sự kiểm duyệt và thái độ tự mãn (narcisismo) của một quyền lực chính trị độc tài.”

Ông nhận định rằng một quyền lực chính trị độc tài có thể kiểm duyệt bằng cách giết hay thủ tiêu nhà văn, nhưng cũng có thể bằng cách tinh vi hơn, cập nhật hơn, là ngăn chặn internet, đẻ ra những loại giấy phép vô lý, hay dùng bộ máy tuyên truyền khổng lồ để vô hiệu hoá sự sáng tạo và vô hiệu hoá sự diễn đạt những tư tưởng phản chính thống. Ông cho rằng những thủ đoạn dơ bẩn mà Goebbels (Bộ trưởng Tuyên truyền của Đức quốc xã) trước kia đã đem ra sử dụng thì hôm nay vẫn còn được tiếp tục áp dụng bởi những hệ thống kiểm duyệt của các chế độ độc tài.

Đối với những nhà nước “cách mạng”, José Claudio Escribano nhận định rằng “Những người làm cách mạng đã phản bội chính họ khi họ bóp chẹt tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật và nghiên cứu khoa học.”

Về những tấm gương dũng cảm, José Claudio Escribano viết:

“Một thế giới tốt đẹp hơn cần phải có nhiều hơn những người đàn ông và đàn bà tự do đi trên con đường của Bùi Chát và những đồng nghiệp ở Nga, Iran, Zimbabwe, Tunisia, những người trước kia đã nhận cùng vinh dự kiệt xuất này [*] ... Những điển hình tuyệt vời có thể khởi động sức mạnh cho những tâm hồn yếu đuối...”

José Claudio Escribano kết thúc bài viết bằng một đoạn văn đầy ý nghĩa:

“... Nhà thơ và người nông dân biết rằng một hạt mầm nhỏ bé, được trồng với sự kiên trì nhẫn nại, thì một ngày nào đó có thể làm mọi người kinh ngạc vì sự to lớn của những quả. Đó sẽ là những quả của sự dũng cảm, tình yêu, lòng kiên nhẫn, sự kiên trì. Cảm ơn Bùi Chát.”

 

 

_________________________

Chú thích:

[*]Trước Bùi Chát, những người đã được trao tặng Giải thưởng Tự Do Xuất Bản gồm có Shalah Lahiji (người Iran, 2006), Trevor N’cube (người Zimbabwe, năm 2007), Ragıp Zarakolu (người Thổ Nhĩ Kỳ, 2008), Sihem Bensedrine, Neziha Rjiba và Mohamed Talbi (người Tunisia, 2009), Israpil Shovkhalov và Viktor Kogan-Yasny (người Nga, 2010).

 

 

-------------------------

Các bài liên quan:

... Ở một nơi mà tự do chỉ có thể tồn tại trong những hành vi tùy tiện của chính quyền thì những cố gắng cho sự hiện diện của công lí và tình người dường như là vô nghĩa, và để hành động cho những điều tưởng như viển vông này chúng tôi đã chọn xuất bản. Cũng như những anh em đang bị tù đày, quản thúc và tất cả những người đang đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp ở Việt Nam, chúng tôi luôn tin tưởng vào lương tri. Thông qua việc xuất bản một cách tự do những điều cần thiết, chúng tôi biết rằng nhiều độc giả của chúng tôi sẽ tìm thấy lại lương tri của mình... (...)
 
Chiều ngày 25.04.2011, tại Buenos Aires, nhà thơ Bùi Chát — người sáng lập và điều hành nhà xuẩt bản Giấy Vụn — đã vinh dự nhận Giải thưởng Tự Do Xuất Bản do International Publishers Association (IPA) / Hiệp Hội Nhà Xuất Bản Quốc Tế trao tặng. Buổi lễ trao giải long trọng diễn ra trong bối cảnh của Hội Chợ Sách Quốc Tế lần thứ 37... (...)
 
Sự phát triển của nghệ thuật / Có thể kết liễu một chế độ độc tài // Bao nhiêu người đã nói / Những điều tương tự vậy... | ... Đâu nhất thiết phải quan tâm / Nhắc nhở lời đe dọa / Bởi, với chúng ta / Sợ hãi – không bao giờ là mục đích... | ... Sau cộng sản là nhà xuất bản Giấy vụn / quang vinh mười lăm năm / Sau cộng sản là niềm tin ơi chào mi / Sau cộng sản ánh sáng cởi mở // Khi đó chúng ta thoải mái làm người...

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021