thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tại sao văn chương? [II]

 

Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm,
với sự hiệu đính của Hoàng Ngọc-Tuấn.

 

MARIO VARGAS LLOSA

(1936~)

 

Mario Vargas Llosa được trao giải Nobel Văn Chương năm 2010 trước hết với tư cách một người viết tiểu thuyết lớn, người đã “khắc họa những cơ cấu quyền lực”, “những hình ảnh sắc sảo về những cuộc phản kháng, nổi loạn và thất bại của cá nhân” trong xã hội hiện đại, như lời phát biểu của Hàn Lâm Viện Thụy Điển. Tuy nhiên, không nên quên Llosa còn là một cây bút đa thể loại (multi-genre writer). Ngoài truyện, ông còn viết kịch, viết kịch bản phim, viết báo, viết phê bình và tiểu luận văn học. Ở lãnh vực nào ông cũng có những thành tựu xuất sắc. Công trình phê bình của ông về Gabriel García Márquez (García Márquez: Story of a Deicide , 1971) — nguyên thủy là một luận án tiến sĩ, sau được in thành sách, dày trên 800 trang — cho đến nay vẫn được xem là cuốn sách sâu sắc nhất về tác giả cuốn Trăm năm cô đơn. Những cuốn sách của Llosa về Gustave Flaubert, (The Perpetual Orgy: Flaubert and “Madame Bovary” , 1975), về Jean-Paul Sartre và Albert Camus (Between Sartre and Camus, 1981), và về Victor Hugo (The Temptation of the Impossible, 2004) được đánh giá rất cao. Bên cạnh đó, Llosa còn viết rất nhiều tiểu luận. Theo Llan Stavans, giáo sư văn học tại Amherst College và là chủ biên cuốn tuyển tập văn học Latin (The Norton Anthology of Latino Literature), sự nghiệp văn học của Llosa có thể được chia thành hai giai đoạn: trước và sau khi ông ứng cử Tổng thống tại Peru vào năm 1990. “Trước, ông là một nhà văn và là một chính trị gia tập sự; văn chương là một ám ảnh. Sau, tiểu thuyết không còn làm ông bận tâm nhiều nữa. Thay vào đó, ông là một tiểu luận gia xuất sắc hàng đầu.”
 
Các bài tiểu luận văn học của Vargas Llosa là kết tinh của một tri thức uyên bác của một giáo sư đại học lâu năm và nổi tiếng và một sự nhạy cảm phi thường của một nhà văn bậc thầy. Dĩ nhiên, trong cách nhìn của ông về văn học không phải không có vấn đề, ví dụ sự nghi ngờ của ông đối với các phát minh kỹ thuật mới gắn liền với sinh hoạt văn học trên thế giới trong những năm gần đây. Tất cả những ưu và khuyết điểm ấy có thể dễ dàng được nhìn thấy trong bài tiểu luận “Tại sao văn chương” dưới đây.
 
Bài tiểu luận này khá dài, chúng tôi xin dịch và đăng nhiều kỳ.
 
Phan Quỳnh Trâm

 

_______

 

 

TẠI SAO VĂN CHƯƠNG? [II]

 

Không có gì tốt hơn văn chương để dạy cho chúng ta thấy, giữa những sự dị biệt về sắc tộc và văn hoá, sự giàu có của di sản nhân loại, và biết quý trọng những sự dị biệt này như một thực chứng của sự sáng tạo đa diện của nhân loại. Đọc những áng văn chương hay là một kinh nghiệm lạc thú, dĩ nhiên; nhưng đó cũng còn là một kinh nghiệm để tìm hiểu chúng ta là gì và như thế nào, trong sự nguyên vẹn cũng như sự bất toàn của con người, với những hành động, những giấc mơ và những bóng ma của chúng ta, riêng lẻ cũng như trong những mối quan hệ nối liền chúng ta với kẻ khác, trong hình ảnh công cộng cũng như trong những góc khuất bí ẩn của ý thức chúng ta.

Cái tổng thể phức tạp của những sự thật đầy nghịch lý này — theo cách nói của Isaiah Berlin — đã làm nên chính bản chất của điều kiện nhân sinh. Trong thế giới ngày nay, cái kiến thức quán triệt và sinh động này về con người chỉ có thể được tìm thấy trong văn chương. Thậm chí không có bất cứ ngành nhân văn nào khác — kể cả triết học, lịch sử hay các bộ môn nghệ thuật, và chắc chắn không phải các bộ môn khoa học xã hội — có thể có được cái kiến quan nhất quán này, cái diễn ngôn phổ quát này. Ngay cả các ngành nhân văn cũng phải chịu thúc thủ trước sự phân hoá và vi phân hoá hiểm nghèo của kiến thức, tự cô lập trong những nhánh tri thức mang tính kỹ thuật càng ngày càng trở nên manh mún, ở đó, ý tưởng và từ vựng vượt ra ngoài tầm với của con người bình thường.

Một số phê bình gia và lý thuyết gia thậm chí còn muốn biến văn chương thành một khoa học. Nhưng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra bởi tác phẩm hư cấu không hiện hữu để chỉ tra vấn một giới vực đơn lẻ của kinh nghiệm. Nó hiện hữu để làm phong phú cái tổng thể của cuộc nhân sinh xuyên qua sự tưởng tượng, một cái tổng thể không thể bị chia cắt, tháo rời, hay giảm thiểu thành một chuỗi những sơ đồ hay công thức mà không bị biến mất. Đó chính là ý nghĩa của cái kiến quan của Proust rằng “cuộc nhân sinh thực sự, mà cuối cùng sẽ được hiển lộ, cuộc nhân sinh duy nhất được sống một cách trọn vẹn, là văn chương.” Nói thế, không phải là ông đang phóng đại và cũng không phải là ông chỉ đang diễn tả tình yêu đối với nghiệp văn của chính mình. Ông đang xiển dương cái dự kiến đặc thù rằng, nhờ văn chương, cuộc nhân sinh sẽ được hiểu rõ hơn và được sống tốt hơn, và rằng để sống cuộc nhân sinh một cách trọn vẹn hơn người ta cần phải sống nó và chia sẻ nó với những kẻ khác.

Mối tương giao thân ái mà văn chương thiết lập giữa người và người, thúc đẩy họ đối thoại với nhau và làm cho họ có ý thức về một nguồn gốc chung và một mục tiêu chung, là mối tương giao vượt qua mọi giới hạn mang tính thời gian. Văn chương đưa chúng ta trở lại quá khứ và nối liền chúng ta với những con người của những thời đại đã qua, những con người đã đặt ra những câu chuyện, đã thưởng thức và đã mơ mộng qua những văn bản truyền lại cho chúng ta, những văn bản hôm nay cho phép chúng ta cũng thưởng thức và mơ mộng như thế. Cái cảm nhận mình là thành viên trong kinh nghiệm nhân sinh tập thể vượt qua thời gian và không gian này là thành tựu lớn nhất của văn hoá, và không có gì đóng góp nhiều hơn vào việc phục hồi nó trong từng thế hệ cho bằng văn chương.

Borges luôn luôn cảm thấy bực mình khi bị hỏi: “Văn chương dùng để làm gì?” Dường như ông cảm thấy đó là một câu hỏi ngu xuẩn; với câu hỏi đó, ông chỉ muốn trả lời: “Chẳng có ai lại hỏi tiếng hót của chim hoàng yến hay cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp để làm gì.” Nếu những cái đẹp như thế hiện hữu, và nếu, nhờ chúng, cuộc sống bớt xấu và bớt buồn đi, dù chỉ trong một thoáng, thì việc tìm kiếm những lý do thực tế để biện giải cho nó không phải là quá đỗi nhảm nhí sao? Nhưng cái câu hỏi ấy dù sao cũng là một câu hỏi hay. Bởi vì tiểu thuyết và thơ không giống với tiếng chim hót hay cảnh mặt trời lặn xuống chân mây; bởi vì chúng không được tạo ra một cách tình cờ hay tự nhiên. Chúng là những sáng tạo của con người, và bởi vậy, người ta có quyền hỏi tại sao chúng được sáng tạo, chúng được sáng tạo như thế nào, mục đích của chúng là gì và tại sao chúng lại tồn tại lâu đến như vậy.

Các tác phẩm văn chương được sinh ra, như những bóng ma vô hình tướng, trong đáy sâu ý thức của nhà văn, được phóng chiếu vào đó bởi sức mạnh tổng hợp của vô thức, và sự mẫn cảm của nhà văn trước thế giới chung quanh, và những cảm xúc của hắn; và chính từ tất cả những điều này, qua cuộc đấu tranh với chữ nghĩa, nhà thơ hay người kể chuyện dần dần tạo ra hình thức, thể mạo [của tác phẩm], sự chuyển động, tiết tấu, hoà điệu, và cuộc sống. Một cuộc sống hư tạo, dĩ nhiên, một cuộc sống được tưởng tượng ra, một cuộc sống được làm bằng ngôn ngữ — tuy vậy người ta vẫn tìm kiếm cuộc sống hư tạo này, có người thường xuyên tìm kiếm, có người thỉnh thoảng, bởi vì cuộc sống thực thì thiếu thốn đối với họ, và cũng không có khả năng ban phát cho họ những gì họ mong muốn. Văn chương không bắt đầu hiện hữu qua tác phẩm của một cá nhân riêng lẻ. Nó chỉ hiện hữu khi nó được người khác đón nhận và khi nó trở thành một phần của cuộc sống xã hội — khi nó, nhờ việc đọc, trở thành một kinh nghiệm được chia sẻ.

Một trong những hiệu quả lợi ích đầu tiên của văn chương diễn ra ở cấp độ ngôn ngữ. Một cộng đồng không có một nền văn chương bằng chữ viết thì sẽ tự diễn đạt ít chính xác hơn, ít phong phú về sắc độ tình cảm hơn, và cũng ít minh bạch hơn so với một cộng đồng nơi mà công cụ thông tri chính, tức là chữ viết, đã được trau dồi và được hoàn thiện qua các văn bản văn chương. Một nhân loại không đọc, không được văn chương chạm đến, thì giống như một cộng đồng mù điếc và mắc bệnh vong ngữ, phải chịu đựng những khó khăn to lớn trong việc thông tri do cái ngôn ngữ thô thiển của nó gây ra. Điều này cũng đúng cả với từng cá nhân nữa. Một người không đọc, hoặc đọc ít, hoặc chỉ đọc những thứ rơm rác, là một kẻ thiểu năng: hắn có thể nói rất nhiều nhưng chẳng phát biểu được bao nhiêu, bởi từ vựng của hắn thiếu thốn phương tiện để tự diễn tả.

Đây không chỉ là một sự hạn chế về ngôn ngữ. Nó còn thể hiện một hạn chế trong tri thức và trong sự tưởng tượng. Nó là sự nghèo nàn về tư tưởng, vì lý do đơn giản là những ý tưởng, những khái niệm mà xuyên qua đó chúng ta nắm bắt được những bí ẩn của điều kiện nhân sinh, không thể tồn tại bên ngoài ngôn từ. Chúng ta học cách nói một cách chính xác — và sâu sắc, mạnh mẽ, tinh tế — từ những áng văn chương hay, và chỉ từ những áng văn chương hay mà thôi. Không có bất cứ chuyên ngành hay bộ môn nghệ thuật nào khác có thể thay thế văn chương trong việc thủ tác thứ ngôn ngữ mà con người cần để thông tri. Phát ngôn trôi chảy, sở hữu và tuỳ nghi sử dụng một ngôn ngữ phong phú và sinh động, có khả năng tìm ra lối diễn tả thích nghi cho mọi ý tưởng và mọi cảm xúc mà ta muốn truyền đạt, tức là được chuẩn bị tốt hơn để suy nghĩ, để giảng dạy, để học hỏi, để đàm thoại, và cũng để tự do tưởng tượng, để mơ mộng, để cảm nhận. Một cách kín đáo, chữ nghĩa vọng âm trong mọi hành động của chúng ta, kể cả những hành động ngỡ như không dính líu gì đến ngôn ngữ. Và khi ngôn ngữ phát triển, nhờ văn chương, và đạt đến cao độ của sự tinh xảo và phong cách, nó làm gia tăng khả năng thưởng thức của con người.

Văn chương thậm chí còn ban cho tình yêu, dục vọng và cả hành động tính giao cái phẩm cách của sự sáng tạo nghệ thuật. Không có văn chương, ngôn ngữ nhục cảm sẽ không hiện hữu. Tình yêu và lạc thú sẽ nghèo nàn hơn, chúng sẽ thiếu hẳn sự tao nhã và tinh tế, chúng sẽ không thể đạt tới độ mãnh liệt mà sự phóng tưởng trong văn chương mang lại. Không phải là cường điệu khi nói rằng một cặp tình nhân đã từng đọc Garcilaso, Petrarch, Gongora hay Baudelaire sẽ đánh giá lạc thú và nghiệm sinh lạc thú cao hơn những người mù chữ đã bị những tập phim tình cảm xã hội trên truyền hình biến thành những kẻ ngớ ngẩn. Trong một thế giới mù chữ, tình yêu và dục vọng sẽ không khác gì những thứ làm thoả mãn thú tính, chúng cũng không vượt qua khỏi sự thoả mãn thô lậu của những bản năng sơ khai.

 

[còn tiếp]

 

----------------
Nguồn: Mario Vargas Llosa, “Why Literature?” New Republic, 05/14/2001, Vol. 224, Issue 20.

 

 

------------

Đã đăng:

Tại sao văn chương? [I]  (tiểu luận / nhận định) 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Trong thời đại của chúng ta hiện nay, khoa học và kỹ thuật không thể đóng một vai trò nhất quán, chỉ vì sự phong phú vô tận của kiến thức cũng như tốc độ tiến hoá của nó đã dẫn đến sự chuyên môn hoá và những điều khó hiểu của nó. Nhưng văn chương đã, đang, và cho đến chừng nào nó còn tồn tại, sẽ tiếp tục là một trong những mẫu số chung của kinh nghiệm nhân sinh qua đó loài người có thể nhận biết chính họ và có thể tương thoại với nhau, bất kể những khác biệt đến đâu chăng nữa về nghề nghiệp, về những dự định trong đời sống, về trú xứ địa lý và văn hoá, về hoàn cảnh riêng tư của từng người... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Đôi khi tôi tự hỏi phải chăng viết văn là một sự xa xỉ tự kỉ trong những xứ sở như của tôi, nơi không có bao nhiêu người đọc và quá nhiều người là người nghèo và mù chữ, có quá nhiều bất công, và ở đó văn hoá là một đặc quyền cho số ít. Tuy nhiên những hoài nghi này chẳng bao giờ làm tắt tiếng kêu gọi cho tôi, và tôi luôn luôn vẫn viết ngay cả trong những giai đoạn mà việc kiếm sống thu hút phần lớn thời gian của tôi. Tôi tin rằng tôi đã làm đúng, bởi vì nếu, để văn học nảy nở mà trước tiên cần một xã hội lên tới trình độ cao, tới tự do, tới thịnh vượng và công lí thì văn học đã chẳng hề tồn tại... [Bản dịch của Nguyễn Tiến Văn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Khi còn trẻ, tôi rất mê đọc Sartre. Tôi cũng đọc các tiểu thuyết gia người Mỹ, đặc biệt của thế hệ lạc loài — như Faulkner, Hemingway, Fitzgerald, Dos Passos — nhất là Faulkner. Trong số các tác giả tôi đọc khi tôi còn trẻ, Faulkner là một trong số ít những người vẫn còn có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Tôi chẳng bao giờ thất vọng khi đọc lại ông, như cái cách mà tôi vẫn thỉnh thoảng cảm thấy khi đọc lại Hemingway, chẳng hạn. Tôi cũng sẽ không đọc lại Sartre vào lúc này. So với mọi thứ tôi đã đọc từ thuở đó đến nay, thì tác phẩm hư cấu của Sartre có vẻ đã lỗi thời và đã mất đi phần lớn giá trị của nó... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Tôi chưa bao giờ có cảm giác rằng tôi đã quyết định một cách duy lý, một cách lạnh lùng, để viết một cái truyện. Trái lại, những sự kiện hoặc những con người nào đó, đôi lúc những giấc mơ hay những gì đọc được trong sách vở, bất ngờ bám lấy tôi và đòi hỏi sự lưu tâm. Đó là lý do tại sao tôi nói rất nhiều về tầm quan trọng của những yếu tố hoàn toàn phi lý của công việc sáng tạo văn chương. Tôi tin rằng sự phi lý này cũng phải được chuyển tải đến người đọc. Tôi muốn những cuốn tiểu thuyết của tôi được đọc như cách tôi đọc những cuốn tiểu thuyết mà tôi yêu thích... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Tôi không bao giờ biết khi nào thì tôi sẽ kết thúc một câu chuyện. Một mẩu chuyện tôi tưởng chỉ mất vài tháng đôi khi có thể mất vài năm để hoàn thành. Đối với tôi một cuốn tiểu thuyết dường như chỉ hoàn thành khi tôi cảm thấy rằng nếu tôi không kết thúc nó sớm, nó sẽ vượt qua khỏi tôi. Khi đã đạt đến độ bão hoà, khi tôi thấy đã đủ, khi tôi không còn chịu đựng được nữa, thì câu chuyện kết thúc... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Lúc đầu có điều gì đó rất mơ hồ, một trạng thái cảnh giác, một điềm báo, một điều gây thắc mắc. Một cái gì đó tôi nhận ra trong cõi mù mịt và chập chờn quanh tôi khiến tôi chú ý, tò mò, và phấn khích, và rồi tự nó biến thành công việc, những thẻ ghi chú, bản tóm tắt cốt truyện. Rồi đến khi tôi có cái sườn truyện và bắt đầu sắp đặt mọi sự việc theo trật tự, thì một điều gì đó rất tản mạn, rất mơ hồ vẫn còn lởn vởn. Giây phút “bừng sáng” chỉ xảy ra trong khi làm việc... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Một số người xem văn chương như là một sinh hoạt bổ sung hoặc trang trí cho một cuộc đời vốn dành để theo đuổi những thứ khác hay thậm chí như một cách để đạt được thanh thế và quyền lực. Trong những trường hợp đó, có một sự tắc nghẽn, đó chính là văn chương đang trả thù chính nó, nó không cho phép bạn viết với một chút tự do, táo bạo hay độc đáo nào cả. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng việc dấn thân hoàn toàn vào văn chương là điều rất quan trọng... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Tôi nghĩ tiểu thuyết, như một thể loại, thiên về sự thái quá. Nó có khuynh hướng tăng trưởng nhanh chóng, cốt truyện phát triển như một căn bệnh ung thư. Nếu tác giả theo đuổi mọi đầu mối của cuốn tiểu thuyết, nó sẽ trở thành một khu rừng rậm. Tham vọng kể toàn bộ câu chuyện là đặc tính cố hữu của thể loại này. Mặc dù tôi luôn cảm thấy đến một thời khắc nào đó bạn phải giết chết câu chuyện để nó không kéo dài vô tận, tôi cũng tin rằng việc kể chuyện là một nỗ lực để đạt tới cái lý tưởng của cuốn tiểu thuyết “trọn vẹn” ấy... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Để hư cấu, tôi luôn phải bắt đầu từ một hiện thực cụ thể. Tôi không biết điều đó có đúng với tất cả các tiểu thuyết gia khác hay không, nhưng tôi luôn cần một bệ nhún của hiện thực. Đó là lý do tại sao tôi phải nghiên cứu và tham quan những nơi chốn xảy ra sự kiện, chứ không phải vì tôi chỉ muốn tái tạo hiện thực. Tôi biết điều đó là bất khả. Ngay cả khi tôi muốn tái tạo hiện thực thì kết quả cũng chẳng hay ho chút nào, nó sẽ là một điều gì hoàn toàn khác... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2010] ... Tôi nghĩ điều quan trọng là các nhà văn tham dự, đưa ra những phán đoán, và can thiệp, nhưng đồng thời không để chính trị xâm nhập và phá hoại lĩnh vực văn học, địa hạt sáng tạo của nhà văn. Khi điều đó xảy ra, nó giết chết nhà văn, làm cho anh ta chỉ còn là một kẻ tuyên truyền. Do đó điều cần thiết là anh ta phải đặt giới hạn cho những hoạt động chính trị mà không từ bỏ hoặc tự tước đi nhiệm vụ phát biểu ý kiến của mình... [Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm, với sự hiệu đính và chú thích của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021