thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cảnh tận thế

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

 
Một cảnh trong phim The Road (2009),
với Viggo Mortensen (cha) và Kodi Smit-McPhee (con)

 

“Có cảm tưởng như đang ở trong Sinh Lộ”. [*] Câu này chúng ta đã nghe nói (hay thấy sử dụng) biết bao lần trước các hình ảnh đến từ Nhật Bản? Theo trí nhớ của khán giả xem truyền hình, chúng ta từng thấy chúng rồi: những kẻ được cứu vớt bước lảo đảo trong khung cảnh đổ vỡ, dưới sự che chở khôi hài của một cái mền phủ lên đầu. Những cảnh tận thế ở giữa lòng thành phố, như sau cuộc khủng bố ngày 11 tháng Chín hay sau trận địa chấn ở Haïti. Trong sự khủng khiếp của chúng, thảm cảnh ở Sendai và Fukushima gọi về những cảnh thảm hoạ khác, những cảnh hỗn mang khác, thường là không quá cũ quá xa. Thế nhưng, sau sự kinh hoàng lúc ban đầu, không phải các hình ảnh thời sự cũ lại hiện về mãnh liệt hơn. Chí ít là đối với những độc giả của Sinh Lộ — và họ rất đông: cuốn tiểu tuyết xuất chúng của Cormac McCarthy, đoạt giải Pulitzer năm 2007, đã bán được sáu trăm ngàn cuốn, chỉ riêng ở Pháp thôi.

Lẽ ra họ phải nhớ, các độc giả ấy, những con đường phủ đầy những mảnh vụn vỡ xung quanh Word Trade Center. Hay những cảnh sụp đổ đầy bụi bặm ở Port-au-Prince. Nhưng không: những gì mà trận thiên tai của Nhật Bản đã gợi lại cho họ, là những cảnh trí hư cấu trong một cuốn truyện cũng hư cấu không thua. Tại sao? Chúng ta cần phải trở lại với cuốn tiểu thuyết khủng khiếp đó để hiểu rõ vì sao những cảnh vật hoàn toàn tưởng tượng đã có thể góp phần vào sự nhào nắn một ký ức tập thể. Và bằng một cách nào đó chúng đã có thể lấn bước trước thực tế. Điều đáng chú ý khi mở cuốn Sinh Lộ ra, là sức mạnh phi thường của cảnh trí mà người đàn ông và đứa con nhỏ đi qua: “Xa mút tầm nhìn (...) hai bên đường là những thân cây cháy đen đã mất hết nhánh cành. Tàn tro di chuyển trên mặt đường và trong cơn gió tiếng rên khe khẽ của các giây điện tựa những bàn tay mềm nhão lủng lẳng từ các cột đèn đen đúa.” Xung quanh họ, thảy đều đã chết, có thể đã bị tan thành tro bụi do sức nổ của nguyên tử. Không còn thảo mộc, không có thú vật — chỉ có một nhúm người còn sống sót cấu xé ăn thịt nhau để sống còn.

Do vậy, người đàn ông và đứa bé bước đi trong một sa mạc tro, lốm đốm đó đây vài điểm màu nhỏ. Một môi trường đen xám như ngọn sóng thần Nhật Bản nặng bùn sình, mà luôn cả những ngôi nhà, xe tải, tàu bè, và các cơ thể tất nhiên bị nghiền nát. Sự vắng mặt của màu sắc khiến cuốn tiểu thuyết khác biệt với những kịch bản về sự tận thế tưởng tượng đã ra đời từ trước tới nay. Ở McCarthy, tận thế không có màu sắc của Technicolor, không Hollywood. Nó không ngoạn mục tí nào cả. Nó đậm đặc cái chất xám ngắt, chỉ được soi rọi bởi “một ánh sáng lưu huỳnh âm u” đang gây ô nhiễm cho các thứ. Và nhất là nó được lồng trong một câu chuyện văn chương, trái nghịch những hình ảnh thời sự ném bừa bãi lên các màn hình. Chuyển tải bởi cái nhìn, thế giới quan, hơi thở của một nhà văn. Và chính cái đó đã in sâu vào tâm não chúng ta. Cái sức mạnh của hư cấu cho phép cơn ác mộng của một cá nhân đơn lẻ, McCarthy, trở thành của hàng triệu con người — các độc giả của ông.

 
----------------------
Nguồn: “Paysages de fin du monde”, Raphaëlle Rérolle, Le Monde des Livres, 25 tháng Ba, 2011.
 
 

_________________________

Ghi chú của người dịch:

[*]Sinh Lộ / “Con đường” tạm dịch nhan đề tiểu thuyết The Road của Cormac McCarthy. Bản tiếng Pháp: La Route [François Hirsch dịch]; bản tiếng Việt: Cha và Con [Thanh Nhã dịch].

Nguyên văn đoạn trích dẫn: “On the far side of the river valley the road passed through a stark black burn. Charred and limbless trunks of trees stretching away on every side. Ash moving over the road and the sagging hands of blind wire strung from the blackened lightpoles whining thinly in the wind.” (49 từ)
 
Bản tiếng Pháp: “De l'autre côté de la vallée la route passait à travers un brûlis totalement noir. À perte de vue de chaque côté de la route des troncs d'arbres carbonisés amputés de leurs branches. La cendre volante se déplaçant au-dessus de la route et dans le vent le grêle gémissement des fils morts tombant comme des mains flasques des poteaux électriques norcis.” [François Hirsch dịch] (62 từ)
 
Bản tiếng Việt: “Ở phía bên kia thung lũng, con đường chạy qua một vùng cháy đen. Những thân cây trơ trụi cháy thành than rải khắp mặt đường. Tàn tro bay là là mặt đất, những đoạn giây điện treo trên những cột đèn đen kịt đang rên lên trong gió. “ [Thanh Nhã dịch]
(49 từ).
 
Thiển nghĩ của người dịch: Sử dụng và liên hệ thảm hoạ ở Nhựt Bổn để ca ngợi một tác phẩm văn học tự nó không có gì để cho người đọc phải lên tiếng. Nhưng tổng quát hoá để suy luận và/rồi kích bác Hollywood (easy target) lẫn Ti Vi (mục tiêu dễ trúng) lại là một chuyện khác. Đó là cái nhìn chủ quan và hơi bị... cải lương. Bởi lẽ rất giản dị là có những phim Hollywood đen trắng về thiên tai/tận thế không Technicolor. Thí dụ: phim San Francisco (1936), một phim ca nhạc đen trắng kết thúc với trận động đất ở San Francisco năm 1906 (Clark Gable và Jeanette MacDonald đóng vai chánh, tôi xem ở rạp Long Thuận, Sài Gòn, trước 1954). Mặt khác, những người chưa đọc tác phẩm của Cormac McCarthy thì làm sao mà so sánh cảnh tận thế chưa tận thế ở Sendai và Fukushima với cảnh tận thế thực sự/hư cấu trong The Road? ngoài ra, phim The Road là phim màu, nên chắc cảnh tận thế cũng phải có tí màu sắc chứ? Tôi chưa xem phim The Road vì chưa có dịp, mặc dù đã “thủ” sẵn phim, nguyên tác, bản dịch Pháp và Việt vì tôi thích Cormac McCarthy. Bản thân tôi năm lên 16, 17 đã có một giấc chiêm bao “ngũ sắc”, giấc chiêm bao “màu” đầu tiên và rất hiếm hoi về sau: tôi chiêm bao thấy ngày tận thế... của vũ trụ, các hành tinh theo nhau nổ tung như pháo bông. Trong thực tế, thảm hoạ ở Sendai và Fukushima cũng... lộng lẫy màu sắc lắm chớ! Đồng hoá thiên tai, tận thế với cái “xám” là một thói quen, một “cliché” của văn chương “lười biếng”. Bởi vì. Xin trích dẫn Duras trong Hiroshima mon Amour:
 
NÀNG:
Tôi có xem phim thời sự.
Ngày thứ hai, Lịch Sử nói, tôi không bịa đặt, ngay từ hôm thứ hai, có những sinh vật có hình dáng rõ rệt đã vươn lên từ lòng đất sâu, từ các đống tro tàn.
Những con chó đã được chụp hình.
Cho thiên thu.
Tôi đã thấy chúng.
Tôi có xem phim thời sự.
Tôi có thấy chúng.
Từ ngày thứ nhất.
Từ ngày thứ hai.
Từ ngày thứ ba.
 
CHÀNG, ngắt lời nàng.
Cô không thấy gì cả. Không.
 
NÀNG:
... và ngày thứ mười lăm nữa.
Hiroshima lại ngập hoa. Khắp nơi toàn là hoa cúc lam, hoa lai-ơn, và hoa leo, và hoa nở ngày hồi sinh từ tro than với sức sống mãnh liệt phi thường, chưa từng thấy ở loài hoa.
(Ghi chú của Duras: Câu này gần như nguyên văn một câu của Hershey trong bài phóng sự tuyệt vời về Hiroshima.)
 
ELLE:
J'ai vu les actualités.
Le deuxième jour, dit l'Histoire, je ne l'ai pas inventé, dès le deuxième jour, des espèces animales précises ont resurgis des profondeurs de la terre et des cendres.
Des chiens ont été photographiés.
Pour toujours.
Je les ai vues.
J'ai vu les actualités.
Je les ai vues.
Du premier jour.
Du deuxième jour.
Du troisième jour.
 
LUI, il lui coupe la parole.
Tu n'as rien vu. Rien.
 
ELLE:
... du quinzième jours aussi.
Hiroshima se recouvrit de fleurs. Ce n'étaient partout que des bleuets et glaïeuls, et volubilis et belles-d'un-jour qui renaissent des cendres avec une vigueur, inconnue jusque-là chez les fleurs. (Duras: Cette phrase est presque textuellement une phrase de Hersey dans son admirable reportage sur Hiroshima.)
 
John Hersey (1914-1993) phóng viên và nhà văn Mỹ, tên thật là John Richard Hersey sinh tại Tientsin. Song thân là nhà truyền giáo. Như nhà văn Pearl Buck, Hersey nói tiếng Tàu trước khi nói tiếng Anh. Thiên phóng sự của ông về Hiroshima sau khi bị ném bom hạt nhân được đánh giá là phóng sự xuất sắc nhứt của thế kỷ 20 bởi một ban giám khảo gồm 36 người tại khoa Báo Chí của Đại Học Nữu Ước (New York University). Năm 1945 ông đoạt giải Pulitzer với tác phẩm truyện A Bell for Adono, “Một quả chuông nhỏ cho Adamo” (một ngôi làng ở Ý đã bị bom đạn tàn phá), sau đó truyện ấy được đạo diễn Henry King chuyển thành phim với tài tử John Hodiak và Gene Tierney (1945).
Tôi dịch bài này để tiếp tục dịch tác giả Raphaëlle Rérolle và nhứt là để “nhắc nhở” — qua lời ghi chú — các nhà viết tiểu luận và phê bình của ta hay sử dựng tổng quát hoá trong luận cứ và kết luận (bài viết của họ có ảnh hưởng không nhỏ đối với sinh viên/học trò trong ngoài cũng là độc giả trung thành và fan của họ).
 
 

-----------

Đã đăng:

Công tước Guermantes phu nhân trong goulag  (tiểu luận / nhận định) 
Có những cuốn sách vĩ đại hơn nhiều so với chính chúng — vĩ đại vô cùng, trong mọi trường hợp, hơn các trang giấy chứa đựng chúng. Những cuốn sách này, rất lâu sau khi đã đóng lại, mở ra trong tâm trí người đọc như những chất phóng xạ. Từ những con chữ, những tình huống, từ những suy tư mà chúng đã mô tả, nảy sinh một loạt các hình ảnh để hình thành một cuốn sách khác, một tác phẩm ẩn, song song với tác phẩm gốc. Một tác phẩm lạ kỳ, không liên tục, nhưng có thể mang đi khắp mọi nơi, ngay cả khi ra đi không hành lý — vào một trại tù, chẳng hạn... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường] (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021