thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Công tước Guermantes phu nhân trong goulag

 

Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường

 

Jósef Czapski

(1896-1993)

 

Có những cuốn sách vĩ đại hơn nhiều so với chính chúng — vĩ đại vô cùng, trong mọi trường hợp, hơn các trang giấy chứa đựng chúng. Những cuốn sách này, rất lâu sau khi đã đóng lại, mở ra trong tâm trí người đọc như những chất phóng xạ. Từ những con chữ, những tình huống, từ những suy tư mà chúng đã mô tả, nảy sinh một loạt các hình ảnh để hình thành một cuốn sách khác, một tác phẩm ẩn, song song với tác phẩm gốc. Một tác phẩm lạ kỳ, không liên tục, nhưng có thể mang đi khắp mọi nơi, ngay cả khi ra đi không hành lý — vào một trại tù, chẳng hạn.

Đó là trường hợp tác phẩm của Proust trong tâm trí một độc giả ngoại hạng tên là Joseph Czapski, một hoạ sĩ.

Sinh năm 1896 trong một gia đình quý tộc Ba Lan, Czapski đã đến với Đi tìm thời gian đã mất vào năm 1925. Trong bản tiếng Pháp, tất nhiên. Bị động viên ngay từ buổi đầu của thế chiến thứ hai, ông đã bị quân Liên Xô bắt nhốt trong trại tù Griazowietz, ở Nga. Tại đây, trong một tu viện cổ đã bị bom tàn phá hết phân nửa, 400 sĩ quan và binh sĩ Ba Lan được giao phó cho những công việc cực nhọc trong cái lạnh giá buốt của miền Siberia. Tuy nhiên, trong số những người lính gầy gò ấy - những kẻ đã may mắn thoát khỏi vụ thảm sát ở Katyn - một số đã tưởng tượng và nghĩ ra cách để chia sẻ với các bạn tù những kiến thức của họ trước khi có chiến tranh.

“Trong một căn phòng nhỏ chật ních bạn bè”, Czapski kể lại, “mỗi chúng tôi đã cố gắng nói về những gì mình còn nhớ rõ nhất.”

Đối với Czapski, đó là những bài thuyết trình về hội hoạ và văn chương Pháp, bao gồm một khoá thuyết giảng về Proust. Được miễn làm các công việc nặng nhọc, ngoại trừ gọt vỏ khoai tây và làm sạch chiếc cầu thang lớn của tu viện, người thầy bất đắc dĩ kia đã hồi tưởng. “Tôi được tự do hoàn toàn”, ông nhấn mạnh. “Tự do để kể lể cho các bạn trong tù, dồn cục dưới các bức chân dung Marx và Lenin giữa mùa đông năm 1941, những câu chuyện về bà công tước Guermantes, về cái chết của Bergotte[*] và tất cả những gì tôi còn nhớ về cái thế giới của những khám phá quý báu về tâm lý và cái đẹp của văn chương.”

 

Jósef Czapski - Chân dung tự hoạ

 

Biên soạn không một tài liệu để tham khảo, các bài thuyết trình này lúc đầu chỉ là những ghi chú, về sau được tác giả chép lại trực tiếp bằng tiếng Pháp. Chính văn bản này, cùng với các phiên bản những tranh phát hoạ nguyên tác, đã được in lại. Bằng một ngôn ngữ tuyệt vời, đầy tính chất sáng tạo, tuy có vài sai lầm nhỏ nhưng do đó mà lại càng thêm thú vị, Czapski không chỉ trình bày trọn vẹn nhiều tâm cảnh trong Đi tìm, nhiều giai đoạn về cuộc đời của Proust, nhiều phân tích sáng chói về quá trình sáng tạo, mà toàn bộ văn chương, nghệ thuật và triết lý, “nơi ngâm rễ của cảm giác sáng tạo của Proust.”

Kết quả là một cuốn sách tuy nhỏ nhưng mê hồn.[**] Trước tiên, là vì khi chúng ta hình dung những kẻ bị giam cầm gợi nhớ lại một tù nhân khác, Proust, tự giam hãm trong căn phòng lót liège quá nóng. Nhưng chủ yếu vẫn là trí nhớ, đề tài chính của Đi tìm thời gian đã mất, đã được vinh danh một cách quá tài ba, ngay cả khi tác giả đã khiêm tốn xin lỗi về một số sai lầm và phỏng chừng. Do vậy mà văn bản của Czapski đã toả sáng, linh động, còn “âm ỉ” mãi trong tâm trí của người đọc rất lâu sau khi đã đọc xong: một quyển sách tuyệt vời và một bằng chứng hùng hồn về văn chương có thể cứu rỗi.

 

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[*]Bergotte là một nhà văn nổi tiếng, có thể xem như là tuýp nhà văn lý tưởng và tiêu biểu trong Đi tìm thời gian đã mất, theo quan niệm của Proust. Nhà văn mẫu để Proust sáng tạo Bergotte có thể là Anatole France (1844-1924), đoạt giải Nobel năm 1921, được Proust ngưỡng mộ, và Paul Bourget (1852-1936) ngày nay không còn độc giả. Proust có thể đã ưu ái cuốn Sensations d'Italie (1891) của Bourget, một tác phẩm về du lịch và phê bình. Anatole France về sau đã bị nhóm Siêu Thực lôi ra xử án vì cách viết “trong sáng”, “hiện thực”, “duy lý” của ông. Đối với nhóm này, A. France là một cái “thây ma”.

[**]Cuốn Proust contre la déchéance (tạm dịch: “Proust để chống suy đồi”), nxb Noir sur Blanc, 93tr., 1987, Paris. Trang bìa:

 

 

--------------------
Nguồn: “La duchesse de Guermantes au goulag”, Le Monde des Livres, ngày 4 tháng Hai, 2011.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021