thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Internet là tặng vật Thượng Đế dành cho Trung Quốc

 

Bản dịch của Nguyễn Tôn Hiệt

 

LƯU HIỂU BA

(1955~)

 

Dưới đây là một bài viết của Lưu Hiểu Ba, nhà tranh đấu dân chủ của Trung Quốc vừa được trao giải Nobel Hoà Bình năm 2010. Lưu Hiểu Ba đã viết bài này năm 2006.

 

_____________

 

INTERNET LÀ TẶNG VẬT THƯỢNG ĐẾ DÀNH CHO TRUNG QUỐC

 

Hôm nay có hơn 100 triệu người sử dụng internet ở Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc vừa yêu internet, lại vừa ghét nó. Một đàng, internet là một công cụ để làm tiền. Đàng khác, chế độ độc tài Cộng Sản lại sợ sự tự do ngôn luận.

Internet đã làm nẩy sinh sự thức tỉnh của tư tưởng trong nhân dân Trung Quốc. Điều này làm chính quyền lo ngại, khiến họ xem việc ngăn chặn internet là công tác hết sức quan trọng để thực hiện việc kiểm soát ý thức hệ.

Tháng Mười 1999, tôi mãn hạn ba năm tù và trở về nhà. Ở nhà tôi có một chiếc computer và dường như tất cả bạn bè lui tới thăm viếng đều bảo tôi hãy sử dụng nó. Tôi đã thử một vài lần nhưng cảm thấy rằng tôi không thể viết được bất cứ cái gì trong lúc ngồi đối diện với một cái máy, và tôi khăng khăng tiếp tục viết bằng một cây bút mực. Nhờ sự thuyết phục và hướng dẫn đầy kiên nhẫn của bạn bè, dần dần tôi quen dùng computer và bây giờ tôi không rời nó được. Như một người viết để mưu sinh, và như một người đã tham dự vào phong trào dân chủ năm 1989, lòng tri ân của tôi đối với internet không thể nào tả xiết.

Tôi đã mất một tuần lễ để viết bài tiểu luận đầu tiên trên computer — dăm ba lần tôi tưởng như sắp bỏ cuộc. Nhờ sự cổ vũ của bạn bè, tôi viết xong bài ấy. Lần đầu tiên, tôi gửi một bài viết qua e-mail. Vài giờ sau, tôi nhận được thư hồi đáp từ biên tập viên. Điều này đã làm tôi nhận thức được sự kỳ diệu của internet.

Với chế độ kiểm duyệt ở đây, các tiểu luận của tôi chỉ có thể được xuất bản ở hải ngoại. Trước khi sử dụng computer, những bài viết bằng tay của tôi thì khó khăn để sửa chữa câu chữ, và gửi đi thì phí tổn cao. Để tránh cho những bài viết ấy khỏi lọt vào tay công an, tôi thường đi từ phía tây của thành phố sang phía đông nơi tôi có một người bạn ngoại quốc sở hữu một máy fax.

Internet làm cho việc thu thập thông tin, liên lạc với thế giới bên ngoài và gửi bài cho báo chí ngoại quốc được dễ dàng hơn. Nó giống như một cái siêu-động-cơ làm cho các bài viết của tôi bắn vọt ra khỏi một cái giếng. Internet là một kênh thông tin mà các nhà độc tài Trung Quốc không thể kiểm duyệt hoàn toàn; nó cho phép người ta phát biểu và thông tri, và nó cung ứng điều kiện để tổ chức những sự kiện bất ngờ.

Những bức thư ngỏ được ký tên bởi các cá nhân hay các đoàn nhóm là một phương cách quan trọng để người dân phản kháng chế độ độc tài và đấu tranh cho tự do. Bức thư ngỏ từ Vaclav Havel gửi đến nhà độc tài Husak của nước Tiệp là một ví dụ kinh điển về sự phản đối của người dân trước chế độ độc tài.

Phương Lệ Chi, một nhà bất đồng chính kiến nổi danh, đã viết một bức thư ngỏ gửi Đặng Tiểu Bình, lãnh tụ của Trung Quốc, để yêu cầu trả tự do cho tù nhân chính trị Ngụy Kinh Sinh. Tiếp theo đó là hai bức thư ngỏ, do 33 và 45 người ký tên. Ba bức thư ngỏ này được xem như dạo khúc cho phong trào dân chủ năm 1989, khi thư ngỏ nổi lên ào ạt như những măng mọc sau mưa để ủng hộ cho các sinh viên phản kháng.

Hồi đó, người ta đã tốn rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện một bức thư ngỏ. Những bước chuẩn bị đã bắt đầu trước đó một tháng; phải tìm cho được những người tổ chức để kết tập quần chúng. Chúng tôi bàn luận về nội dung của thư ngỏ, về câu chữ, về thời điểm, và mất vài ngày mới đạt đến sự đồng thuận. Sau đó, chúng tôi phải tìm cho được một nơi để đánh máy bức thư viết tay và sao ra thành vài bản. Sau khi văn bản ấy được xem lại cẩn thận, thì công việc mất nhiều thời gian nhất là thu thập chữ ký. Bởi vì chính quyền luôn canh chừng theo dõi đường dây điện thoại của những người nhạy cảm, chúng tôi đã phải cưỡi xe đạp đi khắp các ngả ở Bắc Kinh.

Trong một thời đại không có internet, thật là bất khả để thu thập chữ ký của vài trăm người, và cũng thật là bất khả để phát tán tin tức nhanh chóng ra khắp thế giới. Thời ấy, tầm ảnh hưởng của và sự tham dự vào các chiến dịch viết thư ngỏ thì rất hạn chế. Chúng tôi đã làm việc suốt nhiều ngày, và rốt cuộc chúng tôi chỉ kiếm được vài chục người ký tên. Những chiến dịch thu thập chữ ký trong thời đại mới này đã tạo ra một bước nhảy lượng tử.

Sự dễ dàng, mở rộng và tự do của internet đã giúp cho ý kiến của công chúng trở nên rất sinh động trong những năm gần đây. Chính quyền có thể kiểm soát báo chí và truyền hình, nhưng không thể kiểm soát internet. Những vụ tai tiếng bị kiểm duyệt qua phương tiện truyền thông bình thường, thì lại được truyền bá qua internet. Chính quyền bây giờ phải tiết lộ thông tin và các viên chức nhà nước có thể phải xin lỗi công khai.

Viên chức cao cấp đầu tiên đứng ra xin lỗi là Chu Dung Cơ, lúc đang là Thủ Tướng, vào năm 2001. Ông ta đã xin lỗi về một vụ nổ tại một ngôi trường khiến 41 người thiệt mạng. Cùng lúc ấy, dưới sức ép của ý kiến quần chúng trên internet, chính quyền đã phải trừng phạt các viên chức — về nạn truyền nhiễm hội chứng hô hấp cấp tính nặng, về những tai nạn hầm mỏ và về sự ô nhiễm của sông Tùng Hoa.

Internet có khả năng dị thường trong việc tạo ra những minh tinh. Nó không chỉ sản xuất ra những minh tinh văn nghệ giải trí, mà còn tạo ra những “anh hùng nói sự thật”. Nó đã cho phép một thế hệ trí thức mới nổi lên và nó tạo ra những anh hùng của quần chúng như bác sĩ quân y Tưởng Ngạn Vĩnh (người đã công khai cảnh báo về nguy cơ của nạn truyền nhiễm hội chứng hô hấp cấp tính nặng và buộc chính quyền phải hành động).

Các tín đồ Thiên Chúa giáo ở Trung Quốc nói rằng mặc dù người Trung Quốc không có ý thức tín ngưỡng, Thượng Đế vẫn không bỏ rơi nhân dân Trung Quốc khốn khổ. Internet là tặng vật Thượng Đế dành cho Trung Quốc. Nó là công cụ tốt nhất để nhân dân Trung Quốc thực hiện dự phóng xoá bỏ thân phận nô lệ và tranh đấu cho tự do.

 

 

---------------------------
Nguồn: Liu Xiaobo, “The internet is God's present to China”, báo Times, April 28, 2009.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021