thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tản mạn về Thơ và Nhạc

 

Một

Đề từ cho một album nhạc.

Mỗi ca khúc là một giấc mơ hữu hạn được cắt gọt và đóng khung trong âm vực giọng người và trong những xúc cảm người. Những giấc mơ hữu hạn làm tán loạn đời sống liên tục của chúng ta và làm hoài thai những giấc mơ khác, có lẽ còn hữu hạn hơn.

Nhưng không có những tập hợp hữu hạn ấy, chúng ta biết làm gì trước THỜI GIAN, dòng chảy tuyệt mù tăm tích này?

 

Hai

Lời dẫn thơ ... (Thư gửi con gái - Phan Linh Lan)

Đã có một thời hoàng kim của thi ca. Thi ca, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác, là những thông điệp cá nhân. Lúc ấy, thông điệp cá nhân có một tầm quan trọng lớn lao, thậm chí sống còn, đối với cộng đồng.

Giờ đây, chúng ta đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và chính điều này làm mờ nhạt vai trò của các thông điệp cá nhân. Con người cá nhân hoà tan trong cộng đồng, cộng đồng nhỏ hoà tan trong cộng đồng lớn. Cuộc truy tìm bản sắc - cả bản sắc cá nhân lẫn bản sắc cộng đồng – ngày càng trở nên vô vọng.

Quá trình đa dạng hoá các hình thái thông tin làm thi ca - những thông điệp tâm linh trong vỏ ngữ ngôn - trở nên quá khu biệt và cách vời đối với con người. Chính bởi ngôn ngữ cũng đang gánh chịu hậu quả của sự bùng nổ công nghệ thông tin, ngôn ngữ - với tư cách công cụ giao tiếp và thành quả phát triển văn hoá của cộng đồng - mất dần bản sắc để bị hoà tan trong một thứ “ngôn ngữ nhân loại” giàu tính kỹ thuật và thiếu tính nhân bản. Con người có xu thế thu hẹp hệ thống tín hiệu thứ hai là ngôn ngữ để có thể thích ứng với sự bùng nổ của các hình thái thông tin sử dụng hệ thống tín hiệu thứ nhất, phổ biến hơn, trực tiếp hơn, qua các kênh nghe-nhìn.

Mặt khác, thời hiện đại cũng đang khai triển một nền dân chủ thông tin, đó là khả năng lưu chuyển và truy cập các thông điệp cá nhân, dẫu các thông điệp này ngày một tạp loạn và nông cạn. Thi ca không còn là tài sản tinh thần có tính cách cộng đồng nữa mà trở nên cá nhân hơn, bởi thông điệp của nó mất dần tính phổ quát và trở nên khép kín. Một thông điệp thi ca đôi khi chỉ dành cho một số cá nhân thật ít ỏi, nếu không phải là chỉ dành cho chính tác giả của nó.

Chúng ta không còn đối diện với tâm hồn mình, bởi chúng ta không còn thời gian dành cho việc đó và nếu có thời gian, chúng ta cũng sẽ đối diện theo một kiểu thức được quy định sẵn bởi thói quen và sự bắt chước. Các vấn nạn tâm linh cũng trở thành một thứ thời trang. Thi ca có thể chết trong một sinh quyển tinh thần như vậy.

Trong một thời đại mà ánh sáng và năng luợng được khai thác, được tiêu thụ tràn ngập, kẻ rao truyền thông điệp thi ca - những thi nhân đích thực - giống như kẻ làm ra lửa ở thời đồ đá, gìn giữ ngọn lửa quí báu ấy một cách khó nhọc, thậm chí, một cách khổ nạn. Họ là những bệnh nhân tâm thần hoặc là những kẻ tiên tri mà các sấm vĩ không có lời giải.

Chúng ta có thể nhớ lại câu thơ của G.Apollinaire: “Hãy thương chúng tôi là những kẻ luôn chiến đấu trên đường ranh giới của Vô biên và của Ngày mai!”

 

Ba

Âm nhạc và ngôn từ trong ca khúc

Thơ và ca từ là hai loại hình khác nhau, dẫu rằng một số thơ có thể thành ca từ và ngược lại. Nếu xem ca khúc như một quang phổ thì ở vùng ultraviolet, chúng ta có thứ thơ "thuần tuý" mà bất cứ một sự bổ sung âm nhạc nào cũng dẫn đến nguy cơ làm hỏng vẻ đẹp của ngôn từ; ở cực bên kia là vùng extrarouge, chúng ta có thứ âm nhạc "thuần tuý" mà bất cứ một sự bổ sung ngôn từ nào cũng tai hại cho âm nhạc. Quãng giữa là ca khúc với vô vàn biến thiên của các phương trình kết hợp giữa ngôn từ và âm nhạc. Tuỳ từng ca khúc, tỷ trọng giá trị giữa âm nhạc và ngôn từ có thể là 1/9 hoặc 9/1 hoặc 5/5... Việc phổ nhạc cho một bài thơ có thể tạo ra một ca khúc hay nhưng đồng thời cũng có thể giết chết chính bài thơ đó.

Một cuộc hôn nhân hoàn hảo rất có thể huỷ diệt hoặc một người đàn ông ưu tú hoặc một người đàn bà ưu tú hoặc cả hai. Ngược lại thì khó khăn hơn, nghĩa là chúng ta không thể có một couple ưu tú từ sự kết hợp hai cá thể tầm thường, nhưng ít ra chúng ta cũng có một cuộc hôn nhân hợp lý. Sự hợp lý nhiều khi chẳng có chút giá trị nào, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật.

Bất chấp các khuynh hướng thị giác hoá hoặc thính giác hoá thi ca, thơ văn là thứ nghệ thuật của hệ thống tín hiệu thứ hai đặt cơ sở trên tính chất võ đoán và quy ước của ngôn ngữ. Việc phối kết hai hệ thống tín hiệu đòi hỏi sự "hy sinh" chưa chắc đã ít hơn sự tôn vinh lẫn nhau. Một tác phẩm hội hoạ đặc sắc có nguy cơ giảm giá trị nếu hoạ sĩ định đặt cho nó một cái tên có nghĩa. Thông thường, một cái tên làm người thưởng ngoạn thấy bức tranh "đẹp" hơn chính là vì bức tranh ấy không đủ đẹp. Trong chừng mực đó, có thể xác định một ranh giới rõ ràng cho thể loại ca khúc, với thi ca đã đành mà với cả âm nhạc nữa. Và như vậy - một ranh giới rõ ràng giữa thơ và ca từ, tức là những chuẩn thẩm mỹ khác nhau cho mỗi loại hình.

Dưới góc nhìn lý thuyết, một tâm thế đồng đại có thể mang lại cho nhà thơ và khúc tác gia cùng một khuynh hướng cách tân, nhưng cũng tiềm tàng khả năng phá huỷ sự kết hợp "truyền thống" vốn đã tạo nên hình thái ca khúc trong suốt lịch sử của thể loại này. Sẽ phải có một phương thức kết hợp khác giữa âm nhạc và ngôn từ, mà điều này không loại trừ sự cáo chung của chính khái niệm ca khúc như chúng ta đã có.

 

Bốn

Coda

Choàng tỉnh giữa giấc ngủ, đôi khi ta tiếc rẻ vì cơn mơ đẹp bị đứt gãy nửa chừng, nhưng ta còn tiếc hơn vì cũng khoảng thời gian ấy, khoảng thời gian ta chỉ mơ thôi, lẽ ra là một phần đời, một biến cố, một gặp gỡ, một cuộc tình mà ta đã có thể sống.

Các kiệt tác nghệ thuật gây nên trong ta nỗi tiếc nuối vì chúng đã làm lộ diện niềm hạnh phúc mà ta đã bỏ qua, đã quên lãng, đã mất mát hoặc không thể nào bắt gặp trong cõi hiện thực hữu hạn của đời người. Nghệ thuật triển khai những đường biên giới mênh mông của đời sống, dẫu đôi khi nó là sự trá hình.

Những đoá hoa rồi sẽ héo tàn sau các hôn lễ hay tang lễ.

Giấc mơ nào thổn thức trong trái tim con chó nhỏ theo sau cỗ xe tang cô quạnh của W.A.Mozart? - Có lẽ là một tình khúc đầy ánh sáng.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021