thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trịnh Sơn. Thơ. Cháy.

 

Thay lời tựa cho THƠ của Trịnh Sơn (nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2010)
 

 

Không sợ chết đâu
Không sợ nghèo đâu
Anh chỉ sợ một buổi sớm nào đó thức dậy và không biết gì nữa
Không nhớ gì nữa
Em của ngày vú cứa môi cong...
 
Không sợ đói đâu
Không sợ buồn đâu
Anh chỉ sợ phải nhoẻn môi cười khoe hàm răng vàng khói thuốc
Trước những hàm răng nhọn hoắt trắng hếu...
 

Không sợ chết, không sợ nghèo. không sợ đói, không sợ buồn, nhưng lại sợ nỗi quên, sợ một nụ cười gượng trước những hàm răng lang sói của con người.

Cái sợ và không sợ ấy của Trịnh Sơn đã khiến tôi bị cuốn hút ngay vào thơ anh. Ngôn ngữ mãnh liệt và cảm xúc bão táp trong thơ Trịnh Sơn làm tôi liên tưởng đến tiếng thơ sôi nổi của V. Maiakovski ngày nào.

Không khó gì khi ta muốn hiểu về những thông điệp trong thơ anh. Thơ Trịnh Sơn là những trang tự bạch về thân thế, về tình yêu, về những mối trăn trở xã hội và con người mà anh đang sống. Anh bộc trực, anh nhìn thẳng, anh không khuất tất với ai về những bộc lộ của mình. Như một ngọn hoả sơn đang thời kỳ hoạt ̣động, thơ anh cứ thế mà tuôn trào. 40 bài thơ, trên trăm trang giấy, anh đã viết trong mọi hoàn cảnh sống của mình suốt 8 tháng trời liên tục, để chúng ta có trên tay tập thơ này. Đã từ bao lâu chúng ta chờ đợi những con người trẻ với nhiệt huyết thơ ca như vậy đến với sinh hoạt thơ văn.

Với những thông điệp mở ngỏ trong thơ Trịnh Sơn tôi xin được yên lặng lắng nghe và chỉ xin có đôi nhận xét nhỏ về những biện pháp nghệ thuật mà anh đã dùng trong tập thơ. Cách nói, theo tôi, quan trọng hơn cả điều nhà thơ muốn nói.

 
Đứa bé tôi đứa bé chị tôi
Đứa bé ba tôi đứa bé mẹ tôi
...
Đứa bé đái dầm cả cuộc đời
Ướt võng ướt áo
Ướt lúm đồng tiền thanh xuân chị
Ướt mây trắng bay qua tóc mẹ
...
Anh tin trở lại
Tin trở lại từ xào xạc gió nắm đất mẹ chìm lưng biển
Tin trở lại từ ngọt đắng cánh tay em quạt mộ tình đầu
Tin trở lại từ nỗi sợ hãi khuya khuya vặn vẹo vòng vèo những giấc mơ
...
Giọt buồn giọt vui giọt cay giọt bùi giọt rưng rức giọt ngậm ngùi
 

Rất dễ bắt gặp những điệp ngữ anh hay dùng trong mỗi câu thơ, trong nhiều đoạn thơ. Anh không ngại nhắc đi nhắc lại một số từ tâm đắc trong suốt bài thơ để làm bật lên một nỗi day dứt, một điều đắng cay hay một niềm thống khổ.

Cách dụng ngữ này khiến người đọc dễ dàng tiếp cận với những điều đã ám ảnh trong anh.

“Cúi xuống, cúi xuống, thật gần” nhìn kĩ từng con chữ, Trịnh Sơn đã cho ta thấy nhiều điều thú vị:

 
Trôi thì trôi
Thuyền không quen luỵ cánh buồm
 

Từ “trôi” đến “luỵ”, từ con thuyền tới cánh buồm, anh đã lướt rất nhanh tới cái ý bất cần, khinh bạc vốn có của mình.

 
Vẫn tôi run bắn theo nhịp điện thoại rung
Vẫn phấp phỏng mồ hôi chờ giờ chảy xuống
 

Những giọt mồ hôi chờ giờ chảy xuống đã làm tôi liên tưởng đến bức tranh siêu thực về chiếc đồng hồ tan chảy (Sự dai dẳng của ký ức) của nhà danh họa Tây Ban Nha Salvador Dalí và tiếng chuông điện thoại đột ngột rung trong lúc chờ người khiến chúng ta cũng chợt cùng run bắn lên với Sơn!

 
Em bỏ lúa bỏ đồng sao còn trồng lên đời mình cụm lục bình tím bạc
 

Từ “bỏ” tới “trồng”, cách sử dụng từ phản nghĩa hết sức chính xác, thân phận của những thôn nữ miền Tây chợt thấy lênh đênh phiêu bạt như những cánh bèo đến những chân trời xa đầy bất trắc.

Hãy để ý tới sức nặng ngàn cân của hai động từ “ném” và “xé” trong hai câu thơ dưới đây. Nó liên hệ đến cả một sự nghiệp của một đời người đấy:

 
Anh vò nát ngàn câu thơ đói khát
ném vào lửa
- lửa tắt
Anh xé vụn tuổi hai mươi bệnh tật
ném vào em
- em khóc
 

Mang ngôn ngữ cụ thể đặt cạnh ý niệm trừu tượng, Trịnh Sơn đã khiến câu thơ mình viết trở nên có hồn tính, đầy sức thuyết phục:

 
Đêm lắc lư tôi không yên
Anh không tiếc bụm thời gian đã ném vào cuộc tình trắng
Thấy có ai bỏ rơi giấc mơ phải khom lưng cúi nhặt
 
Chúng nó tan thấm nhau rồi
Tan thấm nhau như nước thấm vào lửa như cá thấm vào muối
 

Táy máy chơi chữ, đôi khi, anh đã vận dụng kiểu thơ Xuân Hương như thế này khiến chữ nghĩa cũ đã mang lại một bộ mặt mới:

 
Mấy mùa đã với vơi vời vợi đau
Tỏng tòng tong xác pháo
Tay nỏn nòn non
 

Cũng có lúc Trịnh Sơn trở về khu vườn quen thuộc: thể lục bát; nhưng thơ khuôn khổ vốn không phải là điều thích hợp với con người anh, nên tôi thấy anh chỉ làm ít cuộc dạo chơi rồi thôi. Lối diễn đạt tự do mới là sở trường của anh.

Cho dù có phóng túng về ý tưởng tôi vẫn thấy anh lưu tâm rất nhiều đến âm điệu (ẩn giấu), đến sự xếp đặt số từ ngắn dài cho mỗi câu thơ, đến bố cục của toàn bài thơ và nhất là ở câu thơ kết.

 
Những câu thơ quá gầy
Như cuộc đời anh vậy
 

Đây chỉ là một cách nói thơ thôi. Trịnh Sơn không hề gầy trong thơ. Quặng mỏ ngôn ngữ của anh rất lớn về mặt tiềm năng và mới chỉ khai thác ở một tầng đầu. Phong phú về ngôn ngữ, rực cháy về ý tưởng, tôi tin Sơn sẽ đi rất xa trên con đường thơ ca.

 
Thơ bẩy đời lên và bẩy tôi lên
Áo em phơi Điểm Tựa
Tim em thắp lửa
Rộn ràng
Thơ
Cháy
 

Thơ mãi sẽ hừng hực bốc cháy như tuyên ngôn của anh. Tiếng thơ Trịnh Sơn sẽ vang lồng lộng với đất trời. Không lâu.

 

Trần Đình Lương
Sydney, tháng 1/2010

 

 

-------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021