thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Điên loạn

 

 

ĐIÊN LOẠN

 

Ngay cả những nhà thơ đã từng sống qua hàng chục mùa hè khắc nghiệt ở xứ Cochinchine vẫn cảnh tỉnh với mọi người là nên tránh xa điều đó. Và ở trường, người ta cũng cảnh tỉnh với chúng tôi là hãy tránh xa điều đó.

“Đối với chúng mày như thế là đủ rồi.” Ông hiệu trưởng nhìn chúng tôi trong khi ông đang đứng tựa lưng vào bức tường. “Đủ rồi đấy. Đối với chúng mày như thế là đủ rồi đấy.” Ông nói mà không thèm nhìn vào chúng tôi. Mỗi khi nói xong, ông lại nhìn xuống cái nĩa bằng bạc trên tay mình. Còn chúng tôi thì nhìn vào miệng ông. Một cái miệng rộng và một cặp môi đen sì vì thuốc lá. Chưa bao giờ thầy hiệu trưởng để máu dính lên mép mình bởi đơn giản thầy là một người cẩn trọng.

Chúng tôi thường nhìn vào cái nĩa bằng bạc trên tay thầy hiệu trưởng dù rằng ông đã cố giấu nó trong lòng bàn tay thô ráp của mình. Đó thói quen của chúng tôi, và cần phải nói lại rằng ngay cả những nhà thơ đã từng sống qua hàng chục mùa hè khắc nghiệt ở xứ Cochinchine vẫn cảnh tỉnh với mọi người là nên tránh xa điều đó.

Ở nhà thì các bà mẹ lại luôn đóng kín cửa và ca thán suốt ngày. Những bà mẹ đội khăn trên đầu và đi tất dưới chân ca thán suốt ngày. Họ nói: “Đủ rồi đấy. Đối với lũ mày như thế là đủ rồi đấy.” Mỗi khi nói xong, họ lại lận những cái nĩa bằng inox vào lưng quần của mình. Những chiếc quần rất ít khi được giặt. “Đừng bao giờ để máu dính lên miệng.” Những bà mẹ rít lên như thế khi nhìn cái dáng điệu thất thểu của chúng tôi từ trường trở về.

Chúng tôi thường tụ tập ở sân bóng vào mỗi buổi chiều. Chúng tôi đã có một số lượng nĩa cần thiết. Quý nhất là những chiếc nĩa bằng bạc mà chúng tôi đã cuỗm được từ văn phòng của thấy hiệu trưởng. Nghĩa là phòng của thầy có rất nhiều nĩa, thầy để chúng trong những chiếc túi làm bằng da trâu, đó là chưa kể tới những phòng khác trong khu hiệu bộ. Chúng tôi không còn hò hét man dại như trong những trận bóng trước đây. Ngược lại, bây giờ chúng tôi trở nên kiệm lời bởi đơn giản nhất ngay cả những nhà thơ đã từng sống qua hàng chục mùa hè khắc nghiệt ở xứ Cochinchine vẫn cảnh tỉnh với mọi người là nên tránh xa điều đó.

Khi cô giáo bước vào lớp thì chúng tôi đã khôn khéo để những cái nĩa của mình vào dưới những cuốn sách đã được lật ra sẵn từ trước. Cô giáo nói: “Đủ rồi.” Chúng tôi đồng thanh: “Đủ rồi, đối với chúng em như thế là đủ rồi.” Tiếng nói của chúng tôi đều răm rắp khiến cho cô giáo rất vừa lòng. Khi cô giáo cúi xuống nhặt phấn thì cái nĩa được giấu trong áo ngực của cô rơi ra ngoài. Đó là một chiếc nĩa bằng vàng. Chúng tôi chưa bao giờ được thấy một chiếc nĩa bằng vàng. Chẳng có một chiếc nĩa nào bằng vàng trong số hàng trăm chiếc nĩa của chúng tôi. Mắt chúng tôi tròn xoe. Rồi cô giáo nhặt chiếc nĩa lên và lại đút nó vào trong áo ngực của mình. Áo ngực của cô có màu đỏ tươi. Cô giáo lại đứng lên một cách nghiêm trang và nói: “Đủ rồi.” Chúng tôi lại tiếp tục đồng thanh: “Đủ rồi, đối với chúng em như thế là đủ rồi.” Tiếng đồng thanh của chúng tôi vang xa và điều đó khiến cho thầy hiệu trưởng gật đầu khi thầy đang ngắm nghía cái nĩa bằng bạc của mình dưới gốc một cây bàng cổ thụ. Lúc ấy trời đang mưa và chúng tôi cá với nhau rằng mưa sẽ làm ướt tóc thầy và thầy lại nghĩ tới cái điều mà những nhà thơ đến từ xứ Cochinchine đã cảnh tỉnh. Và sau đó khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ, những người đàn ông mang áo blouse trắng tiến vào sân trường. Họ đến để làm những việc nằm trong chương trình từ thiện của họ. Chúng tôi lại cá với nhau rằng đích thị trong những chiếc túi da họ mang theo là những chiếc nĩa bằng sắt hoặc có thể bằng đồng. Những người đàn ông mang áo blouse trắng nói một vài câu gì đấy với thầy hiệu trưởng rồi họ tiến vào khu hiệu bộ. Lúc ấy trời mưa nặng hạt hơn trước.

Những ngày sau đó, khi tụ tập trước sân bóng, chúng tôi luôn bàn tán về cái nĩa bằng vàng của cô giáo. Chúng tôi cho rằng đó là một cái nĩa độc nhất vô nhị. Một cái nĩa khá dài và nhọn. Những chiếc răng của nó có thể cắp vào rất sâu và lướt đi rất nhanh trên da thịt. Mắt chúng tôi đỏ ngầu lên khi nghĩ rằng cái nĩa bằng vàng đó đang đâm vào bầu vú bên phải của cô giáo.

Trên đường, ngay tại nơi có những cái mô đất hình nấm mộ chúng tôi đụng phải người đàn ông đi bán nồi đất nung. Anh ta chất hàng trăm cái nồi đất trên một chiếc xe đạp cũ có dàn bằng tre. Khi chúng tôi đụng vào xe người đàn ông thì những cái nồi đất vỡ ra và chúng tôi thấy những cái nĩa bằng sắt văng ra từ những cái nồi đất vỡ. Người đàn ông luống cuống nhìn trước nhìn sau bằng một cặp mắt màu máu rồi thì thầm với chúng tôi rằng: “Đừng để máu dính trên miệng.”

Chúng tôi trói cô bé cô mái tóc đen bằng những sợi dây thừng mà chúng tôi đã cuỗm được ở chợ. Lúc đó là vào cuối buổi học. Chúng tôi làm việc đó một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp. Đó là một cô bé ít nói nhất lớp. Chúng tôi đặt cô bé lên trên một chiếc bàn ở cuối phòng học. Cô bé tưởng rằng đó là một trò chơi mới của chúng tôi nhưng thực ra đây là một việc làm rất cũ. Thậm chí nó đã trở nên nhàm chán đối với chúng tôi. Tới lúc nhận ra sự nghiêm trọng của vấn đề thì cô bé giãy giụa điền cuồng và thét lên, sau đó thì cười sặc sụa.

Lúc những chiếc nĩa của chúng tôi bắt đầu lướt trên hai con mắt của cô bé thì thầy hiệu trưởng và cô giáo bước vào lớp. Khi nhìn thấy cái nĩa vàng và cái nĩa bạc trên tay của hai người thì chúng tôi trở nên phấn khích rồi hò hét và nhảy múa điên loạn.

 

 

 

----------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021