thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
“much ado about nothing”
 
Дo TpyH КЮaH [*]
 

"much ado about nothing”[1]

 
bốn giờ truyền hình trực tiếp[2]
dành cho một chuyện cực khiếp:
ca tụng tình thầy trò việt-nga – tức liên xô hôm qua
bốn tiếng đạo nghĩa sáng ngời
bốn tiếng tuyệt vời tôn sư trọng đạo
quá tốt
 
nhưng có điều này chướng lắm:
những bài ca tâng bốc nước nga
tha hồ thi đua mọc cánh
cứ như không có nền giáo dục “made in russia”
không cách gì có văn chương có giáo dục việt nam
 
tôi có ông thầy mỹ xộc xệch áo quần
mỗi trưa mỗi chiều ngồi vỉa hè ăn cơm bụi
dạy tiếng anh cho lũ trẻ đường phố
tôi có cô giáo nhật
líu lo mushi mushi dạy tiếng nhật cho lũ trẻ khuyết tật
tôi có ông thầy việt nam quanh năm quanh quẩn trong
           cái chuồng bồ câu tầng ba
ông dạy cho năm ba chuyện nhỏ
chỉ để làm loãng cái ba hoa trong dòng máu anh hùng
để khi mở sách ra
ta không phải mò như xẩm
không dám dạy tôi thành người – ông bảo
thành người chỉ có ta dạy ta
 
tôi nghe tập thể những tiếng quạ kêu
chợt nhớ tới cái nhà ở ngay ngã ba đề thám
giờ này nếu có ai quên phát triền đồng bộ
có lẽ mồ hôi ngoại bang của anh côn đồ / và anh đít[3]
vẫn còn thấm đậm trên nền xi măng
nghe nói là chỗ ngả lưng của các chú bé đánh giày
 
tôi có cả một lố thầy
nhưng không vị nào đòi tôi bốn tiếng
ầm ĩ xí xồ trên truyền hình ta
cứ như vì thế mà cả nước ai ai cũng đã hiểu tiếng nga
 
thề có giời!
tôi vẫn dốt lắm
tôi vẫn không hiểu
thề có giời!
cái tôi hiểu – huhu
chỉ là một lời nhắn:
không có nền giáo dục của chúng ông đây
(chỉ chúng ông mà thôi)
chúng mày tất một lũ vô giáo dục
 
 
_________________________

[*]Tên tiếng “Nga bồi” của Đỗ Trung Quân.

[1]Tên một vở kịch của Shakespeare.

[2]“Thầy trò ngày gặp lại” – VTV3, 17.1.-2010

[3]Nơi hai thanh niên Kondo Noboru / Dick Hughes “nằm đất” đùm bọc dạy dỗ các trẻ đánh giày ở Saigon trước đây. Anh Dick tốt nghiệp Kịch nghệ ở Đại học Tulane trước khi qua Việt Nam.

 
 
 
----------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021