thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Võ Đình, người chưa gặp

 

Một lần tôi viết, có những nhà văn tuy chưa gặp nhưng đọc họ cảm thấy rất gần gũi, nghĩ về họ như những người bạn tài năng, tin cậy, hiểu biết. Ngược lại, có những kẻ chưa gặp nhưng đọc thứ văn chương uốn éo, khoe mẽ của họ chỉ cầu mong đừng bao giờ phải tình cờ đụng mặt, ăn nhậu sẽ mất vui.

Trong đời, tôi chỉ dăm ba lần chủ động viết thư làm quen văn nghệ sĩ. Không phải tôi hay ho gì, mà thật ra vì tôi rất ngại ngùng, và thấy cũng không cần thiết.

Võ Đình là người tôi đã viết thư làm quen. Đó là năm 1997, tôi đang học văn chương ở đại học UCLA. Một lần cần tiểu sử một tác giả Mỹ, tôi lên thư viện tìm danh mục Contemporary Author. Lúc đó Contemporary Author đã gồm khoảng 200 tập, muốn tra trước tiên phải xem qua cuốn Index, trong đó chỉ in tên tác giả và cho biết tiểu sử của họ ở tập sách số mấy. Tôi thử dò tìm trong Index những cái họ Việt Nam như Nguyễn, Trần. Lê... nhưng thất vọng thấy chẳng có mấy người. Họ Nguyễn phổ biến nhất chỉ ghi duy nhất tên ông Nguyễn Ngọc Huy. Xem đến họ Võ, thấy tên Vo-Dinh Mai (Võ Đình), cho biết tiểu sử ghi ở tập 53. Lần lượt đọc qua tiểu sử các tác giả gốc Việt, tôi “kết” Võ Đình nhất. Lúc đó tôi chưa đọc tác phẩm nào của Võ Đình, tôi thích ông chỉ vì hai lý do: ông là một nghệ sĩ sáng tác chuyên nghiệp, và quan trọng hơn, ông là một nghệ sĩ người Việt đã sống và sinh hoạt trong môi trường nghệ thuật ngoại quốc hơn bốn mươi năm, từ Âu sang Mỹ. Là người mới đến Mỹ chỉ vài năm lại “đua đòi” học văn chương Anh Mỹ, lúc đó cuộc sống sinh viên của tôi khá buồn phiền. Tôi cảm thấy lạc lõng và mệt mỏi vì những cố gắng hội nhập. Một nghệ sĩ như Võ Đình chính là người tôi muốn được hỏi chuyện. Tôi muốn biết ông có trải qua những xung đột văn hóa như tôi không, và làm thế nào để vượt qua chúng, làm thế nào để sống và sáng tác như một người nhập cư ở Mỹ. Tôi viết cho ông một lá thư dài, viết tay, vì lúc đó tôi đánh máy rất chậm. Tôi không nhớ rõ chi tiết bức thư, nhưng đại khái “tâm sự” khá nhiều. Tôi cũng viết tôi nghĩ nghệ sĩ thế hệ của ông thì “cliché” hơn thế hệ tôi bây giờ. Dĩ nhiên nói vậy ẩu, lẽ ra không nên. Ít lâu sau tôi nhận thư của Võ Đình, đâu khoảng hơn trang, lời lẽ ấm áp nhưng chừng mực, ông trả lời một số thắc mắc của tôi, nhưng không chi tiết lắm.

Từ đó, có thể tạm nói tôi quen biết Võ Đình, thỉnh thoảng thư từ qua lại, dạo sau bằng email. Cách đây vài tháng tôi viết email thăm ông nhưng không thấy trả lời, sau nhận được hồi âm từ vợ ông, bà Trần Thị Lai Hồng, cho biết sức khỏe ông không tốt, bà phải đọc thư từ và làm “thư ký” cho ông.

Tôi vẫn tự hứa sẽ đi thăm Võ Đình. Tôi có nhiều chuyện muốn hỏi ông. Tôi nghĩ ông đã sống một cuộc đời tinh thần thật phong phú, trải nghiệm sâu sắc những khác biệt văn hoá và nghệ thuật Đông-Tây. Ông là người đi thật xa, nhưng cũng rất Việt Nam. Trong những email Võ Đình gởi, thỉnh thoảng ông so sánh đời sống của ông với lối sống ở Việt Nam. Trong email ngày 18 tháng 2 năm 2005, nghe tôi nói mong có dịp xuống thăm, ông viết: “Anh chị ở một nơi hơi “trẹo đường”, khó đến, khó đi. Nếu em đến được thì cho anh chị biết. Anh chị sống giản dị, ăn cơm nhiều rau, ít thịt cá, (lối VN cũ)”. Năm 2004, Florida bị bão, trong email ngày 11 tháng 9, ông viết: “Vùng anh ở đang bị bão (...) Vừa sống qua 5,6 ngày không có điện, nước. Như ông bà mình 60 năm về trước ở VN.”

Tôi mong có dịp gặp Võ Đình để hỏi thời trẻ tuổi ông đã mộng ước gì cho riêng ông và cho nghệ thuật Việt Nam, và hôm nay sau bao nhiêu năm nhìn lại, ông có hạnh phúc với con đường sáng tạo ông đã đi qua. Nhưng trên hết, tôi muốn nghe những mẩu chuyện từ đời sống ông, những năm 60 ở châu Âu, những năm dài ông sống lặn hẳn vào thế giới của người bản xứ, và nhất là những chuyến trở về Việt Nam hiếm hoi của ông. Ông đã viết rất tha thiết cảm giác gặp lại quê hương trong truyện ngắn “Chiếc Vòng”:

“Chúng tôi vượt qua cầu Trường Tiền, qua đường Trần Hưng Đạo (nay không còn hai hàng phượng vĩ nữa), về cửa Thượng tứ. Cửa thành đã mất thượng lầu trong vụ Mậu Thân, và người ta đã thay thế vào một thứ lô-cốt tròn, ngắn, một cái pháo đài thấp lè tè. Cửa thành cổ kính, rêu phong loang lổ, sừng sững trong nắng trưa như một người phong hủi đầy mình; đầu đã bị chặt cụt, chỉ còn cái cổ ngắn trên hai vai ngang. Xúc động, tôi vội cuối xuống. Và tôi đứng lặng người. Dưới cạnh chân tôi là một vũng nước nhỏ (sáng ấy có mưa), đường kính không quá hai ba gang tay. Mặt nước phản chiếu một tí trời, một tí mây. Nhưng vũng nuớc ấy cũng là vũng nước tôi đã nhìn xuống bao nhiêu lần trên hai mươi năm về trước mỗi lần đi học ngang qua đấy. Góc đường quen thuộc ấy,lề đường lở lói, góc cây cằn cỗi ấy. Tôi đi xa một phần tư thế kỷ mới về, mà vũng nước nhỏ bé ấy vẫn còn nằm nguyên đó, không bốc hơi biến mất, không xê dịch, không lớn hơn hay nhỏ hơn. Lý trí đối với tôi lúc ấy hoàn toàn vô giá trị: vũng nước ấy chính là vũng nước của ngày tháng xa xưa, và tôi lại nhìn thấy nó! Nó không thay đổi, mà tôi cũng không đổi thay. Tôi nhìn vũng nước nhỏ bên lề đường, rưng rưng nước mắt” [*]

Tôi đã rất muốn gặp Võ Đình, nhưng tôi không cố gắng làm bất cứ điều gì để mong muốn của tôi thành tựu. Tôi chỉ nghĩ rồi ngày nào đó sẽ có dịp, có lẽ tôi sẽ đi công tác ở Florida, có lẽ tôi sẽ đưa con tôi đi chơi Disney World, sẵn dịp ghé thăm ông. Tôi cứ đợi dịp, và bây giờ thì không còn dịp nào nữa.

Chờ đợi là một cách để người ta tích tụ hối tiếc trong đời.

 

5 tháng 6, 2009

 

_________________________

[*]Xứ Sấm Sét. Võ Đình. Tập truyện. NXB Văn Nghệ, California 1987. Trang 70.

 

 
Tấm thiệp làm bằng tay Võ Đình gởi tôi năm 1998 khi nhận được tập thơ Thiên Đường Chuông Giấy. Lúc đó tôi viết thư đề "kính gởi nghệ sĩ Võ Đình", ông bảo gọi là "chú", sau cho phép gọi "anh". Tấm thiệp làm từ một tờ giấy in dày, gấp lại làm bốn, bên trái dán một tranh mộc bản nhỏ.

 

[Bài viết này đã đăng lần đầu tại blog văn chương LITVIET]

 

 

---------------------------------------------------------------------

Những bài tưởng niệm Võ Đình đã đăng trên Tiền Vệ:

06.06.2009
[TƯỞNG NIỆM VÕ ĐÌNH (1933-2009)] ... Trong văn giới Việt Nam ở hải ngoại, đặc biệt, thuộc thế hệ trưởng thành và cầm bút trước năm 1975, tôi đánh giá cao Võ Đình. Tôi xem ông là một trong những cây bút tiêu biểu nhất của nền văn học Việt Nam ở hải ngoại sau năm 1975... (...)
 
05.06.2009
Fong-cách Võ Đình (Mai)  (truyện / tuỳ bút) - Nguyễn Quỳnh
[TƯỞNG NIỆM VÕ ĐÌNH (1933-2009)] ... Võ Đình là một người ngiêm-ngị, rất chọn lọc, trong ngệ-thuật cũng như trong cuộc đời. Anh thẳng-thắn và cũng rất điệu, có tài ngâm thơ và uống rượu, nhưng nhất định không ngồi chung với tiểu-nhân. Anh cho tôi là người hết sức xã-jao (diplomatic), rất khác với anh. Nhưng chúng tôi là bạn... (...)
 
02.06.2009
[TƯỞNG NIỆM VÕ ĐÌNH (1933-2009)] Là một tên tuổi lớn của văn học và hội hoạ Việt Nam hải ngoại, nhưng tiểu sử của Võ Đình vốn được đăng trên một số tuyển tập và bìa sách của riêng ông, lại khá sơ lược. Ở đâu cũng có vài chi tiết khá giống nhau: Tên thật: Võ Đình Mai; năm sinh: 1933; chánh quán: Thừa Thiên; du học tại Pháp: từ thập niên 1950; định cư tại Mỹ: từ đầu thập niên 1960; triển lãm cá nhân: hơn 40 lần; tác phẩm sáng tác, dịch thuật và minh hoạ: cũng khoảng 40. Đại khái thế... (...)
 
Ðọc Võ Ðình  (tiểu luận / nhận định) - Nguyễn Hưng Quốc
[TƯỞNG NIỆM VÕ ĐÌNH (1933-2009)] ... Ở Việt Nam, Võ Đình không phải là người duy nhất sử dụng kỹ thuật hiện thực thần kỳ nhưng không chừng ông là người đầu tiên: truyện “Xứ Sấm Sét” của ông được sáng tác từ năm 1978... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021