thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chầm chậm cũ kỹ

 

(Từ đó tôi chìm dưới mênh mông — TCS)

 

Không hiểu chuyến xe bắt đầu từ đâu tới và sẽ đi tiếp tới nơi nào. Nhưng nó đã vứt tôi lại ở một khúc cao trên đồi, ngay khi sương mù vừa chạm mặt. Những ngôi nhà nằm rải rác trong bụi, với mái lợp rạ và tường được tạo thành bởi bùn đang khô cong với trăm ngàn nứt nẻ. Năm đó, có lẽ tôi mười ba.

---

Một ngày, chúng tôi đi qua những cây cầu lều bều trên đám bèo Nhật Bản cao ngút mặt, không thể nhận ra nổi nơi mình đã từng sống. Chỉ duy nhất bụi tre ấy còn. Một sớm mùa đông, người nhà T tìm thấy cậu ở giữa bụi tre ấy, gai tre để lại những vết xước rướm máu tươi lạnh trên tay, trên mặt cậu — những nơi không có áo quần che lấp. Cậu vẫn đang ngủ rất ngon, nước dãi nhểu ra bên mép trái. Người cha cõng cậu trên lưng, mang về nhà và đặt cậu lại vào giường. Buổi chiều cậu thức dậy, mỉm cười và không nhớ gì cả.

T hay đi học muộn vì như thế. Khi cậu tới lớp, ngồi cạnh tôi, tôi thường hỏi tại sao lại có những vết xước như vậy. Cậu trả lời không biết. Tôi hỏi cậu có đau không. Cậu bảo chẳng đau chút nào. Những vết xước mới chồng lên vết xước cũ đã thành sẹo. Những cái sẹo non mau chóng mờ đi.

Một ngày, T không còn tới lớp nữa. Tôi đợi mãi, không thấy dáng cậu cao gầy với đôi mắt sáng trong rực rỡ cúi đầu xin phép cô cho vào lớp. Cậu là đứa học trò duy nhất không bao giờ cô giáo mắng vì tội đi muộn. Không hiểu vì đâu có sự thiên vị này. Sau đó, cậu ấy không bao giờ còn tới lớp được nữa.

---

Bác tôi đón tôi nơi đầu dốc. Bác đeo một chiếc radio nhỏ màu trắng đục trước ngực. Bác có những ngón tay rất gầy. Khi bác nắm tay và dắt tôi đi vào xóm, tôi cứ ngỡ mình đang nắm vào một cành cây có rất nhiều nhánh nhỏ. Tôi ở trong ngôi nhà của bác, trước mặt có mảnh sân chăng ba dây phơi làm từ thép buộc chênh vênh cao thấp giằng nhau bởi ba chiếc cọc tre. Cả sân, cả tường và nền nhà, tất thảy đều làm từ đất.

Ngày ấy, nhà nối nhà, không có hàng rào. Bác tôi trồng một hàng rau ngót để tách căn của mình với nhà bên trái, một hàng mùng tơi để tách căn của mình với nhà bên phải. Bác dặn tôi chỉ được chơi giữa hai hàng rau trong lúc bác không có ở nhà.

Buổi sớm sau khi dậy và buổi chiều sau khi đi làm về, bác bật chiếc radio có vỏ nhựa màu trắng, dùng một ngón tay gầy guộc nào đó di di trên nút nhận sóng, cho tới khi nghe sột soạt có tiếng nhạc, lạo xạo rồi trong dần. Buổi sớm và buổi chiều sương đều giăng, lạnh buốt. Con mèo nhỏ không có tên chạy ra chạy vào kêu ngheo ngheo.

Năm đó, có lẽ tôi mười ba.

---

Một buổi đêm, T tìm tới nhà tôi. Cậu đứng ở ngoài ngõ, mặc cho con chó nhà bên sủa dữ dội. Mẹ tôi ra mở cổng, hỏi ai đó. Cậu không trả lời. Đèn pin soi đến tận mặt, cậu vẫn đứng dựa vào bụi ô rô và ngủ, nước dãi vẫn nhểu ra bên mép trái.

T không biết mẹ đã xin cô chủ nhiệm đổi chỗ ngồi cho tôi. Và mẹ không biết ở lớp, T chẳng chơi với ai ngoài tôi cả. Cô giáo không có cách chi tách hai đứa chúng tôi ra. Vì T chỉ biết một điều duy nhất, hễ bước chân vào lớp là sẽ tìm tới chỗ bên tôi để ngồi.

Thực ra, chẳng có ai chơi với T ngoài tôi cả.

---

Bác dặn tôi không được đi xa. Nhưng bác có dặn hay không dặn thì điều ấy không gì quan trọng. Tôi không có nhu cầu đi đâu, cũng chẳng muốn gặp gỡ ai. Tôi chỉ thích ngồi trong bếp. Khi tôi đốt bếp, nghe tiếng gỗ kêu lép bép, những mảnh lửa nhen nhóm dần đỏ rực lên và con mèo không tên dụi vào mắt cá chân, tôi nghĩ, mình chỉ cần có vậy.

Từ trong căn bếp nhìn ra phía đằng sau, gặp ngay một cánh núi chặn trước mặt. Và lúc nào cũng nghe tiếng nước chảy, như từ một con suối đâu đó.

---

Tôi đã từng tới nhà T chơi nhiều lần. Một căn nhà hai tầng, mái bằng. Hồi ấy, phải là gia đình giàu có lắm mới có thể xây được một căn nhà như thế.

T đón tôi ở cổng, cánh cổng bằng sắt uốn hình những bông cúc vạn thọ, được sơn màu vàng. Nền nhà được lát hình bông cúc vạn thọ màu xanh. Phòng T ở trên gác, những thanh lan can rất cao, cao tới tận ngực T. Tôi đứng chỉ thò được đầu ra một chút xíu.

T có một cái đài Sony màu đen hình chữ nhật, hai bên có hai loa gắn liền bọc vải màn đã bắt đầu sờn. T có những băng nhạc chúng tôi nghe cùng nhau mãi không biết chán. Có những bài sôi nổi không để chúng tôi yên, chúng tôi vừa nhảy vừa cùng nhau gào lên rát cổ. Có những bài chúng tôi lại thì thầm hát, mỗi đứa một lời. T có một giá sách đầy những quyển thơ Puskin, Tagore,… với trang bìa bao giờ cũng là lời đề “Tặng con trai yêu quý của ba mẹ”, một mùa đông, mùa xuân, mùa hè, mùa thu năm 197… nào đó.

Chúng tôi chẳng nói chuyện gì nhiều, chỉ thi thoảng hát theo nhạc còn phần lớn thời gian mỗi đứa vùi đầu vào một quyển sách, trong lúc nhạc được bật rất lớn. Khi một mặt băng chấm dứt, một cái nút trên đài sẽ tự động nhảy lên, kêu “tách” khiến chúng tôi giật mình. Rồi T hỏi tôi thích nghe tiếp thế nào, và cậu tráo mặt hoặc thay băng mới.

Những băng nhạc trên kệ chúng tôi nghe quen thuộc tới nỗi, sau này, chúng tôi không còn giật mình nghe tiếng “tách” ấy nữa. Và T cũng chẳng buồn hỏi tôi nên nghe tiếp băng nào nữa.

---

Buổi tối ở trên núi, người ta đi ngủ rất sớm. Chỉ sau bữa cơm tối chừng nửa tiếng tới một giờ. Nhưng đối với bác, chỉ khi đài phát thanh dừng bài hát cuối cùng. Bác hay ôm cả chiếc đài đi ngủ. Buổi sớm dậy, việc đầu tiên làm là với tay bật đài. Bác nhìn chiếc đài với đôi mắt âu yếm nhân từ không tả nổi, có lúc lại tràn đầy yêu thương. Đôi khi bác độc thoại với chiếc đài, khe khẽ hát trước cô ca sĩ trong những bài quen thuộc hay ậm ừ theo một đoạn cao không lên nổi.

Hồi nhỏ, thi thoảng mẹ hay dắt tôi lên chơi với bác vào những mùa hè. Bác tôi ở một mình, chăn màn cả năm không giặt. Khi mẹ lên chơi, mẹ thường lôi hết đống chăn màn ra giặt giũ, phơi phóng. Lần nào giặt, những chậu nước cũng đen kịt. Mẹ thường lầm bầm trách bác trong khi kéo hết gầu này đến gầu nọ nước từ dưới giếng trước sân lên.

Hồi nhỏ, mỗi lần lên nhà bác chơi, tôi thường cặp bạn với cái T, một đứa trong xóm trạc tuổi tôi. Nhà nó làm đậu phụ, bán ở chợ đầu dốc. Cái T da rất trắng, tóc dài đen nhánh. Cùng tuổi tôi nhưng trông nó người lớn hơn nhiều. Tôi thích ra chợ, ngồi cùng nó khi nó bán hàng. Nó nhanh nhẹn, lẻo mép nên hàng nó lúc nào cũng đông. Chưa hết phiên chợ chiều, nó đã bán hết cả mấy xô đậu phụ. Sau khi tính nhẩm số tiền, dư ra, bao giờ nó cũng mua mấy bắp ngô luộc hay miếng dưa hấu cho tôi cùng ăn.

Mùa hè năm tôi lên mười tuổi, tôi và cái T ngồi trong sân nhà bác tách những hạt ngô ra rá. Chúng tôi định làm bánh ngô. Rồi cái T quăng chiếc gầu dây vào trong lòng giếng. Chiếc gầu nước nặng lôi cả nó vào đó.

---

T không có anh chị em nên bố mẹ cưng chiều cậu hết mực. Mẹ cậu trước làm giáo viên dạy ở một trường gần nhà, nhưng từ khi bố cậu đi tàu viễn dương, bà nghỉ làm. Bà là một người phụ nữ đẹp lạ kỳ. Sau này, nhiều lần trong những giấc mơ của mình, tôi gặp lại bà mà không thấy T. Tôi thường thấy bà, với một búi tóc to nặng sau gáy, tóc trước trán được cuộn hết lên, để lộ đôi mắt to sâu với hàng mi cong dài. Môi bà lúc nào cũng được tô son đỏ rất cẩn thận, đông cũng như hè. Một chiếc khăn mỏng choàng điệu đà quanh cổ — cần cổ cao kiêu kỳ.

Mỗi lần tôi tới nhà, bao giờ cũng đích thân mẹ T ra mở cổng. Bà thích được dừng lại dăm ba phút, ngắm nhìn tôi và thân mật dắt tay tôi vào. Đôi khi trong lúc chúng tôi ngồi chơi cùng nhau, bà mang lên một ít bánh ngọt, cử chỉ chăm bẵm hết mực. Có lần, T chỉ một tấm ảnh đen trắng treo trên tường, hỏi tôi, có nhận ra ai không. Tôi lắc đầu. Tấm hình có khuôn mặt bụ bẫm, tròn xinh với đôi mắt to sâu. T bảo, tôi có khuôn mặt của người ấy, người ấy là mẹ T.

---

Nhắm mắt đi tôi có thể va vào hàng mùng tơi hay rau ngót, nhưng loay hoay thế nào cũng tới chỗ cái giếng bị lấp. Bác đã cẩn thận trồng thế vào đó một cụm xương rồng. Cụm xương rồng đã lên cao gần đầu người, những chiếc gai thâm đen theo thời gian.

Không ai có thể tới gần đó.

Tuổi thơ là những tháng ngày điều gì cũng quên nhanh biệt. Nhưng cái giếng lấp đi vẫn để lại trong tôi một lỗ hổng lớn.

Ngay dưới hai cái cọc tre phía tay phải này, ngày ấy là cái giếng nơi cái T đã cùng gầu nước nặng ngã vào. Tôi không kêu nổi một tiếng. Vì điều ấy, không ai trong xóm nhỏ sau này còn chơi với tôi. Cả nhà cái T không ai còn nói “hai chị em nó cứ như một cặp sinh đôi”. Một người đàn ông trung niên lần theo những bậc gạch được đặt so le một cách cố ý trong lúc làm giếng, giờ đã trật rêu lần mò trèo xuống cho tới khi nghe có tiếng nước óc ách. Họ đưa cái T lên, tóc nó dài đến bụng, bám riết ướt rượt như rêu phủ. Bác giật cánh tay tôi lôi ra khỏi đám đông đang bám xung quanh giếng nước. Chiếc gầu đã bị quăng đâu mất, chỉ sợi dây tời nát bị đứt khúc còn loằng ngoằng bò trên sân như một con rắn nhỏ.

Ngày hôm sau, bác gửi tôi lên một chuyến xe khách xuôi về nhà.

---

T nói gần đây cậu cảm thấy điều gì lạ lẫm. Có một thứ cứ nóng như lửa đốt ở bên trong cậu, thôi thúc cậu. Lúc nào cậu cũng muốn bước đi. Nhưng không biết phải tới nơi nào. T bảo, có lẽ cậu sợ ma. Tôi hỏi, ma ở đâu, việc gì phải sợ? T bảo, ma ở trong nhà. Tôi bảo, làm gì có ma, đừng sợ! T nói, ma lục cục suốt đêm, T không ngủ được. Tôi bảo, T không ngủ được nên T tới nhà tớ à? T nói, T không nhớ.

Nhà T ở một trong những cây cầu lều bều trên đám bèo Nhật Bản ấy. Gần đây về lại, tôi không còn nhận ra đó là cây cầu nào trong số hàng chục cây cầu nối từ đường chính vào khu nhà bên kia đường. Cây cầu nào cũng thế, bằng xi măng, xám xịt, thấp tè và hẹp chỉ đủ một người một xe đi qua.

Một buổi đêm, con chó sủa dữ dội, mẹ mang đèn pin ra soi bụi ô rô. Không thấy T ở đó. Nhưng tôi đã thấy cậu, trên chạc ba cây dâu da trước cổng, cuộn tròn như một con mèo đang ngủ giấc ngủ say sưa nhất. Tôi không nói gì với mẹ. Sáng sớm, đợi mẹ đã quay vào ngủ tiếp và suỵt cho con chó ngừng sủa, tôi mở cổng, mang theo chiếc ghế thắp hương đặt dưới gốc dâu da, tôi trèo lên, lay T cho tới lúc cậu bừng tỉnh.

---

Căn nhà chúng tôi ở là căn nhà đơn vị phân cho bác. Ngày ấy, bác nhất quyết không về lại thành phố. Ông đổi căn nhà cho bố mẹ, cầm một ít tiền, đáp chuyến xe đầu tiên vô định, không hề lường trước mình sẽ tới đâu.

Ông về sống trong xóm núi, trở thành thợ mìn phá đá. Một ngày khi bụi đá đã chui vào bào mòn cơ thể ông, ông trở thành người thợ điện duy nhất của xóm. Ông sửa bất kể thứ gì, không cần biết bằng phương cách gì, thậm chí cũng chẳng hay thứ ông đang sửa là gì. Vậy mà không hiểu sao, mọi thứ cuối cùng đều được sửa.

Ông có niềm say mê bất tận với những bài hát trên chiếc radio trắng đục. Chỉ khi ông dò sóng, tôi mới hiểu đôi tay của ông tài hoa tới cỡ nào. Cùng với đôi tay ấy, ông chép tất cả những bài hát có thể lên giấy, lên cửa sổ, lên vách tường,… Ở nơi nào cũng có thể nhìn thấy những bản nhạc đứt đoạn. Bất kỳ khi nào bài hát thiếu ấy được phát lại, ông cũng ngóng chờ để điền vào những chỗ lời còn thiếu. Bài hát nào đã thuộc làu, ông lại lau đi những vết chữ cũ để chuẩn bị chỗ trống cho những lời hát mới.

Sáng và chiều tôi ngồi trong bếp, hai gò má lúc nào cũng căng nứt và đỏ rực. Con mèo có một thói quen xấu, luôn dụi đầu không ngừng nghỉ vào mắt cá chân. Càng rút chân lại, nó càng vươn đầu dài ra.

Bác không bao giờ rời chiếc radio. Tôi không bao giờ hát nữa.

---

T bảo, những tiếng động lạ xuất hiện trong nhà ngày một nhiều hơn. Có lúc là những tiếng cười, tiếng đàn ông và đàn bà, tiếng đùa nghịch, tiếng nước té, tiếng thì thào,… T bảo, cả mẹ cũng có bộ dạng thất thần. Có những lúc, T xuống nhà buổi đêm lấy cốc nước, thấy mẹ vội vàng đóng sập cửa phòng ngủ. T nhất quyết trong nhà có ma.

Buổi chiều, sau giờ học, tôi về cùng T. Mẹ T ra mở cổng, vẫn tươi cười như mọi bận. Không hiểu có phải vì hôm đó sớm mùa đông, trời trong hơn mọi bận mà sao tôi thấy mẹ T đẹp rực rỡ. Đôi môi được tô son rất khéo và đôi má căng mịn, hồng rực. Tôi thoáng thấy mùi nước hoa nhẹ nhàng bay, nhẹ lắm, nhẹ bỗng.

Sau khi nghe hết băng nhạc đầu tiên, tôi hỏi T có chắc những gì mình thấy trong đêm không? T bảo, chắc chứ. T nói, có lúc còn nghe tiếng chạy nữa.

Tôi hỏi, vậy sao những lúc T tới nhà tôi, lúc T trèo vào giữa bụi tre, lúc T ở trên cây dâu da, T không nhớ gì cả.

T bảo, có chuyện thế à? T chỉ nhớ T đã ngủ, đã ngủ những giấc rất dài. Và đã mơ thấy tôi.

---

Không phải năm mười ba tuổi mẹ cho tôi lên ở với bác vì tôi không còn muốn tới trường. Cũng không phải vì tôi cần sống cách biệt một thời gian như lời bác sĩ nói. Đó là năm T không bao giờ còn tới lớp nữa. Chỗ ngồi trong lớp của T luôn luôn trống. Khi tôi nhìn sang tay phải mình, tôi không thấy khuôn mặt quen thuộc của T ở đó nữa. Mỗi chiều, tôi tới trước cổng nhà T, những bông cúc vạn thọ vẫn nở vàng sậm trên cánh cổng, nhưng không có ai mở cổng cho tôi nữa.

Năm mười ba tuổi, mẹ muốn tôi lên ở cùng bác, vì mẹ nghĩ bác không còn sống được bao lâu.

---

Đã một năm rồi bố T vẫn chưa về. Ông vẫn gửi hàng hoá về cho gia đình rất đầy đủ. Trong nhà xuất hiện thêm một đôi loa gỗ, mỗi chiếc to bằng cả một ngăn tủ buýp phê.

T ngày càng bị ám ảnh bởi nỗi sợ ma. Lần đầu tiên, tôi nhìn thấy tóc cậu bạc. Đó chỉ là một nhúm nhỏ ở sau gáy, nhưng rồi nó cứ lan dần ra. Tôi bảo cậu, không đứa trẻ nào bạc tóc sớm thế. Cậu bảo, đó có thể là một chứng bệnh. Chúng tôi tìm trong sách, đọc hết những cuốn sách trên giá, không thấy ai nói đến việc một đứa trẻ mười hai tuổi bạc tóc.

T bảo, bố không về nên con ma càng tác oai tác quái. Đêm hôm qua, con ma xuất hiện trước cửa phòng T, con ma có mớ tóc dài, rối bời. Nó quàng khăn trắng và không nói gì cả. Nó chỉ lặng lẽ đi lại trong phòng trong lúc cậu chết điếng vì sợ.

Tôi hỏi, lúc đó T tỉnh thật không? T bảo, tỉnh chứ. Nhiều ngày rồi không dám ngủ. Tôi hỏi, có nhìn thấy mặt con ma không? T bảo, không thấy, không thấy gì cả.

Buổi đêm, tôi lén mẹ chạy bộ tới cổng nhà T, trùm khăn kín đầu, đợi mãi trong sương đêm run rẩy ướt lạnh. Không thấy tiếng động, không thấy ánh sáng. Tới khi quay lưng đi qua cây cầu, bất chợt quay lại, thấy bóng một người đàn ông to lớn từ cổng nhà T đi ra.

Không phải ma, T ơi! Tôi thầm nhủ. Tôi không sợ ma, không sợ bất kỳ điều gì, tôi chỉ sợ tóc trên đầu T mỗi ngày một bạc. Đi về trong sương sớm, thấy hai đầu gối muốn khuỵu xuống vì lạnh.

---

Bây giờ nghĩ lại, tôi nhớ thật rõ cảnh một bác một cháu những ngày tháng ấy. Tôi im lặng, câm bặt. Bác rối rít trước những bản nhạc. Không có gì vui ngoài tiếng nhạc. Không có gì buồn ngoài tiếng nhạc. Tiếng nhạc khiến bác có lúc hò reo như con trẻ, lúc u trầm như trôi vào một thế giới khác.

Ngày ấy, đài phát thanh không có nhiều bài hát mới, nhất là những kênh phát thanh phát trên vùng miền núi. Ngần đó bài phát đi phát lại, tới một lúc, chỉ nghe vài ba nốt dạo đầu, đã có thể biết bài hát đó sẽ ngân lên thế nào, ai sẽ hát, đoạn nào cao trào, lúc nào thì bài sắp kết thúc. Chúng tôi nghe đi nghe lại mãi, lúc nào nhà cũng tràn tiếng nhạc, trừ khi hết pin đột ngột, hoặc khi bác mang chiếc đài theo tới nơi có người kêu sửa điện.

Bác không bắt tôi phải hầu chuyện. Bác không hỏi tôi nhiều. Tôi cũng không có điều gì để kể với bác. Con mèo chỉ biết kêu ngheo ngheo. Buổi sáng và buổi chiều, suốt cả bốn mùa sương đều giăng lạnh buốt. Từ cửa chính có thể nhìn sang cửa gian bếp, từ cửa trước bếp có thể thấy thông ra cửa sau. Đằng sau là một cánh núi, buổi chiều những đụn khói bếp thở ra từ phía ấy, lúc đầu dày đặc, rồi lan ra, mỏng dần và tan biến. Và tiếng nước lúc nào cũng chảy, như một con suối nào vọng về.

Cụm xương rồng mọc trên miệng giếng cũ bắt đầu ra những bông hoa trắng, nở chầm chậm trong đêm như những bông quỳnh, hương thơm man mát.

Buổi đêm bác nằm giường ngoài, tôi nằm giường trong. Tôi nghe tiếng thở của bác, rồi tiếng ngáy nhỏ dần nhỏ dần, thi thoảng là những tiếng nấc. Tôi hình dung bác nằm nghiêng, gầy gò nhỏ thó trong đống chăn màn suốt một năm đợi mẹ lên giặt. Mẹ bảo bác không còn sống được bao lâu nữa.

---

Một buổi sớm bố T vẫn chưa về. Nhà T không có ai mở cổng, nhưng người ta vẫn tràn kín nhà, kín sân. Những bông cúc vạn thọ vàng sậm nằm rạp hai bên tường. Người ta khiêng ra hai cái xác. Mẹ T tóc tai xã xượi trong một chiếc áo choàng trắng lúc này máu đã loang đỏ kín hai phần ba tấm áo. T nằm trên một chiếc cáng khác, T vẫn đang ngủ, ngủ rất sâu với một vết thương nhỏ trên đầu. Vết thương không ra máu.

Người ta bình phẩm về của nả trong căn nhà. Những cuốn sách trên phòng T vương vãi — những cuốn sách chúng tôi đã cùng nhau đọc. Chiếc đài Sony loa vải sờn nằm ở góc phòng với những băng nhạc quen thuộc. Những bông cúc vạn thọ màu xanh trên nền nhà lấm tấm máu đang dần đen lại.

T chưa bao giờ nói sẽ giết con ma. T đã nói với tôi là sẽ ngủ suốt đời.

---

Xóm núi thưa người, tiếng động cơ qua lại cũng ít. Một tuần ba buổi có xe khách liên tỉnh chạy qua. Tôi được thả từ một chuyến xe như thế.

Năm tôi mười ba tuổi, tôi được đưa về ở với bác. Mẹ tôi lo sức khoẻ bác không tốt. Bác nhỏ thó, gầy guộc, có những ngón tay như những nhánh cây khô cong queo. Những ngón tay dò sóng rất tài, trên một chiếc radio vỏ nhựa màu trắng đục. Bác thuộc tất cả các bài hát phát trên đài. Bác viết lời của các bài hát kín mọi khoảng không trong nhà.

Tôi về ở với bác, không có bạn nào trong xóm, ngoài một con mèo nhỏ kêu ngheo ngheo. Có lần, những đứa trẻ trong xóm gọi tôi. Tôi bước ra khỏi hàng rau ngót và hàng mùng tơi. Bác tôi từ đâu chạy tới hỏi bọn trẻ, không nhớ tôi là ai à? Bọn trẻ lắc đầu. Bác tôi bảo, nó là cái đứa ẩy cái T xuống giếng đấy, nhớ chưa?

Mọi người trong xóm không cho lũ trẻ chơi với tôi. Họ nói tôi đã giết T, đứa con gái nhà làm đậu phụ. T có mớ tóc dài đen nhánh, nó rơi xuống chiếc giếng nơi những cụm xương rồng giờ đang trổ những bông hoa trắng muốt như hai búp tay úp vào nhau.

Bác nói mẹ cho tôi lên ở với bác, bác nói bác không còn sống được bao lâu. Nhưng bác cứ gầy đi, khô quắt và mãi không chết.

Hoa xương rồng nở vào đêm, đầu ban mai, những bông hoa rũ xuống, buồn thảm. Một buổi đêm trăng sáng, mùi hương mộng mị bay vào nhà, tan trong không gian, len lén chui qua cửa màn. Tôi rón rén ra ngoài ngắm trộm hoa nở. Tôi thấy T ở đó, tóc nó rũ rượi quấn quanh người. Nó vẫy tôi lại, tôi bước mãi bước mãi.

Buổi sớm hôm sau, bác lôi được tôi từ bụi xương rồng ra, mặt và tay đầy những vệt xước. Gai xương rồng còn găm lại trong lòng tay tôi, nhiều tuần sau mới mưng mủ rồi lồi lên như những vết chai.

---

Mẹ lên thăm chúng tôi, giặt hết những chăn màn trong nhà. Không nhớ hết bao nhiêu chậu nước đen kịt.

Lúc ấy là mùa hè, sương vẫn giăng cả buổi sớm và buổi chiều. Buổi đêm ngủ vẫn phải đắp chăn, tấm chăn cũng ẩm lạnh.

Mẹ lên ba ngày rồi về, không nói khi nào tôi về lại. Bác vẫn bảo mẹ bác sắp chết. Cả thân thể ốm yếu của bác là minh chứng. Buổi đêm mẹ lên, bác ho khù khụ. Tiếng ho như rứt ruột người lẫn vào tiếng nhạc phát ra từ chiếc radio trắng để ở đầu giường.

---

Một buổi tối, pin đột ngột hết, chúng tôi ăn cơm trong im lặng. Con mèo nhỏ cũng không kêu ngheo ngheo, nó nằm bên chân bác, lim dim. Bác nhấp hớp rượu cuối cùng, bảo tôi dọn mâm rồi khoác thêm chiếc áo. Tôi biết, bác sẽ đạp xe tới mấy nhà đầu dốc mua pin. Chiếc radio trắng nhờ trong đêm, để ngay bên cạnh nồi cơm còn chưa kịp nguội. Con mèo chạy lẩn lẩn theo chân bác một lúc rồi quay về.

Tôi bê mâm cơm dang dở xuống bếp. Quay lại, bê tiếp nồi cơm nhọ đen nhọ thủi. Rồi nồi nước canh. Con mèo vẫn quanh quẩn chiếc radio trắng đang nằm nhờ đục như một viên gạch nhỏ cô độc câm lặng trong sân.

Bất chợt tôi loé lên một ý nghĩ. Tôi chạy vội ra sân, cầm lấy chiếc đài, rồi chạy vào trong bếp. Tôi chạy ra sau cửa bếp, chạy ngoặt sang chuồng phân của nhà bên cạnh, tôi ném chiếc đài xuống, lại kiếm một chiếc que dài, dùng hết sức nhấn chìm chiếc đài cho tới khi không thấy màu trắng của nó nhô lên nữa.

Tôi vừa kịp ngồi vào rửa đống bát đũa thì bác về.

---

Suốt mấy ngày, bác tôi tìm kiếm chiếc đài như một kẻ điên. Bác chạy lên chạy xuống, bác lật ngược lật xuôi, không tài nào tìm ra chiếc đài. Con mèo luôn đi theo chân bác. Con mèo có đôi mắt rất tinh ranh, đôi khi nó nhìn làm tôi phát sợ. Bữa tối hôm ấy, nó còn chạy theo chân tôi một hồi.

Cho đến lúc đó tôi mới hiểu bác yêu quý chiếc đài tới mức nào. Bác bỏ cả ăn uống để lục tung tất cả những nơi bác nghĩ nó đã ở đấy. Bác cố ý chửi rõ to, chửi vống bâng quơ khắp chung quanh làng xóm. Còn bao nhiêu sức lực, bác chỉ dồn vào hai việc: kiếm tìm và chửi rủa.

Con mèo không kêu ngheo ngheo, nó kêu những tiếng thất thanh chói tai. Có bữa cơm, nó gườm gườm nhìn tôi, rồi cào cào chân bác, bác đứng dậy đi theo. Nó đưa bác vào bếp, rồi ra sân sau.

Nhưng chỉ có cánh núi chắn trước mặt và tiếng suối ở đâu vọng về.

---

Buổi sáng một tuần sau khi chiếc radio mất tích, con mèo không tên nằm chết dưới bụi xương rồng. Nó ăn nhầm một con chuột đã bị đánh bả.

Không có chiếc đài, bác tôi suy sụp rất nhanh. Bác không muốn ăn cơm, không còn thi thoảng khe khẽ hát. Bác xoá trắng tất cả những nơi đã từng ghi lời bài hát. Bác gầy xọp hẳn, những ngón tay khô gầy thi thoảng vẫn vô thức di di như hồi còn dò sóng.

Có lúc, bác nhìn tôi trách móc, nhưng ngay cả ánh mắt ấy cũng không đủ sức mạnh, nó yếu ớt như ánh mắt của con thú bị thương.

---

Vài tháng sau, bác mất, gầy guộc như một cái cây trụi lá với những ngón tay như những nhánh nhỏ không bao giờ còn di di tìm sóng chiếc radio màu trắng đục. Mùa đông thứ ba, hoa xương rồng nở trắng đêm, những cánh hoa mỏng tang mang lại mùi hương thanh tao, nhẹ nhàng.

Tôi bất giác thấy mình ngân lên một câu hát khẽ, câu hát ngày nào tôi và T vẫn cùng nhau hát bên chiếc Sony màu đen khi đọc những cuốn sách trong căn phòng được lát bằng gạch hoa có hình bông cúc vạn thọ màu xanh. T đứng ở bụi xương rồng, vẫy tay gọi tôi. Tóc T quấn quanh người, miết mải đen nhánh. Tôi bước mãi, bước mãi. Tôi cũng muốn mình sẽ được ngủ một giấc dài và sâu, như T.

 

Hà Đông, 091208

 

 

---------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021