thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trần trụi ban mai

 

Chính là hôm nay, ngày vừa rạng trên biển và trên thành phố cổ kính, nhiều thuyền đánh cá nhìn thấy Nàng nhô lên giữa những lớp sóng bạc ngoài cửa biển, lướt nhẹ nhàng về phía bờ, nửa thân chìm dưới nước, nửa thân lộ trần phiêu bồng trên sóng.

Nhẹ nhàng nhưng hiển nhiên, Nàng tiến về phía phố biển, bán thân trắng muốt như thể được sóng và gió đưa đẩy nâng niu. Tuy nhiên, đích đến thì không hề lạc hướng: đi vào Cung Thành.

Cung Thành, đó là trái tim của thành phố, là quyền lực tối thượng, là mệnh lệnh huyền bí, là ngôi nhà của mọi người nhưng không một ai vào được, nơi có khắc hàng chữ vàng:

                 Phúc cho ai tuân phục Cung Thành,

                 Thiên đàng sẽ dành cho y.

Chính là hôm nay, mái tóc xanh biếc của Nàng vừa nhô khỏi nước đã bay Bồng bềnh trong gió như một giải lụa huyền. Dường như nước biển không làm tóc Nàng bết dính. Tóc bay như một đàn cá ngát màu huyền xanh óng ả bơi lượn trên không, lả lướt điệu đàng.

Nàng đến bờ sáng hôm nay, khi nắng mai bắt đầu lan tỏa, phô bày trọn vẹn thân thể trần truồng óng mịn của Nàng.

Nàng đi từng bước nhẹ. Những bước đi lạ thường dù rất mềm mại uyển chuyển. Vừa ngập ngừng vừa như múa lượn.

Một tiếng hát bí ẩn từ biển vọng vào, bay theo Nàng:

 

                 Nàng đi trần trụi

                 Trong cõi trần ai

                 Bước chân đau nhói

                 Vô hình chông gai.

 

                 Từ bờ nguyên thủy

                 Đến bờ hôm nay

                 Từ vô tận đáy

                 Vào trong lưu đày.

 

                 Nàng đi trần trụi

                 Ban mai ban mai

                 Vô vàn bọt sóng

                 Hóa thành bụi bay

 

Chính là hôm nay, những người tập thể dục sớm trên bờ biển đứng sững lại nhìn Nàng:

— Trần truồng, đó có phải là một môn thể dục mới không?

— Chắc thế, một loại khí công.

— Một liệu pháp.

— Một bài tập tự do.

— Đó là nguyên thể của con người.

— Đó là như nhiên.

— Nhảm!

— Chỉ là văn hóa đồi trụy.

— Phải, dâm ô.

— Ai dâm ô? Thân thể cô ta hay con mắt của anh?

— Dưới bóng của Cung Thành, không ai được trần truồng?

— Thế thì ta tập thở dưới bóng của cái gì?

 

Trên bờ biển, có tượng đài Ngư nữ bằng đá trắng , loại tượng mà ta thường thấy ở các viện bảo tàng hải dương hay trong sân các khách sạn dọc bờ biển: Một cô gái đẹp nhìn vọng biển khơi, tóc bay lộng gió, ngực đầy căng, cái đuôi cá dài uốn lượn đầy ngư tính và nữ tính.

Chính là ban mai này, trong khi người ta tụ tập thành bầy từ từ vây quanh Nàng thì Nàng đứng yên ngắm tượng Ngư nữ.

Đám đông say sưa nhìn Nàng. Thân hình Nàng là tuyệt mỹ, toàn bích. Mái tóc huyền xanh che gần trọn bờ vai đầy đặn và chiếc lưng ong. Gương mặt vừa trẻ thơ, vừa tiên nữ. Đôi vú tròn thanh tân. Và đôi chân êm ái như sinh ra để múa.

Toàn vóc thân Nàng da dẻ óng mịn như thể đang tỏa chiếu một thứ nắng mai riêng.

Hướng về pho tượng, Nàng nói thầm (vì Nàng không bao giờ có thể nói thành lời): Sao chị đứng đây? Đứng bao lâu rồi? Sao chị lại hóa đá? Chị có nhớ em, đứa em út của chị không? Chị vào Cung Thành theo lời mời của một vì vua từ mấy trăm nămਠtrước. Họ đã lừa chị phải không? Chính vì bị lừa mà chị hóa thành đá? Tôi nghiệp cho chị của em biết bao! Em cũng sẽ vào Cung Thành. Điều gì đang đợi em, em cũng không biết? Chúng ta bao giờ cũng như nhau, những tâm hồn và thân thể không có gì che đậy...

Chính là hôm nay, sự trần truồng của Nàng đã làm đám đông quen sống dưới bóng Cung Thành vô cùng kinh ngạc:

— Từ biển lên à? Tiên cá à?

— Thì giống y pho tượng đó thôi.

— Tượng là tượng. Tượng là tưởng tượng, làm gì có thật. Cung Thành dạy ta phải phân biệt rành mạch tưởng tượng và hiện thực.

— Nghe nói Cung Thành định đập bỏ tượng tiên cá. Thay vào đó sẽ dựng tượng Cá và Nước để biểu hiện tình yêu của Cung Thành và chúng ta. Nước sẽ là nước thật đựng trong bể thủy tinh nhưng Cá thì bằng đá cẩm thạch.

— Sao? Vậy là bờ biển chúng ta không còn Tiên Cá nữa à?

— Tiên tiếc gì? Ả điên ấy mà! Có một ả điên ở Cuối Gành, bà con không biết sao? Chắc là ả này đấy!

— Ả điên Cuối Gành à? Tôi biết, nhưng chẳng đẹp thế này đâu. Ả lấm lem, lúc nào cũng đội một vòng hoa héo và hát hò linh tinh... Cô này khác hẳn!

— Thôi rồi, đây là một người đẹp đang dự thi hoa hậu ngoài Đảo, nổi hứng bơi vào bờ đây...

— Nói gì lạ! Người đẹp bơi từ Đảo vào tận đây, ai tin được?

— Sao ả lại không biết xấu hổ gì thế nhỉ?

— Cái đuôi cá đâu?

— Hay đuôi chồn?

— Bọn đàn ông các người không biết xấu hổ sao, nhìn gì mà khiếp thế!

— Ôi bà cô ơi, có ai nhìn bà cô đâu nào? Ai ơi!

— Chớ mà hỗn với bà!

— Có ai đưa áo khoác cho cô ấy không?

— Có rồi, nhưng cô ta không nhận. Hình như không biết áo là gì.

— Thế cô ta không biết nói thật à?

— Chứ gì! Tiên cá mà lên bờ thì không nói được đâu.

— Coi chừng đấy! Biết đâu đây là Mẫu Thoải của chúng ta. Hay là quỳ xuống lạy Bà đi!

— Ngộ nhỡ Cung Thành không cho phép thì sao?

— Nhưng nếu Bà...

— Bà gì? Chỉ có bà hội trưởng Hội Phụ Nữ đang đến kìa! Chà, bà đang đứng lên trong xe mui trần

 

DIỄN VĂN ỨNG TÁC CỦA BÀ HỘI TRƯỞNG

Kính thưa quý chị em vô cùng đức hạnh,

Ngày hôm nay, phải, chính là ngày hôm nay đôi mắt trong sáng của chúng ta phải nhìn thấy một sự thật nhục nhã! Chúng ta phải đau lòng chứng kiến sự suy thoái đạo đức đến cùng tận.

Ta đã thấy gì? Không thể tin vào mắt mình nữa. Một người, à không, một thứ con gái từ đâu đã đột nhập thành phố cổ kính của chúng ta, trong tình trạng... không thể diễn tả nổi... Xin hiểu cho lòng tự trọng của tôi! Ả đã giày xéo lên nề nếp kín đáo của chị em ta dưới bóng Cung Thành, làm nhơ nhuốc cảnh quan thuần mỹ của đất quê ta. Ả dơ dáng dại hình đi dưới ánh mặt trời với thân hình tội lỗi, không biết gì dung hạnh. Nhìn kìa! Khi tôi nói những lời nghiêm chỉnh nhân danh chân lý của Cung Thành, thì ả cứ nghiêng đầu nhìn tôi như một kẻ vô giáo dục, thiếu văn hóa. Trần trụi là gì? Đấy là sự phản loạn. Chỉ có bọn man di mới không biết che đậy. Tôi cấp thiết đề nghị: bắt giữ ả ngay! Phải xử lý! Phải trừng trị đích đáng để làm gương cho mọi người và muôn đời con cháu mai sau. Đức hạnh muôn lăm! Đức vua muôn lăm! Cung Thành muôn lăm! Phụ nữ muôn lăm!

— Muôn lăm! Muôn lăm!

— Bà ta nói phụ nữ muốn lắm à?

— Lúc nào mà phụ nữ chẳng muốn lắm?

— Ơ hay, sao bọn đàn ông các người lại công kích phụ nữ chứ? Đàn ông không muốn lắm sao?

— Vâng, thì chúng ta cùng muốn lắm, được không?

— Đồ chết tiệt!

— Chà, nhìn kìa! Xe của đài truyền hình đến rồi. XTV đấy!

 

CHƯƠNG TRÌNH ĐẶC BIỆT CỦA XTV:

<Hôm nay, vào khoảng sáu giờ sáng, trên bãi Dương xuất hiện một cô gái lõa thể, đi lang thang, lôi cuốn một đám đông hiếu kỳ đi theo.

Nhiều người nói rằng cô gái là tiên cá, từ biển đi lên.

Tuy nhiên chúng tôi còn chờ xác minh sự kiện này.

Theo quan điểm của chúng tôi, không có gì là không thể xác minh dưới bóng của Cung Thành.

Ta sẽ nhanh chóng tìm ra nhân thân của cô gái không có gì che đậy này.

Hiện tại thì... >

 

Bỗng dưng mất sóng. Chương trình trực tiếp truyền hình của XTV bị cắt theo lệnh trên vì “hình ảnh khỏa thân của cô gái gây ô nhiễm không thể lường được cho môi trường đạo đức lành mạnh trong thành phố ưu việt của chúng ta... ”

Và bỗng dưng trong đám đông có một bé trai khoảng ba tuổi trần như nhộng, chạy tới trước, con cu bé như trái ớt, bàn chân hãy còn chập chững.

Bé đưa bàn tay nhỏ nhắn nắm lấy tay cô gái trần truồng:

— Chị ơi, cho em đi chơi với!

Nàng mỉm cười, đôi mắt long lanh màu biển, dắt tay đứa bé nhộng tiến về phía Cung Thành.

Nắng mai quanh họ bỗng dưng chói ngời.

Đám đông đi theo Nàng và thằng cu đến tận Cổng Nam.

 

Tách mình khỏi đám đông, nhà thơ đến gần tượng đài Ngư nữ:

— Em gái của cô đó ư? Nhưng cô chỉ là tượng đá, còn Nàng là da thịt. Có gì quan hệ giữa đá cát và da thịt chứ? Tôi chỉ là du khách của thành phố cổ xưa này. Và cô lập. Tôi có thể mời cô đến ăn tối với tôi vào tối nay chứ? Tại khách sạn Trùng Dương. Có phải cô vừa mỉm cười? Đồng ý rồi nhé? Mời cả em gái của cô, mời Nàng dùm tôi nhé! Tôi sẽ đợi các vị.

Tôi trở về khách sạn, chờ một đêm huyền thoại.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021