thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những hòn đảo [kỳ III]
Hải Ngọc dịch
Hoàng Ngọc-Tuấn nhuận sắc

 

Đôi nét về tác giả:
Aleksandar Hemon sinh năm 1964 tại Sarajevo, Bosnia Herzegovina. Ông tốt nghiệp cử nhân văn chương tại đại học Sarajevo (University of Sarajevo) năm 1990. Vào thời gian ấy ông đã in một số truyện và bài báo tại Nam Tư. Năm 1992 ông đến thành phố Chicago, Hoa Kỳ và sau đó định cư tại Mỹ khi Sarajevo xảy ra biến loạn. Bắt đầu từ đó ông viết bằng tiếng Anh. Sáng tác của ông đã được in trên các tạp chí uy tín như The New Yorker, Ploughshares, Granta, Esquire. Truyện ngắn “Những hòn đảo” của ông đã được chọn vào tuyển tập The Best American Short Stories 1999 (Những truyện ngắn hay nhất nước Mỹ năm 1999). Một số truyện ngắn khác của ông cũng được chọn vào tuyển tập The Best American Short Stories 2000. Tập truyện đầu tiên của ông, The Question of Bruno (do nhà xuất bản Nan A. Talese/Doubleday phát hành năm 2000) đã đoạt giải John C. Zacharis First Book Award của tạp chí Ploughshares năm 2001. Cuốn thứ nhì của ông, Nowhere Man, đã được nhà Nan A. Talese/Doubleday phát hành năm 2002.

 

25.

Chúng tôi đi giữa bóng chiều chạng vạng. Lá thông lạo xạo trong dép tôi và tôi phải dừng lại để nhặt chúng ra. Hàng nghìn con đom đóm rập rờn trong những bụi cây, loé lên rồi biến mất, tựa như những nhà nhiếp ảnh thần tiên nấp đâu đấy để bắt thật nhanh những hình ảnh của chúng tôi. Mẹ tôi hỏi: “Con có đói không?”

26.

Chúng tôi lại ngồi dưới giàn nho với một chiếc hũ tròn đựng mật ong trong trẻo và một đĩa dưa chua. Bác Julius chấm một miếng dưa chua vào mật ong và mấy con ong tản ra khỏi hũ mật, lởn vởn lượn trên mặt bàn. Tôi nhúng tay vào trong cái hũ, cố gắng làm sao có thể mút được mật ong trước khi sợi mật mỏng dính nhểu xuống chỗ bắp đùi trần của mình, nhưng tôi không bao giờ làm được như vậy.

Đôi khi, khoảng giờ ăn trưa, bác Julius dẫn tôi đến nhà nuôi ong của ông. Ông mặc một bộ đồ màu trắng trùm kín chân tay, đội một chiếc mũ trắng có đính một tấm mạng che mặt rủ xuống tận ngực, vì thế trông ông y như một cô dâu vậy. Ông đốt một bó bùi nhùi và bảo tôi cầm lấy nó để xua bọn ong đi. Ông nhắc tôi phải tuyệt đối im lặng, không được nhúc nhích và không được nháy mắt. Tôi nấp sau lưng ông, tay cầm bó bùi nhùi cháy ngún chìa ra. Ông mở nắp một tổ ong, thận trọng như thể sợ làm cả hòn đảo có thể bị khuấy động, và cả đàn ong vo vo bay lên giống như một đám mây bụi lửng lơ quanh chúng tôi. Rồi ông cạo sáp từ thành của tổ ong và lấy chúng ra, từng miếng một, đưa cho tôi xem. Tôi nhìn thấy những con ong thợ nhộn nhạo. Bác Julius thầm thì: “Bọn chúng thế đấy, làm việc suốt cả ngày. Chúng không ngừng nghỉ bao giờ.” Tôi sợ có thể bị ong châm, mặc dù ông bảo tôi bọn ong sẽ không tấn công nếu tôi giả vờ như không có mặt ở đó. Tôi lại sợ hơn nữa, càng nghĩ đến điều đó tôi càng thấy lo lắng không thể nào chịu nổi. Cuối cùng, quá căng thẳng, tôi bỏ chạy về nhà, trèo lên thang gác, từ đó tôi quan sát bác Julius ở xa xa, hầu như ông không nhúc nhích, ngoại trừ những cử động chậm chạp, khéo léo của đôi bàn tay thuần thục. Tôi nhìn ngắm ông, như thể ông được phóng chiếu lên một màn phông của những hàng ô liu và những hòn đảo tổ ong, rồi ông quay lại nhìn tôi, và tôi có thể hình dung được một nụ cười khác thường, lặng lẽ sau lớp mạng che mặt.

27.

Ba mẹ tôi ngồi ở đuôi thuyền, dầm chân trong vũng nước âm ấm đọng trên sàn thuyền, bác Julius chèo thuyền, còn tôi thì ngồi ở mũi thuyền, thò hai bàn chân đung đưa ra ngoài. Mặt hồ có lúc dường như dâng lên cao thêm bởi một con sóng ngầm nào đó và chân tôi nhúng xuống làn nước màu xanh bạc hà mát lạnh. Theo nhịp chèo khoan thai, kẽo kẹt và bì bõm, chúng tôi tiến dần về phía đảo hồ. Trên đảo có một toà nhà xây bằng đá màu nâu xám với những ô cửa kéo nhỏ và một hàng ô liu cong queo trồng ở phía trước. Bác Julius lái thuyền về phía một cầu tàu nhỏ, vắng không. Tôi bước hụt khi lên cầu nhưng bác Julius đã kịp chộp lấy tay tôi, thế là tôi lơ lửng một lúc trên mặt hồ chênh chao sóng với một ổ bánh mì ướt sũng và một bức ảnh tạp chí chụp một người đàn bà đang cười rạng rỡ nổi lềnh bềnh trên mặt nước như một mảnh băng trôi.

28.

“Những cái hồ này,” bác Julius kể, “vào thế kỷ thứ mười sáu vốn là nơi trú ẩn của bọn cướp biển. Bọn chúng cất giấu của cải cướp được và đem những con tin đến đây để giết hay hành hạ họ—ngay trong toà nhà này—nếu bọn chúng không nhận được tiền chuộc. Người ta cho rằng đến bây giờ ngôi nhà này vẫn bị ám bởi hồn ma của ba đứa trẻ mà bọn cướp đã treo lên những cái móc phơi thịt vì cha mẹ của bọn trẻ đã không nộp tiền chuộc. Rồi nơi đây trở thành một nữ tu viện và một số người đã từng tin rằng ngay cả các nữ tu ở đây cũng không phải là các nữ tu mà chỉ là những mụ phù thuỷ. Sau đó toà nhà này trở thành nhà tù của người Đức. Và bây giờ, như mọi người thấy đấy, toà nhà này là một khách sạn, nhưng hoạ hoằn lằm mới có khách vãng lai.”

29.

Chúng tôi đi vào khoảng không gian ớn lạnh đầy vọng âm của một đại sảnh xây bằng đá. Có một bàn tiếp tân, nhưng không có ai đứng sau đó cả, và có một bức ảnh ngài Tito đang mỉm cười phía trên cái giá treo chìa khoá của các phòng nghỉ. Rồi chúng tôi đi qua một đường hầm dài, rồi xuyên qua một khung cửa thấp, vì thế mọi người ai cũng phải cúi đầu xuống, trừ tôi, và chúng tôi bước vào một căn buồng giống như một tịnh thất không có cửa sổ ("Nơi này trước kia là cấm phòng của một nữ tu sĩ," bác Julius thầm thì ), rồi chúng tôi bước vào phòng ăn (những người lớn lại phải hạ thấp đầu gối và cúi đầu giống như đảnh lễ vậy). Trong phòng ăn có những dãy bàn dài bằng gỗ, trên bàn có hai hàng đĩa và các thứ dao nĩa sắp song song. Chúng tôi ngồi đó đợi người hầu bàn. Có một con thằn lằn màu kem vàng, to cỡ một cây bút chì chưa gọt, nằm trên bức tường sau lưng bác Julius. Nó nhìn chúng tôi với con mắt bi ve không chớp, ngơ ngác như không hiểu gì cả, rồi nó hối hả bò lên phía một khung cửa sổ khuất trong bóng tối.

30.

Bác Julius kể:

“Hồi những năm ba mươi, khi tôi còn đang là một học sinh trẻ ở Mạc Tư Khoa, tôi đã được nhìn thấy người đàn ông già nhất thế giới. Lúc đó tôi đang ngồi dự một lớp sinh học, trong một thính đường khổng lồ, có đến hàng trăm dãy bàn và hàng nghìn học sinh. Người ta dẫn đến lớp một ông lão không còn đủ sức đi nổi nữa, vì thế có hai cán bộ dìu ông ta và ông lão đu hai tay lên vai họ. Chân ông lão đong đưa giữa hai người, nhưng thân thể ông co rúm lại hệt như một đứa bé sơ sinh. Họ bảo ông lão đã một trăm năm tám tuổi và đến từ một vùng nào đấy thuộc miền Caucasus. Họ đặt ông lão ngồi bên cạnh bàn giáo viên và ông lão bắt đầu khóc hu hu như một đứa con nít, thế là họ phải đưa cho ông một món đồ chơi nhồi bông nào đó—một con mèo, tôi nghĩ thế nhưng không chắc lắm, vì lúc ấy tôi đang ngồi ở một trong những dãy bàn xa nhất trong giảng đường. Tôi nhìn ông lão giống như nhìn ngược ống kính viễn vọng vậy. Ông giáo bảo chúng tôi rằng lão già này lúc nào cũng khóc, lão chỉ ăn được những thức ăn lỏng, và không thể nào chịu rời món đồ chơi yêu thích của mình. Ông giáo cũng cho biết lão già ngủ rất nhiều, lão không biết tên mình, cũng chẳng nhớ được gì cả. Lão chỉ có thể nói được vài ba từ, như "nước" hay "đi ỉa", đại loại như vậy. Lúc ấy tôi nghĩ ra rằng cuộc đời là một vòng tròn, đến khi nào người ta một trăm năm tám tuổi, người ta lại trở về đúng vạch xuất phát của mình. Hệt như một con chó đuổi theo cái đuôi của nó, mọi nỗ lực đều chẳng đến đâu cả. Chúng ta cứ sống và sống, rồi cuối cùng chúng ta cũng chỉ giống như thằng bé này thôi”—ông chỉ tay vào tôi—“chẳng biết gì cả, chẳng nhớ gì cả. Con trai của ta à, bây giờ con có thể không sống nữa cũng được. Con không sống nữa thì cũng chẳng việc gì, vì chẳng có gì thay đổi đâu.”

31.

Khi tôi tỉnh dậy, sau một đêm mơ toàn những giấc mơ lộn xộn, đống va ly đang nằm há hốc và ba mẹ tôi đang tọng vào chúng những bộ đồ lót và những chiếc áo sơ mi nhàu nát. Bác Julius mang đến một hũ mật ong to bằng cái đầu tôi và trao cho ba tôi. Ông nhìn lên bức ảnh chụp đảo Mljet rồi lấy ngón tay trỏ vào góc bên phải phía trên, gần cái hồ đôi trông giống như hai con mắt đang nhìn chằm chằm, “ Chúng ta đang ở đây này”, bác bảo.

32.

Mặt trời chưa nhô lên khỏi quả đồi, vì thế không có một chiếc bóng nào in lên mặt đất và vạn vật trông có vẻ ngột ngạt, như nằm dưới một tấm sa mịn. Chúng tôi bước dọc xuống một con đường hẹp, lớp nhựa đường lạnh và ẩm. Chúng tôi đi qua một người đàn ông mang bên mình một xâu cá chết, móc câu cắm vào lớp mang cá đỏ son. Ông ta nhìn chúng tôi, mỉm cười: “Xin chào!”

Chúng tôi đứng đợi ở cầu tàu. Một con tàu tồi tàn, lớp sơn đã bị tróc ra, trên đầu tàu có chữ Hải tặc đã phai màu, đang ho húng hắng, hướng mũi ra khơi. Một ngưòi đàn ông xăm trên tay phải hình một chiếc mỏ neo đứng ở chỗ bánh lái. Ông ta mặc một chiếc áo may bằng len mỏng in sọc đỏ đen đã rách sờn, quần cộc đen của cầu thủ bóng đá, không đi giày, để lộ những ngón chân sưng húp và bẩn thỉu. Ông ta nhìn thẳng hướng con phà đang cập bến. Con phà giảm tốc độ dần dần, cuối cùng nó chỉ còn dập dềnh một cách lưỡng lự, rồi nó hạ cánh cổng ra vào, giống như hạ chiếc cầu dẫn vào một toà lâu đài, cùng với một hồi chuông đinh tai. Không phải là con tàu mà chúng tôi đã đi buổi trước nhưng vẫn là người đàn ông mặc áo bó hôm nào cất tiếng đón khách “Chào mừng quý vị!”, ông ta mỉm cười như thể nhận ra chúng tôi.

Chúng tôi lại đi qua những hòn đảo cũ. Chúng trông giống như những ổ bánh mì lớn để mốc meo, bị bỏ lại phiá sau một con tàu khổng lồ. Trên một hòn đảo mà tàu của chúng tôi ghé lại gần sát, có một đàn dê. Lũ dê thoáng kinh ngạc nhìn chúng tôi, rồi, từng con một, hết tò mò, trở lại gặm cỏ. Một người đàn ông mang máy chụp ảnh, có lẽ là một du khách Đức, bấm một bức hình đàn dê, rồi đưa máy cho cậu con trai có đôi mắt xanh và khuôn mặt lấm tấm tàn nhang. Cậu bé giơ chiếc máy chụp ảnh về phía mặt trời, nhưng người cha mắng cậu với vẻ đùa cợt, ông xoay cậu và chiếc máy chụp ảnh về phía chúng tôi, trong khi chúng tôi đang cười nhìn cậu, chẳng kịp tránh ống kính.

33.

Từ bờ biển về tới nhà chỉ hết có bốn tiếng và tôi ngủ suốt trên xe, quên đi cái nóng, cho tới khi chúng tôi về đến Sarajevo. Khi chúng tôi về đến nhà, những cây cối và bông hoa quăn queo trong vườn đang phơi mình giữa dải sáng màu vàng cam lênh láng của chiều tàn. Tất cả cây vườn đều héo khô vì người hàng xóm mà chúng tôi nhờ tưới cho vườn cây mỗi ngày đã chết vì một trận đau tim đột ngột. Con mèo vậy là đã hơn một tuần không có ai cho ăn, giờ nó gầy giơ xương và gần như phát điên vì đói. Tôi gọi nó nhưng nó chẳng thèm đến gần mà chỉ nhìn tôi với một ánh mắt căm ghét không nguôi.

 

[hết]

 

Nguyên tác: “Islands”, đăng trên tạp chí Ploughshares, số mùa xuân năm 1998.

-----------

Đã đăng:

Những hòn đảo [kỳ I]

Những hòn đảo [kỳ II]


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021