thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những bài học ở nhà | Bệnh nhân ngoại trú
Bản dịch của Lê Đình Nhất-Lang
 
 
CHARLIE SMITH
(1947~)
 
Charlie Smith sinh tại Georgia, Mỹ, và hiện cư ngụ tại thành phố New York. Từng tình nguyện phục vụ trong tổ chức Peace Corps từ 1968-70 trước khi trở lại trường đại học và tốt nghiệp cử nhân rồi cao học, ông là tác giả của Women of America (2004), Heroin and other poems (2000), Before and After (1995), The Palms (1993), Indistinguishable from the Darkness (1990), và tập Red Roads (1987) được trao giải Great Lakes New Poets Award. Ông cũng viết năm truyện dài, gồm Cheap Ticket to Heaven (1996), Chimney Rock (1993), The Lives of the Dead (1990), Shine Hawk (1988), Canaan (1985); và một tuyển tập truyện vừa, Crystal River (1991).
 
 
Những bài học ở nhà
 
Tụi tôi đi trên không trung trong mọi sự, chẳng ràng buộc,
chẳng gốc gác—với tụi này cách sống là như vậy.
Ðây là điều tụi tôi từng trách bố mẹ.
Họ yếu ớt, không nhờ cậy được, sợ hãi;
họ chẳng đeo đuổi việc gì dài lâu đủ
để thành một nếp sống. Tập quán, tiền bạc,
đạo nếu bạn theo—có thể nói tụi tôi từng có các phương tiện đó,
những thứ mà người khác dùng để dựng nên cho chính họ một chỗ ở
và trụ vững, nhưng cái nào cũng như ngọn lửa trước gió
thắp lên lại hàng trăm lần, tới lúc tụi tôi buông xuôi
và thử sống không có chúng. Nhưng bạn không thể nói
rằng tụi tôi chẳng lênh đênh chút nào ở dưới này;
giờ đây mỗi anh em, theo kiểu riêng mình, đã xây một pháo đài
chống lại mọi thay đổi: con cái như những dấu xăm,
việc làm căn bản đến độ chiến tranh cũng không chùi đi được,
vợ hoặc chồng gắn liền vào cổ tay...
Tụi này đã thành những phép màu của tính bền vững,
một bọn lớn tuổi níu chặt những gì họ biết.
Cuối cùng, đây là chung cuộc của bố mẹ tụi tôi:
bố trong căn nhà bằng đá của ông
lải nhải với người y tá, và mẹ ở nhà thương điên bên bờ hồ,
mà khi tụi tôi tới đem bà về, lại chẳng chịu đi.
 
 
Bệnh nhân ngoại trú
 
Về sau bà lại thoát ra, được thả về,
ly dị, dùng thuốc, xe tắc-xi kèn kẹt trên đường vào nhà;
chúng tôi ghét tới đó, nhưng bắt buộc, bà là mẹ chúng tôi,
nên chúng tôi đẩy nhau vào như một bọn hành hương ngoan cường
lết mãi vào sau khi niềm tin đã đóng cửa;
để bắt gặp bà đang cãi lộn với bạn trai,
cựu tài xế xe tải, Sammy, dân nghiện rượu
như bà, mà để tự vệ ông chống trả
đám con trai giận dữ, bất lực bằng cái ví
ông rút ra để khoe những tờ bạc một trăm đô
xám xỉn như lông gà ẩm—“Tao cóc cần tiền của bà ấy”—
 
chúng tôi có thể thấy họ yêu nhau,
hay ông yêu bà và bà chấp nhận
mối quan tâm xum xoe của ông như đương nhiên. Những giọng nói
vua chúa, buồn nản, cay đắng nhì nhằng trong tai bà, bà ra lệnh,
vui sướng với màn tắm khuya:
ngả ra sau, mắt nhắm, ánh đèn cầy, rượu vang rẻ,
mơ tưởng những vương quốc đánh mất, hai bàn tay to của ông
nhẹ nhàng khoanh lại những vòng tròn nơi trước kia là đôi vú của bà.
 
 
–––––––––-
Dịch theo nguyên tác tiếng Anh “Home Lessons” và “Outpatient” trong tập san The Gettysburg Review, Vol. 8, No. 3, Summer 1995 (tr. 401-402).
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021