thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chân dung
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
BENJAMIN PÉRET
(1899-1959)
 
Benjamin Péret (1899-1959) là một nhà thơ lớn của trường thơ siêu thực Pháp. Thơ Péret bông đùa, hồn nhiên, tươi mát. Đối với ông, thơ chỉ là một "trò chơi lớn" nhưng Péret không chơi "vụng yêu" (Apollinaire) mà cũng chẳng "thấu thị" "biến đổi cuộc đời" (Rimbaud). Đạo diễn Luis Bunuel: "Với tôi, Benjamin Péret là nhà thơ siêu thực bậc nhất: sự tự do hoàn toàn của cảm hứng trong suốt, từ nguồn tuôn ra, không có mảy may cố gắng văn hóa và tạo dựng ngay tức khắc một thế giới khác. Năm 1929, với Dali, chúng tôi đã đọc to vài bài thơ trong tập Le grand jeu (Trò chơi lớn) và có lúc hai đứa tôi đã cười bò lăn ra đất... Péret là một nhà thơ siêu thực ở dạng thái hồn nhiên, tinh khiết trước mọi thoả hiệp." Robert Benayoun, trong lời dẫn nhập cho thi tập Le grand jeu của tủ sách Poésie / Gallimard: "Péret thực hành thơ như người ta nốc một cốc rượu vang, vuốt ve (một cách vô tình) một bàn tay bạn; và để nhại anh: như người ta nhảy mũi."
 
Sinh tại Rezé (Loire Atlantique, Pháp) ngày 4 tháng Bảy 1899, con người "cổ sơ" này đã hiến trọn đời mình cho chí hướng siêu thực và cách mạng — cách mạng siêu thực và cách mạng xã hội —, được André Breton coi như chiến hữu thân cận và trung tín nhất. Peret sử dụng lối viết tự động với nhiệt tình, thường xuyên và tự nhiên, làm nẩy sinh những hình ảnh tân kỳ, thi vị, trào lộng, lý thú. Ông gia nhập đảng Cộng Sản năm 1927 để rồi ly khai đứng về phía trốt kít. Năm 1929 ông sang Brésil, quê hương của vợ (Elsie Houston), một ca sĩ ôpêra, nhưng bị trục xuất năm 1931 vì những hoạt động chính trị. Ông tham dự nội chiến Tây Ban Nha trong hàng ngũ cộng hòa. Khi thế chiến thứ hai chấm dứt, ông sang Mễ Tây Cơ sống với bà vợ kế, Remedios Varo, họa sĩ. Ông trở về Pháp năm 1948 và tiếp tục hoạt động không ngừng cho chủ nghĩa siêu thực đang được phục hưng, mặc dù sức khoẻ kém và tài chánh eo hẹp. Ông chống đối giới tiểu tư sản, quân đội, tăng lữ, những mục tiêu quen thuộc của giai tầng trí thức tả khuynh Pháp ở thời điểm đó. Ông mất tại Paris ngày 18 tháng Chín 1959. Bia mộ của ông ở nghĩa trang Batignolles có ghi dòng chữ này: "Ta không ăn loại bánh đó."
 
Tác phẩm chính: Dormir dormir dans les pierres (Ngủ ngủ trong đá – thơ, 1927); Le grand jeu (Trò chơi lớn - thơ, 1928); Je ne mange pas de ce pain-là (Ta không ăn loại bánh đó – thơ, 1936); Le déshonneur des poètes (Sự ô danh của thi sĩ - tiểu luận, 1945); Feu central (Lửa trung ương – thơ, 1947); Air mexicain (Mễ khúc - một bài thơ dài với tranh thạch bản của danh hoạ Mễ Tây Cơ Rufino Tamayo, 1949).
 
NĐT
 
 
 

Chân dung Breton

 
Bầy linh dương* đã vuốt ve ký ức
Từ chốn ấy bước ra một thuỷ thủ đoàn
với những bà lớn không mắt
một khuôn mặt xinh không phủ che
một cái xe mà các lỗ tai nghe nghe nghe
     và chết gí vì buồn nản
Cái buồn chán trồng trong nhà lồng vô giá
nẩy nở thành vị thuyền trưởng hải tặc**
Em** cũng là đảng viên
 
 
 

Chân dung Éluard

 
Những chiếc răng sẫm vươn lên các vì sao
Ơi sao đẹp làm sao
Một tiếng nói vỡ trên cỏ dập
như mông
Ôi mông xinh biết mấy
Gió phủ tóc với những hạt giống
Hạt giống sẽ tản lạc
nhưng mây của anh sẽ không bay đi
Em có một cụm mây ấy trong túi
nó sẽ trườn lên miệng em
lúc ấy em sẽ mỉm cười với các vì sao của anh
 
Vui đấy chứ
 
 
 

Chân dung Gala Éluard***

 
Trong không khí có một tiếng súng
lẻ loi
càng hay
nó khóc
nó nhảy
và vân vân
ở một nơi xa rất xa xa hơn là chị tưởng
Có một tán cọ không ở trong một rừng cọ
Một rừng cọ nơi có những con thú u buồn
đang chờ chị
 
 
 

Chân dung Aragon

 
Các lợi ích của sự sinh trưởng
được thấy quá rõ ràng mỗi ngày
em đã thấy
anh cũng thấy
Bây giờ tay anh đang vuốt tóc
và mái tóc anh bằng thuỷ tinh
thuỷ tinh để sáng chế các ngài thống chế
các thuyền trưởng viễn hành
các điếu xì gà hảo hạng
và các toa tàu hoả có giường
 
Chào cậu nương
 
 
 

Chân dung Max Ernst

 
Chân anh quá xa
em đã thấy chúng lần cuối cùng
trên lưng một con ngựa đực-cái
mềm nhũn mềm nhũn
quá mềm để có thể ngay thẳng
quá ngay thẳng để có thể là thực
 
Con ngựa thực nhất
chỉ trẻ một lúc
nhưng anh
em tìm thấy anh
trong những con phố trời
trong những chưn tôm hùm
trong những phát minh man rợ
 
 
 

Chân dung Desnos

 
Kem của bờ biển
đã chữa lành những nhịp tim của cậu
 
Xin chà-o
 
Cậu có thấy ả tự do
Ngủ với gã công bằng
Thứ đồ gái hư
Và nếu như ả không buồn chán
thì chúng ta sẽ biếu ả
một con rắn biển
nó sẽ bám đôi vai ả
liên hiệp như Hiệp Chủng Quốc của bác ái
 
 
--------------------------------
Chú thích của người dịch:
 
* Nguyên tác: gazelle, một loại nai, hươu. Hoặc nửa dê nửa nai hươu (theo Từ điển Pháp-Việt của Thanh Nghị).
 
** Benjamin Péret trẻ hơn các "bậc đàn anh" vài tuổi. Péret đã gọi Breton là "Chúa tàu Siêu Thực".
 
*** Gala Éluard (1894-1982) tên thật là Elena Dimitrovna Diakonova, một phụ nữ Nga di tản sang Pháp năm 1916, trong Cách Mạng tháng Mười. Năm 1917, Gala trở thành vợ của Paul Éluard. Năm 1929, Gala gặp Eugenio Salvador Dalí (1904-1989) trẻ hơn nàng mười tuổi. Dalí si tình và làm đủ mọi cách dị kỳ nhất để bắt mắt Gala. Năm 1932, Gala chính thức ly dị Paul Éluard và thành hôn với Dalí năm 1934. Nàng Thơ của Paul Éluard đã trờ thành Nàng Tranh của Salvador Dalí. Và người phụ nữ lanh lợi này đã khéo léo quản lý sự nghiệp của chồng. Năm 1933 một phòng tranh Dalí đầu tiên đã mở cửa ở New York nhờ số tiền $500 vay mượn của đồng hương Picasso. Ở Mỹ Gala đã giúp chồng lượm bạc được nhiều chừng nào hay chừng ấy. Sự tham lam vô độ này đã khiến André Breton «láy» các chữ trong tên Salvador Dalí thành cái tên mới "Avida Dollar" (Anh Háo Đô).
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021