thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trăng trên thung lũng Jerusalem [VII]
Bản dịch Nguyễn Thu Hồng

 

SHMUEL YOSEF AGNON

(1888-1970)

 

 

TRĂNG TRÊN THUNG LŨNG JERUSALEM

 

 
Đã đăng: Trăng trên thung lũng Jerusalem [I][II][III][IV][V][VI]
 

VII

 

Theo đường đi thường lệ, mặt trăng chấm dứt vòng chuyển động của mình sau ba mươi ngày.

Một tháng trôi qua kể từ ngày Gamzou đem vợ ra khỏi nhà Guinath. Trong suốt thời gian đó, tôi không gặp lại Gamzou bởi vì anh không đến nhà tôi. Tôi không gặp lại, bởi vì, sau câu chuyện đó, anh biến mất. Có một lần, tôi gặp anh ta trong một tiệm cà phê Ả rập cùng đi với Amram, con trai của Thầy Cả của dân Samarie. Vì cuộc gặp gỡ không có nói chuyện, tôi xin lướt qua. Một lần khác, tôi gặp lại anh ta ở Guivath-Chaul, trong một xưởng thuộc da giấy của ông haham Gowlan và ông haham Gagin. Nhưng vì trong lần gặp gỡ này cũng không có nói chuyện, tôi sẽ không kể lại ở đây.

Vợ và các con tôi trở về nhà và cùng với gia đình tôi, nước cũng trở lại trong các bể chứa, trong các ống nước và các vòi nước.

Tôi ở nhà tôi, tôi ít đi ra ngoài và tôi không biết Guemoula ra sao sau khi Gamzou đem nàng về nhà. Nhưng bởi vì kích thước điều phải vẫn lớn hơn kích thước điều quấy, tôi nghĩ là nàng nhẫn nhục và, vì đã làm lành lại với chồng nàng, nên ngôn ngữ nàng đã trở lại với nàng. Cũng có thể là nàng không còn nhịn hát nữa; giọng nàng chắc phải trỗi dậy và nở hoa như giọng ca của chim Grophith. Không gì làm Gamzou thích thú hơn giọng của vợ anh khi nàng hát. Tại sao khi nàng hát anh lại đặt bàn tay lên miệng nàng, tại sao anh lại khép môi nàng lại? Thì bởi vì những tiếng hát nối kết với nhau, bởi vì nó buộc chặt vào nhau. Tiếng hát của những dòng suối nối kết với tiếng hát của những ngọn núi cao, tiếng hát của những ngọn núi cao nối kết với tiếng hát của những con chim trên trời và trong số những con chim trên trời có một con tên là Grophith và khi đến giờ nó phải lìa trần, nó cúi đầu xuống khi băng ngang qua những cụm mây và cất giọng hót, và khi nó hót xong, nó lìa khỏi trần gian. Tất cả những bài hát của nó được kết chặt với lưỡi của Guemoula. Hễ nàng cất tiếng hát lên bài của con Grophith thì linh hồn nàng sẽ lìa khỏi nàng. Gamzou đã khép miệng nàng lại để ngăn không cho linh hồn nàng bay đi.

Vậy là tôi ở nhà tôi và làm việc, có khi nhiều có khi ít. Khi mặt trời lặn, tôi ngưng làm việc. Mặt trời còn chiếu trên thế gian, thì thế gian vẫn còn tốt và đẹp. Nếu tôi còn một ít sức lực sau khi làm việc, tôi đi dạo. Nếu tôi không còn đủ sức để đi ra ngoài, thì tôi ngồi trước nhà hoặc ngồi bên cửa sổ và tôi nhìn ngày xuống dần, đêm đến, những vì sao mọc và bất động trên nền trời và mặt trăng lên. Trăng và sao chưa mọc. Trời trên kia hãy còn sáng. Một thứ ánh sáng xám xanh giống như màu những quả táo chin lửng lơ giữa trời và đất và tiếng kêu của vô vàn những con dế lấp đầy cả thế gian. Không xa nhà tôi ở, người ta nghe tiếng cây cối xào xạc, tiếng kêu vang lớn như của cả một khu rừng cây trong một đêm giông tố hay như một mặt biển xao động bởi cơn bão. Người ta tự hỏi không biết có chuyện gì xảy ra trên mặt đất.

Tôi đứng lên và ngoảnh mặt không nhìn thế gian nữa. Vì tất cả những biến cố kia đã xảy đến, tôi quay mắt không để ý những gì đang diễn ra. Câu chuyện của Gamzou và Guemoula là một trong những biến cố đã xảy ra rồi: Một người đàn ông về nhà và không thấy vợ mình. Anh ra khỏi nhà, hướng về phương Bắc, hướng về phương Nam, rẽ bên này quẹo bên kia nhiều lần. Cuối cùng anh tìm thấy vợ mình trong một ngôi nhà mà anh ta không có ý định đến. Có một việc làm tôi ngạc nhiên: tôi đã trông thấy, thấy tận mắt, Gamzou bắt vợ anh đem đi, tuy nhiên tôi có cảm tưởng như đó là một câu chuyện mà người ta đã kể cho tôi. Quả thật, Gamzou đã có kể cho tôi, là trong một buổi khiêu vũ, Guedi Ben Gueim nhào ra để chiếm lấy Guemoula và anh ta, anh Gamzou, đã ra tay trước anh nọ và đã nắm được nàng. Không bao giờ có một chuyện xẩy đến mà không phản ảnh một câu chuyện xẩy ra trước. Trước khi cất cánh bay, con chim mở đôi cánh ra và đôi cánh của nó in bóng trên mặt đất. Trước hết con chim nhìn cái bóng rồi kế đó nó bay lên.

Trăng chưa lên, nhưng nó sắp hiện ra. Người ta đã soạn cho nó một chỗ trên bầu trời. Những cụm mây, trước nhập với bầu trời thành một, bây giờ tách rời và tản mác khắp nơi. Mặt trăng trắng xoá hiện ra và lên cao. Sung sướng thay cho những kẻ, không phải đau đớn vì mặt trăng, có thể thưởng thức ánh sáng của nó!

Một lần nữa, tôi nghĩ đến những người bị mặt trăng thu hút. Và từ mặt trăng tôi nghĩ qua những sự vật bị kết chặt với mặt đất và với con người: với những người mà thế gian ban cho một gương mặt khả ái và với những người đi lang thang như những cái bóng trong đêm. Tôi không nghĩ đến đúng ngay đôi trai gái niên thiếu kia đã không tìm ra nơi cư ngụ, mà cũng không nghĩ đến tất cả những người trở về quê hương sau khi bỏ đi và là những người đối với họ quê hương đã trở thành xa lạ; và tôi cũng không nghĩ đến Greifenbach và vợ ông ta là những người đã đi nghỉ ngơi ở ngoại quốc. Tôi nghĩ đến tất cả những người còn bám lấy mặt đất này. Greifenbach và vợ ông sắp trở về. Chính Gracia, chị bồi làm việc vặt trong nhà của họ, đã nói với tôi như vậy, khi nhận được của bà Greifenbach một tấm bưu ảnh. Tôi cũng biết được điều này vì họ có viết cho tôi mấy chữ. Bởi vì rốt cuộc họ cũng sắp trở về, tôi đi đến nhà họ để xem căn nhà ra sao.

Nhà họ đóng cửa. Không có ai đột nhập cả. Tôi không biết Guinath có trong phòng ông ta hay không. Cánh cửa sổ mà ông đã mở cho Guemoula vào bây giờ đã đóng lại. Khi vợ chồng Greifenbach trở về, họ sẽ thấy chỗ nào cũng còn nguyên vẹn cả.

Ngày hôm sau, liếc nhìn vào tờ báo để xem người ta có loan tin ngày về của vợ chồng họ không, tôi đọc thấy một cáo thị báo cái chết của Giáo sư Guilath. Vì không quen ai có cái tên đó cả, tôi không chú ý đến cái cáo phó ấy. Nhưng tôi cảm thấy tim mình rụng rời và khi tim một người rụng rời, chính đó là dấu hiệu cho biết có chuyện gì không may xảy ra. Tôi bắt đầu tự hỏi phải chăng ở đây có một lỗi ấn loát, phải chăng chữ n đã đổi thành chữ l. Tôi lại cầm tờ báo lên và nhận thấy rằng, nơi tên của người chết, chữ lamed đứng thẳng như một ngọn cờ phấp phới. Mắt tôi nhìn chữ lamed và lại thấy một chữ noun, tựa như chữ lamed rút lại thành một chữ noun. Tôi rối loạn đến nỗi phải đứng dậy và ra đường.

Khi ra ngoài đường rồi, tôi tìm xem những bảng niêm yết dán trên tường. Không có tờ nào loan báo cái chết của Guinath. Bởi vì ông ta không giữ một vai trò nào, trong thành phố không ai biết ông cả. Chắc hẳn bởi thế nên không có ai để dán một bản cáo thị loan báo cái chết của ông. Nhưng do một nguồn tin khác tôi lại biết được là ông ta không còn nữa và biết được ông đã chết trong trường hợp nào.

Tôi xin bắt đầu kể lại từ đầu:

Tôi bước đi ngoài đường phố và tôi nghĩ: nếu chính Guinath đã chết, tại sao người ta viết là Guilath? Và nếu đó là Guilath, chứ không phải Guinath, tại sao tim tôi lại đau buồn? Tôi gặp Amrami đang bước đi tựa vào đứa cháu gái. Amrami bảo: “Anh đi đưa đám đấy à?” Tôi gật đầu và đáp lại: “Vâng, tôi đi đưa đám”. Amrami lại nói: “Một người đàn bà không hề rời khỏi giường mình lại đi chết trên mái nhà! – thế thì có lạ không chứ?” Tôi nhìn ông ta một lúc lâu, không hiểu ông ta muốn nói gì. Ông lại nói: “Đường đi về Chúa thật là lạ lùng – ai mà hiểu được? Một người đàn ông đem mạng sống ra mạo hiểm để cứu một người đàn bà ở Do thái và chính hắn ta lại ngã xuống và chết! Và bây giờ chúng ta không phải chỉ đi đưa một người mà là hai người, đưa đám vợ của Gamzou và Giáo sư Guinath”.

Edna, cô cháu gái của Amrami, cất tiếng nói: “Báo chí không có nói, thế nhưng mấy người có mục kích kể lại rằng đêm rồi có một người đàn ông ra khỏi phòng mình bởi vì ông ta trông thấy một người đàn bà trèo lên mái nhà. Ông ta chỉ nhảy một vọt, lên mái nhà để cứu người đàn bà, nhưng triền mái nhà sụp xuống; cả hai người đều rơi vào khoảng không và chết”. Cả ba chúng tôi bước đi, Amrami, Edna và tôi, và chúng tôi đến bệnh viện, nơi người ta quàn xác của Guemoula và Guinath. Bệnh viện đóng cửa. Người gác cổng ngồi trước cửa nhìn những người qua lại. Ông ta có cảm tưởng tất cả những người ấy đều muốn vào. Nhưng không ai muốn vào cả. Tất cả đều đi vào trong cái sân bỏ ngõ ở chỗ nhà xác. Trong một góc sân có một căn phòng dành để giặt áo quần của người bệnh. Và dù căn phòng rất hẹp, nó cũng tiếp nhận người chết, như luật tiếp trú ấn định. Trên một chiếc ghế dài xiêu vẹo, gần căn phòng, có ba người ngồi canh chừng xác chết; sau lưng họ, một người đàn ông đang đứng vấn một điếu thuốc lá. Khi người này thấy Amrami và tôi, ông ta vội chạy lại phía chúng tôi và bảo rằng ông ta đã ở bên cạnh hai người chết suốt cả đêm và ông ta đã đọc những bài thánh thi. Bây giờ, ông ta muốn biết ai sẽ thưởng công khó nhọc cho ông. Ông ta gặp tôi, gặp chính tôi, ông ta thấy tôi xứng đáng làm cái công việc mitsva [1] là trả công cho ông!

Thân quyến của một gia đình có tang đến và họ ngồi xuống chiếc ghế dài trước mặt. Một người đàn bà trong đám đứng lên, đến trước mặt mấy người kia, và bắt đầu hát những bài hát tang lễ và những lời ta thán, vừa đu đưa cái thân gầy của bà một cách nhịp nhàng. Bà buồn, rất buồn, và giọng bà cũng buồn. Tôi không hiểu được một chữ nào bà nói ra cả. Nhưng giọng bà, bộ điệu bà và vẻ mặt bà làm cho con tim của mọi người có mặt nơi đó phải thổn thức. Bà rút trong yếm ra chiếc ảnh của một chàng thanh niên, nhìn chiếc ảnh và bắt đầu hát lên những lời ca ngợi về vẻ đẹp và sụ khả ái của chàng và những lời kể lể về những năm mà anh còn có thể sống được, nếu cái chết không chợt đến bắt anh đi. Tất cả những người chịu tang oà lên khóc và cùng với họ tất cả những người trông thấy họ khóc cũng khóc theo.

Chắc hẳn Guemoula trước đây cũng đã khóc và ca ngợi cha nàng như thế khi làm lễ tống táng ông.

Ở trong đám người khóc lóc đó, tôi thấy Gamzou từ trong phòng những người chết đi ra. Cái bối rối trong tâm hồn anh, suốt đời vẫn đeo đẳng anh, vừa nhường chỗ cho hai cái đeo đẳng mới: sự sửng sốt và nỗi âu lo. Tôi đến gần anh và đứng bên cạnh anh. Anh đưa ngón tay dụi con mắt mù, rồi anh lấy một cái khăn tay và lau ngón tay. Anh thì thầm trong tai tôi: “Đúng là ông ấy rồi, ông haham ở thành Jérusalem, nhà bác học mà tôi đã bán cho mấy lá bùa”.

Lúc đó một trong những người trông coi xác chết đi đến và nhìn chúng tôi. Khi thì nhìn tôi, khi thì nhìn Gamzou, giống như một người bán hàng đứng trước hai người khách và tự hỏi không biết nên tiếp người nào trước. Trước khi quyết định được người nào trong hai người là quan trọng hơn, ông ta xin một điếu thuốc. Gamzou lục trong túi, lấy ra một ít thuốc rời và giấy. Cùng lúc đó, người ta khiêng cái cáng của Guinath ra. Gamzou đưa một ngón tay ngang tầm con mắt mù và nói một cách bình tĩnh: “Chính Guinath, người mà tôi đã bán cho mấy lá bùa đó.”

Những người khiêng cáng bắt đầu đi và một nửa minyan [2] người Do thái đi theo sau: tôi và ba hoặc bốn người nữa có quen biết Giáo sư Guinath và giờ đây đang làm phận sự cuối cùng đối với ông. Một người ăn xin đi đến và gõ vào cái bát bằng sắt tây của y và la lên: lòng từ thiện cứu khỏi chết! Và mỗi lần y lặp lại câu đó, y quay về phía sau lưng để xem, trong lúc đó, người ta có mang them những xác chết nào khác ra không – vì trong trường hợp đó, của bố thí của những đoàn người khác sẽ không lọt được vào tay y.

Trên đường từ Vườn cây Ô liu[3] trở về tôi gặp đoàn xe tang của Guemoula. Khi tôi đưa đám tang nàng về, đám của nàng, giữa đường tôi bị một chiếc xe hơi chận lại, trong xe có vợ chồng Greifenbach đi du lịch trở về. Greifenbach trông thấy tôi và la lên: “Bất ngờ thật! Gặp gỡ đâu mà hay thật! Nhà chúng tôi ra sao rồi? Nó vẫn còn đó chứ? Nó vẫn nằm yên đó chứ?”. “Nó vẫn còn đó và nó vẫn nằm nguyên chỗ cũ”, tôi trả lời. Bà Greifenbach hỏi: “Không có ai chiếm nó chứ?” “Không, không ai cả!” Bà hỏi thêm: “Anh có làm quen với Guinath không?” “Có, tôi trả lời, tôi có làm quen với Guinath”. Cả hai vợ chồng mời tôi lên xe. Tôi nhận lời, nhưng khi tôi định bước lên xe và đi với họ, thì một viên cảnh sát xuất hiện và trách chúng tôi làm cản trở lưu thông. Người tài xế cho xe chạy và vợ chồng Greifenbach tiếp tục đi không có tôi.

Vài hôm sau, tôi đến nhà họ để trả chìa khoá cho họ. Ngày hôm đó các nhân viên chính quyền đến lấy cung trong căn phòng Giáo sư Guinath ở. Họ chỉ tìm thấy vài món áo quần và hai cái hộp bằng sắt tây đầy tro tàn của những giấy tờ ông viết. Ông ta đốt những thứ này hồi nào? Vào cái đêm mà Gamzou bắt Guemoula lại hay là vào đêm mà ông ra khỏi nhà để cứu nàng?

Cái gì thúc đẩy Guinath phá bỏ công trình chính tay ông làm ra và đốt đi trong giây lát những gì ông đã bỏ công rèn luyện trong không biết bao nhiêu năm?

Cũng như thường lệ trong trường hợp tương tự, người ta giải đáp câu hỏi bằng một câu trả lời dễ và người ta bảo: đó là do một sự suy nhược tinh thần, những mối nghi ngờ không chịu nổi đã dồn ông vào chỗ đó. Vâng, nhưng cái gì đã gây nên sự suy nhược đó, những mối nghi ngờ đó? Về việc này, không có câu giải đáp. Sự bí ẩn vẫn toàn diện. Vì, thật ra, không có tính toán mà cũng chẳng có lý lẽ trong một hành động như vậy, nhất là đối với một con người thông minh như Guinath, vốn rèn luyện đạo lý và thi ca. Những lời giải thích không thay đổi gì được sự kiện; nó không biến đổi gì được một hành động đã hoàn tất. Nó chỉ là những lời nói vô ích mà người ta dùng để cố giải thích những sự việc nằm ngoài trí tuệ và là những lời nói ra mà không có gì để an ủi lại. Và dù chúng ta có nói đó là do số mệnh, là định mệnh, điều đó cũng không giải nghĩa được gì cả, vấn đề vẫn không được giải quyết; không một sự tin chắc nào xoá tan được mối đau khổ.

Người ta đã khám phá ra được một cái gì trong phòng của Guinath. Một lá thư trong đó Guinath hủy bỏ quyền tước vẫn dành cho những người xuất bản sách vở của ông. Cấm không cho tái bản chin mươi chín chữ của ngôn ngữ Ido, văn phạm và những bài thánh ca Eynam.

Như thường lệ, người ta đã bất kể điều đó, và mong mỏi cuối cùng của người chết đã không được tôn trọng. Trái lại, người ta tiếp tục xuất bản những tác phẩm của ông và thế giới bắt đầu biết đến những tác phẩm đó, đặc biệt là những bài thánh ca Eynam, rất hay và rất cảm động. Nhà hiền triết còn sống đến chừng nào, thì người ta còn biết cái đạo lý của người, nếu người ta muốn. Và nếu người ta không muốn biết, thì người ta khỏi phải biết. Nhưng khi người chết, linh hồn người toả sáng qua các sách vở của người và những ai không mù loà, những ai có mắt để thấy, đều hưởng được ánh sáng của những sách vở đó.

 

[hết]

 

_________________________

[1]Lời huấn giới, đây có nghĩa là việc thiện.

[2]Số người cần thiết để cử hành nghi lễ công cộng Do thái theo luật trong kinh Mishna, không dưới 10 người trên 13 tuổi.

[3]“Mont des Oliviers” trong bản tiếng Pháp của Rachel và Guy Casaril: Vườn Cây ô liu hay Vườn Cây Dầu, nơi Chúa Jesus đến cầu nguyện hôm trước ngày Chúa lên trời, gần Jérusalem – cũng gọi là “Jardin des Olives”.

 

-------------------------
“Trăng trên thung lũng Jerusalem” dịch từ bản Pháp ngữ của Rachel và Guy Casaril trong Les Contes de Jérusalem (Paris: Albin Michel, 1959). Tập truyện tiếng Pháp, theo bài tựa, là một tập tuyển những truyện ngắn và những đoạn trích văn rời rạc của Ch.-Y. Agnon do chính các dịch giả người Pháp chọn và sắp xếp. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Thu Hồng đã được in thành sách năm 1969 ở Saigon, do Nhà Trình bầy xuất bản, dưới cùng tên truyện, Trăng trên thung lũng Jerusalem, 176 trang, Diễm Châu giới thiệu, bìa & phụ bản Hoàng Ngọc Biên.
 

 

Đã đăng:

Guemoula trong trắng như mặt trăng. Mắt nàng long lanh, gương mặt nàng chiếu sáng như sao mai và giọng nói của nàng dịu dàng như bóng đêm. Khi nàng mở miệng để hát, thì hình như tất cả những cánh cửa của âm nhạc đều mở ra... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
Cửa toa xe mở hướng ra những ngọn núi cao và những suối nước và người ta nghe có một giọng cất lên hát yedal yedal yedal va pa ma. Giọng hát thu hút tôi, tôi muốn đi theo nó, nhưng cánh cửa khép lại trước mặt tôi. Mặt trăng hiện ra và ánh trăng toả tràn lên người tôi. Tôi nheo mắt cười với nó và bằng cả gương mặt nó cười lại với tôi... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
... Trăng chiếu sáng rực và cả thành phố nằm trọn trong vùng ánh sáng đó. Ai được thấy một đêm như vậy sẽ không ngạc nhiên về việc những kẻ mộng du rời giường mình để đi bách bộ dưới trăng... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
... “Nàng bị chứng mộng du.” Tôi nhìn anh ta như một người được nghe kể một câu chuyện gì ghê gớm lắm. Anh cảm thấy được điều đó nên anh nói: “Mỗi đêm, khi ánh trăng thật tỏ, vợ tôi rời khỏi giường ngủ và theo ánh trăng đi khắp nơi.” ... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
... Tất cả mọi ân sủng đều nằm trong cái im lặng tuyệt diệu của buổi ban đêm phía dưới những thung lũng của thành phố Jérusalem. Người ta tưởng những thung lũng đó tách biệt khỏi thế giới và đồng thời cả thế giới lại nằm trong những thung lũng đó... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
... Tôi cầm tách trà trong tay; tim tôi bắt đầu đập và trong tiếng tim đập, tôi thấy được một thứ tiếng dội đang bắt đầu dồn dập. Điều này không làm cho tôi ngạc nhiên, vì từ khi tôi đọc những bài thánh ca Eynam, tôi đã nghe thấy tiếng dội của một bài hát cổ từ những thời đại đầu tiên của lịch sử và được truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)
 
Cái vỏ cam (truyện / tuỳ bút)  - Agnon, Shmuel Yosef
Đây chỉ là câu chuyện một cái vỏ cam vứt giữa đường. Thật ra đây là một cái vỏ rất thường, người ta có thể tìm thấy hàng chục cái tương tự trên khắp các lề đường và dưới những đường mương, trên khắp các công trường và trong những sân nhà, nói vắn tắt là khắp mọi nơi trong Thành... [Bản dịch Nguyễn Thu Hồng] (...)

-----------

Mời độc giả xem bài nhận định "Đi tìm một ngôn ngữ đã mất: AGNON GIỮA TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI" của Diễm Châu.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021