|
Trao đổi với Nguyễn Viện về tiểu thuyết [kỳ II]
|
|
CỬA XUẤT BẢN vừa cho ra mắt 3 cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Viện trong tháng 5/2008.
Cuộc trao đổi giữa Tiền Vệ và nhà văn Nguyễn Viện dưới đây được thực hiện qua phương tiện điện thư và sẽ được đăng tải liên tục hàng ngày cho đến khi kết thúc.
_________________
Đã đăng: [kỳ I]
Tiền Vệ [TV]: Bây giờ chúng ta hãy trở lại với 3 cuốn tiểu thuyết của anh. Trước hết là cuốn 26 LẦN TỜ BỜ LỜ. Cuốn này trông giống như một tập 26 truyện ngắn, nhưng anh muốn độc giả đọc nó như một tiểu thuyết gồm 26 chương khác biệt. Theo anh, đọc nó như một tiểu thuyết và đọc nó như một tập truyện ngắn thì khác nhau như thế nào? Và độc giả nên đọc các truyện theo thứ tự của bản in, hay có thể đọc theo bất kỳ thứ tự nào? Và, như thế, phải chăng bất kỳ một tập truyện ngắn nào của một tác giả nào cũng có thể được đọc như một cuốn tiểu thuyết?
Nguyễn Viện [NV]: Trong trường hợp của cuốn 26 LẦN TỜ BỜ LỜ, tôi muốn đặt độc giả vào tâm thế của người đọc tiểu thuyết. Và tôi tin là khi anh đọc những truyện ngắn ấy như những chương của một tiểu thuyết, hay nhìn ngắm một góc của tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, sẽ rất khác với khi anh đọc các truyện ngắn hay nhìn ngắm một đồ vật riêng biệt. Chắc chắn, một thành phần của cái toàn thể sẽ rất khác với một cá thể biệt lập, khi chúng ta đọc hoặc nhìn ngắm nó trong mối tương quan toàn thể. Với 26 LẦN TỜ BỜ LỜ, người đọc có thể đọc từ bất cứ chương nào của những “lần tờ bờ lờ” ấy của tôi để tự tìm cho mình những cường độ cảm xúc khác nhau. Tuy nhiên, tôi lại không đồng ý khi cho rằng như thế, bất kỳ một tập truyện ngắn nào cũng có thể đọc như một tiểu thuyết. Điều ấy thuộc về ý đồ của tác giả. Ý của tôi thì quá rõ. Ngay ở phần đầu sách, tôi đã ghi là tiểu thuyết. Hơn nữa, tôi đã đánh số thứ tự cho mỗi “chương”. Và ngay cả chính bản thân cái tựa, tôi đã gọi là “26 lần”. Tất nhiên, phải là 26 lần gì đó. Anh có đoán được 26 lần tờ bờ lờ là 26 lần gì không?
TV: Chắc là anh cũng muốn để độc giả “chơi game”?
NV: Vâng, “tờ bờ lờ” là phát âm của các chữ: t, b, l. Tùy người đọc, họ sẽ cảm nhận được tờ bờ lờ là gì. Có thể là “tôi bông lơn”, “tôi bấn loạn”, “tôi buông lỏng”, “tôi buồn lòng”, “tôi bốc lửa”... hoặc nói kiểu nông dân “tao bán lúa”, kiểu dân chài “tui bóp (bắt) lươn”, hay kiểu chị Thúy Kiều “Tớ bán l...”, ...
TV: Như anh nói, cuốn EM CÓ GÌ BÍ MẬT, HÃY MAIL CHO ANH là một "tiểu thuyết mở". Xin anh diễn giải về khái niệm "mở" trong trường hợp này. "Mở" là gì? "Mở" ở những phương diện nào?
NV: “Mở” trong tiểu thuyết EM CÓ GÌ BÍ MẬT, HÃY MAIL CHO ANH là... không đóng, không định trước câu chuyện, không định trước các nhân vật, không định trước tình huống, bố cục và độ dài ngắn. Là bất cứ lúc nào cũng có thể thêm hoặc chấm dứt một vai trò. Là dành cho sự ngẫu nhiên, tình cờ. Và không đóng cửa với bất cứ bạn đọc nào muốn tham dự vào câu chuyện.
TV: Ngay từ đầu, sự tương tác giữa tác giả và độc giả đã đẩy cuốn EM CÓ GÌ BÍ MẬT, HÃY MAIL CHO ANH vào một hành trình vô định, bất khả đoán. Trông nó giống như một cuộc đấu bóng đang diễn ra — quả bóng vào chân ai thì người ấy có quyền dẫn dắt nó theo hướng của mình — và không ai biết trước diễn biến sẽ như thế nào, lúc nào sẽ có một pha bóng đẹp. Thế nhưng, rốt cuộc thì anh vẫn là tác giả. Cho nên, câu hỏi là: anh đã hoàn toàn để cho sự tương tác giữa tác giả và độc giả diễn ra một cách tự nhiên và bất định, hay anh, với vai trò tác giả, đã ít nhiều "lái" câu chuyện theo hướng mà anh mong muốn? Vì nếu cứ để cho mọi sự diễn ra một cách ngẫu nhiên thì làm thế nào để quyết định một sự kết thúc?
NV: Nếu đọc kỹ tiểu thuyết ấy, bạn đọc sẽ thấy có 2 yếu tố tương tác. Một đến từ chính bạn đọc với những email thật gửi đến cho tôi. Và tôi đã tôn trọng mọi người và sự cam kết của mình trong một cuộc chơi sòng phẳng. Tất cả các email của bạn đọc đều được giữ nguyên văn và được đối thoại. Yếu tố tương tác thứ hai là các vấn đề thời sự được cập nhật ngay chính lúc nó đang diễn ra. Tôi đã có cơ hội để phát biểu chính kiến của mình. Có lẽ nhờ 2 yếu tố sống động đó, câu chuyện đã trở nên hấp dẫn. Nhưng cuối cùng thì tôi vẫn phải quyết định đến lúc chấm dứt. Tôi không muốn bị trở thành người nói dai và nói dở. Mặc dù, cho đến hôm nay, sau mấy năm, vẫn đôi khi tôi nhận được email của bạn đọc tiếp tục tiết lộ về những bí mật của họ. Một lần nữa, tôi muốn cám ơn mọi người để tôi trở thành một tác giả.
TV: Anh cho rằng cuốn CƠN BẤN LOẠN BẰNG PHẲNG là một tiểu thuyết phi cấu trúc, trong đó có hai truyện vừa TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN và ĐI.COM . Xin anh diễn giải về khái niệm phi cấu trúc ở đây. Liệu ta có thể cho rằng cái cấu trúc của tiểu thuyết này được thể hiện qua việc sắp xếp truyện nào đứng trước? Vì nếu nó thực sự là phi cấu trúc, thì ta có thể đặt cho truyện nào đứng trước cũng được, hoặc độc giả có quyền chọn đọc truyện nào trước cũng được. Phải thế không?
NV: Dù có câu trúc hay không, một cuốn truyện dẫu sao cũng phải bắt đầu từ dòng chữ đầu tiên đến dòng chữ cuối cùng. Qua đó, tác phẩm (câu chuyện) buộc phải đi qua những thứ tự từ trang này đến trang khác. Như thế, không thể không có sự sắp xếp. Vấn đề ở đây là tôi đã xáo trộn thời gian và không gian một cách hoàn toàn bất định về diễn tiến câu chuyện. Và chỉ khi độc giả đọc hết cuốn sách mới có thể sắp xếp lại câu chuyện theo một đường thẳng. Tại sao phải làm khó độc giả như thế? Thật ra, tôi không có cách nào khác khi viết hai tác phẩm ấy. Đó là cách diễn đạt tốt nhất để mô tả một trạng huống, một tâm thái, một tâm thức, một bối cảnh xã hội và con người đương đại. Đó là sự đứt khúc văn hoá, sự hỗn độn trong đời sống, sự đứt mạch hệ thống tư tưởng nền tảng, sự mất định hướng trong điều hành của cơ chế chính trị, sự thay đổi các giá trị... Và sự chối bỏ của chính tôi với hệ thống, các định vị và định chế xã hội. Tôi muốn cho độc giả rơi vào hoàn cảnh không còn bất cứ sự định vị nào. Và khi ấy, bạn đọc có thể đọc bất cứ từ chỗ nào, và chấm dứt ở bất cứ đâu. Cấu trúc tiểu thuyết của tôi chỉ còn là một giả định. Người đọc toàn quyền quyết định cho cái khởi đầu cũng như cho sự kết thúc. Nói thế, giống như một thông điệp. Thì cứ coi cách tôi bố cục cũng là một thông điệp, bên cạnh cái thông điệp của nội dung. Trong cái hỗn độn của tiểu thuyết phi cấu trúc ấy, tôi tìm được cho mình sự mạch lạc của cái nhất quán về tư tưởng.
TV: Liệu sự kết hợp của hai truyện vừa để tạo thành một cuốn tiểu thuyết hai chương CƠN BẤN LOẠN BẰNG PHẲNG thì có tương tự với sự kết hợp 26 truyện ngắn để tạo thành một cuốn tiểu thuyết 26 chương như cuốn 26 LẦN TỜ BỜ LỜ? Và nếu thế, phải chăng hai cuốn tiểu thuyết này có cấu trúc tổng quát tương tự với nhau?
NV: TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN có thể coi là một tiểu thuyết lịch sử, mặc dù có xen kẽ thời hiện tại với những nhân vật đương đại và phần trao đổi của tác giả với nhân vật Hằng, một người ngoài truyện. Trong khi ĐI.COM lại là một truyện giả tưởng về tương lai, viết ở thời tương lai. Kết hợp cả hai truyện đó, chúng ta có cả 3 thời: quá khứ, hiện tại và tương lai. TRƯỚC NGÀY CHÚA LẠI ĐẾN là câu chuyện của một dân tộc. Trong khi ĐI.COM đã vươn tới những ưu tư toàn cầu. Một cách nào đó, cuốn CƠN BẤN LOẠN BẰNG PHẲNG và 26 LẦN TỜ BỜ LỜ có cùng một cấu trúc tổng quát, nhưng hoàn toàn khác nhau về cách viết. Và cũng khác nhau về mức độ và phạm vi suy tưởng.
[còn tiếp]
Đã đăng: ... Tại sao lại phải sợ? Đó chính là bi kịch của chúng ta, những người dân sống trong một chế độ toàn trị. Đây cũng là nguồn cảm hứng lớn lao nhất của tôi. Đối diện với cái sợ. Ai làm cho mình sợ? Sợ cái gì? Làm cho người khác sợ, có phải là tội ác? Làm thế nào vượt qua được nỗi sợ? ... (...)
|