thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỮNG TAM ĐOẠN LUẬN CỦA CON ĐƯỜNG và những bài thơ khác [1]
Bản dịch Diễm Châu
 
 
HORIA BĂDESCU
(1943~)
 
NHỮNG TAM ĐOẠN LUẬN CỦA CON ĐƯỜNG
và những bài thơ khác [1]
 
 

Những tam đoạn luận của con đường

 
                                               tặng Gérard Bayo
 
Con đường không tới từ đâu hết
và cũng chẳng đi đâu bao giờ.
Từ không đâu hết
sinh ra
không tìm thấy ở đâu
cái chết:
mọi con đường đều tới và đi
từ bản thân.
 
 
Rút ra từ bản thân từ Hữu thể
ấy con đường;
kẻ bước bên trên
và khai sáng nó
là lời đáp.
 
 
Yếu tính của con đường
là bất động
không phải vận hành,
sự đi qua
chỉ là trạng thái mộng mơ
của con đường.
 
 
Sự đi qua chẳng là gì khác
hơn là ký ức của sự đi qua,
và như thế con đường chỉ là
ký ức của con đường:
con đường của sự đi qua
phản ánh
trong tấm gương.
Và như thế say mê chính bản thân
con đường trong chính sự đi qua của mình
tìm thấy mộ phần,
và như thế ký ức tưởng nhớ tới cái chết
chứ không phải sự sống.
 
 
Không ai bước
trên đường
chính con đường là kẻ tiến bước
nơi mỗi người,
trạng thái của con đường
là trạng thái hiện hữu
của sự vật.
 
 
Không có gì khác là con đường
ngoài sự dẫn tới của nó,
nhưng từ đầu này tới đầu kia
chẳng có gì hết;
ở nơi con đường phải
chấm dứt
ở đó nó sinh ra,
và ở nơi nó sinh ra
nó đã tới
tự bao giờ.
 
 
Giữa bản thân và bản thân
con đường tiến bước,
giữa những gì không còn nữa
và những gì sẽ có
nó tìm thấy lý do,
trong phi-thể
hiện tồn của nó tiêu tan,
nó không có thể chất
— thực thể của nó khi phá tán
nhuốm đường nét;
nó ở ngoài thời gian
— thời gian của nó trôi đi
trước khi trở lại.
 
 
Ở nơi con đường gặp gỡ một con đường khác
một thập giá nẩy sinh;
thập giá của con đường là sự bất an
hằng cửu của nó,
ở nơi giao nhau
một sự không-ngơi nghỉ
chồng lên một sự không-ngơi nghỉ khác,
ở nơi giao nhau
Thượng đế cật vấn nỗi quạnh hiu của nó,
ở nơi giao nhau
nỗi quạnh hiu
đáp lời.
 
 
Ở một đầu con đường là
sự sinh ra,
ở đầu kia là cái chết,
nếu giữa bản thân và bản thân
con đường tiến bước
thời sự sống
chỉ là cuộc viễn du không cùng
của cái chết
vào lúc sinh ra của chính mình.
 
 
Mọi sự dời xa
từ bóng mình;
duy có con đường dời xa
từ bóng những kẻ khác,
duy có nó ở ngay giữa
ban ngày,
duy có nó ngời sáng
từ chính phi-thể của nó.
 
 
Không có lề đường
ở nơi lẽ ra nó phải có
mở ra một cánh cửa,
ở nơi mở ra một cánh cửa
một con đường khác được tạo lập,
ở nơi một con đường khác được tạo lập
vô tận bắt đầu
chung cuộc.
 
 
Từng bước một
con đường được tạo lập
và mỗi một bước
tìm thấy lý do của mình ở điều đó;
ở mỗi một bước
khởi sự và chấm dứt một con đường,
giữa bước đầu và bước cuối
con đường vẫn là một.
 
 
Bước chân là cách thức của con đường
để nói với mình,
im lặng của nó
bằng tro của những bước chân
hiện hữu,
bụi của nó
— bụi của một ngôn ngữ
đã mất tích.
 
 
Đường lối * là một con đường
muốn là chính bản thân,
khi để lộ đường lối
ấy là với chính mình
nó tiết lộ sự thật.
 
 
Không thể hỏi con đường
đường lối của nó,
bởi chính nó
cũng không biết.
Như người mù
bằng đui mù sờ soạng
bóng tối,
con đường trong đường lối của mình
đi tới;
đường lối của con đường không bao giờ
đi con đường của nó.
 
 
Mọi sự
đều có lối riêng
duy cái chết
không có lối nào hết
một mình nó ở
chung cuộc của mọi lối.
 
 
Không bao giờ dừng lại
ấy sự khôn ngoan của con đường,
những con đường của khôn ngoan
thường khi vấp váp;
trong khinh suất của nó
con đường tựa vào
vô tận;
trong khinh suất khôn cùng
con đường đi tới không vấp váp.
 
 
Từ dự cảm một lối đi
nảy sinh con đường.
Dự cảm là hôm trước
của gặp gỡ bản thân;
hôm trước là sự trông chờ một điều
đã từ rất lâu
dự cảm.
Đường lối của một điều có thể đoán biết
vào hôm trước của điều ấy.
Duy những đường lối của Thượng đế
là bí ẩn;
ở hôm trước đời đời
chúng duy trì con đường của chúng.
 
 
Trên con đường của mình
mỗi người mượn một lối riêng,
nhưng thường thường
không rành rẽ lắm.
Mỗi người trong lối riêng
tìm kiếm con đường của mình,
nhưng thường thường
không tìm ra.
Định đường nét cho những gì không có
khuôn mặt
ấy là mỗi lối riêng,
và quên mình
ấy là mỗi con đường.
 
 
Để trả lại sự chính đáng của bản thân
con đường tự tách lìa
bản thân;
ở đó ở nơi nó tách lìa bản thân
là khởi điểm
không phải chung cuộc,
ở đó, trạng thái của con đường
khiến nó quên đi
trạng thái chết chóc.
 
 
Bài thơ tự bản thân
là một con đường.
Con đường của bài thơ
là chính bài thơ.
Trên con đường của bài thơ
kẻ cất bước
không phải là bài thơ;
trên con đường của bài thơ
lang thang cát bụi
sinh ra dưới đôi chân
của cái chết.
 
-----------------------
* «đường lối» (la voie) ở đây xin hiểu là «phương thức / cách thức». (ND.)
 
 
 

Những lời than khóc của Salomon

 
 
I
 
Khôn ngoan là ta
vì đời ta chỉ đòi hỏi
sự khôn ngoan.
Đã xa rồi những trò
ái tình rồ dại xa rồi
cả rượu nho tuôn chảy nữa.
 
Từ nay đêm đã rời xa
như niềm vui xa rời
một khu chợ thiếp ngủ.
 
Bè bạn đã đi rồi
– ai tìm họ lại được
giữa những kẻ hăm hở với đắng cay
và ham hố này?
 
Cửa miệng hãy còn xa
tiếng hát!
Khôn ngoan là ta.
 
 
II
 
Hãy là hoa! – Người nói.
Nhưng ấy chỉ là cành khô.
Hãy tưới đẫm vành môi kẻ khát! Người nói.
Nhưng ấy chỉ là mây xơ xác.
Hãy là nước! Người nói.
Nhưng ấy chỉ là vũng lầy hôi thối.
Hãy là trái cây của thế giới! Người nói.
Nhưng ấy chỉ là đất cằn cỗi.
Hãy chết đi! Người nói.
Và chỉ có sự chết đón nhận người.
 
 
III
 
Trời đen tối
và phi mau đàn lạc đà nhấp nhô
họ đã bắt kịp ta bên bờ
sa mạc.
Trăng lên và ta
ta tìm tảng đá.
Khi ta thấy họ tới
ta bảo:
 
Chính ta là vua bọn họ!
 
Và cát của ta tan chảy
đã hòa lẫn với cát của sa mạc
mà không một ai thấy.
Và cát của đoàn lạc đà của ta
đã tan hòa vào cát của ta
mà không một ai thấy.
Và cát của lũ gia nhân ta
đã tan hòa vào cát của ta
mà không một ai nhận ra.
Và cát của đám thê thiếp ta
đã tan hòa vào cát của ta
mà không một ai nhận biết.
Sau này bên trên cát
đã lấp lánh vì sao của Abdelbaran
đang rửa chân cho gió.
 
 
IV
 
Và biển nói: – Hãy thét lên!
Và người đã không thể thét lên.
Và gió nói: – Hãy rên rỉ!
Và người đã không thể rên rỉ.
Và đất n6i: – Hãy nín lặng!
Và người đã không thể nín lặng.
Và Israel nói: – Hãy hát!
Và kẻ mù lòa đã tới ôm hôn người
Và miệng người đã tràn đầy ánh sáng.
 
 
V
 
Họ đã như tảng đá ở khe nước
họ đã như bụng trống lấp đầy
họ đã như đầm lầy dịu mát
họ đã như dây leo kéo dài ra
họ đã như bánh mì tròn lại
họ đã như tiếng kèn vang dội
họ đã như lãng quên tự quên đi
họ đã như kẻ chết tự chôn vùi.
 
 
VI
 
Ta đã trần truồng
và trong lúc ban đêm
người ta đã mặc lại áo quần cho ta,
ta đã bị bỏ đói
và rặng cây táo đã nuôi ta,
ta đã bị bỏ khát
và suối nguồn đã cho ta nước,
ta đã mỏi mệt
và cỏ ngoài đồng đã đón nhận ta,
nhìn vào chính bản thân ta
ta không thấy một nơi hỗ trợ nào để tựa mình.
 
 
VII
 
Này chó – ta đã nói –
tại sao mi bị xiềng?
Và nó đáp:
«Tâu Hoàng thượng
xin ngài đừng dạy kẻ ngu hèn
phải làm những gì chỉ dành cho
người mạnh!»
 
 
VIII
 
Này người anh em – ta đã hỏi y –
tại sao ngươi khổ sở?
Bởi coi kìa, bụng ngươi đã đầy,
các đàn thú của ngươi gặm cỏ dưới trời sao,
cánh tay ngươi mạnh như kim tự tháp
và tên ngươi được khắc trên mọi cổng thành thế giới
Y đã nhìn ta thật lâu
mà đáp:
«Ôi, Thánh thượng,
liệu người ta có thể đòi thịt da thần đừng héo khô
và xương xẩu thần đừng vụn vỡ?»
 
 
IX
 
Người nữ từng bị xua đuổi
từng bị đánh đập bằng những đòn ngôn từ
và ném đá
đã bước vào lều ta
nàng lại khoác áo gió
và mang giày đêm
hết sức kính cẩn nói với ta: «Trình Chủ nhân
xin Người hãy nhìn tới giếng nước
bởi nó đã cạn khô!»
Bởi thế, nghiêng mình trên khuôn mặt nàng
ta đã nghe nước lại tràn đầy những vùng sâu thẳm.
 
 
 

Khuốn mặt thời gian

 
 
Lied *
 
    Mi hãy nghe mưa
chùi rửa những khớp xương
của thế kỷ;
Mưa thấm vào tận tủy;
ôi, hưu kỳ êm dịu của ký ức!
Mi còn lại một mình
và rác rưởi của đời
vỗ lên mặt.
Sự sống ư?
Cái giá của một giọt sương
treo thập tự ở lối vào
sa mạc.
 
------------
* Lied: ca khúc. Horia Bădescu dùng chữ này để làm nhan đề cho rất nhiều bài thơ của ông.
 
 
Tuần lễ
 
    Hôm nay, ngày mai
Hôm nay, ngày mai...
Và ở đầu chót
một chúa nhật không cùng,
vĩnh cửu!
 
 
Lied *
 
     Chiều muộn,
nỗi âu lo không thể nói;
con chó trăng theo đuổi mãi dòng sông.
Che giấu nơi đâu nỗi nhục nhã của mi?
Cư ngụ nơi đâu giữa những khe sâu của xương cốt
và sự bất lực của khôn ngoan?
Có tiếng gõ;
Mi lấy hết sức mình kéo và cánh cửa mở ra
giữa lòng giấc ngủ.
 
----------------------
* Bài này dịch theo Mihaï Zahara. Xin xem bài «Buổi chiều như một nỗi lo sợ» dịch theo Paola Bentz-Fauci trong “Cuộc trở lại thứ nhì” (H. Badescu, kỳ 2). (ND.)
 
 
Lied
 
    Những cánh cửa lá chắn mở.
Về phía nào
nẩy sinh điều xa lạ?
Nếu ta nghiêng mình
những máy chém của bóng tối
phớt qua những chiếc gáy ngang ngạnh.
Ánh sáng mơ hồ của đôi mắt
hít lòng đường;
một con chó kéo lê trong bụi
ruột rà của hừng đông.
 
 
Lied
 
    U minh,
thời tập sự đen tối.
Thần sứ của cơn mưa
khuấy nhiễu sống lưng ngươi;
từ đầu cánh của người
lấp lánh
một giọt máu.
Gia-cóp! trong không gian người thét,
Gia-cóp! *
Tiếng cười nào đê tiện rỉ ra
từ đôi môi ngươi trày trụa
khi đôi chân người mù quáng
tới in dấu ấn khẳng định sự đồng lõa của các ngươi.
 
-----------------
* Xem sự tích trong «Khởi nguyên», Cựu ước. (ND.)
 
 
Viễn ký
 
    Thế là chúng rốt cuộc được chất đống
trong kim tự tháp lớn
của dửng dưng.
Trên cát, những chiếc bóng của chúng:
những rặng cây chữ thập
với những bên cánh bị giật đứt.
 
 
Lời tán tụng con bò
 
    Y đã hết sức hì hục
cực nhọc
banh thây,
giữa cái ách và ngọn roi:
ấy khôn ngoan của lựa chọn
cả hai.
 
 
Tất yếu *
 
    Trong suốt mùa đông khủng khiếp này
khi những dấu vết
không còn nhìn thấy nữa
vẫn phải sống
nếu không có một giải pháp nào
khác!
 
-------------------
* Bài này dịch theo Mihaï Zaharia. Xin xem bản mang cùng tựa, dịch theo Paola Bentz-Fauci trong “Cuộc trở lại thứ nhì” (H. Badescu, kỳ II). (ND.)
 
 
*
 
     Khép lại
cửa miệng của ác quỷ,
tiếng nói nó đã tắt;
tôi đứng một mình trước những cánh cổng
sự thật.
Làm sao
những kẻ Bất tử kia* cân nhắc
gánh nặng thánh thiêng
thân xác tôi?
 
-------------
* «Les Immortels», ở đây hiểu là các Thần linh. (ND.)
 
 
Abyssus abyssum invocat *
 
    Với mi những khung cửa của tiếng hát
đã khép kín.
Mưa để lại trên mặt kính
những ẩn tự thâm u.
Mi nghiêng mình để lần mò đọc
những ký hiệu dị kỳ này.
Dẫu vậy đôi khi
trong giây lát ngắn ngủi ở trên vai mi
cái chết vẫn thầm nhắc:
«Vực thẳm kêu cầu cùng vực thẳm!»
 
---------------------
* tiếng La-tinh, ý nghĩa như hàng chót trong bài. (ND)
 
 
Ngụy chân dung
 
Y là
những gì những cơn mưa
nói về y.
Khi gió nổi
thân xác y tựa như cành hoa trắng
vấp phải thể chất của những sự vật.
Y ngủ trên một cái bao
kề bên khuôn mặt cát,
ban đêm trong xương y vang dội
những hang động sâu thẳm và
ngập muối.
Y bước đi như dẫm đạp dưới chân
da thịt thánh thiêng
một vị thần,
khi y nói
một cây hạc cầm vô hình nẩy sinh
trong những địa đạo của hỗn mang.
Y là
những gì ánh sáng chưa học cách nói
về y.
 
 
Lied *
 
 
    Đi.
Quá mỏng manh là mép lề
phân cách ánh ngày với những
địa đạo của đêm tối.
 
    Đi.
Ngang ngạnh biết là bao
khi không muốn hiểu rằng
chẳng có một nơi nào để đi.
 
    Đi.
Chỉ có gan bàn chân mi
biết rõ những dằm thép
của trái đất ra sao.
 
    Đi.
Ở cuối, ở nơi không còn
đường, Giu-đa quỳ gối
kế bên bình thanh tẩy;
ấy chính khuôn mặt mi mi thấy
phản ánh trên làn nước.
 
---------------------
* Bài này dịch theo Mihaï Zaharia. Xin xem bản mang tựa “Bước đi”, dịch theo Paola Bentz-Fauci trong “Cuộc trở lại thứ nhì” (H. Badescu, kỳ II). (ND.)
 
 
Lied
 
     Quá khứ, hiện tại,
ai biết được rằng nó, xác thịt, có thể ra sao
những từ ngữ,
bí quyết,
cát ngày thứ năm
cái cứng và sống
dáng dấp;
ai biết được
ấy chung cuộc, ấy khởi đầu,
chỉ có khói của tháng ngày
sững lại nơi đường nét
những màng óc thánh thiêng.
 
 
Lied
 
    Những bản thông cáo, thông cáo, thông cáo,
những khảo luận, bài thuyết giáo, những áo trói,
ái tình, máy điện toán, những ngày mai,
một viên đạn trong cái lưng khòm
của thực tại,
một tràng súng bắn vào cái bụng son sẻ
của âu yếm.
Thượng đế ký tên mình bằng một cây nạng
trên những bức vách nhà tù.
 
 
Lied
 
    Quả thật,
bên trên đầu chúng ta, là cái chết,
nhưng ngược lại, ôi huyền diệu biết bao,
ở dưới đó đôi chút, nơi những đôi môi chúng ta gắn liền
và vô tư
sinh ra Thượng đế.
 
 
Lied
 
Bụi đời hì hục và nghiến rít,
ngày mà thịt da biến thành giá băng;
những ngón tay tôi bấu vào tay em như những cây kềm –
những đốt xương của chiếc thang cất lên trời cao.
 
 
Lied
 
    Chó già
trên nhựa đường nơi sương mù lấp lánh;
những cánh cửa khép,
những tiếng chửi thề,
cái lạnh cười nhạo.
Một sợi xích vang vang trên mặt đá lót đường, đơn độc.
Tiếng hú của trăng
sưởi ấm
cổ họng giá buốt của đêm thâu.
 
 
Lied
 
      Những cuộc phiêu lưu, những món đồ.
Hãy xếp lại gọn ghẽ!
Ra sao nhỉ những gì đã quên
hiện hữu mà không thôi hiện hữu?
Ai đang đứng đằng sau những khung cửa
tăm tối của mi?
Những bàn tay nào nở
ở đầu đôi cánh tay mi?
«Nhất định là ngày mai, – mi bảo – ngày mai...»,
mà quên mất rằng hôm nay
chưa từng hiện hữu!
 
 
Lied
 
     Sự thể đã ra sao
khi tôi chỉ là bầu trời
trước mặt Người
và máu của cơn mưa
trên những khớp xương của đất sét?
Ấy cũng gần như tất cả
ngoại trừ gió đã tươi cười giật ra
đôi lòng bàn tay người từ những chiếc đinh tháng ngày
sắp tới.
 
 
Lied
 
    Mi hãy nghe lũ dế mèn gắng sức
gặm mòn đêm.
Lớp mạt cưa đen xạm nào buông xuống
nơi những buồng phổi bị lấp nghẹn của thành phố!
Những ngày của đời mi,
như một kẻ hoàn toàn lạ xa, mi rảo qua chúng,
ấy những viên gạch của một đền đài vinh quang,
những viên gạch nám cháy nơi những nhà tiểu công cộng
của thế kỷ mi.
 
 
Một nắm đất sét
 
    Một nắm đất sét
và bàn tay tôi có thể nhào nặn
những đường nét của em
bởi đôi bàn tay tôi
còn nhớ.
Nhưng Người
Người đã nhớ tới gì nhỉ
khi uốn nắn ra em?
 
 
Coi chỉ tay
 
    Đo đạc vào mùa thu
những cánh đồng bắp,
tiếng động của chuyến tàu trong tai
sự chết;
gặp gỡ vào mùa thu
con đường sinh
chưa bị gián đoạn;
có ai đó,
ai đó khép lại lòng bàn tay
ở tận cùng thế giới.
 
 
*
 
    Tiếng kêu con sáo sậu
chìm trong đen tối,
lúc này mi hãy còn nghe.
Rồi sẽ phải lặng thinh chiếc bóng
lưng khòm lang thang trên đường phố
dưới cơn mưa quất mạnh.
Mi hãy nói,
hãy mò mẫm bước vào
vòng nhảy múa của từ ngữ
đang xoay tròn trên miệng vực!
 
 
Chống chiến tranh
 
     Mùa đông,
sương mù,
buồn nôn mửa;
Thượng đế lết lê
đôi giầy trận
trong đường hầm vĩnh cửu.
 
 
Maja desnuda
 
     Vững tựa đá, đẫy đà,
lõa lồ trong ánh ngày không che đậy,
cô quạnh rình rập chính bản thân
trong cô quạnh,
hắt hiu
trong kiêu hãnh của thịt da
lửng lơ giữa hiện tại
và mãi mãi,
khoảnh khắc điên rồ vì nhan sắc,
nụ hôn trên đôi môi quái gở
của thiên thu.
 
 
Này
 
Này
làm sao ngươi chứng tỏ được
rằng thân xác ngươi nặng hơn là
bóng tối?
Giữa đôi cánh tay ta
trọng lượng của không khí
ta cảm thấy rõ
— dẫu như nó
nằm trong hốc rỗng một cây sậy —
khoác nó trên người
ta không thấy nặng nề gì hơn,
gánh nặng của trái đất;
giữa những khóm hương mộc
trên những nhành ngánh trắng của ánh ngày
nó không giống cánh chim
cho bằng đường bay của cánh chim ấy.
Có những lần
chạm tới nó
những ngón tay ta lấp lánh
hào quang của sông Ngân
lại có những lần
hai thái dương ngươi mang làn ánh sáng
gió Nam
Nếu trên những đường phố của đêm tối
đôi chân ngươi dẫm vào giữa mặt
ánh sáng
làm sao ngươi chứng tỏ được
rằng thân xác ngươi nặng hơn là bóng tối?
 
 
Một tia sáng
 
     Một tia sáng
vào buổi mai mùa đông lạnh lẽo có một;
một tia sáng trên mí mắt em
từ đấy tôi bắt đầu không còn biết
làm sao giấc ngủ rụng rơi,
một tia sáng đến từ đen tối,
mù lòa, tay nắm tay
chính nó;
và chúng ta ở trước mặt nó
như trước một khẩu súng đã nạp
bất tử
và nó thật vô tư
đưa lưỡi dao trắng chém xả xuống
một ngày, lại một ngày,
lại một ngày...
 
 
Và nếu những ngón tay tôi
 
   Và nếu như những ngón tay tôi
có thể vuốt ve mơn trớn
khuôn mặt thời gian,
nếu những đầu ngón chúng
say khuôn đúc của em
mò mẫm bình minh của thế giới
thì vị thần nào sẽ mạo hiểm đôi bàn tay
để nhào nặn đất sét?
 
 
Nox *
 
    Đếm bước hòa mình vào tà dương,
dưới ánh sáng mơ hồ của thành phố,
mãi cao, tay đón trăng liềm như khói sương,
nghe nơi mùa thu tiếng chó sủa,
 
khuấy động nét huyền bí êm đềm những đường phố trống,
dưới từng vì sao lướt nhanh của chòm Hùng tinh,
đơn độc với bộ xương khô và đơn độc với thịt da mình,
trong sâu thẳm của đen tối cảm thấy sương mù di động,
 
như một tửu đồ cố cựu rình rập chiếc đồng hồ máu rỉ,
mò mẫm những vách tường, bằng chiếc bóng của bàn tay
                                                       [trần trụi hoàn toàn,
nhìn thấy hõm sâu những vết nhăn trên xác ướp thời gian
mà hơi lạnh tột cùng thấu suốt cốt tủy!
 
-----------------
* Nox: Đêm (tiếng La-tinh). (ND.)
 
 
Lied
 
    Ra đi để tới trước
bước đầu tiên.
Ôi chao sao mi đè nặng thế
trên bộ xương khô,
sao mà dài thế con đường
hướng tới con người không thỏa hiệp.
Thế kỷ của mi – một nhầm lẫn
hay ấy chính phán xét của mi
đã xuôi tay?
Không sao!
Ý hướng ẩn giữa đôi tay nàng
đôi tay đang xua đuổi trên vầng trán mi
bóng cành sơn trà.
 
 
Lied
 
    Ánh ngày như một lời chúc phúc
của những người mù.
Mi bò
giữa những tươi mát còn lại
trơ trẽn,
giữa đám cỏ bí ẩn
quấn quít
với hương rừng.
Trong đờm rãi trong suốt của ánh sáng
phất phơ lịch sử;
dưới chân mi buổi sáng nay
đôi mắt buồn của một con chó
quá già cỗi
thế cho cây cầu.
 
 
Lied
 
    Mồ hôi của tro,
mùa hè của bụi,
khắc giờ của bụi,
thân xác của bụi.
Mi hãy nghe máu lạc lõng
trong những đường mạch của đêm tối,
dưới những vì sao sắt thép
những đoàn lữ hành của Ba Vua
lên đường
về Giê-ru-sa-lem của im lặng.
 
 
Lied
 
     Mi kết liễu bài thơ
với nắm đấm trong miệng.
Con số vàng,*
thời đại vàng,
im lặng vàng...
Chung quanh mi hú lên mọi người,
hành tinh hú lên,
lịch sử hú lên.
Chẳng ích lợi gì mà đặt những câu hỏi
với bộ xương khô của mi đã bị nghiền nát.
Chẳng ích lợi gì mà để ý
tới tiếng nghiến rít của những vòng bánh trên trời
«Guarda e pasa!» **
Có ai đó tựa như mi
mang trong hai tay
thủ cấp
của ngày mai.
 
----------------
* hay Kim số, thời đại hoàng kim,...
** «Hãy nhìn và bước qua!» (tiếng Ý). (ND.)
 
(còn tiếp một kỳ)
 
 
Ghi chú của người dịch:
HORIA BĂDESCU sinh ngày 24.2.1943 tại Aref-trên-Arges, miền Valachie, Ru-ma-ni. Khởi sự sự nghiệp văn chương vào đầu những năm 1970 với tập thơ Marile Eleusii (Những ngày hội lớn của Euleusis, nhà xuất bản Dacia, 1971); tới nay đã có khoảng hai chục tác phẩm vừa thơ, vừa tiểu thuyết và nghiên cứu văn học. Ông đã được tặng nhiều giải thưởng văn chương trong nước như của Hiệp hội các nhà văn, của các tạp chí Arges, Poesis và của Hàn lâm viện Ru-ma-ni; được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Đức, Nga, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri, Serbie, Arménie, Việt-nam,....
 
Với bằng tiến sĩ văn chương, ông còn là một giáo sư, một nhà báo, một dịch giả và nhà ngoại giao. Theo Jean Poncet (trong Voix de Roumanie, Sud, 1997), Bădescu từng làm biên tập viên đài phát thanh quốc gia ở Cluj từ năm 1968, rồi làm giám đốc Nhà hát Quốc gia ở Cluj từ 1987. Ngày 22. 12. 1989 ông điều khiển đài phát thanh và truyền hình Cluj. Năm 1995, Bădescu được bổ nhiệm phụ tá giám đốc Trung tâm văn hóa Ru-ma-ni ở Paris. Khoảng cuối năm 1997, ông trở thành giám đốc trung tâm này... Dứt nhiệm kỳ hai năm ông trở về nước, và làm việc tại «Fundatia Culturala Romana» ở Bucarest. Ít lâu sau, ông trở lại Paris, phục vụ trong ngành ngoại giao. Trong cuộc sống bình nhật, Bădescu là một tín đồ chính thống giáo...
 
Trong bài tựa một tuyển tập thơ của Horia Bădescu được dịch sang Pháp văn, nhà phê bình Liviu Petrescu viết: «Horia Bădescu ở trong số những nhà văn tiêu biểu nhất của văn chương Ru-ma-ni trong những năm gần đây.» Nhà phê bình còn cho biết: «Thơ Horia Bădescu, phần tiêu biểu nhất trong các tác phẩm của ông, không phải là một thứ thơ tiền phong theo nghĩa thông thường của từ này, mà đúng hơn là một thứ thơ quan tâm tới việc thu hồi ý nghĩa nguyên thủy của nó. (...) Đối với Horia Bădescu, thơ tiếp tục mở ra cho một số kinh nghiệm của điều thánh thiêng.» Cũng theo Petrescu, Horia Bădescu rất chú trọng tới một số hình thức cố định trong thơ, ông ưa thích thể sonnet của Anh và thể ballade «tự tình khá phóng khoáng kiểu Pháp». Petrescu còn phân biệt hai giai đoạn trong thơ Bădescu: ở một giai đoạn đầu, thơ Bădescu đưa ra một viễn ảnh tổng quát, một thứ «chủ nghĩa nhân bản mới», trong đó «sự hiện hữu của con người được coi như không phải là đối nghịch với thiên nhiên mà là dự phần vào thiên nhiên, hòa mình vào một thứ trật tự vũ trụ...»; nhưng trong những năm gần đây, Bădescu đã cho thấy một khuynh hướng ngược lại: ông «khai triển viễn ảnh của một vũ trụ mắc triệu chứng suy đồi, một vũ trụ đang nguội dần, ở ngưỡng cửa của một thời băng giá khác...»
 
Với thi phẩm mới Những tam đoạn luận của con đường (Les syllogismes du chemin, «le buisson ardent», l'arbre à paroles, Maison de la Poésie d'Amay, 1999), tôi mường tượng thơ Horia Bădescu đang trở lại quỹ đạo của trầm tư, tự đào sâu và khai triển cho mình một con đường thênh thang mới.
 
Tôi đã giới thiệu Horia Bădescu với bạn đọc Việt-nam lần đầu qua thi phẩm Khuôn mặt thời gian & mũi gai (Tủ sách thơ, Trình bầy, 1996). Tôi trở lại với ông lần này trong hân hoan của một mong ước đã trở thành sự thực: Horia Bădescu không phải chỉ là một trong những tiếng thơ «tiêu biểu nhất của Ru-ma-ni», ông đã bước một bước thật vững vàng trên con đường của những nhà thơ lớn của thế giới.
 
Bản dịch này gồm trọn vẹn tác phẩm mới Những tam đoạn luận của con đường của Horia Bădescu, một số những bài thơ khác, như “Những lời than khóc của Salomon” (theo bản Pháp văn của Georges Astalos), và toàn thể các bài trong tập Khuôn mặt thời gian (Le visage du temps, Librairie Bleu, Troyes, 1993; bản Pháp văn của Mihaï Zaharia) cũng như toàn thể các bài trong Cuộc trở lại thứ nhì (Le deuxième retour, Cogito, Oradea, 1996, bản Pháp văn của Paola Bentz-Fauci; tác phẩm này bao gồm cả 23 bài trong tập Mũi gai (Le fer des épines). Các bài được sắp xếp theo thứ tự các tác phẩm nêu trên. Các bài của tập Khuôn mặt thời gian (bản dịch Mihaï Zaharia), có thể tìm thấy trong Cuộc trở lại thứ nhì, vẫn được duy trì; nhưng 23 bài của Mũi gai được trả lại thứ tự như đã có trong Cuộc trở lại thứ nhì... Hy vọng bạn đọc tìm thấy cái vui nơi một số bài dịch theo những bản dịch khác nhau (Mihaï Zaharia/Paola Bentz-Fauci) của cùng một nguyên tác!
(Lộ trấn, 22. 12. 1999).
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021