thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những dòng thơ cho một khúc nhạc | Những quả chanh đắng | Dublin | Sứ giả
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
LAWRENCE DURRELL
(1912-1990)
 
Lawrence George Durrell sinh ngày 27.2.1912 tại Jalandhar, Ấn độ thuộc Anh -- “dưới chân dãy núi Himalayas”, như sau này ông thường ưa gọi -- cha mẹ đều là người Anh sinh trưởng ở Ấn độ. Thời trẻ ông học trong trường dòng St. Joseph ở Darjeeling, tây Bengal, rồi St. Edmund ở Canterbury, Anh quốc. Tác phẩm đầu tiên của ông thường được biết là The Black Book, xuất bản tại Paris năm 1938, nhưng thật ra trước đó ông đã xuất hiện với Pied Piper of Lovers [1935] và Panic Spring [1937], tập thơ đầu tay Quaint Fragment [1931] xuất bản năm ông mười lăm tuổi, và A Private Country [1943]. Tiếp sau đó là các cuốn Prospero’s Cell [1945], Reflections on a Marine Venus [1953], và Bitter Lemons [1957] là tác phẩm kể lại cuộc sống của ông ở Cyprus. Thời chiến tranh thế giới, Durrell sống ở Ai cập. Tiểu thuyết tuyệt tác bộ bốn The Alexandria Quartet * mà ông khởi sự viết trên đất này, rồi hoàn thành ở miền Nam nước Pháp, đã đưa ông lên hàng những tiểu thuyết gia lớn nhất thế giới. Giữa thời gian viết bộ bốn The Alexandria Quartet [1967-1960] và bộ năm The Avignon Quintet [1974-1985], ông còn viết hai tiểu thuyết Tunc [1968] và Nunquam [1970], đồng thời làm thơ, sáng tác kịch, viết phê bình, dịch thuật, và viết về du lịch, truyện về dân làm ngoại giao... Trước khi tuyệt tình với nước Anh mà ông không còn coi là quê hương, và nước này cũng không còn sử dụng và coi ông là công dân, ông từng sống ở Cairo, rồi Alexandria ở Ai cập, Athens, Rhodes, Corfu trên bờ biển Kalami và các đảo Dodecanese Islands của Hi lạp, Paris, Cordoba ở Argentina, Belgrade ở Yugoslavia, Nicosia ở Cyprus, và từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng khác nhau trong ngành ngoại giao. Caesar’s Vast Ghost [1990] là tác phẩm sau cùng của ông, trong đó ông ghi những suy nghĩ về lịch sử và văn hoá của miền Provence, Pháp, là nơi ông rút về sống trong một làng nhỏ có tên là Sommières hơn mười năm sau cùng của một cuộc đời “sóng gió” nhưng rất thú vị – một cuộc sống “bohemien”, kể từ thời gian sống bằng nghề nhạc sĩ dương cầm trong các câu lạc bộ nhạc jazz ở London, cho đến những năm sống ở Paris, rồi làm trong ngành ngoại giao, hay giảng dạy ở các đại học.**
 
Lawrence Durrell là Thành viên của Royal Society of Literature của Anh quốc [1954] và từng được đề cử giải Booker Prize với cuốn Constance, or Solitary Practices [1982] và đã nhận các giải văn học như Duff Cooper Prize với Bitter Lemons [1957], James Tait Black Memorial Prize với cuốn Monsieur, or the Prince of Darkness [1974]... và có dư luận cho rằng ông cũng từng có tên trong danh sách được đề cử Giải Nobel văn chương. Về tình bạn 45 năm giữa ông và nhà văn Henry Miller, người ta thường nhắc lại thời sống ở Paris, Lawrence Durrell từng cùng với Miller và nhà văn nữ Anais Nin ôm giấc mộng xây dựng một phong trào văn học riêng của ba người. Giấc mộng không thành, nhưng cả ba đều đã để lại một sự nghiệp văn học đáng kể.
 
Thơ Lawrence Durrell xuất hiện khá nhiều trước tiểu thuyết của ông, thế nhưng cái bóng đồ sộ của tiểu thuyết, có thể cộng với ngôn ngữ tiền vệ trong chính những bài thơ, đã che một phía con người thi sĩ của ông, từ lâu vẫn được coi như một trong những nhà thơ tài hoa nhất của thế kỷ qua. Rất có thể đất đai và bầu khí của nhiều miền khác nhau: Ấn độ, Địa trung hải, Paris, đã đưa vào thơ ông những âm sắc và cú pháp đẹp đẽ lấp ló sau một thứ từ vựng tự nhiên của đời sống. Durrell còn là một người dịch thơ tài hoa, đã để lại cho người đọc nhiều bản tiếng Anh giá trị của thơ George Seferis, Angelos Sekilianos...
 
Sau nhiều năm bị bệnh khó thở [trong y học gọi là khí thũng], sống một mình trong một ngôi nhà lớn ở làng Sommìères,*** Lawrence Durrell mất ngày 7.11.1990.
 
Là một nhà văn đa tài và sáng tác mạnh, tác phẩm ông để lại có thể gọi là đồ sộ. Riêng về thơ, trong số nhiều tập xuất bản trong khoảng 1931 đến 1948, có thể kể một ít những tác phẩm chính: Collected Poems: 1931–1974 [1960, 1964, 1980], Selected Poems: 1935–1963 [1964], The Ikons [1966], Vega and Other Poems [1973], Selected Poems of Lawrence Durrell [2006].
 
 
 
Ngôi nhà ở làng Sommìères
nơi Lawrence Durrell sống những năm cuối đời.
 
---------------
 
* Bộ tiểu thuyết bốn cuốn The Alexandria Quartet gồm Justine [1957], Balthazar [1958], Mountolive [1959] và Clea [1960] viết về những biến cố trước và trong Chiến tranh Thế giới ở Alexandria: ba cuốn đầu chủ yếu kể cùng một câu chuyện, nhưng nhìn từ nhiều phối cảnh khác nhau, theo một kỹ thuật độc đáo; đến cuốn cuối cùng, câu chuyện mới được kể tiếp theo thời gian và dẫn đến hồi kết cục. Khoảng 1960-1961, người dịch có dịp đi qua suốt cả bốn cuốn, trong một kỳ nghỉ hè ở Vũng Tàu, có lẽ cùng một lúc với bạn Nguyễn Đăng Thường [hiện ở London], cũng là người từng rất ngưỡng mộ Durrell, bởi vì sau đó [nếu tôi nhớ không sai] chúng tôi có nhiều dịp nói chuyện với nhau về “bài thơ dài” Le Quatuor d’Alexandrie [tôi khởi sự đọc bản tiếng Pháp, mà mấy năm sau tôi đã không lấy làm lạ bản dịch là của một nhà thơ tôi từng say mê: Roger Giroux, anh em cột chèo với một người cậu ruột của tôi, ở Paris]. Ngoài kỹ thuật độc đáo mới mẻ trong tiểu thuyết, trong cái nhìn non trẻ của sinh viên, chúng tôi đã say mê bút pháp phong phú và những nhân vật đa dạng và sống động, đặc biệt là những nơi chốn “ngóc ngách” hấp dẫn của thành phố Alexandria [chính thành phố phải được coi là “nhân vật chính” của bộ tiểu thuyết] – tất cả được mô tả với một chuyển động nhịp nhàng chưa từng thấy.
 
** Năm 1974, Durrell là Giáo sư Thỉnh giảng tại Đại học Nhân văn Andrew Mellon thuộc California Institute of Technology.
 
*** Trước sau ông trải qua bốn đời vợ: Nancy Isobel Myers [1935-1942], Eve Cohen [1951-1955], Claude-Marie Vincendon [1961-1967 mất vì bệnh ung thư] và Ghislaine de Boysson [1973-1979], có nghĩa, căn cứ giấy tờ và tính theo số học, sau lần đầu lấy vợ, ông có ít nhất bốn giai đoạn “tự do một mình”: 1943-1950, 1956-1960, 1967-1972 và 1980-1990.
 
____________
 
 

Những dòng thơ cho một khúc nhạc

 
Hãy lên ngựa rong ruổi giữa đêm khuya,
Bạn sẽ gặp mặt trời của mình.
Những hạt mầm của mận và hạt tiêu giờ đây
Có vẻ như rụng xuống những kho nào rồi?
Đã nở hay sắp nở, hạt cũng sẽ cho biết
Độc dược nào đã đưa lưỡi chạm vào hạt lúa,
Hay trong khoanh chiếc bình vàng cổ cong của quả dưa tây
Chúng sẽ lặp lại nhạc khúc nào vỗ béo cho con báo
Khi ra khỏi đôi bầu vú ám tối của mẹ.
 
Hãy lên ngựa rong ruổi giữa đêm khuya
Và hãy đếm những con chim sẻ.
Ai đã chắp đôi cánh rộng cho con Thuyền của Noê?[1]
Ai đã thúc ngựa con kỳ lân?
Chỉ những phụ nữ có đôi háng như con cá thu
Mới nuôi sống được hạt mầm người đàn ông đau khổ,
Và chân thành với những con quái vật của họ.
Thế thì với đám quái vật của mình bạn cứ hãy là bạn.
 
 
 

Những quả chanh đắng

 
Trên một hòn đảo những quả chanh đắng
Những cơn sốt lạnh của trăng cháy thiêu
Từ những hình cầu tối mù của cây trái
 
Và cỏ khô dưới chân ta
Tra tấn kỷ niệm và chỉnh lại
Những thói quen đã chết từ nửa đời người
 
Phần còn lại tốt hơn là không nhắc đến,
Vẻ đẹp, bóng đêm, sự hăng say;
Hãy cứ để những bà vú già của biển cả
 
Giữ những kỷ niệm dật dờ của mình
Và hãy cứ để cái đầu tóc xoăn của biển Hi-lạp
Giữ những hồi yên tĩnh như những giọt lệ không để rơi
 
Giữ những hồi yên tĩnh như những giọt lệ không để rơi
 
 
 

Dublin

 
Nỗi đau êm dịu, em vẫn ở đấy chứ?
Ta không nhận ra em
Trước tiên là cái đầu nghiêng nghiêng nghiêm trọng
Hay đôi mắt đen ngoan ngoãn.
 
Để chia sẻ niềm vui sâu đậm với em
Ta tìm đến em – nhưng em có vẻ muốn trốn
Mãi tận những khe núi vô tâm của tình yêu
Đưa em, cũng như anh, đến gần chỗ tự sát.
 
Cái cầu vồng trên ngọn tháp của Joyce[2]
Cũng lại là một sự dối trá hiếm hoi
Khi lần nữa nó khơi dậy những hi vọng cao vời
Em đã sớm cho thấy là chỉ để đánh lừa.
 
 
 

Sứ giả

 
Hãy câm miệng, hỡi con ếch già.
Hãy để Thượng đế dàn xếp vì là việc của người,
Và hãy cứ để lũ chó ăn thịt chó
Đến tận cùng sự báng bổ của nắm xương tàn.
Cái đúng sẽ bị cái không đúng nghiến tan.
 
 
_________________________

[1]Ark: trong Kinh thánh là con thuyền đã cứu thoát Noê, gia đình ông và đủ loài thú vật khỏi nạn Hồng Thủy.

[2]James Joyce sinh tại Rathgar (gần Dublin), lớn lên ở Dublin, và là tác giả cuốn The Dubliners.

 
 
---------------------
“Những dòng thơ cho một khúc nhạc” và “Những quả chanh đắng” dịch từ nguyên tác “Bitter Lemons” và “Lines to Music” trong Lawrence Durrell, Collected Poems (New York: E. P. Dutton & Co., Inc., 1960). “Dublin” và “Sứ giả” dịch từ nguyên tác “Dublin” và “Envoi” trong Lawrence Durrell, Vega and Other Poems (New York: The Overlook Press, 1973). [“Envoi” là một trong những bài trong sổ tay thơ của tác giả, một phần viết bằng văn xuôi, được nhà Faber & Faber ấn hành với số in hạn chế trong năm 1971 tại London, dưới nhan đề The Red Limbo Lingo, với lời đề tặng Miriam Cendras.]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021