thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhà thơ
 
ẩn dụ thì đêm như có gì rơi long lanh
vỡ đầy cảm hứng khiến anh giật mình
 
người chưa biết gì về anh
đọc: “đêm như có gì rơi long lanh
vỡ đầy cảm hứng khiến anh giật mình”
rất có thể sẽ kết luận đây là một kẻ luôn trong trạng thái mộng du
mà biết rồi khéo vẫn cố tình kết luận thế
 
đấy là thói thường
ngay cả người trân trọng người làm thơ vẫn quen nhốt họ vào khái niệm thi sỹ “hồn bướm mơ tiên” trong đầu mình
 
“thi sỹ”, một cái tên hơi láy với âm điệu chưa chi đã gợi nhịp sóng hay mây trong lòng độc giả rồi
 
nhưng hãy lưu ý những chữ: “ẩn dụ thì”
 
Định treo biển “ở đây có bán cá tươi” à?
 
Cớ gì phải nói “phép ẩn dụ này là một phép ẩn dụ”?
 
cần chứ, để giễu cợt thói thường
 
anh đủ tỉnh táo để biết anh đang ẩn dụ
 
nhưng thú thật, “ẩn dụ thì” được viết thêm vào phía trước sau khi câu thơ
“đêm như có gì rơi long lanh
vỡ đầy cảm hứng khiến anh giật mình”
đã hoàn thành
 
nghĩa là, tiềm thức đã thôi thúc chữ hoá, ở đây gọi là ẩn dụ, trạng thái vừa nắm bắt được. câu thơ đầu được sản xuất theo cách ấy. cực nhanh. bật ra (không dùng “phóng ra”. nhàm, sáo, điệu vớ điệu vẩn. thực tế không sướng đến thế)
 
nhưng các câu tiếp theo này đâu phải sản xuất theo cách ấy
 
và đâu phải chúng không hay. hỏi thử các cao thủ xem
 
hey, có cần diễn dịch các ý trên cho dễ hiểu không:
 
mời bổ sung vào thói thường thêm một cách đọc mới
 
lưu ý: bổ sung chứ không phải ghi đè nhé
 
bởi vì, trong hiện tại, có quá khứ
 
trong nhà thơ, có thi sỹ
 
07.07.07
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021