thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cái giọng

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

MARGARET ATWOOD

(1939~)

 

Margaret Atwood — thi sĩ, tiểu thuyết gia và phê bình gia — là một khuôn mặt nổi bật của văn chương Canada hậu hiện đại. Bà nổi tiếng như một cây bút nữ quyền với kỹ thuật hư cấu độc đáo. Lối viết của bà biểu lộ một trí tưởng tượng cực kỳ phong phú và mạnh mẽ, nhưng những hình tượng huyễn ảo trong tác phẩm của bà lại phóng dọi sâu sắc vào bản chất của hiện thực cuộc sống đương đại. Bà đã viết một số lượng tác phẩm rất đồ sộ, và đã được trao rất nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó có giải Booker Prize năm 2000 cho tiểu thuyết The Blind Assassin. Atwood đã từng là Chủ Tịch của Writers' Union of Canada vào năm 1981-1982, và Chủ Tịch của International P.E.N., chi nhánh Canada, từ 1984 đến 1986.

 

 

[Minh hoạ của chính tác giả Margaret Atwood]

 

CÁI GIỌNG

 

Tôi được trời cho một cái giọng. Người ta nói với tôi như thể. Tôi trau dồi cái giọng của tôi, vì thật là uổng nếu bỏ phí một món quà như thế. Tôi hình dung cái giọng này giống như một cái cây trồng trong nhà kiếng được sưởi ấm, một cái cây sum suê, với tàn lá óng ả và có chữ “phong nhiêu”[*] trong tên gọi, và một mùi xạ hương toả ra trong đêm. Tôi cố gắng bảo đảm cung ứng cho cái giọng một sự ấm áp đúng mức, một độ ẩm chính xác, một chu cảnh hoàn hảo. Tôi làm dịu những nỗi sợ của nó; tôi khuyên nó đừng run rẩy. Tôi nuôi nấng nó, tôi rèn luyện nó, tôi ngắm nó trèo lên như một dây nho bên trong ống cổ của tôi.

Cái giọng nở hoa. Người ta nói tôi đã trưởng thành qua cái giọng của tôi. Chẳng mấy chốc, tôi được ái mộ, hay nói đúng hơn, cái giọng của tôi được ái mộ. Cái mà người ta thấy là tôi, cái mà tôi thấy là cái giọng của tôi, nở phồng ra phía trước như cái bọc hơi màu lục căng bóng dưới cổ con ễnh ương đang kêu.

Cái giọng của tôi được người ta tán tỉnh. Người ta ném những bó hoa cho nó. Người ta trao tặng tiền bạc cho nó. Đám đàn ông quỳ gối trước nó. Những tràng pháo tay bay chung quanh nó như những bầy chim đỏ.

Những lời mời trình diễn trút lên chúng tôi như thác đổ. Tất cả những nơi chốn tuyệt hảo đều cần chúng tôi, và cần ngay lập tức, bởi, như người ta nói — dù không phải nói với tôi — rằng cái giọng của tôi chỉ nở hoa một thời. Thế rồi, cũng như những cái giọng khác, nó sẽ bắt đầu héo hắt. Cuối cùng, nó sẽ rụng rơi, chỉ còn lại tôi bơ vơ, trần trụi — như một bụi cây chết, một cái chú thích cuối trang sách.

Điều ấy đã bắt đầu diễn ra, sự héo hắt ấy. Chỉ mới có một mình tôi nhận ra điều ấy. Có một nếp nhăn mơ hồ trong cái giọng của tôi, một nếp nhăn hết sức tế vi. Nỗi lo sợ đã xâm lấn vào trong tôi, như một mũi kim chích đầy chất ether, làm tim tôi thắt lại.

 

Bây giờ đêm đang xuống; những ánh đèn huỳnh quang toả sáng, sự phấn khích dâng nhanh trên những đường phố. Chúng tôi — cái giọng của tôi và tôi — ngồi trong phòng ngủ này, hay nói đúng hơn, trong dãy buồng khách sạn tráng lệ này, bởi vì chúng tôi vẫn còn sống trong những điều kiện tuyệt hảo nhất. Chúng tôi cùng tập trung sức mạnh. Cuộc sống của tôi còn lại được bao nhiêu? Còn sót lại bao nhiêu, nói thế mới đúng: vì cái giọng của tôi đã sử dụng gần hết cuộc sống của tôi. Tôi đã trao cho nó trọn vẹn tình yêu của tôi, nhưng nó chỉ là một cái giọng, không bao giờ nó có thể đáp lại tình tôi.

Dù cái giọng của tôi đã bắt đầu tàn lụi, nó vẫn còn tham lam như bao giờ. Còn tham lam hơn nữa: nó đòi hỏi nhiều hơn, nhiều hơn và nhiều hơn nữa, nhiều hơn tất cả những gì nó đã có từ trước đến nay. Nó không dễ dàng buông tha cho tôi.

Chẳng bao lâu nữa sẽ đến lúc chúng tôi phải bước ra ngoài. Chúng tôi sẽ tham dự một cuộc tiếp tân lộng lẫy, cả hai chúng tôi, trói chặt vào nhau như bao giờ. Tôi sẽ khoác lên bộ xiêm y mà nó ưa thích, chiếc vòng cổ mà nó ưa thích. Tôi sẽ quấn một tấm khăn choàng bằng lông thú chung quanh nó để bảo vệ nó trước những cơn gió lùa. Rồi chúng tôi sẽ bước từ trên lầu xuống khách sảnh, lấp lánh như băng, và cái giọng của tôi bám chặt vào cổ tôi như một con quỷ hút máu vô hình.

 

 

_________________________

[*]Tác giả dùng chữ “tuberous” để chỉ loại cây có thân củ tròn trịa.

 

 

-------------
Dịch từ nguyên tác, “Voice”, trong Margaret Atwood, The Tent (London: Bloomsbury, 2007), 21-23.

 

 

Đã đăng:

Một ngụ ngôn  (truyện / tuỳ bút) 
Trong một căn phòng không có những cửa sổ mở ra và không có những cửa lớn đóng lại, nghe giống như một bệnh viện tâm thần nhưng thật ra nó chỉ là một căn phòng, căn phòng nơi tôi tôi đang ngồi viết cho bạn một lần nữa, một lá thư nữa, một mảnh giấy nữa, như kẻ điếc, câm và mù. Khi tôi viết xong, tôi sẽ ném nó vào không khí và, như chúng ta nói, nó sẽ biến mất, nhưng không khí chẳng nghĩ như thế... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Nhanh hơn  (truyện / tuỳ bút) 
Đi bộ không nhanh đủ, nên ta đã chạy. Chạy không nhanh đủ, nên ta đã phi ngựa. Phi ngựa không nhanh đủ, nên ta đã giong thuyền buồm. Giong thuyền buồm không nhanh đủ, nên ta đã hớn hở lăn bánh dọc theo những đường ray dài. Lăn theo đường ray không nhanh đủ, nên ta đã phóng xe. Phóng xe không nhanh đủ, nên ta đã bay... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Những kết thúc có hậu  (truyện / tuỳ bút) 
John và Mary gặp nhau. Điều gì xảy ra sau đó? Nếu bạn muốn một kết thúc có hậu, hãy đọc thử đoạn A... [Bản dịch của Hoàng Ngoc-Tuấn] (...)
 
Túp lều  (truyện / tuỳ bút) 
Bạn đang ở trong một túp lều. Bên ngoài mênh mông và lạnh lẽo. Vô cùng mênh mông và lạnh lẽo. Một cảnh hoang dã bát ngát. Ở đó có đá, băng, cát và những hố lầy sâu hoắm khiến bạn có thể bị lún xuống đó mà không để lại một dấu vết nào... [Bản dịch của Hải Ngọc] (...)
 
Bánh mì  (truyện / tuỳ bút) 
Hãy tưởng tượng một miếng bánh mì. Bạn không cần tưởng tượng nó, nó ở ngay trong bếp này, trong cái bao nhựa của nó, trên cái thớt cắt bánh mì, bên cạnh chiếc dao cắt bánh mì... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021