thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 9 & 10]

 

Đã đăng: [chương 1 & 2] - [3]

 

9.

 

Cơ quan của Giám Đốc Sở kín cổng cao tường, có lính gác bốn mặt. Lính gác hỏi:

— Có giấy mời không?

— Không. — Bù Khú nói và chỉ vào Nhung. — Đây là con gái của Giám Đốc, tên là Nhung, nhờ anh báo lại.

Lính gác quay số điện thoại, nói mấy câu rồi ra hiệu cho hai người vào ngồi đợi nơi phòng khách. Mười lăm phút sau, một người đàn ông cao lớn xuất hiện. Chủ khách nhìn nhau, một cơn chấn động làm đôi bên chựng lại. Một phút im lặng để trấn tĩnh. Giám Đốc mở lời:

— Mời mọi người vô phòng riêng của tôi.

Chủ rót nước mời khách.

— Trái đất thật là nhỏ bé, — ông nói, — nếu không, sao chúng ta lại gặp nhau ở đây?

— Đó là sự bất ngờ của chiến tranh kể cả khi nó đã chấm dứt.

— Thực ra tất cả những bất ngờ đều có quy luật của nó.

Bù Khú nói:

— Tôi không tin ở quy luật. Tôi nghĩ số phận của ông hoặc tôi hoặc bất cứ ai, không phụ thuộc vào quy luật mà phụ thuôc vào sự áp đặt của quyền lực lên nó. Quyền lực ném nó vào một hoàn cảnh nào đấy, một môi trường nào đấy và nó bị chi phối, dẫn dắt, đun đẩy đến hạnh phúc hay đau khổ, giàu hay nghèo, sống hay chết. Cũng giống như những cái trứng cá sấu, nếu chúng được ấp trong một môi trường có nhiệt độ cao thì sẽ nở ra con đực, ngược lại sẽ là con cái. Như vậy giới tính của chúng – hay nói khác đi: số phận của chúng – được hình thành do sự áp đặt ngẫu nhiên.

— Lúc này có lẽ chúng ta không nên triết lý nữa. Sao rồi? Bây giờ ông làm gì?

— Làm dân. Còn ông? — Bù Khú đốt thuốc lá, thái độ có vẻ khiêu khích. — Dạo này có còn thức khuya xào mì không?

— Bây giờ thiếu gì sơn hào hải vị mà phải ăn mì gói như hồi ở trong rừng.

— Dẫu sao đó cũng là một kỷ niệm vui. Ông có biết ai đã từng vô phòng ông trộm đĩa mì xào đó không?

— Ồ, biết làm gì.

— Phải biết chớ. Vì người đó đã bị ông đày đến trận địa pháo để làm ruộng và đã chết tan xác nơi vùng đồng chua nước mặn ấy.

Giám Đốc gõ tẩu thuốc bằng ngà voi xuống bàn.

— Hôm nay ông đến đây chỉ để nói với tôi chuyện đó thôi sao?

— Tất nhiên là không. Tôi chi muốn trả lại ông đứa con gái. Nó đã làm gì thì ông biết rồi. Chẳng lẽ ông bỏ rơi nó sao?

— Tôi không bỏ rơi. Nhưng nó là tội phạm hình sự, tôi sẽ gởi trả nó về trại giam.

Nhung đứng bật dậy la lớn:

— Không được. Ông đã bỏ rơi mẹ tôi, bây giờ bỏ tôi nữa sao? Anh tôi về, sẽ giết ông đấy.

— Ba chỉ làm theo pháp luật con ạ. Con không thể trốn tránh cả đời được.

Bù Khú nói:

— Nhung ở nhà tôi đã hơn ba tháng, tôi đã tìm cách cai nghiện cho nó. Có lẽ ông nên tiếp tục, vì với quyền hành sẵn có trong tay, ông sẽ cứu được nó. Chẳng lẽ với con gái mình ông không tìm được một khung cửa hẹp hay sao?

 

10.

 

Ngọc hỏi:

— Có phải đó là lần đầu tiên sau ngày thống nhất anh gặp lại tay Thủ Trưởng đó không?

— Không. Vì những ngày đầu giải phóng anh làm việc chung với hắn. Đó là thời gian rất bận rộn của nhiều người nhưng lại rất trì trệ với anh. Tối ngày ngủ. Chiếc võng anh cột trong góc phòng. Hai đầu cột vào hai thanh sắt cửa sổ. Nhắm mắt chập chờn rồi bị đánh thức dậy bởi những tiếng cãi vả.

“Căn nhà ấy phải ở bốn người.”

“Ô, thiếu chi nhà mà phải chung chạ. Tôi còn đem vợ con tôi về nữa.”

Anh lại ngủ chập chờn rồi bị đánh thức dậy.

“Đồng chí nào độc thân thì ở khách sạn. Mỗi người một phòng.”

“Tôi không ở khách sạn đâu. Tôi phải có nhà cửa đàng hoàng như mọi người.”

“Tại sao gia đình tôi lại phải ở trong một căn nhà nhỏ xíu vậy? Tại sao gia đình Thủ Trưởng lại chiếm nguyên cái biệt thự đường Phùng Khắc Khoan?”

“Vì ổng là Thủ Trưởng.”

“Thật mắc cười! Chúng ta đi làm cách mạng đâu phải để hôm nay về hôi của!”

Anh day trở sột soạt trên chiếc võng ny—-ông. Tiếng cãi cọ làm anh ngủ không được. Anh cằn nhằn:

“Ồn quá. Các đồng chí làm ồn quá.”

Mọi người tản đi khi Thủ Trưởng bước vào.

“Này Bù Khú, không lo đi kiếm nhà. Chỗ này là cơ quan nhà nước, đâu phải nhà ở.”

“Ối giời! Tớ chỉ cần một chỗ để treo võng.”

“Có ba bốn cái khách sạn bỏ trống. Đồng chí về đó mà ở đi.”

“Người ta đang bát nháo. Tớ không thích giành giựt. Tớ ở chỗ nào cũng được.”

@

Mấy hôm sau, Bù Khú nhận được một Giấy Giới Thiệu đi học triết Mác-Lênin. Khoá học kéo dài hai tháng. Bù Khú khoá cửa phòng, ra đi.

Hai ngày cà rịch cà tang trên xe lửa, ngủ gà ngủ gật suốt đêm trên chiếc ghế dựa làm bằng những thanh gỗ sần sùi, đi đái trong một cái cầu tiêu đầy phân người nổi lềnh bềnh, rập rềnh theo nhịp xe đi lắc lư, rửa mặt và súc miệng tại một cái vòi nước rỉ sét, chảy rỉ rả như sợi chỉ..., cuối cùng cũng đến được trường tuyên huấn.

Đó là hai dãy nhà tôn lụp xụp ẩm thấp ẩn dưới những tàn cây. Sân đầy lá, không ai quét nên gió cứ đùa đi, hết chỗ này đến chỗ kia, chuyển dịch như cát trên sa mạc.

Khi mới đến thì thưa thớt, năm bảy người, nhưng sáng sớm hôm sau thì không biết người ở đâu túa ra sân như đàn cừu, chỉ khác là họ không có lông và sừng. Họ im lặng, tay cầm cái chén bằng nhôm có cái muỗng cột dính vô chén bằng một sợi dây sắt. Bộ đồ nghề ấy làm được đủ thứ việc: múc cơm, chan canh, múc đồ ăn, đưa thức ăn vào mồm và cuối cùng là cạo đít nồi.

Đàn người đứng hai bên những dãy bàn gỗ. Im lặng chờ tiếng còi. Và còi ré lên. Những cái muỗng nhôm bắt đầu xông xáo. Chúng tung hoành bốn hướng, tranh chấp những miếng thức ăn ít ỏi. Những cái miệng cũng đóng mở lia lịa. Môi, lưỡi, răng, cổ họng. Tất cả những bộ phận ấy đều phát ra tiếng động: nhai, nuốt, húp xoàn xoạt, ừng ực, hít hà. Không ai nói chuyện. Không ai cười. Cuộc đấu tranh sinh tồn tuy âm ỉ mà quyết liệt đến nỗi đôi lúc Bù Khú bị đánh dạt ra khỏi mép bàn, phải nhai một thứ ngũ cốc vừa dẻo vừa cứng vừa có mùi ẩm mốc vừa có mùi bột sống. Đó là thứ hổ lốn gồm khoai mì ủ trộn với bo bo chưa được xát sạch vỏ.

Ở nhà ăn ra, nắng đã lên, lúc ấy trong cái sân rộng đầy lá mới nghe tiếng của loài người lao xao, rầm rì. Vài tiếng cười. Vài tiếng khạc nhổ. Vài tiếng ho khúc khắc. Gió sớm lạnh và khô.

Bù Khú thấy nặng bụng. Anh đi tản bộ quanh sân một lúc thì nghe trong hội trường có tiếng hát:

“Kết đoàn chúng ta là sức mạnh

Kết đoàn chúng ta là thép gan...”

Rồi có tiếng ai đó gọi tên anh bảo vô hội trường. Bù Khú bước nhanh tới. Ảnh Bác Hồ, cờ búa liềm và cờ đỏ sao vàng treo trên tường. Mọi người đều ngồi ghế. Người ta phổ biến nội quy và thời khoá biểu khoá học.

Giảng viên ngoài bốn mươi, đầu hói, đứng sau cái bục gỗ. Ông ta tươi cười, giọng nói trầm ấm, dứt khoát. Ông ta nói không cần giấy, chỉ có một chiếc micro và một ly bia. Uống bia. Cười khà khà. Trán bóng lưỡng. Đó là khuôn mặt của hạnh phúc, tự tin và chiến thắng.

— Thưa các đồng chí, chúng ta đang làm một cuộc cách mạng lớn, một cuộc lột xác vĩ đại. Chúng ta đang xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, (uống bia). Hiện nay chúng ta đang gặp những khó khăn do chiến tranh để lại, nhưng khi đánh thắng đế quốc Mỹ chúng ta đã đi được ba phần tư đoạn đường (uống bia). Chúng ta sẽ xây dựng một xã hội văn minh hiện đại theo kiểu mới. Lúc đó mọi người sẽ làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu. Sẽ không còn chợ búa, không có người bán và người mua. Và tất nhiên là không cần tiền tệ nữa (cười khà khà và uống cạn ly bia. Lập tức bia từ dưới đáy cốc dâng lên đầy ly, nổi bọt trắng xoá.)

Trong hội trường vang lên những tiếng nuốt nước bọt ục ục như gà kêu. Bù Khú nhìn cái “cục yết hầu” chạy lên chạy xuống của chàng học viên ngồi bên cạnh khi hắn ta đang cắm cúi ghi chép. Anh thấy có một chút nước bọt vừa ứa ra khỏi mép của hắn. Lúc ấy tiếng của giảng viên lại vang lên:

— Các đồng chí nhớ nhé! Không cần tiền tệ nữa! Còn vàng? Vàng thì sao? Nó cũng chẳng còn giá trị gì cả. Nó chỉ là một thứ kim loại không rỉ sét, có thể dát mỏng và người ta sẽ dùng nó để dát cầu tiêu (cười khà khà và uống bia).

Tiếng ngòi bút cạo lên mặt giấy nghe soàn soạt khắp nơi. Không nhìn thấy sự xúc động nơi học viên, cũng không ai ngạc nhiên hay thích thú. Chỉ thấy sự chăm chỉ cần mẫn và cam chịu. Bù Khú ngó sang hai bên, ngoái cổ nhìn dãy mặt người phía sau mình, thấy lờ mờ, cũ kỹ, rêu mốc. Vàng sẽ không còn giá trị gì nữa, sẽ chỉ được dùng để dát cầu tiêu. Vàng nào vậy? Một cái hố xí bằng inox lềnh bềnh những nước đái và phân người trên chuyến tàu tối hôm trước. Nó được làm bằng Inox. Inox cũng là một thứ kim loại không rỉ nhưng có màu bạc. Từ bạc chuyển sang vàng có khó gì? Chỉ trong một cái chớp mắt.

Buổi học chấm dứt với hình ảnh tráng lệ của cái cầu tiêu bằng vàng. Học viên lục tục bước ra khỏi hội trường. Bù Khú còn nán lại vì anh không thích chen lấn. Khi mọi người ra hết anh đứng dậy thì thấy ở cuối phòng có một lão già ốm nhom đang tìm cách máng cây chổi lên cái đinh trên vách.

— Bác ở tỉnh nào đến đây?

— Tôi ở đây. Tôi là nhân viên quản thủ thư viện.

— Cây chổi này của bác?

— Tôi quét sân.

Hai người đều quay mặt ra phía sân: nó đã sạch hết lá. Lão già hỏi:

— Cậu ở đâu đến?

— Thành phố Hồ Chí Minh. Bác có hứng thú uống với cháu một ly cà-phê không? Xuống căn-tin nhé?

— Ta ra vỉa hè.

Ở đó không có cà-phê, chỉ là nước chè xanh.

— Cậu học cái gì trong đó vậy?

— Học chính trị hay triết học gì đó.

— Sao nói lơ mơ vậy?

— Vì cháu chỉ nghe chơi thôi mà. Chẳng hiểu gì cả.

— Thư viện của tôi có khoảng một vạn cuốn sách. Cậu có muốn đọc không?

— Còn tuỳ đó là sách gì. Bác có cuốn nào nói về Khổng Tử không?

— Cậu nghĩ sao mà hỏi sách Khổng Tử ở đây?

— Chỉ cầu may thôi.

Lão già nhắp một ngụm trà, đôi mắt lão rất sáng dù da mặt đã nhăn nhúm.

— Tôi có thể nói cho cậu nghe về Khổng Tử suốt ba ngày. Nhưng học thuyết của Khổng Khâu mênh mông lắm. Cậu muốn nghe mảng nào? Xuân Thu hay Luận Ngữ?

— Cháu chỉ muốn nghe về bi kịch của ông ta. Nghe nói suốt đời ông ta đi lang thang khắp nơi tuyền bá cái “đạo lớn” của mình nhưng không ai chịu nghe, cuối cùng chết trong nghèo khó. Có phải như vậy không?

— Có nghĩa là cậu muốn biết tiểu sử của Khổng Tử?

— Dạ không. Bác hãy nói về nguyên nhân bi kịch của ông ta đi. Tại sao ông ta thất bại? Tại sao một con người uyên bác như ông lại bị khắp nơi xua đuổi?

— Tại vì ông ta không hiểu bản chất của con người. Học vấn của ông rất đa dạng nhưng nó không xây dựng trên bản chất của con người mà lại xây dựng trên cái vỏ ngoài của con người, đó là “lễ nhạc”. Con người mới sinh ra không biết lễ nhạc nhưng đã biết “giành ăn” rồi. Khi tới tuổi dậy thì nó cũng không biết lễ nhạc nhưng đã biết “ái dục” rồi. Muốn bình thiên hạ phải dựa trên hai thuộc tính căn bản ấy của nhân loại.

— Cháu lại nghĩ rằng “giành ăn” và “ái dục” chỉ là thú tính.

— Vâng nó là thú tính. Nhưng chính thú tính lại là bản chất của muôn loài, bao gồm cả con người. Bản chất của con người cũng giống như dòng sông: chúng ta không thể xoá bỏ một dòng sông mà chỉ có thể uốn nắn dòng chảy của nó để nó biến thành nguồn nước tưới ruộng đồng, biến thành nguồn điện năng phục vụ đời sống. Nếu chúng ta tìm cách san lấp nó, nó sẽ chảy sang hướng khác, biến thành lũ lụt huỷ diệt môi trường, huỷ diệt con người.

Khổng Tử là một thiên tài nhưng ông không hiểu được một câu nói rất bình dân, rất đơn giản là: “phú quý sinh lễ nghĩa” chứ không phải lễ nghĩa sinh phú quý. Và nói theo Freud thì chính “phú quý” sẽ thăng hoa (sublimer) thành “lễ nghĩa”. Muốn có lễ nghĩa chỉ cần làm cho dân giàu. Nếu để dân nghèo thì “bần cùng sinh đạo tặc.”

— Về điểm này cháu thấy Karl Marx giống hệt Khổng Tử. Ông không hiểu rằng “tư hữu” là một thuộc tính rất quan trọng và rất cơ bản của con người, vậy mà ông ta lại đòi xoá bỏ nó. Không ai có thể xoá bỏ được nó mà không rước lấy những thảm hoạ.

— Cậu khá lắm. Câu nói của cậu sẽ là một dự báo cho tương lại của nhân loại. Hơn 2500 năm trước Khổng Tử đã chết trong buồn khổ. Lúc lâm chung, ông đã nói với các đệ tử:

“Suốt đời ta mơ một thế giới đại đồng, mơ về một xã hội trong đó mọi người thương yêu nhau, không dối trá, không trộm cắp, ra đường thấy của rơi không nhặt, tối ngủ không cần đóng cửa...”

Hơn 2500 năm sau Karl Marx cũng từng có những giấc mơ như vậy. Và dường như cũng đã từng nói như vậy...

Bù Khú đốt một điếu thuốc đưa cho lão già, đưa bằng hai tay, anh nói:

— Cháu đã ngồi suốt buổi sáng nay trong hội trường để nghe giảng bài nhưng cháu lại học được Đạo ngoài vỉa hè.

Trời nổi gió. Trên cao lá lại rụng xuống, rải rác như những cánh bướm run rẩy lấp lánh nắng khi chúng chao nghiêng trong vũ điệu thanh thoát của buổi sáng tĩnh lặng.

@

Trong ánh sáng lờ mờ lúc chạng vạng, lão quản thủ thư viện thức dậy khi nghe tiếng bước chân người đi tới. Lão chỉ mở hí một mắt, xoay trở trên chiếc võng ny-lông sờn rách treo dưới gầm cầu thang. Bù Khú ngồi xuống bên cái bàn thấp kê sát võng.

— Sao bác ngủ sớm vậy?

— Tôi có ngủ đâu. Tôi chỉ bắt chước mấy con gà, ăn cơm chiều xong liền vô chuồng. Cậu xem cái gầm cầu thang này có giống chuồng gà không?

— Sao bác lại ở dưới gầm cầu thang vậy?

— Vì đây là thư viện. Cậu xem có cái phòng nào trống đâu. Với lại tôi đâu có tiêu chuẩn để ở một phòng.

— Nhưng bác ngủ võng nhiều năm sẽ sinh chứng đau lưng,

— Không đúng, tôi cả đời nằm trên võng, thời chiến tranh cũng vậy mà thời bình cũng vậy. Giống như con gà lúc chạng vạng thì nhảy lên nhánh cây.

— Nhưng sẽ bị muỗi đốt.

— Khỏi lo. Có tí máu nào đâu mà nó đốt. Bên ngoài là da cóc, bên trong là cái khung xương và tí bầy nhầy. Tôi đã nằm dưới cái gầm cầu thang này hơn hai năm rồi.

Lão bước xuống võng, bật quẹt thắp ngọn đèn dầu, máng trên cái đinh ở đầu võng. Ánh sáng làm cho gầm cầu thang trông giống cái hang hơn là cái chuồng gà.

Lão lục đục pha trà, rót ra tách mời Bù Khú.

— Hôm nay cậu học cái gì?

— Chủ nghĩa Xã hội Khoa học.

— Cậu có muốn nghe tiếp về Khổng Tử không?

— Hôm trước bác nói là Khổng Tử có một mối tình?

— Đó là mối tình với hoàng hậu nước Vệ.

— Có phải là nàng Nam Tử không?

Ông già chỉ cười.

Dưới gầm cầu thang lại có thêm một cái hốc, bên ngoài treo một bức tranh vẽ trên giấy dó. Lão già lôi ra cái máy chữ gỉ sét, để qua một bên rồi lôi tiếp một cái bọc.

— Tôi viết sắp xong rồi.

— Thực sự có mối tình đó sao?

Lão già ngồi lại bàn, đối diện Bù Khú. Lão nói:

— Trong sử sách không thấy ai nói về mối tình đó, chỉ có người đặt câu hỏi tại sao Khổng Tử vào yết kiến hoàng hậu Nam Tử lâu như vậy? Suốt từ sáng đến chiều. Họ đã làm gì trong căn phòng ấy?

— Vậy theo bác thì họ đã làm gì?

— Nam Tử là một người đàn bà rất kiêu ngạo và đầy quyền lực. Thiên hạ đồn đại rằng bà ta rất dâm đãng. Sứ thần các nước đến Vệ, trước khi yết kiến nhà vua đều phải diện kiến bà. Bà đồng ý thì mới được gặp vua. Chỉ có Khổng Tử là từ chối cuộc gặp nên không được dùng. Tuy nhiên ngài cũng được cho ở tạm trong nhà khách của triều đình. Thấy trong nhà khách có cây đàn khánh, Khổng Tử bèn gảy mấy cung điệu. Tiếng đàn ngân lên trong đêm khuya khoắt khiến cho Nam Tử thao thức mãi. Bà lần theo hành lang, tới đứng bên ngoài nhà khách. Bà đứng suốt đêm trong sương lạnh để nghe đàn, một mình, một bóng, không ai hay biết. Vệ Linh Công thì đã già, đang ngủ say trong phòng.

Lão già mở xấp bản thảo, đưa ra trước mặt Bù Khú, chỉ ngón tay, bảo hắn đọc.

Sáng hôm sau, Nam Tử phá lệ, cho mời Khổng Tử. Các học trò khuyên ông đừng đến, nhưng ông đã đến. Lúc ấy Khổng Tử đã năm mươi tuổi và Nam Tử là một phu nhân ngoài ba mươi, nhan sắc diễm lệ, quý phái.

Nam Tử hỏi:

“Sao ông dám không yết kiến ta?”

“Vì tôi đến đây chỉ để giúp vua Vệ, không phải để gặp bà.”

“Ông giúp vua làm gì?”

“Trị quốc.”

“Lấy gì để trị quốc?”

“Lấy Chu Lễ.”

“Hãy dẹp bỏ Chu Lễ đi. Ta sẽ phong cho ông làm tướng quốc, ông sẽ có dịp đánh đông dẹp Bắc bình thiên hạ chẳng phải hơn sao?”

“Tôi không chủ trương chiến tranh. Tôi muốn trị thiên hạ bằng Lễ Nhạc.”

Nam Tử im lặng một lúc. Hai người ngồi đối diện nhau. Nam Tử nói:

“Trước đây ta cũng có một mối tình thơ mộng nhưng ta đành phải cắt đứt vì bị ép tiến cung. Đối với ta đó là điều bất hạnh. Ta sống trong cái lồng son này để làm gì? Thực tế là ta đang chết dần trong cái lồng này. Con người sống để làm gì nếu không có tình yêu?”

Bà ngừng lại, nhìn ngắm Khổng Tử. Ngài đang ngồi đối diện bà, đôi mắt sâu, mày rậm, trán rộng, hơi nhô ra như trán một con rồng.

“Này Phu Tử!” Bà gọi. “Ông chơi đàn hay lắm.”

“Tại hạ không dám.”

“Tối qua, ta đã đứng suốt đêm ngoài trời, trước cửa phòng ông để nghe ông đàn, ông có biết không?”

“Biết. Chính vì thế mà hôm nay tại hạ đến đây.”

“Vậy ông có hứng thú cùng ta hợp tấu không?”

Nam Tử đứng dậy, dáng đi uyển chuyển như con báo đen. Bà với lấy cây hắc tiêu trên vách.

Khổng Tử gảy cây đàn Sắt, hoàng hậu Nam Tử thổi tiêu. Hết điệu này đến điệu khác, như nước chảy, như gió cuốn, như lời tỏ tình bất tận. Họ tấu nhạc quên cả thời gian. Họ bỏ cả ăn uống.

...

Bù Khú gấp tập bản thảo lại. Hắn nói:

— Mới đọc có một đoạn nhưng nó thật hay. Bác cho cháu mượn về phòng nhé?

— Không được. Cậu cứ đến đây. Tôi sẽ cho cậu mượn.

Ngay lúc ấy có một người bước vào cửa, tiến thẳng lại phía gầm cầu thang.

— Chào cụ, — gã nọ nói, — cụ cho cháu xin tí lửa.

Cậu ta đón lấy que diêm trên tay lão già, đốt thuốc lá, nói cám ơn và lui ra. Lão già nói:

— Nó là thằng bảo vệ. Nó thấy có người lạ nên vô thăm dò.

— Không phải nó xin lửa sao?

— Không. Thường ngày nó không vô đây, nhưng hễ có người lạ là nó vô. Nhưng không sao, tối mai nếu thích cậu cứ đến đây mà đọc.

Nhưng chỉ sáng ngày hôm sau đã có ba người công an mặc sắc phục đến. Dưới sự chứng kiến của ông hiệu trưởng trường Tuyên Huấn họ lục soát gầm cầu thang và tìm thấy cái lỗ sau bức tranh. Tất cả sách ông già giấu trong đó đều được moi ra. Hiệu trưởng cầm cuốn Hồng Lâu Mộng lên, lật qua lật lại mấy trang. Gật gù, gật gù:

— Hồng lâu mộng với thanh lâu mộng. Lại chuyện đĩ điếm rồi.

Ông ta lại mở gói giấy đựng bản thảo của lão già. Gật gù, gật gù:

— Khổng Tử và NamTử... Nam Tử là thằng cha nào? Mấy cái tài liệu này ông lấy ở đâu vậy? Rất đáng ngờ. Ai mà biết trong đó chứa đựng những gì?

Lão già bị dẫn ra xe. Ông hiệu trưởng trở về văn phòng của mình, lập tức cho gọi Bù Khú lên trình diện:

— Anh về phòng thu xếp đồ đạc, ngay sáng mai rời khỏi trường. Tôi trả anh về đơn vị cũ của anh.

— Tại sao?

— Anh vi phạm nội quy nhà trường.

— Vi phạm như thế nào?

— Anh quan hệ với phần tử bất hảo trong trường.

— Nhưng ông ta là quản thủ thư viện mà. Tôi chỉ đến đó để đọc sách.

Hiệu trưởng chìa ra trước mặt Bù Khú tờ giấy quyết định trục xuất:

— Anh đem về mà trình với cơ quan của anh.

Nói xong ông ta bỏ ra khỏi phòng.

@

Chàng lại đi ngược từ Bắc vào Nam trên chuyến xe lửa ngày trước. Nửa đêm chàng lại phải thức dậy đi đái trong cái toa-lét đầy phân người nổi lềnh bềnh trên một cái hố tiêu bằng inox móp méo và chàng lại nghĩ đến cái cầu tiêu dát vàng của ông giảng viên trường tuyên huấn. Toa tàu lắc mạnh làm cho phân người bắn ra cả ngoài sàn tàu khiến chàng không dám đến gần cửa. Cuối cùng chàng đành phải đái cầu vồng ra ngoài toa xe, vung vãi như mưa rào xuống đường ray.

Chàng ngủ gà ngủ gật lơ mơ suốt đêm và đến chiều ngày thứ ba mới về đến nhà. Chàng mang cái ba lô nhẹ tênh bước lên cầu thang. Cơ quan trống trơn. Mọi người đều về nhà hết. Hành lang tối vì không có ai bật đèn. Chàng bật công-tắc và nhìn thấy căn phòng thân thuộc của mình nhưng khi đến gần chàng mới nhìn thấy một mảnh giấy dán trên cánh cửa. Chàng chưa đọc vội. Chàng móc chìa khoá để mở cửa, lúc ấy chàng mới nhận ra đó là một cái ổ khoá xa lạ. Nó rất to và màu đen. Chàng không mở được cửa. Chàng tưởng mình lộn phòng. Nhưng sao có thể lộn được. Chàng đọc tờ giấy dán trên cánh cửa. NIÊM PHONG. Viết bằng chữ in hoa. Lý do: đây là cơ quan làm việc, không phải nhà ở vì thế cơ quan đã lấy lại căn phòng. “Mời đồng chí đến văn phòng Hội Văn Nghệ để được bố trí nơi ở khác.”

Máu bốc lên đầu. Chàng chạy như điên suốt dãy hành lang tìm một cái búa hay một cục đá. Cuối cùng chàng tìm thấy cái bình chữa lửa. Chàng đập cái ổ khoá bằng sức mạnh của cơn điên. Ổ khoá văng ra khỏi cánh cửa.

Chàng bước vào phòng. Nó không còn là căn phòng của chàng nữa. Tất cả đồ đạc của chàng đều biến mất, thay vào đó là những cái bàn làm việc, những tủ hồ sơ và ghế ngồi.

Chàng thấy mệt lả, ngồi bệt xuống đất, áp mặt lên chiếc ghế gỗ.

@

— Tại sao các người làm như vậy?

Câu hỏi lướt qua một dãy các mặt người lố nhố, lim dim và bất động. Những cái mặt trắng bệt, phẳng, lạnh tanh như vàng mã, như giấy bồi, như những con bù nhìn cắm rải rác trên bờ ruộng dưa.

Câu hỏi lướt qua các bia mộ ẩm mốc, rêu phủ, trong một nghĩa trang lạnh lẽo.

Bù Khú ném chiếc ba lô con cóc ra giữa cái nghĩa trang ấy.

— Tại sao? Tại sao các anh chiếm nhà tôi mà không thông báo cho tôi biết?

Những con bù nhìn vẫn lim dim ngủ.

— Các anh cử tôi đi học rồi ở nhà tự ý dọn hết đồ đạc của tôi. Các anh đã xâm nhập gia cư bất hợp pháp.

Những bia mộ vẫn câm lặng.

— Trả lời đi chứ! Đồ đạc của tôi các anh để đâu? Đạo tặc hả? Nhân lúc chủ nhà đi vắng các anh cạy cửa vô ăn trộm hả? Đồ đạc, quần áo, tiền bạc của tôi đâu rồi?

Một con bù nhìn nhúc nhích. Giống như nó bị gió lay động. Đó là tay Thủ Trưởng.

— Đồng chí đừng nóng. Khi đồng chí còn ở nhà tôi đã báo với đồng chí là nên dọn đi chỗ khác vì không thể ở trong cơ quan được. Đồng chí có nhớ không?

— Nhưng có ai cấp nhà cho tôi đâu? Vả lại tôi chưa kịp chuẩn bị thì các người cử tôi đi học. Ít ra cũng phải đợi tôi về đã chứ! Ít ra cũng phải gọi điện thông báo cho tôi chứ!

Một tấm bia mộ tự dời đi, lướt đi như con ma bay qua cửa sổ. Rồi một tấm khác. Rồi một tấm khác. Cuối cùng chỉ con lại Thủ Trưởng và tay trưởng phòng hành chánh. Tay này nói:

— Tôi sẽ bố trí cho đồng chí một căn phòng ở chung cư Trần Hưng Đạo.

— Nhưng đồ đạc của tôi đâu?

Trưởng phòng nhìn thủ trưởng.

Thủ trưởng hỏi:

— Hôm trước ai dọn nhà?

— Bí thư chi đoàn.

— Nó đâu rồi?

— Nó đi dự Đại hội Đoàn ngoài Huế rồi.

Bù Khú sấn tới một bước, vung nắm đấm đập lên bàn của Thủ Trưởng.

— Muốn chơi trò gì đây? Muốn đuổi tôi ra đường hả?

Thủ Trưởng quát:

— Này Mười Bù, cậu biết đang nói chuyện với ai không?

— Với ai hả? Tao đang nói chuyện với cái dĩa mì xào. Mày quên cái dĩa mì xào nổi tiếng của mày hồi ở trong rừng rồi sao?

Và anh thộp cổ áo Thủ Trưởng. Tay trưởng phòng hành chánh liền nhào tới kéo Bù Khú ra. Ba bốn tay bảo vệ cũng tông cửa chạy vào. Cơ quan trở nên náo loạn. Nó không còn đìu hiu như cái nghĩa trang nữa. Nó là một đám chợ trời.

@

Sáng hôm sau Bù Khú nhận được tờ Quyết Định ghi một câu ngắn ngủi:

“Hội Văn Nghệ đang thừa biên chế. Đề nghị đồng chí đến làm việc với văn phòng thành uỷ để nhận công tác mới.”

Người ta thảy Bù Khú vào một căn phòng ở lầu bảy một cao ốc cũ kỹ bỏ hoang từ lâu lắm.

Bù Khú ở đó được hai năm thì ngày kia có cán bộ Nhà Đất đến hỏi:

— Quyết định cấp nhà của đồng chí đâu?

— Không có.

— Giấy tờ tuỳ thân?

— Giấy gì?

— Thẻ căn cước của chế độ cũ cũng được.

Bù Khú tìm trong ba lô con cóc, thấy có tờ giấy vàng ố.

— Cái này được không?

Đó chỉ là một giấy chứng nhận Huân chương kháng chiến hạng hai.

Cán bộ nhà đất nói:

— Cái này không có ảnh.

— Ối giời. Sao mày đòi hỏi nhiều thứ quá vậy?

— Đồng chí không được gọi tôi bằng mày nhé.

— Lại còn bắt bẻ, nhóc ạ. Tao chỉ có bấy nhiêu đó. Không nhận thì cút!

Tay cán bộ trẻ một đi không trở lại. Cho nên năm năm sau Bù Khú vẫn ở căn phòng ấy mà không có miếng giấy lộn nào.

Thêm năm năm nữa. Cán bộ nhà đất lại đến.

— Đồng chí phải làm thủ tục thuê nhà.

— Tại sao?

— Vì nhà nước không bao cấp nữa.

— Nhưng tớ không có tiền. Ra đi hai bàn tay trắng, trở về cũng trên răng dưới dái. Lương thì không đủ ăn. Tiền đâu thuê nhà?

— Hồ sơ nhà của đồng chí chỉ có một cái bìa cứng. Quyết định cấp nhà của đồng chí đâu?

— Không có. Nhưng cái nhà này cũng sắp sập rồi. Cửa nẻo mục nát. Gạch bông lở lói, trần nhà dột tùm lum.

— Vậy đồng chí làm đơn xin cấp nhà khác đi. Phải có chứng từ gì chúng tôi mới làm việc được. Chứng minh nhân dân đâu?

— Làm gì có. Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói thứ giấy tờ ấy. Có phải đó là thẻ căn cước không?

— Phải. Người ta đi làm chứng minh nhân dân từ mấy năm trước rồi, sao đồng chí không làm?

— Có nghe ai nói gì đâu.

Anh cán bộ nhà đất thở hắt ra như sắp lìa đời.

— Thôi được, anh ta lấy một tờ giấy học trò, đồng chí khai đi. Tôi sẽ giúp.

Cuộc phỏng vấn kéo dài chừng mười lăm phút thì xong.

— Tôi sẽ làm giúp đồng chí một bộ hồ sơ nhà, đồng chí chỉ việc nhờ cơ quan chứng nhận là đã khai báo sự thật rồi đưa lại cho tôi.

Thế rồi anh ta đi. Mười năm không thấy quay lại. Trong mấy thập niên, Thủ Trưởng đã chuyển công tác và leo lên tới chức Giám đốc Sở, quyền lực bao trùm, còn Bù Khú thì ra bờ sông cất một cái am nhỏ, ở với một con chó.

@

Ngọc vỗ tay cười ngặt nghẽo.

— Hảo a! Hảo a! Nhưng vì đâu mà bỏ nhà nước ra làm phó thường dân?

— Khu chung cư của anh bị đập phá để xây khách sạn năm sao. Mọi người ai cũng được bồi thường hoặc đổi cho một căn hộ mới nhưng anh thì không có gì.

— Tại sao?

— Vì anh không có giấy tờ nhà, không có chứng minh nhân dân. Nói chung là anh ở lậu. Ở lậu tại khu chung cư ấy và ở lậu ngay trên đất nước Việt Nam. Không có gì chứng minh anh là một công dân, một người Việt Nam.

— Thế cái huân chương kháng chiến chống Mỹ của anh đâu?

— Chuột gặm. Mà nó cũng không có ảnh. Người ta có thể hiểu đó là tờ giấy anh lượm mót được ở đâu đó, ai đánh rơi.

— Thế còn Thủ Trưởng? Và các đồng chí cũ của anh đâu?

— Khó gặp họ lắm. Có lần anh đến nhà một thằng bạn làm chủ tịch quận. Vợ nó bảo anh chờ vì nó đang đi toa-lét. Anh ngồi chờ một tiếng đồng hồ không thấy nó ra. Chắc hôm đó nó bị táo bón. Từ đó anh không gặp ai nữa.

Ngọc đốt thuốc liên tục.

— Thế thì em hiểu rồi.

— Hiểu cái gì?

— Hiểu tại sao đàn bà nó bỏ anh.

— Ý em muốn nói vì anh đã nghèo lại gàn chứ gì? Không phải đâu. Mà vì anh bất lực sinh lý.

— Thôi đừng xạo. Cứ đem chuyện bất lực sinh lý ra khoe hoài. Thế 27 bà vợ để đâu?

— Nói dóc chơi thôi, làm gì có.

— Không có hả? Thế con bé Đào là gì? Nó yêu ông lúc ông đã năm mươi lăm tuổi, đã già chát. Chẳng lẽ thời trai trẻ không có ai yêu ông sao?

— Thôi, không nói chuyện đó nữa.

— Nhưng em muốn biết chuyện anh có hai mươi bảy bà vợ rồi em mới chịu lấy anh.

 

[còn tiếp 9 chương]

 

 

------------

Đã đăng:

BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 1 & 2]  (tiểu thuyết) 
Có người nọ không rõ quê quán ở đâu, học vấn thế nào, về đất Phú Xuân cất một cái am bên nhánh sông vắng vẻ, ở chung với một con chó. Tiên sinh không giao du với ai, trong nhà cũng chẳng có ti-vi, điện thoại. Không nghe tiếng nhạc, cũng vắng tiếng người. Lâu lâu mới có tiếng chó kêu ăng ẳng vì mừng rỡ. Tuyệt nhiên không có tiếng sủa... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 3]  (tiểu thuyết) 
... “Các ông đừng quan trọng hoá mình. Bởi vì cuộc chiến này không phải của các ông đâu. Cuộc chiến này là của những người lính, những người đã chết và đang chết. Các ông chỉ là bọn ăn theo.” Bù Khú cầm ngang khẩu súng trước bụng. Thủ Trưởng hoảng hốt lùi lại. Bắn không? Ngón tay trỏ của Bù Khú nóng rực trên cò súng, tròng mắt muốn lòi ra, răng cắn vào môi bật máu... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 4]  (tiểu thuyết) 
... Đó là lần “nhỡ tàu” cay đắng và bẽ bàng nhất. Bây giờ, mỗi khi có chuyến tàu dừng lại là em sợ. Bảo im lặng. Anh ngắm những con cá chép đang nổi trôi quanh hòn giả sơn. Ngọc ơi, những con cá này không suy nghĩ gì cả, chúng rỗng không và vô định. Em hãy nhìn chúng và quên hết những chuyện ấy đi. Đừng sợ... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 5 & 6]  (tiểu thuyết) 
... Ngài đang tan chảy như một hạt muối thả xuống dòng sông. Ngài cảm nhận sự hoà nhập chậm rãi, dịu dàng và âu yếm. Ngài bồng bềnh như đám mây mỏng, như sương khói, lãng đãng quấn quít quanh những ngón tay mềm mại, những ngón tay vuốt ve từng sợi tóc, đùa nghịch với chúng bằng sự đằm thắm của người mẹ... (...)
 
BÙ KHÚ TIÊN SINH [chương 7 & 8]  (tiểu thuyết) 
... Và tiên sinh đặt một ngón tay lên môi cô gái. Đào cười, hàm răng huyền thoại của cô ánh ngời trong bóng tối. Rồi cô ngậm ngón tay của ông. Đó là ngày thứ nhất Đức Chúa Trời tạo ra vũ trụ. Ngài phán: “Nụ hôn hãy sáng lên!” Que le baiser soit! Và nụ hôn đã hiển hiện. Et le baiser fut. Đó là lời Chúa. Tạ ơn Chúa. Hallelujah!... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021