thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngọn núi thuỷ tinh
(Hoàng Ngọc-Tuấn dịch)
 

DONALD BARTHELME

(1931-1989)

 

      Donald Barthelme (1931-1989) là một trong những đại biểu của văn chương hậu hiện đại Hoa Kỳ. Ông đã xuất bản 19 cuốn sách, trong đó có 3 tiểu thuyết, 1 kịch bản, và hầu hết là những tập truyện ngắn. Barthelme qua lại thường xuyên giữa New York và Houston vì làm việc ở cả hai nơi: ông dạy môn viết văn sáng tạo (creative writing) tại University of Houston, và đồng thời là giáo sư môn văn chương Anh ngữ tại City College (thuộc City University of New York). Barthelme đã đoạt nhiều giải thưởng văn học, trong số đó có: Guggenheim Fellowship (1966); Time Magazine's Best Books of the Year (1971) cho cuốn City Life; National Book Award for Children's Literature (1972) cho cuốn The Slightly Irregular Fire Engine or the Hithering Thithering Djinn; Morton Dauwen Zabel Award (1972), do National Institute of Arts and Letters trao tặng; và Jesse H. Jones Award (1976) do Texas Institute of Letters trao cho cuốn The Dead Father.
      Nhà phê bình Richard Gilman nhận định rằng Donald Barthelme là một trong số ít nhà văn Hoa Kỳ, với lối viết hậu hiện đại, đã làm cho nghệ thuật văn chương hư cấu trở nên phong dật và mở rộng, thay vì cố gắng làm đầy thêm cái kho chứa càng ngày tràn ngập những tác phẩm để tiêu khiển, để trình bày quan điểm, hay để ghi nhận những sự kiện của đời sống. Thật vậy, Barthelme viết hàng trăm truyện ngắn, nhưng hầu như mỗi truyện đều rất khác nhau về nhiều phương diện, từ cấu trúc đến ngôn ngữ. Đọc những tập truyện ngắn của ông, chúng ta như rơi vào một ống kính vạn hoa của những khả thể biểu đạt đầy những điều bất ngờ thú vị. Ông đã đem vào thể loại truyện ngắn một sức sống mới, khiến nó trở thành một nghệ thuật văn chương hứa hẹn những tiềm năng vô hạn.
     Truyện "Ngọn núi thuỷ tinh" dưới đây là một trong những truyện của Donald Barthelme được giới phê bình nhắc đến nhiều nhất trong những bài nghiên cứu về văn chương hư cấu hậu hiện đại. Truyện được xây dựng bằng 100 câu văn có đánh số thứ tự. Lối viết này phản ảnh một ý tưởng mà Donald Barthelme đã có lần phát biểu: "Hình thức mà tôi tin cậy nhất là những mảnh vụn."

 

_______________________________

 

NGỌN NÚI THUỶ TINH

 

1. Tôi đang cố gắng leo lên ngọn núi thuỷ tinh.

2. Ngọn núi thuỷ tinh đứng tại góc Đường Mười Ba và Đại Lộ Tám.[1]

3. Tôi đã leo đến sườn núi thấp.

4. Người ta đang ngước lên nhìn tôi.

5. Tôi mới đến ở trong khu phố này.

6. Tuy nhiên tôi cũng đã có vài người quen biết.

7. Tôi đã buộc chặt một cặp đinh leo núi vào giày và mỗi tay tôi nắm một cái hấp khẩu to kềnh.

8. Tôi đang ở độ cao 60 mét.

9. Gió thổi gắt.

10. Những người tôi quen biết đã tụ tập dưới chân núi để cổ vũ.

11. "Thằng đầu cứt".

12. "Lỗ đít".

13. Mọi người trong thành phố đều biết đến ngọn núi thuỷ tinh.

14. Những người sống ở đây đã kể nhiều chuyện về nó.

15. Nó được giới thiệu cho du khách.

16. Sờ vào sườn núi, ta thấy mát lạnh.

17. Nhìn vào bên trong ngọn núi, ta thấy những chiều sâu lấp lánh xanh-trắng.

18. Ngọn núi nhô lên từ góc Đại Lộ Tám như một cao ốc tráng lệ, vĩ đại.

19. Đỉnh núi khuất vào mây, và trong những ngày không mây, nó chìm vào mặt trời.

20. Tôi gỡ cái hấp khẩu bên tay phải ra, giữ chặt cái bên tay trái.

21. Rồi tôi vói tay, gắn cái bên phải lên cao hơn một chút, và sau đó tôi nhích hai chân đến vị trí mới.

22. Tôi chỉ tiến lên được rất ít, chưa đến một sải tay.

23. Những người tôi quen biết vẫn tiếp tục phát biểu ý kiến.

24. "Đụ mẹ cái thằng đần".

25. Tôi mới đến ở trong khu phố này.

26. Dưới đường phố có nhiều người nhìn lên với cặp mắt bất bình.

27. Nhìn nó kìa.

28. Dưới dường phố có hàng trăm thanh niên đang chích ma tuý trong những hành lang, đàng sau những chiếc xe trong bãi đậu.

29. Những người già dắt chó đi chơi.

30. Những con hẻm đầy cứt chó với màu sắc sặc sỡ: màu đất son, màu nâu đen, màu vàng Hoả tinh, màu hung đỏ, màu chàm lục, màu ngà huyền, màu hồng thiên thảo.

31. Và có người đã bị bắt vì cưa ngã những thân cây, một hàng cây du gãy lưng nằm giữa những chiếc xe VW và Valiant.

32. Cưa bằng máy, chẳng còn nghi ngờ gì nữa.

33. Tôi mới đến ở trong khu phố này tuy nhiên tôi cũng đã làm quen được với một số người.

34. Những người tôi quen biết chuyền tay nhau một chai rượu màu nâu.

35. "Còn khá hơn là bị một cú đạp vào hòn dái."

36. "Còn khá hơn là bị một cái que nhọn thọc vào mắt."

37. "Còn khá hơn là bị một con cá ướt đập vào bụng".

38. "Còn khá hơn là bị một hòn đá ném vào lưng."

39. "Liệu bây giờ nó có rơi xuống, thịt xương tung toé cả ra đấy không nhỉ?"

40. "Tôi hy vọng còn có mặt ở đây để chứng kiến. Tôi sẽ nhúng cái khăn tay vào máu nó."

41. "Thằng đần mặt địt."

42. Tôi gỡ cái hấp khẩu bên tay trái ra, giữ chặt cái bên tay phải.

43. Và vói tay.

44. Để leo ngọn núi thuỷ tinh, trước hết ta phải có một lý do chính đáng.

45. Chưa từng có ai leo ngọn núi này mà nhân danh khoa học, hay để được nổi tiếng, hay vì ngọn núi này là một sự thử thách.

46. Đó không phải là những lý do chính đáng.

47. Nhưng chững lý do chính đáng vẫn hiện hữu.

48. Trên đỉnh núi có một toà lâu đài bằng vàng ròng, và trong một căn phòng của toà lâu đài có...

49. Những người tôi quen biết đang ngước nhìn tôi và gào lên.

50. "Cá mười đô-la là mày sẽ té bể đít trong vòng bốn phút nữa."

51. ... một biểu tượng diễm lệ huyền hoặc.

52. Tôi gỡ cái hấp khẩu bên tay phải ra, giữ chặt cái bên tay trái.

53. Và vói tay.

54. Không khí thật lạnh ở độ cao 63 mét và khi tôi nhìn xuống tôi không thấy hăng hái.

55. Một đống xác ngựa và kỵ sĩ rải quanh chân núi, nhiều người sắp chết đang rên khóc.

56. "Trong thời gian gần đây, hiện tượng sút giảm về mối yêu thích mang tính libido đối với hiện thực đã chấm dứt." (Anton Ehrenzweig)[2]

57. Một vài câu hỏi nẩy lên trong óc tôi.

58. Có phải ta leo một ngọn núi thuỷ tinh, chịu đựng sự khổ nhọc, chỉ vì muốn phá vỡ sự huyền hoặc của một biểu tượng.

59. Có phải những bản ngã mạnh mẽ hơn của thời nay vẫn còn cần đến những biểu tượng?

60. Tôi quyết định rằng lời giải đáp cho những câu hỏi ấy là "đúng thế".

61. Chứ nếu không, thì tôi đang làm gì đây, 63 mét trên những cây du bị cưa ngã, mà những thớ thịt trắng của chúng tôi có thể thấy từ độ cao này?

62. Cách tốt nhất để cuộc leo núi này thất bại là làm một hiệp sĩ trong bộ giáp trụ kín mít—kẻ mà những móng ngựa của hắn đá những cú nháng lửa từ những sườn núi dưới kia.

63. Những hiệp sĩ có tên sau đây đã thất bại trong cuộc leo núi này và đang rên khóc trong đống xác chết: Sir Giles Guilford, Sir Henry Lovell, Sir Albert Denny, Sir Nicholas Vaux, Sir Patrick Grifford, Sir Gisbourne Gower, Sir Thomas Grey, Sir Peter Coleville, Sir John Blunt, Sir Richard Vernon, Sir Walter Willoughby, Sir Stephen Spear, Sir Roger Faulconbridge, Sir Clarence Vaughan, Sir Hubert Ratcliffe, Sir James Tyrrel, Sir Walter Herbert, Sir Robert Brakenbury, Sir Lionel Beaufort, và nhiều người khác.[3]

64. Những người tôi quen biết đang đi đi lại lại giữa những kỵ sĩ thất bại.

65. Những người tôi quen biết đang đi đi lại lại giữa những kỵ sĩ thất bại, thu nhặt những chiếc nhẫn, ví da, đồng hồ bỏ túi, và những món mà đàn bà yêu thích.

66. "Bình an ngự trị trên đất nước, nhờ sự thông tuệ đầy tự tin của mọi người." (M. Pompidou)[4]

67. Toà lâu đài vàng được bảo vệ bởi một con chim ưng đầu trọc có đôi mắt là đôi hồng ngọc sáng chói.

68. Tôi gỡ cái hấp khẩu bên tay trái ra, tự hỏi phải chăng—

69. Những người tôi quen biết đang cạy miệng những hiệp sĩ chưa-chết để lấy những chiếc răng vàng.

70. Dưới đường phố người ta đang che giấu sự bình thản của họ đàng sau một vẻ mặt ghê sợ mơ hồ.

71. "Một biểu tượng cổ truyền (chẳng hạn như con chim dạ oanh, thường có ý nghĩa liên hệ đến nỗi buồn), ngay cả khi nó được công nhận qua sự đồng tình của nhiều người, vẫn không phải là một dấu hiệu (như bộ đèn giao thông, chẳng hạn) bởi, như đã nói, nó có khả năng khơi dậy những cảm xúc sâu sắc và được xem là có chứa đựng những đặc tính mà con mắt bình thường không trông thấy được." (Từ Điển Thuật Ngữ Văn Học)[6]

72. Một bầy chim dạ oanh, với những bộ đèn giao thông cột dình vào hai chân, bay ngang qua tôi.

73. Một hiệp sĩ trong bộ giáp trụ màu hồng nhạt xuất hiện trên đầu tôi.

74. Ông ấy rơi xuống, bộ giáp trụ của ông ấy chạm vào mặt thuỷ tinh gây nên những tiếng ken két nho nhỏ.

75. Ông ấy nhìn tôi bằng một cái liếc xéo lúc ông ấy rơi ngang qua tôi.

76. Ông ấy thốt lên chữ "Muerte"[5] lúc ông ấy rơi ngang qua tôi.

77. Tôi gỡ cái hấp khẩu bên tay phải ra.

78. Những người tôi quen biết đang tranh luận với nhau về vấn đề: ai trong bọn họ sẽ lấy căn hộ của tôi?

79. Tôi ôn lại những phương tiện cổ truyền để xâm nhập toà lâu đài.

80. Những phương tiện cổ truyền để xâm nhập toà lâu đài gồm những điều như sau: "Con chim ưng bấu những móng sắc của nó vào thịt mềm của cậu bé, nhưng cậu ngậm miệng chịu đau, và dùng hai tay ôm chặt lấy hai chân chim. Con chim hoảng hốt nhấc cậu lên không trung và bắt đầu bay vòng quanh toà lâu đài. Cậu bé dũng cảm ghì chặt hai chân chim. Cậu thấy cái cung điện lấp lánh, trông như một ngọn đèn mờ dưới ánh trăng nhợt nhạt; và cậu thấy những cửa sổ và những dãy bao lơn của toà lâu đài. Rút từ dây thắt lưng ra một con dao nhỏ, cậu cắt đứt lìa cả hai chân con chim ưng. Con chim bay vụt lên trời với một tiếng thét, và cậu bé rơi nhẹ nhàng lên một bao lơn rộng. Ngay lúc ấy, một cánh cửa mở ra, và cậu thấy một khoảng sân đầy hoa lá cỏ cây và, kìa, một nàng công chúa diễm lệ huyền hoặc." (Truyện Cổ Tích Tuổi Vàng)[7]

81. Tôi sợ.

82. Tôi đã quên mang theo hộp băng cứu thương.

83. Khi con chim ưng bấu những móng sắc của nó vào thịt mềm của tôi—

84. Tôi có nên trở về lấy hộp băng cứu thương không?

85. Nhưng nếu tôi trở về lấy hộp băng cứu thương thì tôi sẽ phải chịu đựng sự khinh miệt của những người tôi quen biết.

86. Tôi quyết định tiếp tục hành trình, không cần hộp băng cứu thương.

87. "Ở một vài thế kỷ trong quá khứ, óc tưởng tượng của con người đã làm cho cuộc sống biến thành một thao tác căng thẳng của tất cả những năng lực đáng quý." (John Masefield)[8]

88. Con chim ưng bấu những móng sắc của nó vào thịt mềm của tôi.

89. Nhưng tôi ngậm miệng chịu đau, và dùng hai tay ôm chặt lấy hai chân chim.

90. Cặp hấp khẩu vẫn còn dính thẳng góc vào vách núi.

91. Con chim hoảng hốt nhấc tôi lên không trung và bắt đầu bay vòng quanh toà lâu đài.

92. Tôi dũng cảm ghì chặt hai chân chim.

93. Tôi thấy cái cung điện lấp lánh, trông như một ngọn đèn mờ dưới ánh trăng nhợt nhạt; và tôi thấy những cửa sổ và những dãy bao lơn của toà lâu đài.

94. Rút từ dây thắt lưng ra một con dao nhỏ, tôi cắt đứt lìa cả hai chân con chim ưng.

95. Con chim bay vụt lên trời với một tiếng thét, và tôi rơi nhẹ nhàng lên một bao lơn rộng.

96. Ngay lúc ấy, một cánh cửa mở ra, và tôi thấy một khoảng sân đầy hoa lá cỏ cây và, kìa, một biểu tượng diễm lệ huyền hoặc.

97. Tôi bước đến gần cái biểu tượng có nhiều tầng ý nghĩa ấy, nhưng khi tôi sờ vào nó, nó chỉ biến thành một nàng công chúa diễm lệ.

98. Tôi ném nàng công chúa rơi chúc đầu xuống chỗ những người tôi quen biết.

99. Ai có thể được xem là đáng tín nhiệm để đối phó với nàng.

100. Ngay những con chim ưng cũng không thích nghi, không một chút nào cả, không một giây phút nào cả.

 

Nguyên tác: "The Explanation", trong Donald Barthelme, Sixty Stories
(New York: Penguin Books, 1993) 172-176.

 

      Chú thích của người dịch:
      [1] Thirteenth Street và Eighth Avenue là hai con đường ở New York.
      [2] Anton Ehrenzweig (1908-1966) là một nhà lý thuyết mỹ học đặt cơ sở trên phân tâm học về vô thức của Freud. Ông đã xuất bản nhiều tiểu luận trên các tạp chí như British Journal of Aesthetics, Art International, The Listener, American Imago, International Journal of Psycho-Analysis, và British Journal of Medical Psychology. Hai cuốn sách nổi tiếng của ông là: The Psychoanalysis of Artistic Vision and Hearing (1953), và The Hidden Order of Art (1967, xuất bản sau khi ông qua đời). Tôi chưa tìm ra câu văn do Barthelme trích trên đây nằm trong tác phẩm nào của Anton Ehrenzweig. Có lẽ Barthelme bịa ra câu ấy trong tinh thần "giễu nhại" chăng?
      [3] Danh sách hiệp sĩ này gồm những người có thật, và dường như gồm cả những người "hư cấu".
      [4] M(onsieur) Pompidou này là ông Georges Pompidou (1911-1974), cố tổng thống Pháp. Câu trích này không biết Barthelme lấy từ đâu. Có lẽ đây lại là trò chơi "giễu nhại"?
      [5] "Muerte", tiếng Tây-ban-nha, nghĩa là "Chết".
      [6] Barthelme cho rằng ông trích câu này từ cuốn A Dictionary of Literary Terms. Đây là một cuốn từ điển thuật ngữ văn học rất phổ thông do J.A. Cuddon biên soạn (Middlesex, England, 1984 [ấn bản đầu tiên do nhà André Deutsch phát hành tại Anh quốc năm 1977]). Tuy nhiên, tôi tra trong mục từ "symbol and symbolism" (trang 671-674) thì hoàn toàn không tìm ra câu do Barthelme trích. Có lẽ đây lại là trò chơi "giễu nhại"?
      [7] The Yellow Fairy Book là một bộ truyện cổ tích do Andrew Lang (1844-1912), nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia Anh quốc, sưu tầm và biên tập.
      [8] John Masefield (1878-1967) là nhà thơ Anh quốc. Ông được phong tước "Poet Laureate of England" vào năm 1930. Tôi chưa tìm ra Barthelme trích câu này từ tác phẩm nào của Masefield.

 

------------------------
Những truyện khác của Donald Barthelme qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn:
(Truyện "Binh Nhì Cơ Giới Paul Klee..." được phân tích trong tiểu luận "Thử thưởng thức một tác phẩm văn chương hậu hiện đại" của Hoàng Ngọc-Tuấn. )

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021