thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngó ngược tháng 4
 
 
 
(Ảnh: Nguyễn Quốc Chánh)
 

Ngó ngược tháng 4

 
30/4/1975, ba tôi nói, đất nước hoà bình.
 
Sau này tôi mới biết, hoà bình là cái nhìn không chỉ của một Việt minh dinh tê. Sau hơn 9 năm kháng chiến, rồi dinh tê là nỗi thẹn âm ỉ của một chiến binh thất bại. Thà quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, mới là chiến binh thứ thiệt. Còn dinh tê rõ là dởm. Đồ dởm nên mới tưởng 30/4/1975 là ngày hoà bình.
 
Chỉ sau 4 năm hoà bình, 1979, tôi lại phải làm nghĩa vụ quân sự cho một cuộc chiến khác, “giải phóng” Campuchia. Nhưng hỡi ơi, tôi còn thảm hơn ba tôi vì 2 năm sau đó, tôi hoảng loạn đến độ ngã bệnh, triền miên vàng da và loét hết 1/3 dạ dày. Rồi bị giải ngũ, rồi lại góp thêm vào truyền thống gia đình một chiến binh chết nhát khác.
 
Nhưng lần này, tôi cương quyết khá hơn ba tôi một chút, là không hổ thẹn. Chắc nhờ không biết thẹn, năm 1990, tôi mới sa bút viết trong tập thơ “Đêm mặt trời mọc”, Con lãnh phần phá sản những u mê.
 
Cách đây 3 tuần, vấp một sợi dây hàng rào trong bãi xe, Hương té lòi xương và đứt 1/2 một trong sáu sợi gân đầu gối. Ngoài những phiền toái do hời hợt, quan liêu của y tế, cả ta lẫn tây, Việt Nam luôn là một vấn nạn khôn kham với Hương.
 
Trong mỗi vết thương, ký ức lại rỉ thêm những cái chết mới. Từ một cái chết của miền Nam, đến cái chết của một thành phố, một ngôi nhà, một gia đình, đến cái chết của các loại cảm xúc, và bây giờ là cái chết của những tế bào.
 
Mẹ Hương những ngày cuối đời, trong tình trạng mất trí nhớ, mà vẫn nhớ ngôi nhà xưa của mình, nhưng không tới được, dù chỉ cách trí nhớ phân rã của bà vài khu phố, vì ngôi nhà đó hiện là trụ sở ban tổ chức đảng. Tới khi trên đường tới lò thiêu, Hương định dừng xe tang trước nhà, để mẹ ghé qua, nhưng rồi cũng không thực hiện được.
 
Sau 3 tuần tù túng, Hương lê chân xuống 60 bực thang chung cư, rồi cà nhắc thêm vài bực thềm nữa, chúng tôi ngồi trong Hotel Continental để Hương ngó xéo qua Givral, thấy một góc lịch sử Sài Gòn đang chết.
 
Tôi hớp vài ngụm cà phê ngọt ngậy, loại cà phê pha vụng của Saigon Tourist, tệ hơn cà phê vỉa hè, rồi chui vào lòng Givral vừa bị mổ bụng.
 
Từ chỗ cái chết của nó, tôi nhìn ra, thấy những ánh mắt tò mò, không chỉ của du khách. Họ chụp vài tấm hình rồi thản nhiên đi qua, nhưng có một người cặm cụi, nói với tôi anh muốn làm một nhân chứng, và chụp rất nhiều hình từ cái địa chỉ sắp biến mất này.
 
Trong những ánh mắt nhìn vô, nơi tôi đứng, có cái ngó xéo của Hương và trong cái ngó xéo đó, những cái chết chồng chéo, xẹt qua, cày đi xới lại vẫn tiếp diễn.
 
Quá khứ và hiện tại, trong những ngày tháng 4, đối với một số người là cảm xúc của tình trạng bị bức tử, còn đối với một số người khác là cảm xúc hả hê đầy cảnh giác.
 
Tôi chui khỏi cái bụng tanh bành của Givral và chợt nhớ 2 câu thơ Eliot trong “Đất hoang”, Tháng tư là tháng ác nghiệt nhứt, tháng tử đinh hương sinh sôi từ đất chết.
 
Dù trong hay ngoài hay ở giữa cái chết, của lịch sử hay cá nhân, đều phải đối mặt với thống nhứt. Có người tài xế taxi thương binh chiến trường Campuchia, nói với tôi hôm kia, thống nhứcc chớ không phải t.
 
Cách đây mấy tuần, nhậu thịt chó với thằng bạn đảng viên làm báo cùng quê Trần Văn Giàu, tôi hỏi nó có ẩu đả vùng miền dưới tấm mền không, nó gào, bộ mày khùng hả, không có miền Nam!
 
Miền Nam không có khi nào: 1954, 1960, 1968, 1975? Hay từ cái thuở của những kẻ mang khí giái[*] Xô-Tàu đi giải phóng thân phận tủi nhục của mình bằng cách xoá trắng sinh mệnh người khác?
 
25/4/2010
 
 
_________________________

[*]Khí giái: khí giới (chữ của miền Nam thời Trương Vĩnh Ký).

 
 
-------------
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021