thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đưa Vào Í-niệm Không-Mầu

 

Viết xong 1965.
Xuất bản tại Sàigòn, tháng 11, 1966
Đăng trên Journal de l’Extrêne-Orient, Sàigòn, 1966,
zưới nhan-đề: “Introduction au Sens de la Non-couleur”.
Bản zịch sang Fáp-văn của Đinh Ngọc-mô.

 

 

JỚI-THIỆU VÀ TRI-ÂN

 
Trong lời mở-đầu cho tập một, bản Việt-ngữ của tôi, Chí Hùng-vĩ/ Der Wille zur Macht của F. Nietzsche, đang được tiếp tục đăng trên Tiền-vệ, tôi có nêu lên ảnh-hưởng của Nietzsche đối với suy-tưởng của tôi qua bài viết “Đưa Vào Í-niệm Không-Mầu”.
 
Gần đây bạn tôi, Bác-sĩ Steve Cummings ở Providence, Rhode Island tìm ra tôi. Chúng tôi họp mặt tại Providence, mừng rỡ cho nhau, coi nhau như anh em một nhà. Có người đã là cựu đại-sứ ở Nigeria. Steve mở rương kỉ-niệm, cho fép tôi thấy lại tất cả tài liệu về tôi ma anh ấy đã jữ trên 40 năm qua. Trong cái rương kỉ-niệm đó có bản “Đưa Vào Í-niệm Không-Mầu”. Tôi xin jới-thiệu Không-Mầu với độc-jả Tiền-vệ. Đây là tác-fẩm của một thanh-niên 24 tuổi. Tôi cũng xin cảm tạ tất cả bạn-bè, từ ngày ấy vẩn gọi tôi là “ông Không-Mầu”. Hôm nay, chúng ta lại có zịp cùng đọc, Đọc song song vời tư-tưởng của Nietzsche, để thấy sự gần-gũi và sự xa cách. Hồi đó, jáo-sư Corot than là tôi quá “orgueil”, và “prétentieux”, nhưng không fải là “petit prétentieux”. Trong số thân-hữu ngày ấy có người “đánh tiếng” thế này: “Thằng Quỳnh có thề hoặc là một thiên-tài hoặc là một tên đại-điếm!” Tôi biết rõ tôi không fải là một trong hai thứ đó. Tôi là cái jì, ngày nay đã rõ ràng. Và tôi vẫn mang jấc-mộng chưa thành.
 
March 30, 2009.
NQ

 

 

VĂN-BẢN

 

Hàng triệu mũi tên đang chỉ lên trời. Những mũi tên vui-sướng, rung động và hò reo. Bàn tay của Triết-nhân sờ lên đầu rừng trên đó, lời thì-thào kèm theo đến tận chân-trời: “Sắc rồi, nhọn lắm rồi, bắn đi...” – Những mũi tên không có cung-thủ, vì mỗi cung-thủ là một cành lau.

- Đó là rừng lau vàng buổi chiều – Triết-nhân đâu có – Đó là gió đang đi.

Nhưng ở trên đê xanh, kẻ thiếu-niên bạc đầu cầm cung tên đứng tự bao giờ. Mắt đỏ như nhật-thực nhìn xuống ngàn lau. Ngàn lau ca hát trong sự trưởng-thành, không thèm để í đến thiếu-niên.

Thiếu-niên chợt giương cung ngắm mặt trời, thế đứng dựng của cột nước trồi trên mặt Đại-dương. Yên như thế, lạnh như mùa Đông

Trên đường sỏi, một người lững-thững đi, khuôn mặt là những bình-diện của ánh-sáng.

- Ta là lau hay là Dương-cầm thủ?

- Ta là con bò hay là người?

- Ta có phải là Dương-cầm thủ không?

Dứt tiếng nói không âm-thanh, tinh-thần người đó bay trong cỏ lau bát-ngát, lên trên ngọn cây ồn-ào... Một lát tinh-thần người ấy nhìn người ấy:

- Anh không phải là Dương-cầm thủ. – Không phải là ta. Anh có – Nhưng không có tên. Nên anh không phải là người.

Người kia sờ soạng thân-thể như sờ soạng vào cõi không. Hắn biết bàn tay của hắn nhưng hắn không cảm thấy gì. Hắn nhủ thầm:

- Có ta không?

Hai con ngựa hồng chen chân trên đồng cỏ, cổ dài oằn-oại như ngọn cờ. Không, đó là lửa nhóm lên từ một bàn tay vô-í của người trinh-nữ. Lửa quần nhau như gió đập vào chiếc áo của mẹ già. Lửa quay đầu trở lại, một vì đường dài cỏ không mọc nữa, một vì ngăn cách bởi giòng sông có chiếc thuyền của người ngư-phủ bỏ quên.

- Ông ơi, đừng đi về phía lửa!

- Thưa cô, thế đâu là tôi?

- Trả cho ta linh-hồn, hỡi giòng sông!

- Trả cho ta linh-hồn, hỡi tiếng hát của rừng lau.

- Cho ta xin lại linh-hồn – con đường!

Và trên khuôn mặt của người kia, sao buổi chiều mọc lên.

Triết-nhân đi hai tay trở về, như chiếc xe cút kít, hai chân đùn bởi một cậu bé. Tất cả cửa sổ trong thành-phố mở toang vì Đại-hội. Cậu bé huýt sáo miệng véo von đệm theo tiếng hát của Triết-nhân. Triết nhân hát bài ca “Con Chuồn Chuốn Đẻ Trên Sông.”

Năm ngọn núi như năm vị thiền-sư không động. Từ tim một vị, giòng sông bạc tuôn ra. Cả thành-phố bỗng nổi tiếng reo hò, vì con ngựa cái phi nước đại trở về. Theo sau, Dương-cầm thủ xoải bước, trên tay một bó đuốc rực rỡ như hoa hồng.

Kẻ lãng-du cũng đã trở vế, bước bâng-khuâng dưới bao con mắt xán-lạn của hàng cây cao, dưới những bàn tay dơ ra câm-lặng. Thình lình hắn đứng lại vươn tay về năm ngọn núi:

- Tay – hay rễ cây mọc từ trung-tâm thành-phố?

- Núi – hay những cánh buồm giăng trên sa-mạc?

- Vì vậy rễ cây phải bám lấy những giọt nước long-lanh như lệ - từng đêm trong suốt trên trời.

- Đám rước nào trên trời nhỉ? Ô! Giải Ngân-hà. – Không! Đó là lớp bụi của đoàn quân bách-chiến.

- Không, đó là chiếc khăn trắng trôi trên đại-dương. Loài người đi bằng đầu trên đó. Loài người đi, trong cái KHÔNG.

Hoa mưa trên đường-phố, nhiều cửa kính ném xuống tan tành – nhưng Dương-cầm thủ vẫn nằm giữa đường, ngửa mặt cười như điên.

 
§ 1. KHÔNG, không có nghĩa hư-vô, mà là một toàn khối kết-tinh trong đó các tư-tưởng sinh-hoá. Người là một, nhưng lại là KHÔNG.
 
§ 2. Người không phải chỉ là người – nhưng phải là một năng-lực sáng-tạo.
 
§ 3. Sáng-tạo là tốc-độ của những í-niệm siêu-việt.
 
§ 4. Hình-ảnh sẽ đến trong sáng-tạo, nhưng không phải là hình-ảnh hoài-niệm. Mà là một “Không hình-ảnh”. “Không hình-ảnh” gồm những bình-diện vô-danh hiện-hữu trong một linh-hồn do bản-năng đệ-nhất và đệ-nhị cấu-thành.[*]
 
§ 5. Đến với “Không hình-ảnh” là đến bằng mẫn-tuệ và khả-tri. Hình-ảnh sáng tạo đến từ cái KHÔNG do sự chuyển-hoá quanh một trục giả-định. Hình-ảnh lúc đó mới là tiếng nói trung-thực của một tác-phẩm.
 
§ 6. Người phải là một hình-ảnh trong suốt trước tiên. Hình-ảnh trong suốt đó hiện có trong cái KHÔNG MẦU.
 
§ 7. Hình-ảnh vốn mang sắc-thái và biểu-thị trong từng khối kết-tinh. Các khối chuyển-động trong không-gian và tự hoá-thân.
 
§ 8. Biểu-í không phải là một sự trình-bày thô-thiển. Biểu-í coi như cách phát-âm cụ-thể của bất-kì một bộ-môn nghệ-thuật nào, bởi sáng-tạo, nó được nẩy sinh vô cùng uyển-chuyển.
 
§ 9. Tác-phẩm là một hợp-thành còn sót lại trong một nguồn sáng-tạo đang đi. Tác-phẩm chỉ được coi là cánh cửa mở về một thế-giới khác. Một thế-giới vô-danh không thể căt nghĩa, nhưng cảm bằng trực-giác.
 
§ 10. KHÔNG-MẦU ví như cái tiên-thiên của vũ-trụ. Trở về vũ-trụ là xác-định cái vô-biên – cái KHÔNG. Chính từ cái KHÔNG, vạn-vật đổi tên và vạn-vật hiện có.
 
§ 11. Từ ta, thế-giới rượu say, thế-giới ngọt-ngào, thế-giới được mặc-khải và thế-giới trở nên tư-tưởng. Nhưng ta chỉ tư-tưởng trong kết-hợp vô-cùng của vũ-trụ. Sao không là cái vô-cùng, là vũ-trụ? KHÔNG-MẦU không là một đại-thể. Đại-thể phải có nhưng đó chỉ là cái KHÔNG.
 
§ 12. KHÔNG-MẦU là một linh-hồn thư-thái, hầu như siêu-việt, hầu như không. Bảo nó là một mâu-thuẫn hữu-lí để nẩy sinh thật đúng.
 
§ 13. Bản-sắc KHÔNG-MẦU quên mất thể-xác mình. Bởi nó chỉ tìm thấy linh-hồn nó hiện-thân trên bất kì sự-vật.
 
§ 14. Đó là một tích-luỹ siêu-hình nằm trong một thực-thể tự mặc-khải lấy chính mình.
 
§ 15. Mặt trời, hình-ảnh một tấm bia đặt chuyển-động trong không-gian. Tôi dương cung ngắm qua không-gian về nó. Nhưng có kẻ cho mặt trời là một chiếc cồng vĩ-đại. – Kẻ đó đang rướn mình đánh những mũi dùi đam-mê. Ai tới được, người đó bất-tử.
 
§ 16. Quên mình đi trên trái đất, chỉ biết mình đi trong vũ-trụ. Đó là ẢNH, là cái trong suốt của KHÔNG-MẦU vô-biên.
 

Kẻ lãng-du quay mặt lại, ngón tay cong lên, thật là yên lặng. Nhưng những ngón tay là đại-lộ trong thành-phố. Lập tức các kiến-trúc thu mình chồng chất lên nhau. Triết-nhân, Dương-cầm thủ và kẻ Lãng-du cùng hét lên và ngã ra bất-tỉnh... chỉ còn cậu bé khóc trong niềm vui-sướng thiết-tha.

- Núi ơi! Nói cho nghe – Sau lưng có con cò đang bay?

- Núi ơi! Hãy kể hơi thở ồn-ào trên bờ đá mặn!

- Núi ơi! Có phải buổi chiều trong thung-lũng nổi gíó có hòn sỏi rơi?

Những rặng núi đêm đêm nhìn mặt trăng kéo chiếc chiếu vàng lả-lướt trong lòng mình.

Đồng cỏ - làm nghỉ mắt cao-nguyên. Nơi có người thợ mỏ ngày ngày cầm chiếc rìu nơi tay, dõi theo những vết móng của đàn bò.

Đồng cỏ - một đêm lặng như sau khi chiếc khiên-đồng lao vào vách đá. Cũng những người thợ mỏ, cũng rìu trong tay đang soi mặt mình trong vết móng của đàn bò loáng nước thuỷ-triều. Những chiếc rìu thi nhau bổ xuống lòng vũng nước. Những vũng nước nở hoa ôm lấy mặt người. Những cười hư-ảo làm rung nét môi của trời lang thang trên đồng cỏ.

Gã khổng-lồ có trái tim to bằng giếng nước trong veo, đang ngồi trên vai trinh-nữ dịu dàng đi trên đê. Thiếu niên đầu bạc chợt thu cung tên lại, mỉm cười chế-giễu rừng lau:

- Không phải gã khổng lồ, đó là Trời.

Cậu bé đứng nhìn vòng hoa tang ai vừa khoác lên đầu zấu-hiệu mộ phần – yên-lặng như ngón tay đeo nhẫn của thi-nhân.

- Ông ơi! Đã bắn mặt trời chưa?

- Rồi.

- Ông ơi, có trúng không?

- Trúng để làm gì?

Cậu bé bây giờ có đôi mắt là hai chiếc diều, lên cao bằng hai sợi dây thuỷ-tinh long lanh trên gò má.

Thiếu-niên đầu bạc giấu mặt nơi đầu gió, bất chợt gặp vũng nước bên mình. Chiều nay hắn có sáu mặt trăng. Một trong vũng nước, hai trong con mắt của người nhìn hắn, hai trong mắt hắn và một treo ở trên đầu.

Hắn bế cậu bé trong tay.

- Thế-hệ này của ta – vốn dĩ. – Nhưng bước phiêu-lưu của ngàn năm sau. Ta có ba điều sợ-hãi: - Sợ mất long kiêu-hãnh so với vũ-trụ. – Sợ quên sự bí-mật trong lòng mình. – Và cuối cùng, sợ mang lòng mặc-cảm tự-tôn với loài người.

Em ơi, em ngủ à, em trong veo. Lời ta không hại đến em.

Ta cầm cung tên đi lang-thang dưới những giải ngân-hà. Không chỉ ngắm một mặt trời. Mà để bắn một mũi tên xuyên suốt các vừng Thái-dương. Mặt trời này đã bị bắn trúng rồi. Nhưng chỉ vỡ với mỗi người. Mũi tên lại bay trở về đây. Mảnh mặt trời rơi xuống đâu?

Đang cắm trong hồn ta.

 
NGUYỄN QUỲNH
 

_________________________

[*]Tức là mẫn-tuệ và khả-tri (trực-jác và kinh-ngiệm), câu số 5.

 
 
---------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021