thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Theo dấu thời gian

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

CRISTINA PERI ROSSI

(1941~)

 

Cristina Peri Rossi sinh năm 1941 tại Montevideo, Uruguay; từng là giáo sư văn chương, dịch giả và ký giả. Bắt đầu sáng tác văn chương từ năm 1963, bà xuất bản tập truyện đầu tay, Viviendo, rồi hàng loạt tác phẩm khác, và nổi danh như một nhà thơ, một nhà văn viết truyện ngắn, tiểu luận và tiểu thuyết, và một nhà đấu tranh cho nữ quyền. Từ năm 1972, bà bắt đầu sống đời lưu vong tại Barcelona, Tây-ban-nha. Bà đã cộng tác với những tạp chí El País, Diario 16El Periódico de Catalunya. Năm 1991, bà đoạt giải thưởng Premio Ciudad de Barcelona cho tập thơ Babel bárbara. Năm 1994, ba được trao tặng giải thưởng Beca John Simon Guggenheim cho văn chương hư cấu. Cristina Peri Rossi đã xuất bản hơn 30 tác phẩm, nổi tiếng nhất là những cuốn: La nave de los locos (1984) và Solitario de amor (1988).
 

___________________

 

THEO DẤU THỜI GIAN

 

Tôi đến một thành phố nơi tất cả trẻ con đều muốn biết thời gian chính xác. Chúng bước qua các đường phố với vẻ nghiêm trọng. Hai bàn tay nhét vào túi, nét mặt đăm chiêu, với dáng dấp của những người đang bận rộn vì công việc, chúng dõi đôi mắt xuống mặt đất, nhẩm tính từng giây, từng phút trôi qua.

Thành phố ấy có ây cối khô cằn và những lối đi lạnh lẽo. Một đứa trẻ chạy về nơi tôi đang rảo bước. Tôi đi dọc theo những cánh cửa mờ hơi sương. Khi vừa chạy ngang qua gần tôi, nó xoay người lại (một động tác nó có lẽ đã tính trước, nhưng điều đó lại khiến tôi ngạc nhiên) và nó hỏi: “Thưa ngài, mấy giờ rồi?”

Tôi lấy chiếc đồng hồ bạc to tướng ra khỏi túi áo. Chiếc đồng hồ nặng trĩu và trong khi tôi xem giờ tôi phải làm những động tác chậm rãi, vì xác định thời gian là công việc nghiêm trọng. Tôi mở nắp đậy (hình bầu dục và được chạm khắc trang nhã chung quanh viền), để lộ ra cái mặt đồng hồ bằng ngọc trai, cũng giống như khi tấm màn nhung ở hí viện từ từ kéo ra và để lộ cái sân khấu. (Tôi dùng cả hai tay để cầm chiếc đồng hồ, không phải chỉ vì sức nặng đáng kể của nó mà còn vì sự kính cẩn.) “Sáu giờ năm phút,” tôi trả lời, trong lúc đứa trẻ lễ phép đã sẵn sàng để tiếp tục chạy.

Phía bên kia đường, một cậu bé tóc vàng và mang kiếng (cái gọng kiếng có vẻ quá lớn cho cái mũi ngắn lốm đốm vết tàn nhang) chạy đến tôi. Cậu rất vội vã và tập trung cao độ vào sự vội vã ấy. Khi đến trước mặt tôi, cậu dừng lại và giải thích: “Ngài thứ lỗi cho. Xin ngài cho tôi biết bây giờ là mấy giờ?”

Mặc dù tôi đã biết câu trả lời, tôi tự cảm thấy khiếm nhã nếu tôi không đem chiếc đồng hồ ra từ túi áo và xác định vị trí của hai cây kim chỉ giờ phút: một ngụ ý về tính khách quan trộn lẫn với cử chỉ giả vờ cẩn trọng khi kiểm tra thời gian. Tôi mở nắp đậy (cậu bé không lưu tâm đến cái cử chỉ cẩn trọng ấy), và sau khi nhìn hai cây kim đồng hồ một cách chăm chú, tôi nói với cậu: “Sáu giờ mười phút.”

Cậu không biểu lộ một phản ứng gì cả, chỉ vội vã chạy đi nơi khác.

Những bước chân của tôi trở nên xa lạ, như thể ánh sáng vàng vọt của buổi chiều tà đã treo tôi lơ lửng ở một cõi vô danh nào đó. Nó làm tôi nghĩ đến cảm giác của những con mực phủ đi lạc ngoài khơi, hay cảm giác của những nhà du hành không gian trôi trong một quỹ đạo vô hạn. Một cô bé với hai bím tóc màu bí rợ đến bên cạnh tôi và không hỏi tôi một câu nào cả. Điều này cho tôi một chút cảm giác thoải mái và cho tôi được bình thản hơn để nhìn ngắm những cây đoan đứng dọc theo lề đường. Con đường vắng vẻ dường như bay bổng lên, nhưng khung cảnh giá lạnh thì vẫn bình thường. Tôi đi ngang qua một quán café đóng cửa (khung cửa sổ, không có màn che, cho thấy những chiếc ghế trơ trọi chồng lên nhau, những cây nến chỉ còn chút cùi sáp trơ lạnh, và những chiếc ly rỗng mờ đục trên quầy), rồi một tiệm giặt với những chiếc máy màu xám có cửa kính tròn (giống như mắt của những con quái vật độc nhãn trong huyền thoại Hy-lạp) đang giặt quần áo một cách nhịp nhàng, và một quán ăn chuyên nấu món Ý. Cuối cùng, tôi đi đến một góc đường. Có ba đứa trẻ đang cùng chạy (không đứa nào chạy nhanh hơn đứa nào) ngang qua tôi. Khi đứa thứ ba chạy đến trước mặt tôi, nó đột nhiên dừng lại (hai đứa kia cũng lập tức dừng lại như người máy). Với một giọng trong trẻo, vô cảm, nó nói:

“Thưa ngài, xin ngài cho tôi biết bây giờ là mấy giờ?”

Sáu giờ hai mươi phút. Chúng lập tức tiếp tục hành trình, chạy theo đội hình, không đứa nào nhanh hơn đứa nào.

Bầu trời có một sắc tím (giống như màu của một buổi chiều đông), và bọn trẻ đang vội vã chạy đến một nơi nào đó. Tôi không biết chúng sẽ đến nơi nào, nhưng tôi cảm thấy rằng dù đó là nơi nào, từng phút, từng giây cũng đều quan trọng. Tại sao điều đó quan trọng, tôi không biết, hoặc tôi đã quên mất từ lâu.

 

 

-----------------------
Dịch từ nguyên tác tiếng Tây-ban-nha: “El cómputo del tiempo”, trong Cristina Peri Rossi, El museo de los esfuerzos inútiles (Barcelona: Seix Barral, 1983).

 

 

Đã đăng:

... Đàn bà là những cuốn sách phải được viết ra / trước khi chết / trước khi bị nuốt chửng / trước khi bị thiến... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn]
 
Những lá cờ  (truyện / tuỳ bút) 
Một lá cờ được trao cho mỗi người chết. Một nghi thức đơn giản luôn luôn được cử hành theo cùng một cách tại nhà riêng, không có người ngoài qua lại ồn ào. Trước hết, hai viên sĩ quan đến báo tin buồn cho các thân nhân. Rồi họ bắt đầu chuẩn bị nghi thức trao cờ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Dấu chấm  (truyện / tuỳ bút) 
Lúc chúng tôi đến với nhau, nàng đã nói, “Em sẽ cho anh một dấu chấm. Nó rất quý báu — đừng để mất nó. Hãy gìn giữ nó để dùng đúng lúc cần thiết. Đó là vật quan trọng nhất em có thể cho anh; em làm thế vì em tin tưởng vào anh — anh đừng làm em thất vọng.” ... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Giữa lưỡi gươm và bức tường  (truyện / tuỳ bút) 
Thật khó có kẽ hở nào để len lỏi giữa một lưỡi gươm và một bức tường. Nếu cố tránh lưỡi gươm, tôi phải lùi lại đến khi chạm bức tường, và cái lạnh của bức tường làm tôi đông cứng. Nếu tôi cố gắng lách ra khỏi bức tường để tiến tới, thì lưỡi gươm đâm vào cổ tôi... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
... Vài tượng đang ngồi, đan áo, và thân thể chúng gắn liền với những chiếc ghế như một khối hợp nhất. Những tượng khác há miệng như sắp thốt lên một âm thanh nào đó hay định nói một điều gì. Những tượng ở xa nhất đang đứng tựa vào những tượng xưa cũ hơn. Chúng biểu lộ vẻ chán chường, thậm chí có vẻ rã rời... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Ađam và Êva  (truyện / tuỳ bút) 
Ađam đang sống rất sung sướng giữa cỏ cây hoa lá thì Êva đến và dụ dỗ ông ăn trái táo vì bà muốn giết ông để một mình bà làm chủ tất cả... Chúa Trời sáng tạo ra Êva từ một cái xương sườn của Ađam vì thấy Ađam buồn chán và cần có người để sai vặt... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Thời gian chữa lành mọi vết thương  (truyện / tuỳ bút) 
Tôi luôn luôn hối hả, đó là vấn đề tính khí. Khi tôi và nàng đoạn tuyệt với nhau, tôi đi thẳng đến một tiệm cầm đồ. Tôi cần có rất nhiều thời gian để đắp lên những vết thương, để chúng cầm máu và chóng lành... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 

Để tìm hiểu thêm về cuộc sống và bút pháp của Cristina Peri Rossi, xin đọc:

Trong ngôn ngữ Tây Ban Nha, chữ destierro (tạm hiểu trong Việt ngữ là “lưu đày” hay “lưu vong”) chứa đựng một ý niệm rất đặc thù nên khó có thể dịch thẳng ra một ngôn ngữ nào khác. Chữ này, với nghĩa đen là “bứng ra, tách ra, cắt ra khỏi mặt đất”, được hiểu như sự cắt đứt mối liên hệ giữa linh hồn con người và mặt đất. (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021