thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vô xứ [kỳ 2]

 

Đã đăng: [kỳ 1]

 

Hơn ba mươi năm sau.

Hai người bạn ngày xưa thoát chết trong chuyến vượt biển nay ngồi bên nhau, một mái tóc hoa râm, một mái đầu bạc, chuyện trò tâm đắc. Trước kia họ đã là bạn thân của nhau, sau cơn hoạn nạn ấy, tình bạn càng thêm thắm thiết.

Ông Cảnh sống với người vợ già trong một khu chung cư gần một trung tâm cộng đồng Việt Nam tại nước Mỹ. Đứa con trai của ông, nay đã có gia đình riêng, đã vài lần mời bố mẹ già về sống chung nhưng ông từ chối. Có lẽ ông đã nhận ra rằng lối sống tại Mỹ là thế, cha mẹ già nên ở riêng để khỏi làm phiền con cháu.

Ông Vĩnh, sau vài lần lấy vợ không có con cái, không có hạnh phúc, quyết định không lập gia đình nữa. Ông đi làm việc và sống tại nhiều tiểu bang trên đất Mỹ, du lịch cũng nhiều, thỉnh thoảng về thăm Việt Nam. Bất cứ lúc nào có dịp đến Cali, ông đều tìm ông Cảnh, có khi chỉ trao đổi vài câu về sức khoẻ rồi ông đi công chuyện riêng, có khi ở lại chơi cả tháng. Ông đã nghỉ hưu, sống tự do theo sở thích. Ngoài du lịch, ông cũng có cái thú đọc sách.

“Anh Cảnh này, lâu nay anh có theo dõi thời cuộc bên nhà chứ?”

“Thì cũng đại khái,” ông Cảnh đáp. “Có gì mới mẻ đâu. Tôi nản quá. Cứ tưởng 5 năm là đã quá lắm rồi, thế mà lại nhân đôi lên 10 năm, rồi 20 năm, rồi sắp sửa 40 năm, tụi sâu dân mọt nước vẫn bám chặt quyền hành. Để làm gì cậu biết không? Để cuối cùng bán nước cho tụi Tàu.”

Ông Vĩnh ngồi lẳng lặng nghe, ông Cảnh càng nói càng hăng:

“Ta sắp bị tiêu diệt. Bọn cầm quyền thì bán nước, mà dân chúng bây giờ đã quá mệt nhọc muốn buông xuôi tất cả. Một số ít, quá ít, đáng được gọi là những bậc anh hùng, liệt nữ, đang cố sức vùng vẫy dưới những gọng kềm của bọn cầm quyền. Đúng thế, bọn bán nước lẽ dĩ nhiên phải tìm đủ mọi cách trừ khử những người yêu nước. Nếu không, chúng sẽ bị lật đổ. Liệu số người yêu nước ít ỏi và can trường ấy chống chỏi được bao lâu?”

“Tôi nghĩ khác.”

“Cậu không còn trẻ, nhưng cũng chưa già như tôi, cứ thử nghĩ khác đi xem nào. Biết đâu giấc mơ của cậu biến thành sự thật. Mà mơ và thật thường không đi đôi với nhau. Còn tôi? Quá đát rồi, sống rày chết mai, thấy sao nói vậy.”

Ông Vĩnh tỏ vẻ khó chịu. Ông gắt:

“Tôi còn nhớ anh bảo hễ bên nhà có thay đổi, anh về ngay. Về ở luôn.”

“Vâng, tôi có nói như thế thật, nhưng đã lâu rồi. Có lẽ nói trong lúc cãi cọ sôi nổi với cậu tôi nói cho hơn hơi. Bây giờ thì khác, hết hy vọng. Sống ở đâu cũng được, chết ở đâu cũng xong, miễn là đừng chung đụng với bọn đó. Ở cái đất Mỹ tự do, sung túc này, cơm no rửng mỡ, ta phải nói cho hả hơi chứ, chẳng ai làm gì ta được. Mà con người vốn được voi đòi tiên, như đứa con nít được cưng chiều vòi hết quà này đến quà khác. Sướng quá hoá quàng. Nhưng nghĩ cho cùng, ở đây tôi vẫn đứng ngoài rìa thỉnh thoảng dòm vào xã hội Mỹ thấy hoang mang, lạ lẫm dù vẫn mang tiếng là công dân Hoa Kỳ. Vậy tôi nay vẫn là người tỵ nạn như cách đây mấy mươi năm chứ chẳng khá hơn chút nào? Cũng có phần đúng đấy. Hay cái gọi là người tạm dung? Còn hy vọng gì đâu mà tạm với chẳng tạm. Mong ngày về quang phục quê hương? Ấy, ấy, xin chào thua. Tôi nói đầu gà đít vịt, xin lỗi, đầu Ngô mình Sở, lung tung, lôn xộn, nhưng cậu biết tôi nói gì chứ.”

Ông đứng dậy nhìn ra cửa sổ. Bà đang xách cái bình tưới nhỏ lụm cụm tưới mấy cây ớt, mấy khóm rau thơm. Ông thở phào một tiếng, tiếp:

“Chỉ vợ tôi là khổ thôi.”

Nhìn bạn thẫn thờ, ông Vĩnh ngập ngừng:

“Sao anh lại nói thế. Tôi thấy chị vẫn bình thường đấy chứ, vẫn vui vẻ đấy chứ. Đâu phải lạng quạng như anh.”

“Đó là bề ngoài,” ông Cảnh buồn rầu đáp.

“Tôi nghĩ rằng chị còn người thân bên nhà, muốn về, mà anh nhất định không cho chị về, nên...”

Ông Cảnh ngắt lời ngay:

“Ai bảo anh thế? Để tôi nói cho anh nghe, vợ tôi càng lớn tuổi càng đổi tính. Bà ta độ rày buồn vẩn buồn vơ hoài. Tôi cũng đã nghĩ như cậu, cho nên một lần tôi lẩm nhẩm hát đi hát lại mấy câu của một bài hát cũ, dọ ý đó mà, ‘Buồn nhớ quê hương / Lòng ta có bao giờ thắm tươi...’ Bà cười rồi phán một câu, ‘Anh lãng tai nặng, không nghe được giọng của mình, nên hát lộn tông này qua tông nọ mà cứ hát hoài. Nghe sốt ruột.’ Có lần trông thấy bà ngồi ủ rũ cả ngày, tôi bảo thẳng rằng nếu bà muốn về Việt Nam thì cứ về với mấy bà bạn đạo. Tôi ở đây một mình cả tháng cũng không sao. Bà lắc đầu.”

“Nghĩa là chị cũng không tha thiết gì chuyện về Việt Nam. Chị có thích đi du lịch không? Đi Âu Châu, đi Tàu, đi Úc?”

“Cũng háo hức vài ba lần đầu tiên, rồi đâu vào đấy.”

“Nghĩa là sao?”

Ông Cảnh chau mày:

“Nghĩa là bà bảo đi đâu cũng chừng ấy chuyện. Cũng chừng ấy nhà cao ngất trời và xa lộ dài thấy khiếp. Thêm tốn tiền. Vợ tôi khác tôi. Tôi chấp nhận số phận, không buồn cũng chả vui. Sống thế là đủ rồi. Còn bà...”

Sau một hồi ngẫm nghĩ, ông Cảnh tiết lộ:

“Có một điều khiến tôi suy nghĩ, tiện thể nói cho cậu biết xem có lời giải thích nào hay ho không. Gần đây, bà nhỏ to với tôi, ‘Anh chị Kha đúng là bạn tốt. Mình nên đi lại nhiều hơn nhé. Chiếc tàu nhỏ dễ thương quá.’”

“Kha? Tôi có quen không?”

“Không. Kha qua đây hồi 75, có tiền, có nhà cao cửa lớn, có chiếc tàu nhỏ đi chơi được ven biển. Ông bà Kha khá thân với chúng tôi, mời chúng tôi đi tàu chơi vài ba lần rồi. Nhà tôi từ đó thỉnh thoảng lại nhắc tôi đến anh chị Kha, để đi tàu.”

 

*

 

Tôi khác. Kỷ niệm thời thơ ấu sống mãi trong tôi.

Hồi còn nhỏ, chưa xong tiểu học, lũ trẻ con chúng tôi mỗi khi đi ngang qua đồn Vệ Quốc Quân ở ngoại ô thành phố, là luôn luôn dừng lại nhìn anh bộ đội đứng gác cổng, quân phục màu gì nhỉ quên mất, chỉ nhớ là nó bạc thếch, nón ca-lô vải bèo nhèo, giày da cũ kỹ, đứng thẳng người với cây súng trường dài dựng bên hông. Thấy chúng tôi nhìn, anh luôn luôn đáp lại bằng một nụ cười hiền. Tôi cảm thấy anh đẹp quá! Thương anh quá! Lính của mình mà. Trước kia lính Tây trắng, Tây đen mới có quyền đứng gác ở đấy. Nghe nói quân ta đã đánh đuổi được lũ Tây xâm lăng, dữ tợn đi chỗ khác. Người mình đã giành lại chỗ đứng của mình trên đất nước mình. Thật là vinh quang! Thật là oai hùng! Bên tai chúng tôi, ngày ngày văng vẳng những bài ca, không biết nhan đề, chỉ nhớ vài ba câu, tiếng được tiếng mất Đây là lúc quốc dân hùng tiến, hoặc Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu, hoặc Đoàn Giải Phóng Quân một lần ra đi, hoặc Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều... Trước mắt chúng tôi, những người thuộc thế hệ đàn anh, sôi sục lòng yêu nước, đang học những lớp cao của ngôi trường lớn nhất Miền Trung, tình nguyện xếp bút nghiên ra đi trên những chuyến xe lửa chật ních, trên những chiếc xe tải cà tàng xộc xệch hướng vào Nam. Hết đợt này đến đợt khác tiếp nối nhau. Họ vào Nam đánh Tây đang manh tâm trở lui tìm cách lập lại chế độ gông xiềng cũ. Lũ con nít chúng tôi hận là mình không đủ tuổi để noi theo ‘Các Anh Đi’. Những khẩu hiệu Dựng nước, giữ nước, nước còn, còn tất cả hoặc Ủng hộ Nam Bộ kháng chiến được ghi trên truyền đơn, hoặc được viết bằng những hàng chữ lớn trên các bức tường của công sở, của tư gia. Và bằng những dòng chữ khổng lồ trên những dãy thành dài rêu phong nối liền nhau bao quanh đại nội cổ kính đang bừng bừng tỉnh giấc.

Trên đồi cao, trên trời cao, trong gió, trong mây vang lừng tiếng nhạc thúc quân. Dưới dòng nước, dưới dòng suối, dưới dòng sông rần rật tiếng sóng giục giã lên đường. Chất men lạ lùng ấy không phải chỉ làm say lòng những bậc đàn anh, những bậc cha mẹ, mà cũng làm mê mẩn tâm hồn của bọn con nít ngây thơ.

Thời gian say sưa ấy chỉ kéo dài được mấy năm. Chiến tranh bùng nổ, chết chóc, đói khổ, gian lao. Rồi tản cư, rồi hồi cư. Bọn trẻ con chúng tôi lại cắp sách đến trường trong thiếu thốn, nghèo khó, nhưng hình ảnh hào hùng của Cách Mạng Mùa Thu không phai. Tuy nhiên nỗi hoang mang đã bắt đầu nẩy mầm. Quốc Gia là cái gì? Cộng Sản là cái gì? Thế Giới Tự Do là cái gì? Thế Giới Ngục Tù là cái gì?

Lớn lên, bắt đầu biết suy nghĩ, thì đã đến tuổi bị động viên. Như cánh bèo trôi theo dòng nước cuốn, vào quân trường Thủ Đức như những bạn đồng lứa. Sau 10 tháng huấn luyện, lúc ra trường chọn binh chủng Hải Quân, nghĩ rằng vào binh chủng này sẽ không phải hành quân liên miên như trên bộ, như các binh chủng Bộ Binh, hoặc Thuỷ Quân Lục Chiến, hoặc Nhảy Dù chẳng hạn. Như vậy một phần nào đỡ phải lâm vào hoàn cảnh hoặc giết chết hoặc bị giết chết bởi người cùng giống nòi.

Dần dần hiểu biết thêm về tình hình của đất nước trong bối cảnh chung của thế giới. Thì nhận ra được cái phi lý của cuộc chiến tranh tương tàn, khốc liệt, một cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc mà lại do những thế lực của ngoại bang nắm quyền quyết định. Nó làm tiêu hao quá nhiều tiềm lực của tổ quốc, nó gây hận thù liên miên chồng chất. Vậy mà, oái oăm thay, rất nhiều lúc vẫn còn phân vân tự hỏi phải chăng Bộ Đội Miền Bắc cùng với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ngày nay có phải là kế tục xứng đáng của Kháng Chiến oai hùng ngày xưa? Những buổi bình minh của Kháng Chiến, chưa thấy rõ bản chất của người Cộng Sản? Cho đến khi Miền Bắc thắng trận cuối cùng, câu trả lời muộn màng nhưng đích xác đã hiện ra. Cuộc chiến dai dẳng hơn 20 năm sau khi đất nước chia đôi năm 1954 quả không phải là chiến tranh giải phóng dân tộc chống Mỹ cứu nước mà Miền Bắc vẫn xác quyết, trái lại đó là một cuộc xâm lăng với sự giàn xếp và thoả thuận của những nước lớn.

Và điều tai hại là cách đối xử bất xứng của người thắng đối với kẻ thua. Tiếp theo là tệ nạn độc tài, tham nhũng làm cho đất nước điêu linh. Và cuối cùng kẻ chiến thắng lại đưa tổ quốc đến bờ vực của tiêu vong. Gần đây lại có tin đồn nhà cầm quyền đã lén lút chấp nhận Việt Nam trở thành một đặc khu hành chánh của Trung Quốc trong một tương lai không xa. Sao lại có chuyện lạ lùng đến thế! Mong rằng đó chỉ là tin đồn sai lạc. Nhưng rồi lại có tin làm mình bàng hoàng, hoảng hốt. Tin đồn ấy có cơ sở chăng? Cách đây không lâu, mấy em bé xinh xắn được cử đi cầm cờ Tàu vẫy chào lãnh tụ Tàu qua thăm. Cờ có một ngôi sao lớn với năm ngôi sao nhỏ thay vì bốn, tượng trưng cho bốn nước nhỏ đã bị lệ thuộc là Mông, Mãn, Hồi, Tạng. Vậy ngôi thứ năm là Việt? Sau đó, trước những phản ứng gay gắt của dân chúng, có lời giải thích thiếu thuyết phục về phía chánh quyền rằng người làm cờ nhầm lẫn. Tin được chăng?

 

Việt Nam và Nhớ.

Những xóm làng, những thành phố từng đến ở. Nơi nào cũng nhớ, lẫn lộn vào nhau, vương vấn lấy nhau.

Những quán ăn, những vỉa hè cà-phê, những tiệm chạp phô, những cầu khỉ. Và những con đường, sân ga, bến phà, sân bay, bãi biển. Còn nữa, những con tàu khuya ru êm xập xình vào giấc ngủ, những chuyến xe đò Lục Tỉnh đua nhau chạy như điên, những xe traction màu đen từ Huế qua đèo Hải Vân mù khơi, những xe lô bảy chỗ ngồi phóng như bay lên Đà Lạt. Sông thì lục bình trôi từng hàng dài, đò ngang, đò dọc tấp nập, chợ nổi xúm xít. Núi đồi thì thông reo, thác đổ, và những sơn thôn mơ màng. Sáng sớm tiếng xe thổ mộ lọc cọc cùng với tiếng rao hàng quà bánh rộn rã; trưa trưa mưa rơi lộp độp trong vườn chuối, rào rạt trên mái tôn; chiều về sương khói phủ kín những túp lều tranh đang nổi lửa thổi cơm; đêm xuống len lỏi vào những phòng trà ca nhạc ấm cúng đèn màu. Mùa đông ướt át luỹ tre nghiêng ngả, nước bạc ngập đồng trống, tiếng ệnh oạng vang xa và dội vào lồng ngực. Mùa hè ve kêu râm ran nhịp nhịp từng hồi từ sáng đến chiều để dành chạng vạng cho những con bọ đen, nhỏ bay nhiều trong gió đập vào mắt dụi mãi không được, nhờ cô hàng xóm hai ngón tay thon banh mắt ra thổi phù phù. Mùa thu tơ trời, và những ngày khai trường rập rờn kỷ niệm. Mùa xuân mưa bụi và những ngày Tết bồng bềnh trong khói hương và tiếng pháo.

Về thăm. Tìm kiếm. Mất mát nhiều, lẽ đương nhiên. Nhưng đáng buồn nhất, cái cảm giác lạc lõng càng ngày càng tăng.

Một người bạn, trái lại, về Việt Nam khi nào cũng thấy vui, như tìm lại được “thiên đường đã đánh mất”, lời của hắn. Cho nên hễ có dịp là hắn về. Hắn về nhiều lần. Lỡ không về được, hắn bồn chồn đứng ngồi không yên. Khi nào nhớ quá, hắn thường hay hát bài Chiều phổ từ thơ của Hồ Dzếnh. Hắn nói Chiều thơ hay đã đành, nhạc chắp cánh cho bài thơ bay lên cao khiến mỗi lần hát lên hay được nghe ai hát bài đó, hắn cảm thấy tất cả cái thấm thía của tình hoài hương. “Thế sao cậu không về ở luôn bên nhà?” Hắn đáp: “Nhớ là một chuyện, ở lại là chuyện khác. Cậu đừng hỏi khó với nhau.”

Mình dị ứng loại nhạc phổ từ thơ, vì hầu hết đều dở. Nhạc thường là cái cùm trói buộc khiến bài ca khi hát lên nghe vụng về, ngọng nghịu. Dĩ nhiên một nhạc sĩ có tài cũng có thể làm bài thơ thêm đẹp, thêm hay, nhưng trường hợp đó hiếm. Chiều thì sao? Không dở lắm. Tuy nhiên thử quên lời thơ, chỉ đánh bản nhạc lên, nghe nó ngang ngang, nhàn nhạt, đơn điệu.

Cho nên mình đi tìm nguyên bản bài thơ. Thử đọc hay ngâm tuỳ theo cảm xúc mỗi lúc mỗi khác.

CHIỀU
 
Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây
 
Chim rừng quên cất cánh
Gió say tình ngây ngây
Có phải sầu vạn cổ
Chất trong hồn chiều nay?
 
Tôi là người lữ khách
Mầu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây...
 

Bài thơ hay quá. Đọc đi đọc lại nhiều lần. Rồi ngờ ngợ tự hỏi tác giả đang ở nơi nào căn cứ vào ý nghĩa của bài thơ? Nếu đã về nhà thì việc gì phải tự xem mình là người lữ khách và đang nhớ nhà. Tôi là người lữ khách... Nhớ nhà châm điếu thuốc. Ở xa mới là lữ khách, mới nhớ nhà chứ. Hơn nữa khi ta đang trên đường về quê hương, về nhà, tình cảm nổi bật không phải là nhớ, mà là háo hức, bồn chồn, trông ngóng. Thế thì có lẽ Hồ Dzếnh đang đi về một ngôi nhà trọ xa xôi nào khác, gặp một cảnh trí trông na ná như nơi chốn quê hương, cũng có gió núi, chim rừng, cây cao bóng cả, bèn “tức cảnh sinh tình”.

Tìm đọc thêm Hồ Dzếnh. Đoạn dưới đây trong truyện ngắn “Trong Bóng Rừng” của Hồ Dzếnh mô tả ngôi nhà nơi tác giả lớn lên.

“Nói đến rừng, tôi quên sao được lớp nhà lá đẹp đẽ của ba tôi dựng trên một cánh đồng lớn, lớp nhà đổ xuống sân một đường bóng dài đậm, mỗi lần mặt trời nghiêng xuống dãy đồi cong. Chính ở nơi đó tôi lớn lên...”

Thế thì đúng rồi, trên đường về nhà trọ, gặp cảnh trông giống quê hương, bèn Nhớ nhà châm điếu thuốc.

Nhà thơ nói giùm lòng mình. Nếu Hồ Dzếnh thấy rừng nhớ nhà, mình đi đâu thấy những gì hao hao giống nơi mình từng sống từ bé cho đến khi trưởng thành là nhớ ngay đến Việt Nam. Những góc phố Paris khiến nhớ Sài Gòn, qua Bỉ nhớ Đà Lạt, tới Bắc Kinh nhớ Huế. Đi thuyền trên hồ Michigan nhớ bãi biển Phan Rí, vân vân, và nhớ Hiền. Nói thế không ngụ ý rằng Sài Gòn đẹp như Paris, Huế đẹp như Bắc Kinh. Rất chủ quan khi nhìn vào cái đẹp. Nhiều thành phố trông đẹp như bức tranh, một bức tranh không quá khứ, không kỷ niệm, nó có thể khiến ta ca ngợi hoặc khâm phục, nhưng không thể so sánh với cảnh đẹp nơi quê hương. Cái nhớ lại càng chủ quan hơn nữa, có khi như Nguyễn Du:

“Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người

Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi”

nhưng cũng có khi chỉ con bọ nhỏ, con bọ mắt, mùa hè buổi chiều tối bay nhiều trong gió vẫn khiến nhớ. Và nhớ bãi biển Phan Rí thì làm sao quên Hiền được, cô bé thanh thoát như nàng tiên. Nhớ quá. Cùng trải qua hoạn nạn, kẻ chết người sống, nỗi nhớ càng thêm da diết.

Nhớ quê hương thì về thăm. Chứ không phải như anh chàng Cảnh nhất định không về, sống chết ở đâu không thành vấn đề. Vợ anh thì sao? Ba người thân thiết nhau ba tâm trạng.

Buồn. Lạc lõng. Lại đi.

Những năm tháng gần đây tình hình ở quê nhà có nhiều chuyển biến. Mong Mùa Xuân Ả Rập đến với Việt Nam. Được như thế có lẽ những chuyến về thăm vui hơn chăng? Hay vẫn cứ ngơ ngơ, ngáo ngáo?

 

(còn tiếp)

 

 

--------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021