thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
VỚI BA MƯƠI BA MẢNH VỤN
 
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
(Tranh của Léonor Fini)
RENÉ CHAR
(1907-1988)
 
 
KHAI TỪ
 
Nhiều buổi tối, khi mọi khuấy động và lưu thông đã rõ rệt giảm thiểu sự va chạm cùng tốc độ để các thứ có thể tự do và tỉ mỉ xích gần ta hơn, tôi ra khỏi nhà và lần theo con đường Babylone tiến ra đại lộ Invalides. Ở đó tôi bắt gặp một khoái cảm nhớn nhác, bầu trời, với cả chiều thẳng đứng của nó, đâm vào vai tôi. Dưới màn mưa bụi mỏng, bóng ma của sự thôi thúc thứ hai lởn vởn ở nơi đó. Đường Varenne, tôi bước trên vỉa hè của viện bảo tàng Rodin mà cánh cổng cao màu lá trường xuân và khu vườn xinh xắn trong sâu, đằng sau toà nhà trong suốt, đang an giấc, người ta có thể hình dung như thế. Con đường Barbet-de-Jouy mở ra như một lối đi nhỏ. Ngay từ căn nhà đầu tiên của con phố này, một thành công đúng mức, sự rung động lâu dài của cơn khoái lạc trong tôi bừng nở và tri ân. Tri ân Marcel Proust đưa tôi tới đây. Địa điểm ấy thuộc về chàng như nốt ruồi duyên thuộc về một miền tách rời của cơ thể. Chàng dâng nó cho tay ta chạm vào, mặc dù nhà thơ Marcel Proust không bao giờ kể tên nó ra, tôi tin vậy, trong bất cứ một tác phẩm nào của chàng.
 
Một đêm trong các đêm qua, đến đây và nghĩ tới chàng, cái khối thẳng đứng và ít được chiếu sáng của các tác phẩm đầu tiên của tôi vững vàng nằm gọn trên đầu, tôi cất bước không cần dè dặt. Thấp thoáng xa xa một lọn tóc nhỏ của cây vụt hiện giữa khoảng cách hai ngôi nhà. Bất chợt — do sự vụng về nào? — cái tầng tháp của thơ tôi rơi tòm xuống đất, như thuỷ tinh vỡ tan tành. Có thể là vì — quá hấp tấp và gặp khoảng trống — muốn nắm ngay cái bàn tay của Thời Gian ngoài ý muốn của nó — Thời Gian lựa chọn — cái bàn tay mà nó chưa thuận để cho tôi nắm bẳt. Cây búa vô chủ (Le Marteau sans maître), Yết thị cho một đoạn đường học trò (Placard pour un chemin des écoliers), Nghệ thuật tắt (Art Bref), Ngoài kia đêm bị cai trị (Dehors la nuit est gouvernée), chỉ là những cuốn sách bởi tên gọi mà thôi. Tôi nhặt lên được ba mươi ba mảnh. Sau một lúc bàng hoàng tôi đã nhận thấy rằng trong tai nạn này tôi chỉ bị mất cái chóp đỉnh của khuôn mặt mình thôi.
 
Paris, mồng 8 tháng 4, 1956.
 
________________
 
 
VỚI BA MƯƠI BA MẢNH VỤN
 
 
 
1
 
Hỡi chim chưa từng bị chận
Ngôi sao của mi êm ả trong tim ta
Vạch đường của ta cứ dài ra thêm mãi
Không khí bỏ đi và con người thì chết ngạt.
 
 
 
2
 
Trước khi quen em, anh ăn và anh đói, anh uống và anh khát, cái tốt và cái xấu anh đều hững hờ, anh đã chẳng là anh mà là một đồng loại của anh.
 
 
 
3
 
Những mắt tinh khiết trong những cụm rừng
Vừa khóc than vừa tìm cái đầu để ngụ.
 
 
 
4
 
Kẻ đang mang sự hiển nhiên trên vai
Giữ kỷ niệm của sóng trong nhà kho của muối.
 
 
 
5
 
Ta kẻ chưa bước chưa bơi chỉ ăn trộm giữa các người thôi.
 
 
 
6
 
Cứ để tôi tự thuyết phục tôi về sự phù vân đã mê hoặc đôi mắt nàng hôm trước.
 
 
 
7
 
Sự tĩnh lặng của chiều tà xích đến gần mỗi tảng đá và thả chiếc neo đớn đau
Rồi đêm tới đầy những chiến trận.
 
 
 
8
 
Không khí đã cưu mang
Rễ cây đã nẩy nở.
 
 
 
9
 
Một cánh bướm rơm ngụ trong một cái sọ đầu chó
Ôi sắc mầu ôi luống cày ôi vũ điệu!
 
 
 
10
 
Lẻ loi ở các khung cửa sổ của những dòng sông
Những khuôn mặt lớn được rọi sáng
Mơ tưởng chẳng có sự tiêu hao
Trong cảnh trí của chúng một loài ăn thịt sống.
 
 
 
11
 
Thế nhưng nỗi âu lo xưng danh người phụ nữ
Sẽ thêu thùa con số của mê lộ.
 
 
 
12
 
Sự an toàn là một mùi hương.
 
 
 
13
 
Một người đàn bà dõi mắt nhìn theo người đàn ông còn sống mà nàng đang yêu.
 
 
 
14
 
Trái tim kế tiếp tìm chỗ trú.
 
 
 
15
 
Không khí kiên tâm và cánh buồm hiếm hoi
Bạn của đàn quạ.
 
 
 
16
 
Kẻ canh gác phù du của thế giới
Nơi mép bờ của hãi sợ
Hãy phóng sự kháng cự chính đáng của mi
Sự kháng cự cuốn theo tấm chăn bông có mùi chua chua
Chân trời ửng hồng và lay động
Bé ơi chúng tôi sẽ khép vết lở của em.
 
 
 
17
 
Cần phải run rẩy để lớn dậy.
 
 
 
18
 
Nàng thấy bầy chim lo lắng hao gầy.
 
 
 
19
 
Nỗi sợ của xa trục thảo cô bạn gái ngang hàng với ta.
 
 
 
20
 
Những kẻ trầm lặng vô phương cứu vãn
Cành sung cho cảnh điêu tàn bú vú
Những kẻ khai kênh cho bọt nước của thế giới ngầm.
 
 
 
21
 
Đất gầy bị cấm chỉ
Bị cột vào đồng tiền du mục
Chúng tôi sẽ mãi mãi là những kẻ đội ơn nỗi lo âu.
 
 
 
22
 
Bầy tinh tú ở gần đang diễu hành trong cụm mây song đôi của nạn đói và cái chết.
 
 
 
23
 
Đoàn nhân công lang thang của chính tôi.
 
 
 
24
 
Hãy mau truyền lại
Cái phần diệu huyền đối kháng thi ân
Quả thực mi đang trễ nải đối với đời sống
Đời sống khôn tả.
 
 
 
25
 
Người ta không ngâm chân trong nguồn nước
Để được ngang hàng với gốc hạnh đào.
 
 
 
26
 
Kẻ cuồng tín của mây
Có quyền bính siêu nhiên
Để lưu chuyển tới những khoảng cách rất xa
Những cảnh trí quen thuộc.
 
 
 
27
 
Hãy đau khổ vì chúng tôi là những kẻ hành hương cực đoan của bạn
Những kẻ gieo giống bị chôn trong mê đạo bàn chân bạn.
 
 
 
28
 
Cuồng nộ mi đối xử với ta như nỗi buồn
Khi nó dọn đường cho ta bước.
 
 
 
29
 
Hãy biếu những thần đồng cho lãng quên cứu vãn.
 
 
 
30
 
Nếu sự giao hợp tạo giấc ngủ
Thay vì sa mạc.
 
 
 
31
 
Hãy nhìn dù không thể kết liễu
Cái huyền diệu đang hấp hối
Cánh cổng đẩy ra mi tự bắn ngã mi.
 
 
 
32
 
Cái chết bé nhỏ của mùa hạ
Hãy tháo ách cho ta ôi cái chết choá loà
Từ lúc này ta đã biết sống.
 
 
 
33
 
Hãy thả bọn dẫn đường đây là cánh đồng
Trời buốt giá ngoài biên cương mọi nhánh cành đều chỉ chỏ
Một khúc quanh vụt hiện tựa một làn khói
Nơi ấy sự chào hỏi sẽ khòm lưng trôi qua như chiếc gai
Nỗi lo mình sẽ yếu mềm dưới lớp vỏ cây còn sống
Bàn ăn sẽ được kê quanh giếng nước
Những sinh vật hiền hoà sẽ đến với chúng ta
Bàn tay bạn sờ lên trán sẽ tê cóng những vì sao
Và chẳng có kỷ niệm nào về lưỡi dao trên cỏ.
 
 
Chúng ta lại cô đơn đối diện nhau, ôi Thơ Ca. Sự trở về của mi có nghĩa một lần nữa ta lại phải cùng mi so tài, cùng với sự hiềm thù non dại của mi, cùng với sự thèm khát không gian trầm tĩnh của mi, và giữ sẵn cho niềm vui của mi sự xa lạ cân bằng do ta sắp đặt.
 
 
1956
 
 
-------------------
Nguồn: René Char, En trente trois morceaux (Paris: Poésie/Gallimard, 1983-1995).
 
 
Đã đăng:
 
Ngày xưa cỏ, vào giờ mà những con đường của trái đất hợp hoà trong sự tàn tạ, bừng sáng trên những nhận thức và âu yếm cao vươn những cọng lá. Những hiệp sĩ của ngày nẩy sinh trong ánh mắt tình yêu và các toà lâu đài của người tình đếm được ngần ấy khung cửa như vực thẳm cưu mang những giông bão nhẹ nhàng... [Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường]
 
Ta lắng nghe bước đi bên trong đôi chân mình / Biển chết những ngọn sóng trên đầu... | Nỗi buồn của người thất học trong bóng tối của những chai lọ / Nỗi âu lo khó nhận ra nơi những người thợ đóng xe / Những đồng bạc cắc trong chiếc bình sâu đáy... | Đời sống nào ló dạng / cũng kết thúc một kẻ bị thương... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Hai bài thơ tình “Madeleine à la veilleuse” và “Madeleine qui veillait”... Một ngày tuỳ nghi, những kẻ khác cho dù không khao khát bằng ta, sẽ lột chiếc áo vải của em, sẽ nằm lên chiếc giường của em. Nhưng khi ra đi họ sẽ quên dập tắt ngọn đèn chong... | ... Tôi đưa hai bàn tay lên ôm đầu cô và hôn lên mắt và lên tóc cô. Madeleine bỏ đi, biến mất dưới những bậc cầu thang xe điện hầm mà những cánh cửa sắt sắp được kéo xuống lưng chừng và sẵn sàng đóng lại... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Năm bài thơ tình “La chambre dans l’espace”, “Vivante demain”, “L’amoureuse en secret”, “Allégeance” và “Marthe”... Như tiếng hót của con bồ câu trong rừng khi trận mưa rào gần đến – không gian phủ bụi mưa, mặt trời ám ảnh –, tôi thức dậy rửa sạch, tôi chảy tan khi đứng lên; tôi hái bầu trời mới sáng... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021