thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Núi Lạnh — Hành trình tìm về những nấm mồ hoang [1. “Sinh Nam, Tử Bắc”]

 

Lấy vé từ bến xe Mỹ Đình đi Yên Bái, ngồi chờ chiếc xe khách loại xe 24 chỗ ngồi “nghĩa địa Nhật Bản” rời bến, tâm trạng chúng tôi lúc đó mất phương hướng. Với những người từ miền Nam ra, vùng thượng du Bắc bộ đúng là sương giá mù mịt. Nhưng chúng tôi vẫn may mắn có những người bán hàng rong và những người nhà quê chân chất để làm bạn đường trò chuyện. Chỉ nội chuyện đó không thôi đã cực kỳ khác biệt nếu so với những người sĩ quan quân đội VNCH mà 31 năm trước được đưa từ miền xuôi lên mạn ngược này để học tập cải tạo. Người ta kể, lúc ấy họ được đưa đi thẳng vào bóng đêm hun hút và đầu xuân năm ấy tiết trời vẫn rất lạnh.

Cho đến tận hôm nay, một đặc điểm của các chiếc xe khách chạy các tuyến đường ở miền Bắc là không có ảnh thờ Phật hay Chúa bên cạnh tài xế.

Người phụ nữ ngồi cạnh tôi nói

— Tôi xuống Đoan Hùng Phú Thọ. Đi xe 19 chúng vất giữa đường, xe 21 này mới về đến nơi. Bác có tiền đi chơi sướng nhỉ!

Cảnh giác người lạ nên chúng tôi chỉ cho bà biết một phần của lý do chúng tôi phải lên ngược. Bà lại nói:

— Bốc mộ là duy tâm, tốn kém, nhưng không bốc các cụ về lại không yên tâm. Hồi đầu chiến tranh anh tôi đi, tôi bảo giấy tờ nhà ở Hà Nội cho cháu thuê nhờ phải rõ ràng. Anh không nghe, bảo đi chóng về ấy mà. Đến giờ bên họ nhà chồng bảo trả xác. Nhà không trả cho tôi, nghìn năm tôi không trả xác anh. Tôi ở với anh dù anh sống hay chết có khổ, tang thương mấy chẳng màng nhưng tôi còn thằng con phải giữ cho nó để hưởng cái chính sách.

Chiếc xe khách vẫn cứ quay đầu vòng vòng để đón khách trong địa phận Hà Nội. Xe mấy lượt chạy qua chạy lại cơ quan ban quản lý dự án PMU 18. Bực mình bà lại chỉ tay vào cái toà nhà to đùng ấy nói:

— Đấy không khéo chúng ấy ăn mất cả phần con tôi.

Người cán bộ trẻ vẫn đội mũ cối, ngồi ở băng ghế trước quay xuống hỏi:

— Thế bác nhà bà hy sinh ở Điện Biên Phủ à! May mà còn trông được cái bằng liệt sĩ, trông gì cái nhà ở Hà Nội mà bác gay gắt thế!

Khi biết chúng tôi tìm ra tận Yên Bái - Hoàng Liên Sơn để tìm mộ người thân sau 1975 đi tập trung cải tạo. Bà Đức (tên người đàn bà ngồi cạnh tôi) sửng sốt:

— Ối giời! Thế tôi cứ tưởng chỉ có người vượt đường vào trong ấy tìm mộ bộ đội. Sao các bác nhà anh lại không may thế nhỉ? Chiến tranh kinh thật!

Cảnh sống của người dân và bộ mặt các thị trấn ven quốc lộ 20 với các bảng hiệu, hàng hoá và các bảng quảng cáo tiếng Anh, đa dạng mà bừa bộn như hình ảnh các thị trấn miền Nam vào thời kỳ người Mỹ có mặt ở thập niên 60. Những bảng hiệu chữ to mời ăn đặc sản dê núi gà đồi là ấn tượng thượng du tây bắc “thời đại” nhất.

Đi qua khu di tích đền Hùng, Phú Thọ, bà Đức xuống xe vì có việc. Người phụ nữ mặc áo màu hoa cà, ngồi thế vào chỗ bà Đức. Một lúc sau, tôi đem chuyện đi tìm mộ sĩ quan “ngụy” đi học tập cải tạo, để hỏi thăm quanh vùng này chị có nghe có biết về chuyện ấy không. Chị nói chuyện với tôi thông qua cái khẩu trang bít kín nửa gương mặt:

— Nếu có, nhà nước phải báo, chứ đã đưa người ta ra tận đây kia mà!

Xe vào vùng núi Phú Hộ. Cô sinh viên sư phạm đi cùng tuyến với chúng tôi về huyện Trấn Yên - Yên Bái, loáng thoáng nghe chuyện, bỗng nhiên cô hỏi.

— Thế người chú tìm ra ngoài này đi buôn hàng Trung Quốc hay du lịch ạ?

Nhìn vẻ hồn nhiên của cô gái Bắc thế hệ 8x, trong tình cảnh chuyện trò để giết thời gian trên xe khách này, chúng tôi không biết phải giải thích sao cho đủ nghĩa về lịch sử của các bên liên quan trong cuộc chiến tranh dai dẳng và ác liệt nhất của lịch sử dân tộc và số phận nghiệt ngã của những người lính miền Nam sau chiến tranh.

Không riêng gì người trong nước mà cả ở hải ngoại, có rất nhiều người lúc này cho rằng cái quí giá nhất mà dân tộc đã có là hoà bình. Đã hơn ba mươi năm rồi không nên tiếp tục mở miệng vết thương chiến tranh. Nhưng trong trường hợp của chúng tôi, biết phải trả lời ra sao cho cô sinh viên này. Chúng tôi không thể đáp rằng: Không gì hết cháu ạ, người mà chú định tìm chỉ từ miền Nam ra đây để chịu đói khổ rồi chết mà thôi.

Mùa thu trung du không phải là một quan toà nhưng khí hậu khắc nghiệt, đồi núi và cây rừng chập chùng chắn ngang tầm mắt này luôn nhắc người ta rằng không hề có một ý thức hệ, một giá trị tư tưởng nào biết tổn thương, chỉ sự thật của số phận con người mới biết đau đớn. Từng số phận con người mới chính là lịch sử chân thật nhất, phần vô giá nhất của lương tri dân tộc.

 

Tháng 9/2006

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021