thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những hồi chuông phạm thánh

 

Đêm đó lễ tro.

Thiên thần hiện xuống trong giấc mơ thứ hai của bé Tít với đôi cánh đen rách nát. Chuột rúc từng hồi dữ dội ở góc nhà. Tít biết rằng đó là một thiên thần dù là điều kì quặc. Gã thiên thần có khuôn mặt người biến dạng với cái mũi đỏ lấm tấm mụn cám. Tít nhìn thấy chiếc mũi ấy trên gương mặt của gã đàn ông đã đánh tráo xấp vé số của nó trên vỉa hè.

Tàn lửa từ bếp bắn ra tí tách. Thiên thần cúi xuống nhìn Tít bằng đôi mắt buồn bã. Thoáng trong ánh mắt đó, Tít thấy dượng nó đi đầu kéo lê hai chiếc vali chứa tất cả tài sản của năm mẹ con. Kế đó là chị Vi mặc áo len đỏ. Rồi anh Văn. Rồi mẹ nó hai tay dắt hai đứa, chị Khánh và nó. Một đoàn nhếch nhác. Con đường trưa nắng gay gắt. Ánh mắt lũ người trong xóm lao động tò mò ngó theo đeo dính trên lưng.

 

Bầy heo mười một con đang xúm xít rúc dưới vú mẹ. Yếu ớt và đầy khát vọng sống. Nền xi măng trong chuồng vương vãi máu và chất nước nhờn nhớt. Góc chuồng, con heo nhỏ nằm chết. Con thứ bảy. Khi Tít ôm nó ra nó giẫy cựa thoi thóp yếu ớt rồi bất động.

Con thứ tám cũng bất động như đã chết. Nhưng khi Tít xé cái màng bọc quanh thân, hà hơi vào mặt nó, nó cử động khe khẽ hồi sinh. Tít đặt riêng nó ra một bên và ghi nhớ nó bằng một bệt lông đen trên tai bên trái. Về sau Tít đặt tên cho nó là Bông, con heo câm.

Heo mẹ run rẩy quằn mình trong cuộc sanh nở. Bụng heo co giật từng cơn. Tít xoa bóp hết sức bằng đôi bàn tay bé nhỏ đỏ rát.

Từng sinh thể trơn nhớt máu me quẫy cựa phập phồng trong tay. Sự sống kì diệu thiêng liêng quá làm nó bật khóc nghẹn ngào. Cái chết thì âm thầm mà khốc liệt. Không quay trở lại, không có lần thứ hai. Nước mắt nhòa mặt. Chúa ơi, cứu giúp bầy heo của con. Chúa nhân từ cứu giúp, dẫn dắt con qua đêm nay.

Tít nấu một nồi lớn nước sôi để nhúng chiếc kéo và giẻ lau vào đó sát trùng. Ngọn đèn vàng lắt lay ở góc chuồng soi màu vàng quạch lên những bọt nước đang sôi âm ỉ.

Tít lau khô từng con bằng khăn nhúng ướt nước nóng khi chúng vừa lọt lòng mẹ, rồi nhẹ nhàng đặt chúng xuống đống giẻ lau trải dưới đất. Lần lượt từng con. Mỗi con ra đời cách nhau vài phút. Tít quì xuống nắm chân hoặc đầu chúng lôi ra nhè nhẹ, cắt các cuống nhau bằng kéo, rồi buộc thắt lại trong cơn mộng du tê dại.

Tít hiểu nó vừa hoàn tất điều cả gia đình chú thím Tuy mong đợi lâu nay một cách ngẫu nhiên. Mọi người đều nghĩ heo mẹ sẽ sanh trong tuần tới nên cùng nhau đi khỏi nhà không mảy may lo lắng. Heo sanh sớm một tuần. Đêm nay lễ tro. Giờ này chắc thánh lễ sắp tan. Tít biết mọi người đều cầu nguyện cho cuộc sinh nở này. Vì đó là nguồn hi vọng của sự thay đổi kinh tế gia đình.

Tít mệt lả thiếp đi ở bể nước sau khi đỡ đẻ con heo sau cùng. Mười hai con. Chết một. Còn lại mười một. Cám ơn Chúa.

 

Thiên thần vẫn nhìn nó buồn bã.

Lần này, Tít thấy nó đứng bên bàn nhậu của dượng. Những vỏ trứng vịt lộn lăn lóc dưới nền gạch. Rượu lưng chai màu đùng đục nước gạo. Mắt dượng đỏ ngầu vằn gân máu. Dượng vỗ tay khuyến khích. Tít gân cổ hát một đoạn cải lương tuồng Lưu Bình-Dương Lễ mà nó thuộc lõm bõm để giúp vui. Phần thưởng là miếng mề trứng cắn vào xàm xạp với vài ngọn rau răm.

Dượng đạp đổ bàn rượu, vày tóc mẹ xáng từng bạt tai tóe lửa. Mấy chị em khóc rấm rứt chắp tay van lạy. Lũ trẻ hàng xóm réo la ngoài hàng dậu.

Một bông hoa dâm bụt đỏ rực nở lớn vùn vụt trong mắt. Cánh hoa thành chiếc lưỡi máu khổng lồ liếm lên mặt chị Vi. Chị ngã xuống nền gạch, máu chảy thành dòng nơi khoé mắt.

 

Giáo đường cất trên một ngọn đồi cách trung tâm làng chừng một cây số. Mùa nắng hanh oi, bụi mù trời khi có xe chạy trên con đường đất từ nông trường cao su dẫn vào làng. Chính quyền quyết tâm sẽ mang điện về cho dân từ ba năm trước. Hiện nay chỉ mới có điện cho một khu vực dành riêng cho ban lãnh đạo nông trường và cán bộ xã. Phần còn lại soi sáng bằng lòng tin vào Chúa trời, nếu có đạo, hoặc bằng ngọn đèn dầu đỏ hoe trên bàn thờ tổ tiên, nếu là thiểu số bên lương.

Giáo dân rất sùng tín Chúa Trời và yêu quí cha xứ.

Đêm đó thứ tư, ngày đầu tiên của bốn mươi ngày chay tịnh trước lúc Chúa phục sinh, đêm lễ tro.

Bõ Xám ra gác chuông giật hồi chuông báo đến giờ cử hành thánh lễ. Có điều gì kì dị. Khi chạm tay vào dây chuông, ông già rụt lại như điện giật. Dây chuông trơn nhớt bốc mùi tanh tưởi lợm giọng. Đoạn dây chạm vào áo trắng để lại một vệt bẩn sậm màu. Gió lùa rít trên tháp cao trống trải. Chỉ có tiếng gió. Duy nhất tiếng gió.

Bõ nghiến răng giật mạnh. Những giọt nước lạnh nhớt rớt trên vai và lọt vào cổ ông. Không âm vang. Đoạn dây chùng vắt qua vắt lại như loài nhuyễn thể quái dị. Tay ông nhẹ hổng. Một điều gì ma quỉ thoát bay câm lặng. Tiếng chuông thoát bay trên đôi cánh đen. Tiếng chuông mang ánh mắt nhìn theo xuyên suốt kiếp người. Bay chấp chới trên các ngọn cây cao su sáng lòa tăm tối rồi chìm mất dưới rặng núi xa. Giây cuối ông thoáng thấy tiếng chuông chao đảo lao xuống vực. Vùn vụt. Mất hút.

Mãi về sau khi bõ định thần, ông không thể thuật lại điều mình vừa chứng nghiệm. Ông tuyệt vọng kéo giật dây chuông nhẹ hổng. Không một hồi vọng. Chuông câm.

Đã trễ. Thánh lễ cử hành.

 

Thiên thần vẫn nhìn nó buồn bã.

Mẹ đã chuẩn bị cho chuyến trốn thoát dượng từ nhiều ngày qua. Bà gói ghém cho mỗi đứa một bộ áo quần để mang theo. Số tiền chắt bóp giấu giếm được từ những cái bánh lá bán cho lũ học trò chỉ vừa đủ cho ba chiếc vé xe rời thành phố. Nó và chị Khánh còn nhỏ, miễn vé.

Tít thương dượng. Ông sẽ ra sao nếu không có mẹ con nó để hành hạ và bảo bọc. Nó biết ông sẽ khóc xin như nhiều lần khác khi tỉnh rượu. Thương và căm ghét. Nó biết ông thương nó. Nó cảm nhận điều đó qua những săn sóc lặng lẽ ông dành riêng cho nó. Năm mẹ con đã sống với ông hơn ba năm. Nó không còn nhớ cha ruột. Ông ta là ai nó cũng không biết. Có lần mẹ ôm nó vào lòng than rằng con tôi lưu lạc từ năm lên hai. Nó không biết có phải bốn chị em cùng một hay khác cha. Điều đó có quan trọng không? Nó chưa hề nghĩ đến. Về sau nó cũng không hỏi mẹ điều ấy.

Mẹ xin cơm thừa ở các quán ăn ở bến xe và trong chợ. Giấc ngủ hằng đêm trên sạp gỗ nồng mùi thịt ôi. Rồi túp lều vá víu cuối bãi trước. Những con cá nhặt trong đống lưới ướt từ các chiếc thuyền chài về bến sau chuyến hải hành. Bán rong bánh lá. Người giao bánh tốt bụng cho mẹ con nó lấy bánh chịu trả tiền sau khi bán. Nước mắt chị Vi ròng ròng vì bị bọn nhỏ bụi đời cướp bánh. Chiếc áo đầm đỏ xinh xắn duy nhất bị xé rách. Mẹ bị chó cắn. Đời sống hung hãn và ti tiện? Đời sống tràn đầy nhân ái trong khốn khó? Nó không hiểu. Rắc rối quá.

Sau những giờ kiếm sống trên đường phố, Tít học chữ và giáo lý ở nhà thờ mỗi đêm. Chỉ mình nó cặm cụi học với bà xơ già nghiêm khắc, xơ Teresa.

Có lần một ông lớn tuổi gọi Tít vào nhà mua vé số. Ông cho nó mười tờ giấy 200 đồng. Ông ôm nó vuốt ve dổ dành. Tít vùng chạy. Chiều về nó gói mười tờ giấy bạc trong miếng giấy hoa mang cho mẹ làm quà, tưởng tượng nét mặt vui mừng của mẹ. Bà đánh nó một bạt tai rồi hai mẹ con ôm nhau khóc.

Tít biết rằng sau rặng núi đó còn những rặng núi khác. Và biển. Biển thì mênh mông không bến bờ. Nhưng nếu lên một con thuyền và đi mải miết thì sẽ đến một thế giới khác. Nơi đó người ta nói năng một thứ ngôn ngữ mà nó chẳng thể nào hiểu nhưng ở đó đầy những điều kì diệu và màu sắc thì rực rỡ. Rực rỡ là những chiếc váy áo xanh màu biển và màu trời. Kì ảo là vô vàn thực phẩm. Và không một ai say rượu dù mọi người đều uống các loại rượu ngọt như rượu thánh trong các cốc thủy tinh trong suốt.

 

Đêm đó lễ tro.

Cha Thanh ngạc nhiên khi không nghe tiếng chuông lễ như mọi ngày. Cha định bụng sẽ la rầy bõ Xám vào ngày mai về tội không kéo chuông. Ông không kịp bước ra xem. Giáo dân đã ngồi xuống hai dãy ghế. Nữ bên trái, nam bên phải. Nến cháy lung linh trên bàn thờ. Và hoa, rất nhiều hoa. Bài giảng cha đã soạn công phu từ nhiều ngày trước. Bài giảng về con người hãy nhớ mình là bụi tro, một mai sẽ trở về bụi tro. Bài giảng về thân xác sẽ hư mất, chỉ có linh hồn tồn tại.

Từ hai mươi năm nay cha gắn bó với xứ đạo này. Cha có thể nhớ và biết rành rẽ về gia cảnh của từng con chiên. Họ đạo không giàu vì nhiều phần giáo dân là công nhân cạo mủ của nông trường cao su, lương bổng thấp nhất trong các loại công nhân. Thu nhập có thêm từ một ít hoa màu hoang hoải trên rẫy.

Nhưng cha hài lòng với bầy con cái ông chăn dắt. Lỗi lầm lớn nhất mà thảng hoặc bọn thanh niên phạm phải là lỡ mang thai với nhau trước khi làm phép hôn phối, hay nhà này lấn của nhà kia vài mét đất, nặng lời với nhau vì mất chó mất gà. Và cha giải quyết ổn thỏa trước khi các con chiên mang nhau ra công an xã.

Thánh lễ cử hành trang trọng như hai mươi buổi lễ tro trong suốt những năm qua được cha chuẩn bị chu đáo.

Khi cha nhìn xuống phía phải, ông có thấy gương mặt thất thần của bõ Xám nhưng cha không quan tâm. Có lẽ bõ già đã lỡ ngủ quên.

"Đây là máu ta, các con hãy nhận lãnh mà uống"

"Đây là mình ta, các con hãy nhận lãnh mà ăn"

Từng người lần lượt bước lên bàn thờ ngữa tay nhận lãnh thân chúa làm thực phẩm cho linh hồn. Cha xức một vết tro hình thập giá lên trán. Con hãy nhớ mình là bụi tro, một mai sẽ trở thành bụi tro. Amen! Amen!

Bánh bỏ lên lòng bàn tay rồi đưa vào miệng ngậm.

Lúc đó, điều lạ thường xảy đến. Một vị cay xé bừng lên từ lưỡi. Nước mắt trào ràn rụa.

Lạy Chúa! Những người vừa đón mình thánh chúa ngửa lòng bàn tay đều thấy một vệt chàm đỏ ửng màu son hiện dần ra tròn bằng dấu bánh trước khi họ cho vào miệng.

Cha buộc lòng ngừng buổi lễ, trấn an và giải tán mọi người.

 

Những giọt nước đọng li ti trên cánh mũi sần đỏ của thiên thần.

Mày sở hữu những gì?

Các giấc mơ nhàu nát và biến dạng.

Cả nhà thuê lại căn nhà gỗ hai gian. Mẹ một phòng. Ba chị em gái một phòng. Văn khi nào về thì nằm ghế bố kê ngoài hiên.

Tít và xấp vé số trên tay len lỏi trong khắp thành phố. Nó trở nên là người giỏi giắn nhất trong việc kiếm tiền trong tất cả các chị em, chỉ sau mẹ. Chị Vi quá hiền lành khù khờ. Anh Văn ham chơi lêu lổng. Chị Khánh yếu ớt hết bịnh này đến bịnh khác. Còn mẹ? Mẹ luôn bận rộn với lũ đàn ông vây quanh. Tội nghiệp mẹ, bốn đứa con nhưng mẹ chỉ mới ba mươi bảy tuổi. Tròn trịa và căng đầy như loại trái cây chín tới. Mẹ bớt lam lũ và bắt đầu chăm sóc nhan sắc. Một chút son và đường chì mỏng kẻ mày khi rời nhà ra đường.

Ông khách trao lại nó xấp vé số sau khi chọn mua năm tấm rồi phóng xe đi. Nó bàng hoàng nhận thấy ngoài hai tờ trên cùng là vé của ngày hôm đó, cả trăm vé bên dưới là vé cũ từ những ngày trước. Mẹ ơi con bị lừa rồi. Mẹ đau giận bức tóc nguyền rủa kêu than.

Công an phường bắt được kẻ lừa bịp trẻ con. Mẹ dắt Tít lên nhận diện. Người đàn ông mang kính cận. Ông không có cái mũi đỏ sần. Ông ấy không lừa con, không phải ông ấy. Không, chính hắn. Mẹ xác quyết. Hắn đã lừa các đứa kia, chúng nó khai thế. Và đã lừa cả mày nữa. Ông ngồi co rúm ở góc phòng nhìn Tít và mọi người với ánh mắt van vỉ lạc thần. Ông mấp máy môi như muốn nói điều gì không ra lời. Công an còng tay dắt đi. Ánh mắt oán trách nhìn Tít đọng lại sau tròng kính.

Tít ngước nhìn lên bầu trời. Thiên Chúa có mặt trên đó. Có lẽ người ngự sau các đám mây và cao vời ngang các vì sao. Chúa biết mẹ nó tin nó nói thật. Chúa biết bà nói dối và buộc tội ông mắt kính là sai trái với lương tâm. Mà vì sao bà làm như thế? Tít mơ hồ biết những tờ vé số sẽ được đền bù một cách nào đó.

Một tháng sau, chị Vi tròn mười lăm tuổi. Sau chầu cà phê bánh ngọt với bạn mừng sinh nhật, Vi bán trinh. Mẹ lên xe với ông bồ bà mới quen chạy vụt đi ngoài trưa nắng. Vi nằm đợi trong phòng mẹ. Tít ngủ mê mệt phòng kế bên. Khách đến lúc nào không biết. Nó mơ hồ nghe tiếng Vi rên nho nhỏ. Một lúc sau gã đàn ông bước ra. Tối, khách bảo bị lừa vì Vi không chảy máu, đòi bớt giá. Sau cùng trả bảy chỉ vàng, cò ăn hai chỉ, Văn lấy một chỉ, mẹ hai chỉ. Vi làm gì với hai chỉ còn lại? Chắc mua sắm son phấn, áo quần. Vi dọn đi.

Buổi chiều tắt. Mặt biển đen. Những con tàu lầm lì nặng nề trong bóng tối. Ánh đèn vàng cô độc sau cơn mưa treo vật vờ trên cảng. Tít nằm trên bãi cát nhìn mông lung. Đêm xuống sâu. Nó tìm đến xơ Teresa nhưng xơ đã ngủ. Nó lên chuyến xe sớm nhất rời thành phố.

 

Tít không nhớ một điều gì ở giấc mơ thứ nhất. Cuối giấc mơ thứ hai, thiên thần đặt lên trán nó một dấu tro và nói:

"Hãy đi đến vực nhặt lấy tiếng chuông mang về".

Bầy heo còn lại xúm xít quanh vú mẹ. Chú thím Tuy, bốn đứa nhỏ và thằng Kim, cháu chú. Chiếc mũi đỏ sần và ánh mắt buồn bã của thiên thần. Vệt chàm đen trên tai trái con heo. Ngày rạng.

 

Đó là những ngày mọi người hoang mang lo sợ. Sự trừng phạt hay điềm báo gở mà những vết tròn đỏ trên lòng bàn tay của tám con chiên lỡ nhận bánh thánh ngày càng đậm nét, thành màu đỏ sậm, như huyết. Chú Tuy là một trong tám người đó.

Chú ngửa lòng bàn tay săm soi vết đỏ rồi đi gặp bảy giáo dân có cùng tình trạng. Họ kéo đến nhà thờ tìm cha Thanh hỏi cho ra lẽ.

Cha ăn thử một miếng bánh thánh còn lại trong bình chứa bánh lễ, không điều gì khác lạ. Vị bột thơm mịn như mọi lần. Mọi người nhìn cha nghi hoặc.

Cha bảo sẽ liên lạc với cha bề trên để xin ý kiến.

Họ vẫn chưa biết điều kì dị thứ hai. Điều này chỉ hai người biết, bõ Xám và cha.

Chuông giáo đường câm. Chính tay cha Thanh leo lên gác chuông xem xét, và ông không hiểu tại sao. Dây chuông trơn nhớt nhẹ hẫng tiết ra mùi tanh lợm. Dùng tay đẩy mạnh, quả tạ va vào thành lòng chuông đồng nhưng không vang lên một tiếng động nào. Như đánh vào tịch mịch.

Buổi chiều im vắng. Bầu trời quang đãng mênh mông vô tận. Bụi từ nóc gác chuông mờ mờ rơi xuống, li ti bay trong nắng. Ngọn cao su mùa thay lá vàng đỏ chập chùng ngút mắt. Những con đường đất cong vòng đỏ quạch dưới xa. Cha vịn tay vào cầu thang gỗ. Hai mươi năm nay con phụng sự Chúa hay chôn sống chính mình nơi chốn này? Con đã sống nghèo khó như ý Chúa muốn. Con đã sống thanh sạch như ý Chúa muốn. Con đã thuần thành vâng phục như ý Chúa muốn. Chúa còn muốn ở con những gì?

 

Niềm vui và công lao về sự cho ra đời của bầy heo không làm mọi người tốt hơn với Tít. Thằng Kim vẫn tìm cách nhìn trộm khi Tít tắm ngoài giếng mỗi đêm. Có lần nó ôm Tít vật xuống trong gian nhà kho chứa nông cụ, luồn tay vào quần. Tít vùng chạy thoát, nhưng không dám kể lại với ai.

Thím Tuy vẫn dành cho con bé bụi đời mười ba tuổi những phần việc nặng nhọc nhất trong nhà. Xay bột, giặt giũ, nấu ăn, xắt chuối, tắm rửa bầy heo, phơi sắn khoai, chăm sóc bốn đứa nhỏ… Nhưng bà cũng dạy dỗ nó nhiều điều về chuyện trở thành phụ nữ. Mua băng cho nó khi có kinh. Nếu không gặp vợ chồng họ thì nó đã chết vì đói và sốt bệnh ở một nơi xa lạ trong chuyến bỏ nhà. Họ cưu mang nó vì có lợi cho cả hai bên. Thấm thoát, Tít sống với họ gần hai năm. Họ thắc mắc về thân thế, nó chỉ trả lời qua loa. Họ bảo muốn nhận nó làm con nuôi, Tít cười không tỏ vẻ đồng ý hay chối từ. Nó nhớ bàn tay của thằng Kim ngọ ngoạy trên vùng cửa mình. Bụng dưới căng cứng khó chịu. Và buồn nôn.

Tít không tìm cách liên lạc hay dò hỏi tin tức gia đình. Từ thành phố biển đó lên vùng rừng núi này cách hai chuyến xe đò, 130 cây số. Nó nhớ mẹ, nhớ chị Vi, chị Khanh, anh Văn. Và xơ Teresa kiên nhẫn dạy nó đọc viết. Nhớ cả dượng… Nhưng khốn khổ nhất là nỗi ám ảnh của ánh mắt lạ sau tròng kính của người đàn ông bị mẹ con nó vu oan.

Tít thương con heo có vệt đen trên tai một cách đặc biệt. Không ai nghe một âm thanh nào từ con heo này. Nó im lặng và nhẫn nại giữa mười anh chị em kia. Không dành cho mình một núm vú nào cho đến khi lũ heo con kia thỏa mản cơn đói vú mẹ. Và có muốn cũng dành không nổi, nó yếu đuối còi cọc quá. Không ai để ý, điều đó mọi người chỉ biết mãi về sau này khi Tít tiết lộ, riêng Tít nhận ra sự câm lặng này. Con Bông, Tít gọi nó như vậy.

 

Đã ba ngày không có tiếng chuông nhà thờ gọi giáo dân mỗi sáng chiều. Chỉ còn lại tiếng kẻng báo đến giờ công nhân vào lô cao su của mình được giao để cạo mủ. Những bà già ngoan đạo cố gắng canh giờ đánh thức con cháu đi lễ sáng. Mờ mờ trong sương sớm, những chiếc áo dài trắng, những vành khăn trắng vẫn đến giáo đường như mọi ngày, trên tay vẫn ngọn đèn soi đường leo lét. Không có tiếng chuông, đời sống vẫn nhúc nhích chuyển động như hằng có, nhưng mọi người đều cảm nhận một điều gì bất ổn, không bình thường, đang nặng nề phủ chụp lên đời sống họ. Nỗi ám ảnh lan nhanh như bệnh dịch. Tám kẻ mang vết chàm son trên tay bị mọi người nhìn như những kẻ mang mầm mống tai họa gieo xuống dân làng. Cha Thanh không giải thích, chỉ trấn an và cho biết đó là ý Chúa. Một sợi tóc trên đầu các ngươi rơi xuống cũng là ý Chúa.

Trên mâm cơm tối hôm đó, thím Tuy than phiền về chuông nhà thờ hư hỏng mà sao chưa ai sửa chữa, tình trạng này chưa từng có từ ngày khánh thành ngôi nhà thờ hai mươi năm trước. Dù có nhiều lần xây cất sửa sang thêm, nhưng mọi khi không có điều gì sai lạc.

Nghe đến đó, Tít rụt rè kể lại giấc mơ trong đêm heo đẻ, thiên thần phán bảo đi đến vực nhặt lấy tiếng chuông và mang về. Kim cười rộ cho là con điên. Chú Tuy nạt Kim, và yêu cầu Tít cố nhớ và kể lại lần nữa. Nghe xong, chú vội vàng lên nhà thờ xin gặp cha và báo lại mọi chuyện. Thím Tuy làm dấu thánh, lạy Chúa tôi, luôn miệng.

Đích thân cha Thanh và bõ Xám cầm đèn pin đến nhà gặp Tít. Cha quyết định sẽ thông báo quyết định của mình với giáo dân vào ngày mai mà không cần phải đợi ý kiến của cha bề trên ở cách xa tận trên thành phố.

Tít cố gắng nhưng không thể dựng lại giấc mơ nguyên vẹn. Nó mơ thấy những giấc mơ khác. Có khi mơ thấy nó là nữ tu mặc áo choàng trắng toát thánh khiết như xơ Teresa. Màu trắng gột rửa tẩy sạch linh hồn. Có khi nó thấy lại cảm giác căng cứng bụng như khi bàn tay thằng Kim vò bóp cửa mình, mở mắt nhìn lên lần lượt vụt hiện mọi gương mặt đàn ông nó biết, trừ một người nó không thể nhớ, ba nó.

 

Dường như đoàn người có dừng lại một lần khi đi qua trảng trống. Nắng chiều mệt mỏi rọi trên những vạt cỏ tranh tạo nên từng vạt màu tương phản xanh vàng không đều.

Miệng Tít khô đắng. Ý thức dềnh bay nhẹ nhàng trên cơ thể rã rời. Một con tàu mải miết hướng về phía chân trời chưa bao giờ biết.

Theo sau Tít là cha Thanh và đoàn giáo dân vừa bước vừa rì rầm hát. Họ hát say sưa trong nước mắt của nỗi hoan lạc bất ngờ. Bài hát chỉ thật sự được hát một lần trong đời. Bài hát về ánh sáng, bóng tối và tro bụi. Về tiếng khóc đầu đời tay mẹ. Về chân trời hé nắng ban mai sau đêm bão. Về màu trắng của đóa hoa rũ rượi trong ánh nến thắp trên nắp quan tài. Bài hát xưa lắm. Sau khi hát xong không một ai còn nhớ. Lâu lắm về sau, họ chỉ thì thầm trong các giấc mơ sâu, trong cô đơn tuyệt vọng, hoặc trong phút lâm chung mà âm thanh nở ra những đóa hoàng kim lấp lánh ngọt mùi hương nguyệt quế chỉ riêng họ biết.

Đoàn người đi dọc theo con sông cạn. Mùa mưa lũ tràn về nước xoáy vạt hai bên bờ thành nhiều hóm lũng. Mùa khô, lòng sông chỉ còn lại một dòng ngầu bùn đỏ quánh sệt đặc. Chiến tranh đã qua từ lâu. Dấu vết của chiến tranh còn lại ở vùng này là vài hố bom chưa lấp và trong trí nhớ những người lớn tuổi.

Họ khởi hành từ ban trưa sau lời dẫn giải ngắn của cha ở sân nhà thờ. Đức tin là điều không thể lí giải. Đức tin còn là cơn mê sảng. Không chỉ có Tít và cha Thanh. Cơn mê sảng chiếm ngự không gian làm ngây ngất mọi người. Phải tìm lại tiếng chuông cho giáo xứ. Trần gian không còn là trần gian nếu trần gian đánh mất tiếng chuông. Thiên đường ở nơi xa vợi kia cũng không còn là thiên đường. Sự sa đọa sẽ hằn học trong mắt con người đâm soi vào nhau.

Khi mọi người đến bờ vực thì chiều tắt. Một cơn giông khởi dấy lên từ phía chân núi. Mây vần vũ ngang các ngọn cây. Gió xô đẩy dáng Tít liêu xiêu bên bụi chuối rừng. Mọi người quì xuống quây quần thành nửa vòng tròn quanh Tít và bắt đầu đọc kinh.

"Lạy cha… trên trời… nguyện danh cha cả sáng… trị đến… xin cho…lương thực hằng ngày… đến giờ lâm tử…a men!"

Tít quì xuống. Sương lạnh dậy lên từ đáy vực quấn quyện quanh người huyễn hoặc. Dưới xa, một vầng sáng mong manh ẩn hiện nhè nhẹ bay lên. Vầng sáng có hình thể tiếng chuông chỉ riêng Tít nhận biết. Tiếng chuông sắc lẻm cắt đứt những ngọn cây khi nó chạm đến. Cành lá rơi bay. Tiếng chuông trườn lên quấn bám vào vai Tít. Trọng lượng đè nặng đau rát hai vai.

Những giọt mưa đầu tiên rơi xuống chạm trên mặt người. Hạt nặng dần rồi mù mịt trắng cả núi rừng. Lời kinh cầu len lỏi trong tiếng sấm rền xé tan không gian lạnh buốt. Tít chỏi dậy bước đi. Mọi người theo sau.

Khi về đến giáo đường thì đã giữa khuya. Mưa ngớt tạnh. Mệt lả trong cơn mộng du vô tận, Tít ngã xuống ở gác chuông, tay níu lấy dây. Vai nhẹ hẩng. Tiếng chuông thốt nhiên rời bay rền vang lan tỏa thinh không. Tiếng chuông đánh thức con người. Đánh thức vạn vật khỏi ý thức mê đắm. Ơn phước xuống từ trời. Mọi người dang tay đón nhận. Vết chàm son trên tay tám kẻ Chúa chọn nhạt dần rồi mất hẳn. Mọi người quì xuống vùi mặt hôn lên màu đất đỏ. Nến thắp suốt đêm còn lại.

Tít chìm vào cơn mê sâu.

 

Tôi là kẻ thất nghiệp viết văn cho qua ngày.

Tít là người đàn bà tôi yêu nhiều năm sau đó.

Tít trở về phố biển tìm mẹ một thời gian sau đêm mang chuông về.

Tít có bị Kim hoặc ai khác hiếp không? Em có lần nào tự tử không? Em không còn con gái lúc nào, với ai? Em có bán trinh không? Em không kể, tôi không biết. Tôi gặp em trong góc bar rượu tối với giấc mơ đổi đời.

Mọi người tiếp tục đời sống trôi chảy mịt mờ với những ám ảnh bí mật. Có đêm về sau, chuột rúc dữ dội trong góc phòng trọ Tít thuê ở thành phố, nhưng thiên thần cánh đen rách nát không lần nào trở lại. Trong các giấc mơ tanh mùi dục lạc, Tít chỉ thấy những khuôn mặt đàn ông em biết. Có khi họ gần gũi, có khi họ xa lạ, trừ bố. Có lần Tít cố dựng giấc mơ về bố theo lời mẹ kể. Nhưng chỉ thấy hình ảnh nhòa nhạt gương mặt của Chúa ròng ròng nhỏ máu chịu hình trên thánh giá. Bố ơi, bố là ai?

Tít quay lại ngôi làng đó thăm chú thím Tuy. Bầy heo không còn nguyên vẹn. Chúng đã bị bán đi hoặc bị làm thịt. Duy còn Bông, con heo câm, đang lặc lè mang chửa. Kim muốn thay kiếp cu li cao su, bỏ lên thành phố, nghiện ma túy, làm ma cô, tù tội, nghe nói vậy. Bõ Xám đã chết vì say rượu ngã từ gác chuông. Cha Thanh đến hạn sốt rét mỗi năm đang nằm chờ hồi phục. Chỗ ông nằm ngó chếch qua cửa sổ thấy gác chuông. Mỗi sáng và chiều đều có người giật chuông thay cho bõ Xám. Ông có nghe tiếng chuông không, tiếng chuông nói với ông điều gì, chỉ mình ông biết.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021