thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Errare humanum est | * * * | Thư gửi Xanthippe
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
ARTUR SZLOSAREK
(1968~)
 
Artur Szlosarek sinh năm 1968 ở Kraków, Ba-lan. Ông học ngôn ngữ và văn học Ba-lan tại Đại học Jagiellonian ở Ba-lan và văn học đối chiếu tại Đại học Bonn ở Đức, rồi sống luôn ở thành phố này. Tác phẩm thơ đầu tiên của ông xuất hiện trên những trang báo Zeszyty Literackie [một thời là báo của những người Ba-lan sống ở hải ngoại], sau đó là những tạp chí bruLion, Tygodnik Powszêchny... Ông là tác giả nhiều tập thơ, trong số có Những bài thơ viết [Wiersze napisane (Cracow: Oficyna Literacka, 1991)], Thơ nhiều dạng [Wiersze rozne (Cracow: Oficyna Literacka, 1993)], Tro than và mật [Popiol i miod (Cracow: Znak, 1996)], Phòng tối [Camera obscura (Cracow: Oficyna Literacka, 1998)], và gần đây là những tập: Thư gửi một bức tường [List do ściany (Cracow: WL, 2000)], Wiersze powtórzone (Cracow: WL, 2002), Dưới bầu trời xứ xa [Pod obcym niebem (Cracow: WL, 2005)]... Nhà phê bình văn học lỗi lạc Marian Stala từng cho rằng tác phẩm của Szlosarek là một trong “những hiện tượng chững chạc và lạ lùng nhất trong nền văn học mới”. Artur Szlosarek đoạt Giải thưởng Koscielski năm 1993.
 
 

Errare humanum est[*]

 
văn minh của các người, những kiểu mê tín dân tộc Slave,
những thần linh của rừng, tình yêu trong những bụi rậm
hay trong đêm sâu hút, sách vở, con số vô tận những
ông vua, bà chúa bất trung nhưng thanh khiết,
 
những con đường bán buôn không ai kiểm soát, liên tục
đổi chác đức hạnh, linh cảm, đam mê và mấy đồng bạc cắc,
bánh mì và nước mắt, cách này hay cách khác, với đầy đủ
những thăng trầm, non omnis moriar,[1]
 
những con đường dẫn dài từ biển đến biển, những con đường
khó qua lại, chứa đầy dục vọng, đầy bụi,
cát, giữa nơi sinh ra, và đời sống, và
giờ kết thúc, và giữa trời và đất, những bình da dê
 
đầy ắp trái cây lên men, những giỏ
đựng hoa và những thứ trang sức, tất cả những gì làm
cho cái đẹp sáng ngời hơn và nâng cao cái xấu,
tất cả những gì các người có thể mang và cảm nhận,
 
những gương mặt lắc lư bên này bên kia, những bóng người
lầm lũi từ thành phố này sang thành phố nọ,
người dẫn đường nếm bụi, những người mù
biết đọc số phận, sự cao quí và kiêu hãnh,
 
người Do-thái thì thầm kinh cầu kaddish,[2] người Hồi giáo
hướng về phương đông, người dòng Tên làm dấu
thánh giá, những nhà hiền triết từ miền đất xa tới
mải mê ngắm chính mình và những thú vật,
đám nô lệ sợ hãi, những người dân La-mã
bọn sành điệu về phụ nữ và luật lệ, những kẻ cướp,
bọn thầy cúng, nghệ sĩ, và lòng tin của các người, sứ mạng
và sự tái diễn, cả ngày xưa lẫn ngày nay:
 
một nguyên mẫu vỡ tràn với đam mê mở ra thế giới,
một truyện ngụ ngôn bị bỏ mặc một mình, miệng nhắc nhở mỗi
khoảnh khắc sống lại, hai bàn tay không thể nào ghi nhớ
nét mặt, không thể nào đo được sức vóc của mình,
 
không thể nào tránh xa và vạch rõ
 
 
 

*  *  *

 
tới giai đoạn nào bạn cũng có thể bắt đầu từ đầu: có lẽ
bạn không nghe được tiếng chim thiên đường inh ỏi xuyên thủng
màng tai bạn và không khí, nhưng chúng vẫn hiện hữu
hiện hữu mãi mãi, như bạn
 
tới giai đoạn nào bạn cũng có thể bắt đầu từ đầu: có lẽ
bạn không cảm được hơi thở của cây cối tràn ngập như thế nào,
như thế nào bóng những loài côn trùng đi qua đi lại trong
mùi hương ngọt nồng của hoa
 
tới giai đoạn nào bạn cũng có thể bắt đầu từ đầu: có lẽ
bạn không nhớ được tiếng loài thú rên rỉ,
hương vị những mùa xuân hay kẻ định mệnh dành cho bạn, hay vì sao
bạn ngâm đôi chân mình tắm mát bên bờ nước
 
tới giai đoạn nào bạn cũng có thể bắt đầu từ đầu: có lẽ
chỉ là bạn không biết mình mang biết bao nhiêu thứ trong người
và ngay cái giây lát bạn đưa tay ra, bạn tức thời trở thành:
ngôi sao Khổ Nhục,
 
và trái táo đã bị nhai lăn qua
 
 
 

Thư gửi Xanthippe[**]

 
chính là bà, dưới cái bóng dài đổ khuôn của chồng bà –
bà có phải là bà vợ biết sợ, hay là người đàn bà đi tìm
thoả mãn từ thân thể những người tình thoáng qua,
 
này Xanthippe,
 
người ta nói về bà nhiều cách: kẻ đầy thèm khát, hãnh tiến,
bị tác động bởi một thằng ngu, cái đầu ngẩng cao
(có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu lưỡi)
 
này Xanthippe,
 
ngày cũng như đêm, miệng bà bị tê vì khô rượu
bánh nướng bột mì, những quả chanh, hạt vỡ ra trong những
chậu đất, những bình nước cặn và một nụ cười khắc khổ
 
này Xanthippe,
 
khi bà nghe tiếng rao của những người bán ô liu (dòng máu
luân lưu chậm rãi của bà nuôi dưỡng ý thức bà) – bà có hiểu được
cái mà mỗi con người chúng ta ra sức bảo vệ là cái gì,
 
này Xanthippe,
 
bà đi qua những ngôi mộ dưới mặt trời quê hương của bà
chân bà cháy bỏng trên những đá lát nóng (hai bàn tay bà chìm khuất trên trời cao
không giúp gì được cho bà),
 
này Xanthippe,
 
bà có biết là bà không biết
 
 
_________________________
Chú thích của người dịch:

[*]Nhầm lẫn là bản chất tự nhiên của con người [Thành ngữ tiếng La-tinh].

[**]Xanthippe [tiếng Hi lạp “xanthos” có nghĩa là màu vàng; “hippos” có nghĩa là con ngựa] vợ của Socrates, mà người đời chỉ biết qua những chuyện thêu dệt nhiều hơn là có thật, được tin là trẻ hơn triết gia Socrates đến bốn mươi tuổi, và nổi danh là người có cái lưỡi sắc sảo – và là người duy nhất dám đánh triết gia trong một cuộc tranh luận, thậm chí có lần cãi cọ, đã trút cả một bô nước lên đầu triết gia. Từ đó có câu nói nổi tiếng được truyền tụng là của ông: “Sau tiếng sấm sét thường có mưa.” “Xanthippe” về sau trở thành một danh từ chỉ những người vợ ưa càu nhàu gắt gỏng với chồng. Có huyền thoại cho rằng Socrates biết trước vợ mình là người như thế, nhưng ông vẫn lấy bà để “thực tập sự kiên nhẫn”. [Xem cảnh “bô nước dội lên đầu Socrates” dưới đây].
 

 
 

[1]Ta sẽ không chết toàn bộ [Horace: Ta sẽ không chết toàn bộ, bởi vì tác phẩm của ta sẽ sống còn sau khi ta chết – Odes, III, 30, 6]

[2]Kaddish: kinh Do-thái đọc mỗi ngày ở nhà thờ Do-thái giáo, trong khi tiến hành lễ sau cái chết của một người thân, cũng gọi là kinh của những người chịu tang. Nhà thơ Mỹ Allen Ginsberg có viết một bài thơ dài tên là Kaddish sau cái chết của mẹ là Naomi Ginsberg.

 
 
-----------
“Errare humanum est” dịch từ bản tiếng Anh của Anna Skucińska trong Carnivorous Boy Carnivorous Bird - Poetry From Poland, Marcin Baran tuyển chọn, Anna Skucińska và Elżbieta Wójcik-Leese biên tập (Zephyr Press, 2004). “* * * “ và “Thư gửi Xanthippe” dịch từ bản tiếng Anh của Donald Pirie trong Young Poets of a New Poland - An Anthology (Forest Books, UNESCO  Publishing, 1993).
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021