thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Khúc cuồng tưởng – Rhapsody [1]

 

Có lần lục tìm trên Internet bài hát “Les Feuilles Mortes” (tên tiếng Anh: “Autumn Leaves”) của Joseph Kosma, tôi tình cờ được xem đoạn video Hoàng Ngọc-Tuấn và Nguyễn Đức Đạt song tấu guitar bản nhạc này. Và cũng lần ấy tôi tìm thấy khá nhiều guitarist danh tiếng trên Internet.

Trước hết, về bản đàn mà hai nghệ sĩ đã trình diễn.

Đó là một bản song tấu ngẫu hứng. Không rảnh để tìm hiểu thêm, tôi cũng tùy hứng cho rằng, có lẽ Hoàng Ngọc-Tuấn và nghệ sĩ khiếm thị Nguyễn Đức Đạt tình cờ gặp nhau ở đâu đó; hai người biết tiếng nhau từ trước nên dịp ấy muốn cùng nhau song tấu, và họ chọn bản “Autumn Leaves” – “Những chiếc lá thu tàn” (tạm dịch thế). Rồi, sau khi chỉnh dây đàn, thống nhất gamme chủ, họ đã chơi theo cảm hứng phóng túng đồng điệu tức thời mà không hề dựa trên một bản phối hòa âm nào. Có lúc Hoàng Ngọc-Tuấn “chạy lướt”, Nguyễn Đức Đạt “đệm”. Rồi lại đổi vai trò. Có lúc họ chơi lệch nhau một quãng 3, như “chia bè”. Họ cứ quấn quýt, lúc nhanh chậm, lúc cao thấp hơn nhau. Có lúc một người dừng hẳn, rồi lại bừng lên khi người kia lịm đi... Họ quyện vào nhau, rồi lại tách ra rành rọt. Tiếng đàn réo rắt mà nhức buốt khiến tôi chạnh nhớ đến ca từ của Phạm Duy. Ông thần chuyên lời Việt nhạc Tây đã viết lại lời cho bản nhạc ấy rất khác với nguyên tác của Jacques Prévert, có những câu:

“... Tìm đâu những ngày vui với người xinh đẹp ấy...

Ngày ấy trên đồi cất tiếng cười thắm yêu đời...

Những chiếc lá úa... vàng ngập đầy sân...

Người cũ đâu rồi?...

Lời ca này đã được chất giọng ma mị của Thái Thanh cất lên ai oán như tiếng than vãn nơi mộ địa khuya khoắt. Yves Montand, danh ca Pháp một thời, thì hát bài này chậm rãi như nghiền ngẫm, suy tưởng về cuộc đời. Giai điệu nhạc rộn ràng vui tươi, vậy mà cứ rứt đi từng mảnh tim người nghe. Nhạc Pháp thường thế, như những bài Qui sait, Le Bonheur, Domino, Nicolas... Tôi nhắm mắt lại để bản đàn của Hoàng Ngọc-Tuấn và Nguyễn Đức Đạt làm cho lịm đi, đến thổn thức.

 

 

Cũng lần đi tìm “Les Feuilles Mortes” ấy, tôi đã gặp Estas Tonne, một guitarist quái kiệt. Tôi không có đủ thời gian để tìm biết nhiều về tay đàn này, và cũng là cố ý như vậy để hình dung về Estas Tonne theo tưởng tượng của riêng mình. Chỉ vài bản đàn đã thấy được một phong cách tuyệt đỉnh. Xưa, người ta gọi violinist người Ý lừng danh Paganini là “con quỷ” vì những cơn cuồng phong ông tạo ra từ cây violin trên tay mình làm kinh hồn bao người, thì bây giờ cũng có thể gọi Estas Tonne là Chúa! Một phần chính vì guitarist này có khuôn mặt và râu tóc hệt như Chúa Jesus. Estas Tonne chơi đàn trên đường phố có lúc đến hơn trăm người nghe, như khi ngồi trước ngôi nhà của Commerzbank trình diễn bản “The Song of the Golden Dragon”. Anh đàn tùy hứng, đắm say, vẻ mặt thanh thoát thánh thiện như Chúa Jesus đang thuyết giáo cho đám dân cùng khổ ở xứ Galilê. “Ta nói lời Thiên Chúa. Ai nghe lời ta thì được hưởng phúc lành của Thiên Chúa”. Tôi cũng tùy hứng đặt ra câu này, không nhớ là Jesus có nói thế không, nhưng đúng là từ những ngón tay của Estas Tonne, tiếng thiên thần đã vang lên.

Estas Tonne lim dim mắt, tay bấm phím, nơi bộ khóa đàn cài một nén hương thắp cháy như để cầu cho phút linh nhạc đến – (các thi nhân cổ phương Đông cũng thường thắp hương, đốt trầm khi làm thơ). Và mọi người, trong số đó có cả những đứa trẻ nhỏ, đã lắng nghe bản đàn với sự thành kính. Những thính giả, phải, chỉ là “thính giả”, vì họ chỉ nghe mà không mấy người nhìn Estas Tonne chơi đàn như thế nào. Họ lim dim mắt, tâm tưởng phiêu diêu, không hề biểu lộ sự tò mò hay hoan hỷ vì được xem một cuộc trình diễn âm nhạc kỳ thú trên đường phố, bởi tiếng đàn của Estas Tonne đã đưa dẫn họ về một cõi thiêng...

Estas Tonne không nhìn xung quanh, không chú ý đến đám người nghe. Anh như loài chim chỉ hót cho chính mình.

 

 

Nghe Hoàng Ngọc-Tuấn và Nguyễn Đức Đạt, xem Estas Stonne trình diễn, thấy cảm khoái đến rưng rưng lệ... Lại nghĩ lan man về nghệ thuật, về âm nhạc, về nghệ sĩ... vẩn vơ sang chuyện thế tục. Rồi, chợt nhăn mặt khi nghĩ đến mấy vị ca nhạc sĩ hải ngoại về nước năn nỉ xin được đàn hát. Họ bị săm soi là đã từng hát bài này bài kia ở đĩa ấy băng nọ có tính chất “phản động”. Có vị phát ốm phải nhập viện vì không được phép hát. Nhập viện, và vẫn hy vọng được cứu xét cho hát.

Sao phải như thế nhỉ? Có đến nỗi đói khổ như số đông những người đeo nghiệp cầm ca trong nước, như những kẻ hát rong lang thang trên hè phố quốc nội kia? Cho dù ở ngoại quốc không thành đạt trong nghiệp đờn ca hay kinh doanh, thì chỉ với một tháng trợ cấp thất nghiệp đem về Việt Nam cũng có thể sống ung dung vài tháng. Muốn “hát cho đồng bào tôi nghe” ư? Thì đồng bào có bỏ sót một băng đĩa Thúy Nga, Asia, ... nào đâu. Còn người hâm mộ? Ngay từ những năm 1980, đã có những đứa trẻ trên các bản làng của người Thái, Thổ, Dao, Tày... xa tít phía Bắc Việt cũng biết đến tên tuổi của các cô chú Linda Trang Đài, Khánh Ly, Giao Linh, Don Hồ, Tuấn Vũ.... Họ còn muốn gì nữa?

Nếu không có cái khí tiết của Victor Hugo để tuyên bố rằng “Tôi chỉ trở về tổ quốc cùng với Tự Do” (đại ý) thì cứ về nước chơi nhân dịp gì đó, rồi tìm đến tiệm trà cà phê quen ngày trước hay căn gác cũ, góc vườn xưa, ngồi giữa bạn bè và những người ái mộ, với cây guitar thùng, hát lại mấy bài tình trong tiếng đàn nhức buốt dĩ vãng: “... Tìm đâu những ngày vui với người xinh đẹp ấy... Ngày ấy trên đồi cất tiếng cười thắm yêu đời... Những chiếc lá úa... vàng ngập đầy sân... người cũ đâu rồi?...” Được bâng khuâng trong nỗi buồn cao thượng như thế chẳng thú vị sao? Các “đồng chí” ấy có đến rầy la, thì bảo: “Bạn bè lâu ngày gặp nhau hát hò chút cho vui thôi mà. Nếu “đồng chí” nghi ngờ chống phá gì, xin cùng ngồi nhấp cà phê, nghe cho rõ...” Làm được cái điều không khó khăn ấy, chắc chắn sẽ có rất nhiều mái đầu đáng kính cúi xuống thán phục sự kiêu ngông và tính hài hước muôn đời của người nghệ sĩ.

Nghĩ miên man thế, rồi cứ thấy bứt rứt. Tự hỏi mà không trả lời được, rằng cái gì đã khiến những ca công, những nhạc sĩ từng có danh và được mến yêu ấy thành ra như vậy? Quẫn bách như Beethoven, đau ốm, khiếm thính, nợ nần kinh niên, đến nỗi phải tự nguyền rủa sự có mình trên đời, và có lúc muốn tự sát... vậy mà đã từ chối thẳng thừng cuộc trình diễn cho đám tướng lĩnh của Napoléon, những kẻ xâm lược, với khoản thù lao “khủng”. Và, người nhạc sĩ nghèo ấy đã khẳng khái nói cái câu nổi tiếng vào mặt gã hoàng thân tên gì đó, kẻ tổ chức buổi biểu diễn, rằng: “Hoàng thân thì có hàng đống, nhưng Beethoven này chỉ có một mà thôi!”

Trên kia nói, khi đàn, Estas Tonne không nhìn xung quanh, không chú ý đến đám người nghe, xin thêm: Tôi thấy ở một băng video, bên cầu Notre Dame, Paris, Estas Tonne đàn như thường lệ. Có gã hề đường phố đã lợi dụng tiếng đàn của anh, làm những trò hề nhảm nhí nhạt nhẽo. Đám đông có người hoặc thích thú với trò tầm thường đó, hoặc ngỡ gã hề cùng đoàn với Estas Tonne nên vỗ tay tán thưởng. Anh kệ họ cứ say đắm đàn... Estas Tonne như loài chim chỉ hót cho chính mình.

Phải rồi, bài ngụ ngôn về Tự Do có từ hàng ngàn năm nay, không cần nhớ mà có thể nghĩ ra theo nhiều cách khác nhau. Chim không hót khi không có hứng thú về thời tiết, về bạn tình. Chim không hót khi bị săn đuổi, đe doạ; ngừng hót khi ác thú xuất hiện. Chim không hót trong cái hộp ngột ngạt. Và chẳng ai có thể khiến cho một con chim đói khát cất tiếng hót bằng ít hạt tấm, hạt kê, chén nước trong với mệnh lệnh: “Hót đi, hót thật hay như khi mi đang được bay lượn trên cánh rừng, dưới trời cao xanh!” Phải, xin cứ thử nghiệm xem, con chim đói khát đó sẽ không hót cho dù đó là lệnh từ Thiên Chúa, người đã tạo ra muôn loài.

Loài chim mới thực là những nghệ sĩ chân chính. Còn những nghệ sĩ thực sự của loài người thì cứ dần ít đi. Lại thấy rưng rưng, thổn thức:

... Những chiếc lá úa... vàng ngập đầy sân... người cũ đâu rồi?

Vẫn biết rằng không phải ai cũng có thể như Ludwig Van Beethoven. Nhưng, chả lẽ lại không bằng... con chim?!

 

 

 

-------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021