thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Xin

 

Tôi còn nhớ cái lần đầu tiên mình đến toà thị chính Thành phố để nhận tiền. Đó là khoản tiền mà tôi yêu cầu được trợ giúp trong đơn xin đã gửi đi trước đó.

Khi tôi bước vào, chàng cán bộ trẻ măng nhìn tôi hỏi:

“Xin gì?”

Rõ ràng anh ta chẳng thiết biết đến tên tôi, nếu không thì đó phải là câu hỏi đầu tiên. Tôi ngập ngừng mất vài giây. Dù sao viết một cái gì đó lên giấy cũng ngàn lần dễ hơn là nói.

“Dạ thưa... thưa anh, là tiền ạ”.

“Ừ thì tiền, có ai đến đây mà không phải vì tiền đâu?”

Anh ta nhăn mặt khó chịu, rồi nói tiếp:

“Ngửa tay ra!”

“Dạ, gì ạ?”

“Ngửa tay ra.” Anh ta gằn giọng

“Dạ, tay trái hay tay phải ạ?”

“Nam tả nữ hữu.”

Tôi nghĩ “sao giống coi chỉ tay quá”. Nhưng tôi cũng mau mắn ngửa bàn tay trái ra trước mặt anh ta. Chàng cán bộ trẻ măng lấy một cây bút lông viết bảng và viết vào lòng bàn tay tôi.

Đó là chữ “tiền” được viết bằng mực đỏ.

“Xong, người tiếp theo.” Anh thanh niên nói vọng ra cửa.

...

 

Thỉnh thoảng, khi cần bất cứ thứ gì, tôi đều viết đơn xin và sau đó sẽ lên uỷ ban để nhận. Ở đó người ta luôn hào phóng cho mọi thứ tôi cần. Tôi nghĩ những người khác chắc cũng vậy, họ sẽ luôn nhận được những thứ họ cần.

Nhưng quanh đi quẩn lại tôi cũng chẳng cần gì nhiều. Chỉ ăn, đi làm rồi ngủ. Vài bộ đồ cũ cũng đủ. Năm bảy cuốn sách giải trí là xong chuyện. Tối tôi có thể coi tivi hay nghe radio. Nếu không có tivi, có thể đi coi ké ở nhà hàng xóm. Mà lâu dần, tôi cũng không còn nhu cầu coi tivi nữa. Rồi radio cũng vậy, chẳng thiết nghe.

Nhưng lâu lâu tôi vẫn thích đến đó. Đến để thăm dò xem thiên hạ đang “xin gì”.

Có lần tôi nghe một người đàn ông trung niên xin “danh dự”.

“Quái thật, chẳng xin tiền mà đi xin cái vớ vẩn gì thế.” Tôi nghĩ thầm.

Nhưng, như tôi đã nói, chính quyền luôn hào phóng cho mọi thứ bạn cần. Và người đàn ông trung niên kia cũng vậy. Ông ta cũng ngửa bàn tay trái ra, chàng cán bộ trẻ dùng bút lông đỏ viết vào đó hai chữ “danh dự”. Thế là xong. Người đàn ông ánh mắt rạng ngời mãn nguyện bước ra về.

Rồi những ngày sau đó, tôi thấy rất hiếm người đến xin tiền. Có lẽ bây giờ tiền mất giá, hay mọi người đã giàu có hết rồi? Tôi chẳng biết. Nhưng lần đó tự nhiên tôi cũng thấy mình có nhu cầu xin một ít “danh dự”. Và tôi chẳng ngại ngùng viết đơn xin gửi lên uỷ ban. Vài ngày sau tôi cũng mang cái chữ màu đỏ kia trở về nhà và xoè ra khoe với con gái.

Lại nói về con gái tôi, nó rất thích những chữ màu đỏ trong lòng bàn tay của tôi, dù nó chỉ mới biết đánh vần trọ trẹ. Có lần nó đã nhận xét là thấy chữ giống như máu nên thích. Ừ, mà màu đỏ của chữ giống máu thật, tựa hồ nó ăn sâu vào da, như được trồi ra từ trong xương thịt. Nhưng dù thế nào con gái tôi cũng chưa đến tuổi trưởng thành để có thể viết đơn xin cái mà nó cần...

Nhưng một thứ dấm dớ như “danh dự” vẫn chưa phải là thứ lạ lùng nhất ở đó.

 

Có lần tôi được nghe một bà già mập ú đến khóc lóc xin cho bà “trinh tiết”. Thứ này coi bộ khó khăn đây. Nhưng anh chàng trẻ tuổi kia, sau thoáng chút ngạc nhiên, rồi cũng vui vẻ tặng bà hai chữ “trinh tiết” màu đỏ trên lòng bàn tay phải.

Hay một ông già chống gậy bước vào, lay đầu anh chàng cán bộ mà xin cho bằng được sự cương dương. Rồi ông cũng được toại nguyện ra về...

Thật ra, nhu cầu của một người nhiều như nước biển, nếu người đó chịu khó suy nghĩ. Và đây cũng là cái mà tôi nhận ra sau một lần suy nghĩ. Chẳng hạn, có lần tôi bạo gan xin cho mình có “niềm tin”. Anh chàng trẻ tuổi chẳng cần suy nghĩ gì liền viết tặng tôi hai chữ “niềm tin”. Hôm sau tôi lại đến xin “lý tưởng”, anh ta lại tặng tôi “lý tưởng”. Hôm sau nữa tôi lại xin “tinh thần thép” và anh ta cũng chẳng ngại ngùng viết cho tôi mấy chữ ấy...

“Có lẽ, chẳng có thứ gì mà anh ta không cho được.” Tôi ngẫm nghĩ.

Và từ đó tôi luôn cố công suy nghĩ để tìm ra được thứ gì đó thật hóc búa, một thứ mà khi nói ra phải làm cho anh ta bối rối và cuối cùng bó tay.

Nhưng thứ gì. Tôi đành chịu.

 

Cho đến một hôm trên báo có đăng hình một nhà đấu tranh dân chủ bị bắt.

“A, đúng là thứ này rồi.” Tôi mừng khấp khởi.

Ngay sáng sớm hôm sau tôi lên uỷ ban. Anh chàng trẻ tuổi, vẫn như mọi khi, hỏi tôi “xin gì?”. Tôi đứng thẳng người rồi nghiêm giọng nói lớn: “Dân chủ”. Tôi chờ đợi để được thấy điều mình đã dự đoán. Nhưng anh chàng chẳng để ý gì đến sự nghiêm trang của tôi mà cằn nhằn:

“Dân chủ là cái quái gì mà lúc này nhiều người xin thế không biết.”

Rồi anh ta có vẻ bực bội khi viết hai chữ ấy lên tay tôi. Thất trận, tôi chưng hửng ra về...

Có vẻ như tôi đã chịu thua. Đầu óc tôi chẳng còn nghĩ ra được thứ gì cho ra trò nữa.

 

Nhưng rồi dịp may cũng đến. Đó là khi tôi vô tình nhìn vào bức chân dung trong phòng của anh chàng trai trẻ. Ở dưới bức chân dung có dòng chữ:

Không có gì quý hơn độc lập tự do

Bức chân dung và cả dòng chữ phía dưới của nó, tôi đã thấy rất nhiều lần, hình như ở mọi nơi, nhưng chưa khi nào nó tạo ấn tượng với tôi. Nhưng lần này thì khác. Khi về nhà tôi suy nghĩ: “Cái thứ mà không có gì quý hơn... thì chắc anh ta phải bó tay”. Rồi giữa hai từ “độc lập” và “tự do”, tôi cân nhắc lựa chọn.

“Có lẽ, nếu xin ‘độc lập’ chắc anh ta sẽ dễ dàng cho được. Vậy phải xin ‘tự do’.”

Tôi chắc mẩm lần này mình sẽ nghểnh mặt lên mà về.

Hôm sau, tôi đến toà thị chính vào lúc sáng tinh mơ và ngồi đó đợi. Khi cửa mở, tôi lao vào đầu tiên. Dĩ nhiên, gã trai trẻ vẫn còn ngái ngủ, hỏi tôi “xin gì?”. Lần này tôi không nói, mà lấy tờ giấy viết sẵn mang theo trong người đưa ra trước mặt anh ta. Tôi thấy anh ta bối rối thật sự, sau đó hơi hoảng hốt, và sau cùng thì tức giận:

“Đ. mẹ sao lắm người xin thứ này thế. Không có, không cho.” Hắn gần như gầm vào mặt tôi.

Rồi hắn đuổi tôi về.

Tôi ra về có hơi tức giận, nhưng thật sự là tôi vui vì đã chiến thắng được hắn.

Nhưng tôi đã nhầm to...

Vài hôm sau tôi nhận được thư thông báo của uỷ ban nói thứ hai tuần tới lên giải quyết việc đơn xin “tự do”.

Sáng thứ hai, tôi có mặt đúng giờ. Và khác với mọi khi, hôm nay đông đúc lạ thường. Tôi hỏi một người bên cạnh, anh ta nói mình lên xin “tự do”. Và vài người quanh đó cũng nói như vậy. Có lẽ họ hẹn tất cả những người xin “tự do” đến cùng một ngày để tiện việc giải quyết.

Hôm nay không chỉ có một anh cán bộ trai trẻ như thường lệ, mà có đến bốn năm gã, đứng chia làm nhiều cổng. Mọi người chia nhau ra mà lần lượt tiến vào.

Tôi bước vào một cổng. Gã trẻ tuổi chẳng hỏi han gì mà xoa xoa tay lên trán tôi. Rồi gã lấy con dấu đang cầm sẵn trong tay kia ấn mạnh một cái lên đó.

“Xong, người tiếp theo.” Gã nói.

...

 

Lúc tôi về nhà, như thường lệ, con gái tôi đã chờ sẵn để được xem chữ. Nó cầm lấy bàn tay trái của tôi, mở ra, rồi tròn xoe mắt ngạc nhiên vì chẳng thấy gì. Tôi mỉm cười vén tóc trên trán và chỉ cho nó. Con bé nheo mắt rồi nhăn mặt đánh vần. Một hồi, nó nói chữ gì khó quá nó không đọc được. Tôi thấy lạ nên bước lại soi gương. Rõ ràng là hai chữ “TỰ DO” to tướng, bằng mực đỏ, in đậm trên trán tôi.

“À... thì ra...”

Cuối cùng tôi cũng hiểu ra duyên cớ cái nhăn mặt khó chịu của con bé.

 
 
---------------
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021