thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Kẻ ăn trộm ý nghĩ

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn

 

MARCEL MARIËN

(1920-1993)

 

Marcel Mariën, người Bỉ, sinh ở Antwerp, là một trong những nghệ sĩ tạo hình nổi danh của phái siêu thực ở Bỉ. Ông còn là nhà thơ, nhà viết tiểu luận, nhà nhiếp ảnh, và nhà làm phim. Ngoài vô số tác phẩm mỹ thuật, ông đã viết và xuất bản hơn một chục cuốn thơ và văn xuôi. Năm 1854 ông thành lập nhà xuất bản Les Lèvres Nues, rồi cùng Christian Dotremont và Paul Colinet điều khiển tạp chí Le Ciel Bleu. Từ năm 1963, ông sang Trung Quốc làm việc như một nhà dịch thuật, nhưng năm 1965 ông trở về Bỉ vì hoàn toàn thất vọng với chủ nghĩa Mao. Năm 1983, ông tung ra cuốn tự truyện Le Radeau de la Mémoire và gây xôn xao dư luận vì những tiết lộ cực kỳ táo bạo về đời tư của chính ông. Marcel Mariën, tất nhiên, là một con người rất khác thường trong cả nghệ thuật và đời sống.
 
Truyện ngắn dưới đây nằm trong tuyển tập The Belgian School of the Bizarre: An Anthology of Short Stories (1998), gồm những truyện ngắn khác thường của 16 tác giả của nước Bỉ, do Kim Connell chọn lựa, biên tập và dịch thuật.
 

_________

 

KẺ ĂN TRỘM Ý NGHĨ

 

Người đàn ông mà đám cư dân của khu nghỉ mát ăn chơi đã gọi một cách trịch thượng là "thằng Vlad kẻng trai", chính chàng lại khó có thể tự cho mình bất cứ cái định nghĩa nào, dù là tự bốc thơm hay không. Bởi vì như chàng thấy trong tận đáy ký ức, xưa nay chàng chưa bao giờ hiểu nổi cái vai trò của mình trong thế giới này. Vlad Ijovescu là trưởng ban phục dịch của Đại Khách Sạn Sinaia, ở Romania, vào thời của hoàng hậu thi sĩ,[*] và chàng hài lòng rót rượu đầy ly cho khách mà không cần thắc mắc tại sao hay thế nào về mọi sự trên đời. Vì bất cần chính mình, và ngay cả cũng chẳng biết đến sự bất cần ấy, mà chàng đã trở thành một kẻ ăn trộm ý nghĩ, và số phận của chàng đã thay đổi vĩnh viễn.

Mọi việc đã bắt đầu thế nào? Cái trí óc trong trắng của chàng chẳng hề có ý nêu ra một câu hỏi như thế. Có lẽ ta nên quay trở lại ngay từ lúc chàng mới vào làm việc ở khách sạn, để ta có thể quan sát màn ăn trộm tồi tệ đầu tiên của chàng. Lúc ấy chàng là một thằng bé mười lăm tuổi làm công việc rửa bát đĩa, và chàng sắp lãnh món ăn điểm tâm trong nhà bếp, một đĩa cháo thịt, như thường lệ hàng ngày, thì chàng nghe Stefan, ông phụ bếp, hỏi món cải chua. Vlad lập tức bắt chước, và trả lại cái đĩa cháo thịt mà họ đang trao cho chàng.

Đó là khởi đầu của một sự nghiệp mà ta có thể gọi là độc đáo, ngoại trừ sự kiện rằng nó luôn luôn được gợi hứng bởi một trung gian và cái kết quả cuối cùng chứng tỏ là có lợi. Một điểm khác cũng cần nêu ra. Mặc dù tận thâm tâm Vlad Ijovescu chẳng có khát vọng gì cả, chàng đã làm thay đổi cuộc đời chàng một cách ngoạn mục, mà chỉ đơn giản bằng cách đáp ứng lại những cảm hứng của những kẻ khác.

Chàng tiếp tục hoàn tất trơn tru các nhiệm vụ thấp hèn của mình, thì một hôm, khi đang hầu rượu, chàng nghe lóm hai sĩ quan của đoàn khách hoàng gia đang bàn bạc về chuyện đàn bà — thứ chuyện mà hạng đàn ông ấy vẫn thường tán gẫu sau bữa ăn. Ngài đại uý nói với viên phụ tá, bằng lối tiếng lóng của lính, rằng ngài muốn hồ hởi "công đồn" người đàn bà kín đáo nhưng rất xinh đẹp đang ngồi ở cái bàn phía sau kia. Bà ấy chẳng là ai khác hơn quận chúa của miền Dunajew.

Quá rõ ràng chứ chẳng còn ngụ ý nào khác, Vlad lập tức đến bảo bà quận chúa hãy chờ gặp chàng trong phòng của bà khi chàng hết giờ làm việc vào buổi tối. Người đàn bà nhận lời một cách hoàn toàn ngây thơ. Bà nghĩ cuộc gặp ấy chắc hẳn có liên quan đến lời cầu xin nào đó, và bà không thể nào tưởng tượng rằng, hai giờ sau, bà sẽ rên rỉ trong vòng tay siết chặt của chàng hầu rượu ấy. Đó là cái sức mạnh mà người ta giành được khi bất ngờ ra tay và tóm gọn một kẻ ngây thơ.

Vì không hề lường trước điều này, bà quận chúa trôi theo dòng sông của cảm giác và quên rằng bà đã có một ông chồng. Ngài đại tướng Leopold bước vào buồng. Thật không thể tưởng tượng nổi sự tương phản nào ngoạn mục hơn hình ảnh cặp tình nhân trần truồng vừa tự cảm thấy ngượng ngùng vừa gây lúng túng cho người ngoài và hình ảnh ngài đại tướng trong bộ quân phục bóng nhoáng với lồng ngực gắn đầy những huy chương. Không có thì giờ để gào thét cho hả giận và làm cho tai tiếng lan ra khỏi buồng ngủ, ngài đại tướng đuổi chàng hầu ra khỏi giường trong lúc bà vợ của ngài còn nằm tênh hênh cứng đờ ở đó vì hoảng hốt đến mức không còn biết phản ứng thế nào nữa. Thế rồi ngài đại tướng đi tìm gặp ông giám đốc của Đại Khách Sạn và biểu lộ vẻ bất mãn cho đến khi chàng trai huê tình bị đuổi cổ ngay tại chỗ.

Khi đêm xuống, Vlad Ijovescu tay xách va-li, túi đựng món tiền dành dụm, bước đến trạm xe lửa Sinaia. Chàng đang cố nhướn mắt đọc bản lịch trình khởi hành thì chàng nghe một gã thương nhân nói với vợ của gã rằng nếu có bao giờ gã trở nên giàu có thì giấc mộng của gã là một chuyến du lịch đến Monte Carlo. Chẳng cần thêm một chữ nào nữa, số phận của Vlad đã được định đoạt ngay. Chàng mua một cái vé đi Bucharest, nhưng Thế Chiến thứ Hai bùng nổ trong khi xe lửa đang tiến vào thủ đô. Cuộc chiến sôi động khiến chàng phải đi vòng và vừa kịp thời bám theo đoàn xe vận tải cuối cùng đang len lỏi xuyên qua vùng Balkan nóng bỏng và thoát ra đến Salonica.

Tại hải cảng ấy của Hy-lạp, tất cả thuyền chở khách đều đã bị người ta tranh nhau chiếm chỗ. Cùng một lúc, ai cũng muốn ra đi. Vlad chỉ có thể tìm được một chỗ trên boong một tàu chở hàng đang theo hải trình đến Genes; từ Genes, chàng thong thả đi bộ đến Monaco vì việc thực hiện những ý nghĩ của kẻ khác không bắt chàng phải vội vã.

Chàng tìm việc làm và được thuê làm người hầu bàn cho tiệm ăn Palmier, gần sòng bạc. Tiệm ăn này là một nơi lý tưởng để thu lượm các ý nghĩ vì nó là tụ điểm thường xuyên của dân cờ bạc — những kẻ bị sự đam mê hành hạ ngay cả trong lúc đang ăn.

Cái đầu của Vlad thì cực kỳ trống rỗng, nhưng vì thế nó lại làm cho hai lỗ tai của chàng mở ra hứng trọn những gì thoang thoảng bay trong gió. Ngay đêm đầu tiên, khi vừa làm việc xong, chàng đến sòng bạc vì chàng nghe vài thực khách bàn bạc với nhau sẽ đặt cược cho con số 18. Chàng đặt trọn món tiền chàng có vào đó, và số 18 hiện ra, cho chàng có đủ tiền để sống một năm mà khỏi phải làm việc. Vlad nhét tiền thắng vào túi. Chàng đang bước ra cửa thì lại nghe một người đàn bà sang trọng kể lể với người đồng hành rằng nếu bà ta đã không thua sạch túi thì bà ta có thể liều mạng đánh hết tay cho con số 31.

Vlad xoay người lại và đi thẳng đến bàn đánh bạc mà người đàn bà ấy vừa rời khỏi. Trong lúc người quản sòng luôn miệng mời mọc khách tham gia đặt cược thì kẻ ăn trộm ý nghĩ đã đặt trọn túi tiền của mình vào số 31. Đó chính là nơi mà vòng quay dừng lại, và vì thế Vlad rời sòng bạc và giàu gấp ba mươi mốt lần hơn chính mình trước khi nghe câu nói của người đàn bà mập mạp ấy.

Ngày hôm sau, chàng lại bắt đầu một cuộc đánh bạc nữa, chỉ vì trong bữa ăn tối có một thực khách nhắc đến con số 9 ở bàn roulette thứ ba. Chàng đặt hết tài sản vào con số 9, chàng thắng, và vì không còn có ý nghĩ của ai loáng thoáng trong không khí, chàng rời sòng bạc, tỉnh bơ như cẩm thạch. Trong cùng một tuần ấy, chàng thắng thêm ba lần nữa. Tổng số tiền bây giờ nhiều hơn mọi sự ức đoán vì cứ mỗi lần đặt cược thì chàng đặt trọn cả tài sản.

Nói thật ra, sự thành công của chàng đã khẳng định mọi điều mà thiên hạ đã nói về việc đánh bạc và cơn đam mê đánh bạc. Dân đánh bạc đều biết cái cảm giác quái ác đã khiến họ lạc lối trong khi đang đặt cược, nhưng ngay khi vừa sạch túi và rời bàn roulette thì con số chính xác cho ván bạc sắp tới lại nẩy ra trong óc họ. Điều này cứ mãi mãi xảy ra cùng một cách như thế. Với tính bộc trực khôn lường của chàng, Vald chỉ chơi những con số nẩy sinh bên ngoài cơn đam mê đã hành hạ những kẻ đánh bạc — những kẻ không thể cưỡng lại sự cám dỗ nên cứ đổ tiền vào tất cả những con số vớ vẩn trước khi nẩy ra con số duy nhất đáng đặt cược: con số chắc chắn thắng và không còn gì khác.

Tuần sau đó, khi chàng đang bước vào cửa sòng bạc, một nhân viên bảo vệ đã chặn chàng lại và gọi ông giám đốc, và ông ấy đến ngay lập tức. Ông báo cho chàng — người chơi roulette may mắn quá trớn — rằng chàng không được đến chơi trong sòng bạc nữa. Chàng thấy mình chẳng cần phải có nhiều lý lẽ để tự biện minh: chính sự hiện hữu của sòng bạc đã là điều đáng nghi vấn, và có lẽ thậm chí toàn bộ khu Monte Carlo này.

Vlad chẳng thấy phiền hà gì cả bởi chàng đã lập tức biến những lời của ông giám đốc thành những lời của chính mình. Trong khi đang rời sòng bạc, tản bộ qua những khoảng vườn nhỏ, chàng nghe một người đàn bà than phiền về cái khí hậu nóng nực, thật là ngột ngạt, dù nơi này gần kề với biển. Rồi bà nhắc đến Thuỵ-điển, cố hương của bà, và sự thoáng đãng của mùa hè đang ngự trị trên thị trấn Gothenburg của bà, ngay trong lúc bà đang nói ở đây.

Bà chưa nói hết câu, thì Vlad đã quyết định đến Gothenburg. Hôm sau, chàng ra đi từ hải cảng Marseille bởi vì cuộc chiến đang càng lúc càng trở nên dữ dội, và những chuyến xe lửa càng lúc càng mất an toàn. Đến Gothenburg, chàng nhận thấy rằng khí hậu quả thật dễ chịu mặc dù trời không lúc nào ngừng mưa. Thế rồi chàng phát hiện rằng chàng không biết sẽ làm gì với cuộc sống của mình mặc dù sự hoàn toàn rảnh rỗi chẳng làm phiền chàng chút nào. Cái bộ óc Romania của chàng đã thu hoạch được chút ít vốn tiếng Anh và tiếng Pháp căn bản mà công việc ở các khách sạn cần có. Cái vốn sinh ngữ đó đã giúp chàng sống rất thoải mái ở Monaco, nhưng ở Thuỵ-điển chàng không nghe một chút gì về các thứ tiếng đó, và vì thế chàng chẳng biết phải làm gì, ngay cả cũng chẳng biết đi đâu để thử thời vận.

Chàng sống phất phơ như vậy vài ba hôm, chẳng có việc gì để làm, cũng chẳng có một dự định gì. Dù cực kỳ giàu có, chàng cảm thấy trống rỗng hơn bao giờ. Một đêm nọ, khi chàng đang ngồi trên một băng ghế, nhìn vào dòng nước đen của con sông Göta Älv phản chiếu những ánh đèn đường, thì một người đàn ông đến ngồi ở đầu bên kia của băng ghế và bắt đầu độc thoại lớn tiếng. Càng lúc hắn càng thốt ra nhiều thêm những lời kêu than tuyệt vọng. Điều thú vị là Vlad lại hoàn toàn hiểu hắn vì hắn nói tiếng Anh và phát âm rất rõ. Kẻ lạ mặt ấy nói về nỗi buồn khôn tả của hắn và nêu ra các giải pháp khác nhau cho cơn trầm cảm vô hạn của hắn: khẩu súng lục, sợi dây thừng, thuốc độc, lưỡi dao cạo, dòng nước sâu.

Trong khi hắn nói đến những phương tiện để chấm dứt nỗi đau đớn, thì sự phức tạp của những chọn lựa của hắn đã chiếm ngự cái tâm trí trống rỗng của Vlad và khiến chàng kinh hãi. Đương đầu với tất cả những cách thế khả dĩ ấy, hắn sẽ chọn cách nào? Rốt cuộc, người đàn ông tuyệt vọng đã đưa ra câu trả lời. Hắn quyết định: hắn sẽ tự trầm; đó là cách duy nhất hắn có thể thực hiện ngay lập tức vì tất cả các hiệu buôn đều đã đóng cửa. Với quyết định ấy, kẻ lạ mặt đứng dậy và chậm rãi bước đi khuất trong màn sương đêm mờ mịt.

Sáng hôm sau, người ta kéo xác một người đàn ông chết đuối từ dòng sông lên. Đó là xác của Vlad. Khuôn mặt chàng phản ảnh vẻ điềm tĩnh cố hữu suốt cả đời chàng, một cuộc đời chưa đến hai mươi lăm năm. Một cuộc điều tra được tiến hành với sự cẩn trọng tối đa có thể thực hiện được kể từ cái chết của Descartes. Một chứng nhân đã giúp cho nhà chức trách tìm được người đàn ông tuyệt vọng lắm mồm ấy. Hắn là một kịch sĩ người Anh đang lưu diễn trong vùng Scandinavia và hắn đang tập dượt vai diễn trong một vở bi kịch hiện đại.

Và thế đấy, Vlad Ijovescu đã chết, như một người hùng và nạn nhân của sự đến và đi bí ẩn của những điều ngẫu nhiên vốn dĩ luôn luôn kích thích phần chất xám khôn dò của con người.

 

_________________________

Chú thích của người dịch:

[*]"Hoàng hậu thi sĩ" ở đây là Elisabeth (1845-1916), vợ của Karl von Hohenzollern-Sigmaringen (tức là hoàng đế Carol I của Romania). Dưới bút danh Carmen Sylva, bà làm thơ, viết truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch bản, đồng thời dịch nhiều bài thơ Rumania sang tiếng Đức. Carmen Sylva cũng là một nhạc sĩ và một hoạ sĩ có tài năng. Các thi phẩm của bà gồm có: Sappho (1880), Stürme (1882) và Jehovah (1882), và hai cuốn tiểu thuyết thành công nhất của bà là Aus zwei Welten (1884) và Defizit (1890).

 

 

------------
Dịch từ bản Anh ngữ, "The Thought Thief", trong The Belgian School of the Bizarre: An Anthology of Short Stories, edited and translated by Kim Connell (Madison, New Jersey: Fairleigh Dickinson University Press, 1998).
 

 

 

Đã đăng:

... Họ đem nàng ra giữa chợ, trói nàng vào một cái bàn, kéo cho hai chân giơ lên, và vén váy nàng đến hông. Rồi họ cột hai mắt cá chân nàng vào hai cái cọc dang rộng qua hai bên để cho xác thịt trần truồng của nàng bị phô bày như miếng thịt treo trong cửa sổ tiệm bán thịt... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Những nấm mồ không đánh số  (truyện / tuỳ bút) 
... Một hôm, chàng tránh tia mắt của gã đốc công, lẻn ra khỏi đám người làm, và từ độ cao mười mét, chàng lao mình xuống lòng máy xay thịt khổng lồ đang quay hết tốc lực... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Cái tôi không bao giờ cô đơn  (truyện / tuỳ bút) 
... Nỗi cô đơn đã giam cầm nó vào cái tôi của nó — một cái tôi không ngừng hiện diện — tuy thế, nó vẫn cố gắng nhớ rằng nó cũng hiện hữu bên ngoài cái tôi ấy, ngay cả cho dù sự hiện hữu này chỉ như sự hiện hữu của một vật thể đơn thuần trên hòn đảo... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021