thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhớ Lê Thành Nhơn (1940-2002)

 

Hôm nay là ngày giỗ thứ tư của Lê Thành Nhơn, một trong những hoạ sĩ và điêu khắc gia lớn nhất của Việt Nam định cư tại Úc sau năm 1975. Anh vĩnh viễn ra đi ngày 4 tháng 11 năm 2002.

Năm ngoái, ngày mãn tang anh, không hiểu tại sao, tôi lại quên. Quên bẵng. Quên một cách lạ lùng: trước đó không lâu, Võ Quốc Linh từ Sydney xuống Melbourne chơi, trong một lần chuyện trò, có nhắc đến Lê Thành Nhơn. Tôi dẫn Linh và một số người bạn của anh từ Mỹ qua đến một quán ăn Ý trước đây Lê Thành Nhơn và tôi thường ngồi ăn tối với nhau; ở đó, chúng tôi lại nhắc đến Lê Thành Nhơn. Và tất cả đều ngậm ngùi. Vậy mà, chỉ một, hai tuần sau, ngày giỗ Lê Thành Nhơn trôi qua trong thầm lặng và hoàn toàn quên lãng. Tôi không nhớ. Bạn bè chung quanh tôi hình như cũng không có ai nhớ.

Nếu con người có linh hồn và linh hồn Lê Thành Nhơn còn lảng vảng đâu đó để có thể biết được sự quên lãng này của những người bạn thân nhất của anh, hẳn anh sẽ... buồn và thất vọng ghê lắm. Tôi có cảm tưởng không có ai sợ sự quên lãng cho bằng giới văn nghệ sĩ. Hy sinh cả đời cho nghệ thuật, hầu hết các văn nghệ sĩ, không ít thì nhiều, đều mơ ước tác phẩm của mình sẽ trường tồn với thời gian, qua đó, tên tuổi của mình cũng sẽ còn lại mãi. Những nghệ sĩ càng tự tin vào tài hoa của mình và càng phải chịu đựng nhiều thiệt thòi trong đời sống để theo đuổi nghệ thuật càng mơ ước điều đó. Nghe, dễ ngỡ như một sự hão huyền. Nhưng, nghĩ cho cùng, có ai sống mà không nghĩ đến một cái gì mai sau chứ? Tôi tin những người thực sự chỉ biết có hiện tại hiếm lắm. Càng lớn tuổi, nỗi ám ảnh về một sự sống khác sau cái chết càng nặng nề và càng day dứt. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà thờ hay chùa chiền đều đầy những người... già cả. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà không có văn nghệ sĩ nào không từng thắc thỏm lo lắng cho tác phẩm của mình.

Theo kinh nghiệm riêng của tôi, lo nhất không chừng là các nghệ sĩ tạo hình. Chắc không phải là vô cớ. Khái niệm “tác phẩm”, trong từng loại hình nghệ thuật, có nội dung khác hẳn nhau. Trong thế giới văn chương, “tác phẩm” là một cái gì vô cùng trừu tượng. Truyện Kiều của Nguyễn Du, chẳng hạn. Từ trước đến nay, “tác phẩm” ấy xuất hiện dưới vô số những hình thức khác nhau, từ chữ Nôm đến chữ quốc ngữ và nhiều ngoại ngữ khác; chúng được in dưới nhiều phông chữ khác nhau, trên nhiều loại giấy, với những cách trình bày khác hẳn nhau. Vậy mà, bất kể sự đa dạng ấy, tất cả đều được xem là một “tác phẩm” duy nhất: Truyện Kiều. Ngày xưa, thời còn chép tay, người ta còn phân biệt bản gốc với bản sao chép; thời kỹ thuật in ấn còn thô sô và giấy còn quá đắt, người ta còn phân biệt ấn bản đặc biệt và ấn bản thường; hiện nay, mọi ấn bản đều bình đẳng. Mỗi lần nhận được sách mới do nhà xuất bản gửi, tôi đều biết rõ một điều: tác phẩm ấy được in ra rất nhiều bản và những bản mà tôi - với tư cách là tác giả - có, cũng là những bản mà một số người đọc, đâu đó, cũng đang cầm trên tay. Không có gì khác nhau cả. Cũng loại giấy ấy. Cũng những chữ và những ý ấy. Tuyệt đối không có gì khác nhau. Thành ra, tác phẩm văn học vừa trừu tượng lại vừa cụ thể; vừa đa dạng lại vừa đơn nhất; vừa biến hoá lại vừa cố định.

Trong thế giới nghệ thuật tạo hình, đặc biệt giới hội hoạ và phần nào, điêu khắc, thì khác. Ở đó, mỗi tác phẩm, khi hoàn tất, chỉ có một hình thức tồn tại duy nhất, một bản gốc duy nhất. Tranh, chỉ có một bản gốc. Bản chụp hay bản in đều là những bản phụ, không thể thay thế được bản gốc. Phần lớn các tác phẩm điêu khắc cũng thế. Cũng chỉ có một bản gốc. Tôi thường chứng kiến cảnh một số bạn bè nghệ sĩ – trong đó có Lê Thành Nhơn - lúng túng một cách đầy nghịch lý trước tác phẩm của chính họ. Vẽ hay tạc xong, ai cũng nôn nao muốn bán. Không bán được, lòng cứ áy náy như là mình thất bại. Nhưng bán thì lại tiếc. Người ta có cảm tưởng như là đánh mất đứa con của mình. Khách hàng mua về sẽ để bức tranh hay bức tượng ấy ở đâu? Có trân trọng nó không? Ngoài họ, có ai khác đến ngắm nghía nó không? Tất cả những người thưởng ngoạn ấy nghĩ gì về tác phẩm của mình? Ờ, mà tác phẩm ấy có đẹp không nhỉ? Hoang mang, nhưng người nghệ sĩ sẽ không bao giờ dám chắc cả. Tác phẩm ấy chỉ còn lại trong họ như một hoài niệm. Họ không còn được nhìn thấy tác phẩm “gốc” để có thể đánh giá một cách chính xác tác phẩm ấy nữa.

Một số người hay nói đến nỗi cô đơn của người cầm bút: họ không bao giờ có khán giả. Người đọc bao giờ cũng đọc một mình và trong lặng thầm, ở ngoài tầm mắt của tác giả. Hiếm có nhà văn hay nhà thơ nào may mắn được tận mắt chứng kiến cảnh người đọc đang say sưa nghiền ngẫm tác phẩm mình, lòng bồi hồi theo từng ý tưởng, từng chi tiết hay từng nhịp văn trầm bổng của mình. Ngay cả khi đưa cho vợ con đọc; vợ con cũng chỉ thích chui vào phòng đọc một mình. Ở phương diện này, người hoạ sĩ hay điêu khắc gia có vẻ như may mắn hơn: trong ngày triển lãm, hắn có thể thấy được ánh mắt ngưỡng mộ của người xem; nghe được tiếng trầm trồ của người này hay của kẻ nọ. Thế nhưng, ở một phương diện khác, người hoạ sĩ hay điêu khắc gia lại “bất hạnh” hơn: khi cuộc triển lãm kết thúc, bức tranh hay bức tượng bị khách hàng mang đi, hắn có cảm giác như đánh mất một cái gì. Cái hắn còn lại trong tay chỉ là một bản chụp hay một bản sao vừa không có giá trị lại vừa không... thực. Những bức tranh không bán được, mang ngược về nhà, ít nhiều bị xem là... chưa thành công trọn vẹn.

Lúc Lê Thành Nhơn còn sống, mỗi lần tôi đến nhà anh, một trong những công việc chúng tôi thường làm nhất là ngắm tranh. Kể từ khi anh bị bệnh, không có tranh mới, chỉ ngắm đi ngắm lại tranh cũ. Không biết bao nhiêu lần. Tôi có cảm tưởng Lê Thành Nhơn cần có người cùng xem và cùng trầm trồ. Để biết chắc là những tác phẩm ấy đang hiện hữu. Ngay trong nhà mình.

Trong đám tang của anh, tôi đặt lên bụng anh cuốn sách tranh của anh trước khi nắp quan tài được đậy lại. Đó là cuốn sách tranh do tôi và Hoàng Ngọc-Tuấn cùng một số bạn bè của anh soạn và in khi nghe tin anh mắc phải cơn bệnh ngặt nghèo. Cuốn sách, sau đó, bị thiêu ra tro. Cũng như anh, cùng lúc ấy, thành tro.

Tro thành bụi. Bụi bay đi đâu?

 

Nguyễn Hưng Quốc
4.11.2006

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021