thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Làm một bài thơ

 

Bản dịch Diễm Châu

 

RUTGER KOPLAND

(1934~)

 

16. 1. 77

Bây giờ tôi sẽ làm một bài thơ. «Nếu tấm hình chụp mà tốt» của Barbara, dĩa hát đã mua cách đây khoảng mười lăm năm. Đã quên mất lời, nhưng không quên giọng hát hay giai điệu, còn nhớ tới tận những chi tiết và, kế đó, rất cảm động, hoàn toàn «lại một lần nữa». Có điều lạ, là khi nghe lại và hoàn toàn nhận ra, tôi cảm thấy cùng một cảm giác như khi đọc hay nghe một điều gì mà tôi chưa từng đọc hay nghe, nhưng vẫn cho tôi cái cảm tưởng rằng «nó như thế đó».

Một trong những đặc tính chính của đầu não chúng ta – theo chỗ tôi đọc được hôm nay – là khả năng tiên đoán, khả năng tạo dựng một tương lai và để cho tương lai này dẫn đưa mình. Có lẽ người ta cũng có thể bênh vực điều này: chúng ta nhận ra những gì chúng ta đã giả thiết.

23. 1. 77

Hôm nay vẫn còn suy nghĩ về một bài thơ. Đi dạo ở Drenthe, những cánh rừng và những đồng thạch thảo nho nhỏ nơi phất phơ một lớp sương mỏng. Trươớc đây tôi chưa từng tới thăm phần này trong vùng, nhưng tôi đã không ngừng nhận ra nó. Cái cảm giác này nó cung cấp cho ta một cái gì vừa mới vừa đồng thời thân quen, ấy đó cái động lực thi ca của tôi. Mọi người, tôi nghĩ phải biết điều đó. Ta gặp một người đàn ông hay một người đàn bà mà ta lập tức có thiện cảm, lúc đó ta có cái cảm tưởng như đã biết nhau từ bao giờ. Những yếu tố khác: mùi khuôn mặt và mái tóc của vợ tôi hòa lẫn với không khí bên ngoài. Ái tình, vào thời thanh xuân của tôi, ấy là một điều gì đó được thực hành ngoài khí trời tự do. Chẳng phải khuôn mặt, hoặc đôi bàn tay, hay mái tóc, luôn luôn là một người nào khác. Ấy đó dòng đầu tiên tự báo hiệu.

Làm những bài thơ là tìm ra những chữ tỏ bày, làm một bài thơ có lẽ là tìm ra những chữ cho những gì không có đó trước những chữ đó.

30. 1. 77

Tuần này vấn đề khiến tôi bận tâm là hiểu biết những gì tôi đang làm, khi, nghĩ tới cuộc đi dạo với vợ tôi, tôi viết dòng chữ: chẳng phải khuôn mặt, hoặc đôi bàn tay, hay mái tóc, luôn luôn luôn là một người nào khác. Phải chăng tôi đang làm một điều gì đó theo nghĩa ý thức của từ ngữ? Không, có điều gì đó xảy ra nơi tôi và sau này, tôi ra sức xác định nó như một hành động, với một lý do, một định ý.

Tôi nhận ra rằng mình đã hủy bỏ cái khuôn mặt nơi cột chặt nguyên cớ của bài thơ; đôi bàn tay và mái tóc cũng vậy. Những nguyên cớ, những cái phát động lúc này chỉ còn hiện diện trong thể phủ định - như những sự vật đã bị chối bỏ, bị tuyên bố vắng mặt, và nhờ đoạn bổ sung «luôn luôn là một người nào khác» người ta hiểu rõ hơn mục đích của sự phủ định này: những nguyên cớ của cảm xúc không được ghép cho một nhân vật xác định, đây không nên là về chỉ một cuộc tình duy nhất (hay là về một điều gì đó đang tới gần), mà còn là về ái tình (hay là về một điều gì đó đang tới gần).

Cảm xúc đặc biệt không mấy quan trọng; chính là cái tổng quát mới quan trọng. Chẳng phải khuôn mặt lúc đó có nghĩa là: không phải một khuôn mặt riêng biệt nào đó. Nhưng điều đó không nhất thiết phải có nghĩa là «không có khuôn mặt». Người ta cũng có thể giải thích điều đó như sau: không phải khuôn mặt là vấn đề, không phải đôi bàn tay, vv.

Freud nói: cái cách một sự vật bị dồn nén cũng như sự vật bị dồn nén tự diễn tả qua một cử chỉ duy nhất, trong trường hợp hiện tại, qua một cách nói duy nhất. Sự phủ định nằm trên sự vật chối bỏ tựa như một lớp màng trong, nhờ đó sự vật vừa có mặt vừa vắng mặt đồng thời. Cũng thế, khi ta đứng trước một tấm kính cửa hàng, ta có thể thấy tấm kính cửa và những gì ở phía sau: tôi nhìn thấy một quang cảnh, tôi thấy một tấm kính và một quang cảnh ở phía sau: tôi cảm thấy một khuôn mặt, tôi chạm tới những bàn tay, tôi đánh hơi thấy mái tóc và ở đằng sau các yếu tố này có một toàn thể, ai đó chứ không phải một người rõ rệt chính xác, mà là một ai đó rất có thể cũng là một ai khác, một ai đó mà tôi không quen biết.

Tôi lại được đặt vào một tình trạng có lẽ là trước kia, khi tôi chưa quen biết ai đó, trong một cảm tưởng phiêu lưu mơ hồ nó khiến tôi nói: «Vẫn còn có thể xẩy ra bất cứ điều gì.» Và tôi tìm kiếm các từ để nói ra điều đó. Làm sao diễn tả cái cảm tưởng này, ấy đó động cơ của thơ, đối với tôi, lẽ cố nhiên.

12. 2. 77

Thời gian hối thúc. Tôi viết vào những khoảng cách nhau quá xa. Khi thì tôi không muốn viết, khi thì tôi bị tràn ngập công việc không thể nghĩ tới bài thơ này, ấy đó lý do tôi đã để quá trễ không lo tới nó trở lại, dầu sao chăng nữa, thật rõ ràng và dứt khoát là tôi không coi viết lách như điều đáng kể duy nhất.

Nhưng tuy vậy ấy cũng là điều quan trọng. Xa như tầm nhìn của tôi có thể cho thấy, tôi sẽ không bao giờ quyết định thôi viết.

Một quyết định như thế, tôi cảm thấy nó như một cánh cửa khóa lại vĩnh viễn do một ai đó khác hơn tôi, và tôi, tôi sẽ không bao giờ biết chuyện gì ở sau cánh cửa này.

Có lẽ tôi trở thành một nhân vật có thể so sánh với người đàn ông nọ trong Kafka, anh ta, trọn đời, chờ đợi trước một cánh cửa, không biết có chuyện gì xảy ra ở phía bên kia.

Làm thơ, ấy là bước qua những cánh cửa, biết những gì tôi sẽ thấy lúc đó, có lẽ lại những cánh cửa mới, đồng ý, nhưng tôi sẽ không bỏ cuộc.

Tất cả những điều đó có lẽ cũng hệt như thèm muốn có những cảm thức mới, thèm muốn bước qua những « doors of perception » (cánh cửa cảm thức), không phải là theo nghĩa tâm hoặc, mà là theo nghĩa mô tả và tham chiếu một « thực tại » mới.

Mở những cánh cửa mới, nhờ đó lại có thể thấy được những cánh cửa khác, cái cảm tưởng giải phóng vì đã, bằng những phương tiện của chính mình, phá vỡ vòng vây cho một điều gì đó, đến nỗi những khả năng giải vây mới lại hiện ra trong tương lai.

Hết mọi người thường tìm thấy trong thơ tôi cái chủ đề thiên đường bỏ mất, cái ước mong trở lại đấy, cái cánh cửa khép lại phía sau đó vươn rộng cõi thiên đường. Thế a? Tôi hoàn toàn không mong ước trở lại với thời xa xưa, tôi mong ước có một kinh nghiệm mà tôi tham dự trọn vẹn, với đầu óc tôi và những tiếng đập của tim tôi, với hơi thở tôi, những tuyến mồ hôi, (...) Tôi mong ước được có kinh nghiệm và kinh nghiệm là mới, là hiện thời.

Thiên đường, đối với tôi, là một cái cây và ở bên dưới có một người đàn ông và một người đàn bà và ở bên trên có ai đó nhìn thấy những gì họ làm, những gì họ sẽ làm, những chi tiết liên tục của đời họ đã được thảo sẵn. Được biết tới theo kiểu đó cũng như chẳng là ai cả, cũng như sống dưới bóng của một ai khác, không hơn, theo đuổi một phương án mà không phải là người khởi xướng phương án đó. Gắng sức thỏa thuận với kiến trúc sư phương án cá nhân của mình tạo thành cuộc đấu tranh vô hiệu quả của lời kinh nguyện.

Với ai đó kẻ biết tôi tường tận, tôi sẽ không bao giờ có thể nói: tôi khác với những gì chính người, người nghĩ. Nhận xét này cũng nằm trong kịch bản của kẻ ấy, nhân vật này đã biết rằng tôi sẽ có nhận xét đó. Tôi không muốn được biết tới, tôi luôn luôn muốn là một người khác.

Chẳng phải khuôn mặt, hoặc đôi tay, hay mái tóc, luôn luôn là
       một ai khác.

Vậy thời đó là về tôi, về sự chống đối của tôi không muốn được biết tới như tôi đã được biết tới, vậy thời đây là về cùng một điều như trong thi hệ C, cuộc đối thoại với kiến trúc sư của đời tôi, tức là với một ai kia không có. Đây là về chuyện được giải thoát khỏi thiên đường khép kín, khỏi vấn đề biết những gì có ở ngoài cánh cửa. Đây là về chuyện chống lại thuyết thần bí.

13. 2. 77

Tại sao ông viết? Tôi đọc thấy câu hỏi này trên tờ Haagse Post (một tờ báo dư luận Hòa-lan). Người ta đã đặt câu hỏi đó với Gabriel García Márquez.

Trả lời: «Tôi đã nói thế một lần, và vẫn một mực tin thế: tôi viết để được yêu mến hơn nữa. Tôi tin rằng đó là một trong những ước vọng căn bản của một nhà văn.»

Phải chăng điều đó cũng có giá trị đối với tôi? Tôi không dám nói thứ chuyện như vậy và một câu trả lời như thế biểu thị đặc tính của tôi. Tôi như thế đó: tôi là một ai đó nói: tôi không dám nói thứ chuyện như vậy. Tôi không nói rằng nó như vậy đó hay không, mọi người chỉ có việc chọn lựa, tôi không nói điều tôi chọn lựa.

Đó là một thái độ «vô hình», tình yêu được biểu hiện, ấy là nói thế, mặc dù hoàn toàn không được nhắc tới; tình đoàn kết lộ rõ trong những gì chúng ta cùng chống đối. Có nhiều bài thơ của tôi đã được xây dựng trên những phủ định: không phải như thế, cũng chẳng phải như thế, không phải điều này, không phải điều kia - nhờ đó hình thành một điều gì đó không được diễn tả, một điều gì đó vô hình. Ra sức hủy bỏ, ra sức tống vào quá khứ nhiều yếu tố đã biết, cũ kỹ, quen thuộc, người ta có thể khiến phát sinh một điều gì mới.

Phải chăng tôi làm thế để được yêu mến hơn nữa? Có lẽ là Márquez nói đúng, có lẽ ấy chính điều đó là điều tôi muốn diễn tả khi nói rằng mọi người chỉ cần chọn lựa, rằng họ hãy tự nhận ra mình nơi những gì tôi viết, rằng mỗi người hãy trở thành độc lập.

Muốn được yêu mến đối với tôi luôn luôn có một dư vị của một sự lệ thuộc so với người khác và một ý muốn biến người khác thành lệ thuộc. Và đó là điều tôi không muốn. Yêu ai, đó là trở nên độc lập, tình yêu là một tài sản riêng tư. Nếu ai đó yêu tôi, thời đó là tài sản của người ấy, chứ không phải là một điều gì thuộc về tôi. Tôi rất muốn được yêu như thế. Tất nhiên điều đó có nghĩa là tôi lánh mình trong công việc của tôi, nhưng một người đọc cần phải «tìm ra» tôi, là điều đó cần phải là hành động của người ấy chứ không phải chỉ là kết quả của chiến lược quyến rũ đặc biệt của tôi.

Tập nhật ký này không ngớt làm tôi bận bịu, nhưng bài thơ vẫn chỉ đếm được có độc một dòng. Thực ra, đó là vận chuyển thông thường của mọi việc, tất cả những gì tôi đã ghi chú cho tới đó nằm trong việc mở máy bình thường của tôi.

Động cơ thúc đẩy tôi luôn luôn gia tăng theo dòng thứ suy tư này. Nhưng lúc này cũng cần phải đặt thêm một chút thơ nữa lên giấy.

Chẳng phải khuôn mặt, hoặc đôi tay, hay mái tóc, luôn luôn là
       một ai khác.

«Duy có cái mùi», ấy một điều gì thuộc loại như thế phải tới lúc này, và cả cái cảm giác lạnh lẽo do một sợi dây chuyền nhỏ bằng kim khí đem lại nữa; đằng khác, phải chăng một sợi dây chuyền nhỏ trên một làn da thời lạnh? Đúng hơn nó lại chẳng cứng rắn, cứng rắn, là vì làn da thời quá mềm mại, nó lăn êm dưới sự vuốt ve mơn trớn của ta. «Em thơm mùi hệt như của một người đàn bà / xa lạ.»

19. 2. 77

Tới đó tôi bị kẹt. Tuần trước tôi đã suy nghĩ kỹ, nhưng không bao giờ được lâu và cũng không bao giờ một cách thật sự tập trung. Giữa khoảng đó thì mùa xuân tới., trong lúc bài thơ đã khởi sự trước đó vào mùa đông, điều này không làm cho mọi sự dễ dàng hơn chút nào. Cái ngoại cảnh mùa đông, thực ra, là một yếu tố mà tôi có lẽ đã muốn ghép thêm vào đấy. Cái lạnh kích thích chuyện tìm kiếm hơi ấm , cái lạnh cũng khiến cho hơi ấm vắng mặt thêm.

Bù lại, có một điều - tôi đột nhiên nhớ tới nó - tôi đã suy nghĩ tuần này, đó là tôn giáo. Tôn giáo thay thế các quan hệ bằng huyền thoại các quan hệ, tôn giáo, đó là sự lấp đầy khoảng trống rỗng hoàn toàn. Điều mà nhiều người bị suy nhược phàn nàn (tôi đã nói nhiều với những người bị suy nhược), đó là cả đến tôn giáo cũng không còn hiến họ một sự nâng đỡ nào hết, Chúa đã biến mất, biến mất trên bình diện cảm xúc , đây là một lối nói bóng bẩy của sự kiện tự thân không còn có đó nữa, không còn có thể cảm, nghĩ, chờ, trông, không còn có khả năng có những sự tiếp xúc.

Freud nói rằng những người này đã bị xô đẩy, bị gây thương tổn và xâm phạm ở chốn cùng cực thâm sâu của chính họ và tôi tin rằng ông có lý. Họ đã không cáo biệt bà con thân thuộc, họ cảm thấy mình bị xua đuổi, hệt như Oedipe đã cảm thấy mình bị xua đuổi và muốn chinh phục lại người mẹ mình. Cái phương pháp hay nhất để khiến cho người ta quyến luyến mình nằm ở chỗ dứt bỏ họ, họ bao giờ cũng muốn trở lại. Tôn giáo nói rằng chuyện có thể được, thơ tôi nói rằng chuyện không thể được. Chẳng có gì hết ngoài phía trước, ngoài những cuộc phiêu lưu mới ở chân trời.

Một người khác, em thơm hệt như một người đàn bà
xa lạ, như trong một chiếc áo choàng, làn da xa xăm
một ngày chủ nhật.

Tới đó bài thơ khựng lại. Như trong một chiếc áo choàng, làn da xa xăm, một ngày chủ nhật, ấy đó những hình ảnh đưa về hơi ấm, nhưng một hơi ấm xa xăm, bao phủ, mùi vị yếu ớt, là vì một người đàn bà xa lạ thời ăn vận, nhất là trong khi đi dạo vào một ngày chủ nhật mùa đông. Có cái gì sái mỗi lần tôi hình dung một con người cụ thể, vào đúng lúc đó bài thơ trở thành có tính cách giai thoại, vụn vặt, trong khi đó thực ra tôi muốn nói một điều gì đó rất cơ bản, trừu tượng, đây là về sự kiện đi dạo với ai kia, về sự quyến rũ ở tình trạng tinh ròng.

Hay phải chăng nó sái, chỉ là vì tôi muốn ngủ với nàng? Tôi nghĩ rằng tôi muốn cả hai. Tôi thấy động đậy cặp đùi nàng, tôi thấy rất mơ hồ đôi vú nàng và tôi nghĩ: ta chưa muốn trở về.

Một ngày chủ nhật, tôi nhìn đám thạch thảo,
những nơi tăm tối giữa những cây sapin
và nghĩ

Phải, thực ra tôi nghĩ cái gì? Tôi muốn người đọc nghĩ cái gì? Kết quả lúc này là thế nào?

Chẳng phải khuôn mặt, hoặc đôi tay, hay mái tóc, luôn luôn là
một người khác, em thơm hệt như một người đàn bà
xa lạ, như trong một chiếc áo choàng, làn da xa xăm
một ngày chủ nhật. Tôi nhìn đám thạch thảo, những nơi
tăm tối giữa những cây sapin và nghĩ.

Thật không lấy gì làm phi thường, ấy đó là điều tôi nghĩ. Dù sao tôi cũng lấy làm ngượng ngùng vì lối tiến hành công chuyện này. Công việc của tôi không ngừng bị trông chừng. Thế nhưng phải chăng chuyện đó quá khác biệt với thói thường? Bởi lẽ quá thường khi tôi nhận thấy

20. 2. 77

Những gì tôi ghi lại trên mặt giấy thật là ghê rợn. Giai đoạn văn bản đầu tiên – nhưng tôi hãy còn xa lắm đối với giai đoạn này. Thế rồi, cái dòng đầu tiên này mỗi lúc một trái ý tôi thêm. Một con người là gì ở bên kia một khuôn mặt, đôi bàn tay, mái tóc? Từ nay phải đọc cái dòng đầu này ra sao? Phải chăng một sự thiếu tiếp xúc giữa tôi và người bạn đường của tôi đã khiến tôi viết một dòng như vậy, hay phải chăng tôi muốn nói: đó không phải là tất cả, đối với tôi em còn có nghĩa nhiều hơn thế , ấy là một điều gì rộng lớn hơn, tổng quát hơn mà tôi phải, thêm nữa thêm nữa, đi tới chỗ hiểu thấu?

Những nơi tăm tối giữa những cây sapin và nghĩ
làm sao nói về điều đó, làm sao
nói rằng tôi (có đó).

Làm sao nói rằng khi đi dạo như thế, thực ra, tôi lại phải đi từ số không, phải bước vào tiếp xúc?

Nói rằng tôi, tôi không còn muốn trở về
 
nói rằng tôi, tôi không muốn trờ về
trước khi biết rằng đây không phải là lần chót.

Trời hỡi, thế nghĩa là gì, hở? Tôi có cái cảm tưởng thật khó chịu là mình sẽ không thoát ra được, trong lúc tôi lại hết sức mong mỏi tìm được một lối thoát, một từ mở mắt tôi ra, một điều gì đó như vậy. Trong đầu tôi, tôi thực hiện cuộc đi dạo này đã cả trăm lần, nhưng bấy nhiêu lần tôi đã trở lại, ấy là nói thế, tuyệt vọng. Khổ não biết bao.

Vậy thời chúng tôi đã đi dạo qua một khung cảnh thạch thảo viền những khu rừng âm u, có đôi chút sương mù, ấy là vào lúc đêm rơi xuống, ngày chưa hẳn bắt đầu rạng, khoảnh khắc lạnh lẽo, ẩm ướt và yên tịnh. Chúng tôi đã dừng bước bên một cái ao với một căn nhà bên bờ nước, lúc ấy có ánh sáng, khung cửa sổ quay ra cái ao đông giá. Chúng tôi nói với nhau rằng chúng tôi muốn cư ngụ ở đó. như thể chúng tôi thích thú khi nghĩ tới chuyện đó. Làm sao nói rằng tôi – sau đó là chuyện bông đùa ngu ngốc. Không phải là lần chót. Làm sao nói rằng tôi, tôi biết em quá ít.

27. 2. 77

Rốt cuộc lại một lúc dành cho bài thơ chưa có đó. Thường khi ngẫm nghĩ, nhưng mơ hồ, không mục đích rõ rệt và một cách đúng ra là chán nản. Cũng ngẫm nghĩ tới sự dấn thân về chính trị và thơ. Thơ chính trị thường thường bị ràng buộc với một tình thế và mau chóng mất tính cách thời sự của mình. Ý định của tôi là ở lại với hiện tại thật lâu, là viết những văn bản vẫn còn hiệu lực trong những tình hình chuyển động, vào những thời kỳ chuyển động. Điều đó có nghĩa là anh trở thành trừu tượng theo một nghĩa nào đó, mờ đục trong một lần đọc đầu tiên, một điều được bù lại nhờ sự kiện người đọc tự mình phải làm nhiều hơn, phải tự tra vấn bản thân nhiều hơn là tra vấn những gì người ấy thấy ở chung quanh mình. Đó là thơ «bên trong», tức là một sự miêu tả những cơ cấu nền tảng của suy tưởng, của tình cảm, của nhận thức, củza kỷ niệm, hơn là những thực hiện ngẫu nhiên từ những hoàn cảnh bên ngoài mà ra.

Không phải là phản ứng của tôi đối với một khoảnh khắc nào đó, một nơi chốn nào đó là điều tôi quan tâm, tôi tin thế, mà là vấn đề hiểu biết tôi phản ứng ra sao ở hết mọi nơi và mọi lúc. Bù lại, điều đó bao giờ cũng sẽ được tỏ bày một cách khác, ở đó có một thứ chuyển động theo đường xoắn ốc, một thứ giải minh lúc nào cũng tiến tới, nhưng, nhờ vào sự hữu hiệu chung, bao giờ cũng ít riêng biệt hơn, ít đặc thù hoặc tất định hơn. Nhật ký của tôi gợi ra rằng tất cả những gì tôi ghi chép dưới dạng một bài thơ là rất cá biệt hóa, được ràng cột một cách rất riêng biệt với tình hình cá nhân của tôi, nhưng kết quả của tất cả công việc suy nghĩ này lại là điều ngược lại: không có tính cách cá biệt mà lại có tính cách chung.

Giữa khoảng thời gian này, tôi đã tìm được một đoạn kế tiếp mới:

Nói rằng tôi, tôi lại đơn độc, lại
cũng đơn độc như khi tôi đã mơ, mà
 
không biết là về ai.

Đoạn đó làm tôi hài lòng. Cái cảm tưởng đơn độc là một cảm tưởng tốt, đó là một cảm tưởng hứa hẹn, không nên lẫn với sự cách biệt, khi người ta cảm thấy điều ngược lại của một lời hứa hẹn. Tôi có khả năng bắt đầu lại, tôi lại có đó ở nơi tôi đã từng có mặt, khi tôi chưa biết là về ai tôi đã mơ. Có lẽ tôi muốn nói cùng người đã ràng buộc với tôi : tôi đang mơ về em một cách cũng nồng nàn cuồng nhiệt như hồi chúng ta chưa ràng buộc với nhau. Phải chăng em, em cũng sẵn sàng bắt đầu lại, phải chăng em, em cũng vui lòng đón nhận người lạ, kẻ khác, con người chưa biết ở nơi tôi? Phải chăng tôi có thể trông cậy vào em, khi tôi thay đổi, phải chăng em sẽ không gắn chặt tôi vào với những gì em đã biết về tôi, mà sẽ để tôi, sẽ để tôi là con người đúng như tôi muốn? Nhưng làm sao người ta nói một điều gì thật nghịch lý như thế - bởi thế mà có những ngập ngọng trong: nói rằng tôi, tôi lại đơn độc?

Chưa biết là về ai, em đã chẳng có khuôn mặt,
hoặc đôi tay, hay mái tóc, trong điều tôi suy tưởng
 
một điều gì đó trong một chiếc áo choàng đã chờ đợi tôi
trong đám thạch thảo.

Cái khóm «trong một chiếc áo choàng» này bắt đầu khiến tôi khó chịu, cũng như cái làn da xa xăm nọ một ngày chủ nhật. Tôi nghiêng về chuyện thay thế làn da xa xăm bằng một người đàn bà xa xăm, nhưng khi một người đàn bà ở xa xăm, người ta không thể cảm thấy được mùi người ấy. Mùi gợi ra một sự kề cận, thân mật. Có điều gì đó trong một chiếc áo choàng quá mơ hồ đối với tôi, quá ít hình ảnh. Ta hãy tìm những biến cách. Điều tôi đã muốn và hiện lúc nào cũng muốn diễn tả ấy là cái cảm giác mà tôi đôi khi có trong một phòng y-trang nơi treo những chiếc áo choàng của phụ nữ. Vào lúc móc chiếc áo choàng của chính mình vào đấy ta đột nhiên ngửi thấy mùi những người đàn bà xa lạ không có mặt ở đó. Ấy là những mùi khác nhau, nhưng một thoáng gì đó khiến ta cảm thấy rằng đó là những mùi của phụ nữ và điều đó khiến mọi dị biệt đều không quan trọng gì. Chính là sự quen thuộc, sự thân mật và, đồng thời, cái khía cạnh dị thường, xa lạ, chúng cung cấp cho ta một cảm giác thật dễ nhớ. Kề cận và cách biệt. Những chiếc áo choàng trong một phòng y-trang là những người phụ nữ, nhưng không khuôn mặt, không đôi bàn tay, không mái tóc. Có lẽ tôi nên nói: em thơm hệt như một chiếc áo choàng, như một người đàn bà không có đó. Thế còn ngày chủ nhật nọ từ đâu tới? Tôi nghĩ chuyện đó dính líu tới tuổi thơ tôi, tới ngôi nhà thờ nơi tôi đôi khi đã phải ngồi bên những người đàn bà xa lạ, hay ngay sau - trên những chiếc áo choàng phất phơ cái mùi chủ nhật này, một điều gì đó như mê hoặc, là vì, với những gì tôi còn nhớ được, chính là vào thời kỳ đó tôi đã bắt đầu để ý tới đàn bà. Nhưng một cảnh trong nhà thờ thời quá xa với một cảnh trong đám thạch thảo, và điều đó cũng không hợp với tôi nữa. Và, theo một nghĩa nào đó, họ cũng đã không xa lắm, những người đàn bà ấy, ngày chủ nhật. Cả ở đó nữa, ấy chính cái phối hợp giữa sự kề cận và sự xa lạ, sự không thể đạt tới nó đã đập vào cảm giác tôi.

28. 2. 77

Em thơm hệt như một người đàn bà xa lạ,
như một chiếc áo choàng,
Em thơm hệt như mùi một chiếc áo choàng, mùi,
mùi của, mùi trên một chiếc áo choàng, một ngày chủ nhật
trong đám thạch thảo.
 
Cái đó cho ta được gì lúc này đây?
 
Chẳng phải khuôn mặt, hoặc đôi tay, hay mái tóc, và luôn luôn là
một người khác, em thơm hệt như một người đàn bà xa lạ,
như mùi một chiếc áo choàng, ngày chủ nhật
ở Drenthe. Tôi nhìn đám thạch thảo, những nơi
 
tăm tối giữa những cây thông và nghĩ tôi phải nói
điều đó làm sao, tôi phải nói làm sao
rằng tôi, tôi lại đơn độc, lại cũng
đơn độc như khi tôi đã mơ, mà
chưa biết là về ai. Nàng đã chẳng có khuôn mặt,
hoặc mái tóc, hay đôi bàn tay, nàng đã luôn luôn là một
người khác, nàng nhảy múa trên đám thạch thảo, đôi chút.
 
như em lúc này.

Ấy đó kết quả mà tôi bỗng đạt được khi chép lại. Điều làm tôi hài lòng đó là cái tiết điệu nhảy múa mà tôi đột nhiên cảm thấy. Và điều này nữa cũng không đến nỗi tệ, tôi tin thế, đó là cái quan hệ giữa quá khứ và hiện tại, một sự lướt tới dần của những bình diện thời gian, cái đã-thấy và cái đã sống của kinh nghiệm, bầu khí mộng mị và cả sự nhận ra những gì ngày trước tôi đã từng giả thiết. Duy những cây thông tăm tối này vẫn còn làm tôi bực bội, cho tới đó tôi đã để chúng yên, nhưng lúc này tôi chợt nhận ra rằng quả thật ấy là những nơi tăm tối. Điều tôi lúc nào cũng thấy khó hiểu là khoảng tăm tối giữa những cây thông - có thể nói rừng có một cái hầm, một cái hang hốc ở chỗ đó. Tôi có cảm tưởng là phải đưa chuyện đó ra ánh sáng. Hoặc là phải hủy bỏ chúng đi, hoặc là chúng phải trở lại nữa, nhưng thế thời phải bằng một cách khác. Tất cả chuyện ấy để dành cho lần tới, lúc này tôi không còn thấy làm sao mình có thể thoát ra được.

7. 3. 77

Đọc lại bài thơ không lấy gì làm tin tưởng.

Cảm tưởng: tầm thường, quá ít tập trung, quá ít cái lõi cứng. Đoạn đầu khập khễnh, sái. Khi bước đầu khập khễnh, bài thơ không kết thúc tốt đẹp. Bước đầu phải bao gồm tất cả những gì sẽ được gạn lọc sau này. Đây ta lại trở lại đó:

Chẳng phải khuôn mặt, hoặc đôi tay, hay mái tóc, luôn luôn là
một người khác, em như mùi một chiếc áo choàng
xa lạ, gần gụi như mùi này, nhưng cũng
vô hình, cũng đã qua. Tôi nhìn đám thạch thảo
 
những cây phong cô độc trong đám thạch thảo mù sương
                                                                         và nghĩ
tôi phải nói điều đó làm sao, tôi phải nói làm sao rằng
tôi, tôi lại đơn độc, lại cũng
đơn độc như khi tôi đã mơ, mà chưa biết
là về ai. Nàng đã chẳng có khuôn mặt,
                                                                         sao. Vẫn
lại, không mái tóc và không đôi bàn tay, bao giờ cũng là
                                                                           nàng
một người khác, một mùi thật gần gụi, và thật lạ xa
                                   nàng
như em lúc này.

Đoạn thơ trên, tôi đã viết lại thật mau và khó mà thuật lại mọi sự đã xảy ra như thế nào. ĐÛều đã khiến tôi hết sức bận tâm, đó là cái quá trình của những gì đã-thấy, là vì cuộc đi dạo này có lẽ đã chẳng đập mạnh vào cảm giác tôi đến thế và có lẽ đã chẳng thôi thúc tôi viết, nếu như tôi đã chẳng có cái cảm giác: này, có chuyện gì đó xảy ra cho tôi mà tôi nhìn nhận, có điều, tôi không biết là chuyện gì. Vậy thời làm sao miêu tả điều này bằng cách nào đó khiến nó trở thành xác thực và sáng tỏ. Đặc tính của thơ là ở chỗ khêu gợi và biến những cảm tưởng thành có thể nhận biết được.

Chuyện có thể so sánh được với những gì xảy ra trong một cuộc đàm đạo có tác dụng trị liệu.

Khi tôi minh danh gọi tên một cảm xúc, chẳng hạn sợ, giận dữ, yêu, thì thường thường làm như thể nó co rút lại. Những từ chỉ các tình cảm không gợi ra chúng, mà thường đẩy lùi chúng.

Các tình cảm thường được gợi ra bằng một cách thế miêu tả « thế giới », hay có lẽ hơn thế nữa bằng sự miêu tả cách suy tưởng và nhận thức « thế giới ». Trong trường hợp hiện tại, đối với tôi, thế giới này là một người đàn bà, điều tôi muốn miêu tả là một tình cảm hạnh phúc mãnh liệt, nhưng cũng có tích cách nhớ nhung luyến tiếc, một cảm giác viên mãn trở thành gay gắt nhờ sự nhớ lại một trạng huống có trước, trinh nguyên, một trạng huống nơi ta hãy còn «không thể xác định chuyện gì sẽ xảy ra» và nơi ta chỉ chắc chắn được rằng mình sẵn sàng để cho xảy đến.

Thế là nó đến. Chúng ta sống trên cơ sở những dự liệu, về tương lai, hạnh phúc là sống với một tương lai khai mở. Chán nản, suy nhược là sống với một tương lai đóng lại. Hạnh phúc là nhớ nhung, luyến tiếc. Nhớ nhung, luyến tiếc không phải là suy nhược, chán nản. Chán nản, suy nhược là thiếu vắng nhớ nhung, luyến tiếc, là tay, chân bị dĩ vãng cột lại.

Giải tỏa đủ rồi. Đi tới.

Như em lúc này. Em là ai, tôi nói, ta đã để lại
 
trọn một cuộc đời sau ta ấy thế mà tôi còn nghĩ,
em là ai, hỡi em yêu.

Mấy dòng này đã đòi hỏi không ít thời gian. Không phải là dễ dàng quay lưng lại dĩ vãng, hay đúng hơn, khiến dĩ vãng với hiện tại ăn khớp với nhau, như đã được loan báo trong khóm «như em lúc này».

Cuộc đối thoại bên trong đeo đuổi từ một cảm giác đơn độc khá dễ chịu, dù điều đó có vẻ nghịch lý, lúc này phải biến đổi thành đối thoại bên ngoài. Điều đã phải được diễn tả, đó là sự hủy bỏ khoảng thời gian đã trôi đi giữa dĩ vãng và giây lát hiện tại. Sự hủy bỏ đã được thực hiện bằng câu hỏi thật nghịch lý: em là ai, hỡi em yêu.

Mấy chữ «hỡi em yêu» bao hàm một quan hệ đã lâu ngày và «em là ai» bao hàm sự hủy bỏ thời gian đó. Trong khóm «ấy thế mà tôi còn nghĩ» lộ ra sự kinh ngạc và phiền muộn.

Tôi khá hài lòng với tất cả những điều ấy vì có cảm tưởng rằng ở đây ta có được sự giải tỏa dần dà đã bắt đầu làm tôi mỗi lúc một nóng lòng hơn. nhưng tôi không có cái cảm tưởng đã chấm dứt. Một cuộc đối thoại diễn ra từ hai phía, cần có một câu trả lời.

Nàng bao lấy khuôn mặt tôi bằng đôi bàn tay nàng
và vuốt ve mái tóc tôi.

Phải chăng là điều đó? Phải chăng là tôi lại muốn được nhận biết? Bản thân tôi lại trở thành hiển hiện?

Ta hãy coi kết quả.

Chẳng phải khuôn mặt, hoặc đôi tay, hay mái tóc, và luôn luôn là
một người khác. Cũng tựa như mùi một chiếc áo choàng,
xa lạ, gần gụi như mùi này, nhưng cũng
vô hình, cũng đã qua. Tôi nhìn đám thạch thảo,
những cây phong mù sương, cô độc và nghĩ tôi phải nói
điều đó làm sao, tôi phải nói làm sao rằng tôi,
tôi lại hạnh phúc, lại cũng đơn độc như
khi tôi đã mơ và chưa biết là về ai. Nàng
chưa có khuôn mặt, hoặc đôi bàn tay, hay mái tóc, nàng
luôn luôn là một người khác, mùi nàng thật gần gụi, nhưng
cũng thật lạ xa, như em lúc này. Tôi nói, em là ai, ta
đã để lại trọn một cuộc đời sau ta vậy mà tôi còn nghĩ,
hỡi em yêu em là ai. Em bao lấy khuôn mặt tôi
bằng đôi bàn tay em và vuốt ve mái tóc tôi.

Trong khoảng thời gian ấy, tôi cũng đã có những thay đổi trong những gì còn lại. «Em tựa như mùi» đã trở thành «cũng tựa như mùi». Điều đó phù hợp hơn với sự trừu tượng gần như mầu nhiệm của bước đầu. Nếu tôi nói «em» vào lúc này, thời tôi hãy còn quá cụ thể và quá rõ rệt. Và tất cả chưa cụ thể và cũng chưa rõ rệt đến thế vào cái toan tính đầu tiên này nhằm hiểu biết thực tại. Rồi tôi đã nói: tôi lại hạnh phúc, thay vì: tôi lại đơn độc.

Tôi đã sợ rằng, dù tôi không muốn thế, cái từ « đơn độc » kia sẽ bị giải thích sai lạc, rằng một độc giả sẽ thấy cái từ ấy buồn, trong lúc đối với tôi cái cảm giác đơn độc lại không buồn chút nào.

Dòng chót chưa hay đủ, cần phải có thêm hành động, thêm sự truyền đạt tích cực. Vậy thời:

                                                                   Nàng quàng tay
quanh đầu tôi, chạm tới tóc tôi, vén lộ khuôn mặt tôi.

Như thể nàng muốn nói: anh là ai?

15. 3. 77

Như vẫn thế, tôi đã đưa bài thơ cho một vài người bạn đọc (không có phần nhật ký, cố nhiên). Hans v. B. nhận thấy bài thơ đẹp, nhưng anh có lẽ đã ưa:

Tôi phải nói điều đó làm sao, tôi phải nói điều đó làm sao
tôi lại hạnh phúc, lại cũng đơn độc như

Thay vì:

Tôi phải nói điều đó làm sao, tôi phải nói làm sao rằng tôi,
tôi lại hạnh phúc, lại cũng đơn độc như

Tôi không biết. Quả thật là có khá nhiều ngập ngọng. Tôi đồng ý hy sinh một phần, nhưng không phải tất cả.

Tôi đã quyết định thế này:

tôi phải nói làm sao, tôi phải nói làm sao rằng
tôi lại hạnh phúc, vv.

Rồi anh lại ưa:

khi tôi đã mơ, và chưa biết là về ai. Ấy nàng

Thay vì:

                                                   về ai. Nàng

Tôi đã ngẫm nghĩ vấn đề này thật lâu. Tôi ưng Nàng hơn. «Ấy nàng» quá cá nhân, quá nhắm vào một người đặc biệt nào đó, tức là điều tôi thấy mâu thuẫn với: «luôn luôn là một người khác».

Richard de V. cũng thích bài thơ, nhưng anh thấy nó có phần tối tăm ở một vài điểm. Anh không đọc tập nhật ký của tôi trước đó, vậy thời, cũng hệt như Hans, anh đã phải bằng lòng với bài thơ. Nơi Richard đã đặt ra vấn đề, có phần chắc là, dòng đầu tiên phải đọc trong «hai thì»: quá khứ và hiện tại. Rồi xuất hiên: «Cũng tựa như, vv.» Chữ «cũng» liên hệ rất rõ với hiện tại. Theo ý anh, sự lắp ghép hiện tại-quá khứ đã diễn ra quá trễ, trong đoạn ba, để nói cho chính xác hơn. Trước cái đoạn ba này người đọc quá bối rối. Giữa «một người khác» và «Cũng tựa như», vv., cái bước phải nhảy làm cho người đọc quá lúng túng, giải đáp tới quá muộn. Đề nghị (sửa đổi) của tôi: «Cũng vẫn mùi một chiếc áo khoác xa lạ» được anh rất hân hoan chào đón.

Liên hệ với chuyện trước, một vấn đề khác do Richard nêu lên là sự thiếu minh bạch dính với chữ «khi» trong:

                                     lại cũng đơn độc như
             khi tôi đã mơ, và chưa biết là về ai.

«Khi» đưa về một chốc lát-khởi điểm, trong lúc đây đúng hơn là về một thời kỳ đã có trước, không phải là về cái lúc đã xảy ra chuyện này chuyện kia, mà là về cái thời kỳ những chuyện như thế xảy tới. Đề nghị của tôi:

                                      cũng đơn độc như xưa,
  tôi đã mơ, và không biết là mình mơ về ai. Nàng

cũng được anh ưng thuận. Chữ «chưa» bị hủy bỏ, nhưng, thực ra, nó đã nằm nơi dòng thứ chín: «chưa có khuôn mặt», vv.(*) Chính ở đó sự nối kết giữa «chẳng phải khuôn mặt, hoặc đôi bàn tay, hay mái tóc» đã được bảo đảm vững chắc. Sau hết, với tất cả sự cảm tạ của tôi, đây là văn bản chung cuộc, dứt khoát:

Chẳng phải khuôn mặt, hoặc đôi bàn tay, hay mái tóc,
                                                                         và bao giờ
cũng là một người khác. Cũng vẫn mùi một chiếc áo choàng
xa lạ, gần gụi như mùi này, nhưng cũng
vô hình, cũng đã qua. Tôi nhìn đám thạch thảo,
 
những cây phong cô độc trong sương mờ và nghĩ
ta phải nói làm sao, ta phải nói làm sao rằng,
ta lại hạnh phúc, khi vẫn đơn độc như xưa,
ta đã mơ, và chưa biết là về ai. Nàng
 
chẳng có khuôn mặt, hoặc đôi bàn tay, hay mái tóc, nàng
bao giờ cũng là một người khác, mùi nàng thật gần, nhưng
                                                                         cũng thật
lạ xa, như em lúc này. Tôi nói, em là ai,
 
ta đã để lại cả một cuộc đời sau ta vậy mà
tôi còn nghĩ, em là ai hỡi em yêu. Nàng quàng tay
quanh đầu tôi, chạm tới tóc tôi, vén lộ khuôn mặt tôi.
 
(1978)
____
(*) Mặc dù nói thế, trong bản «chung cuộc dứt khoát», tác giả cũng bỏ luôn chữ «chưa» này ở dòng 9! Tất nhiên là theo bản Paul Gellings! (ND)
 
 
----------------------
RUTGER KOPLAND là bút hiệu của R. H. van den Hoofdakker, một nhà thơ Hòa-lan rất được coi trọng tại Âu-châu hiện nay. Ông sinh tại Goor năm 1934. Khởi nghiệp từ năm 1968, đến nay đã cho xuất bản mười một thi phẩm, hai tập tùy bút và một tập du ký, ấy là chưa kể những công trình dịch thuật... Các tác phẩm của ông đã mau chóng vượt biên giới, được dịch và đọc ở các nước như Hoa-kỳ, Pháp, Đức, Bun-ga-ri,... Rutger Kopland đã được tặng nhiều giải thưởng về thơ, kể cả giải P. C. Hooft 1988, một trong những giải thưởng văn chương cao quý nhất của Hòa-lan; Giải Thi ca VSB 1998,... Ông nguyên là một giáo sư thần kinh bệnh học tại đại học Gröningen (ở phía bắc Hòa-lan), nay đã hồi hưu và sống tại Glimmen. Tác phẩm toàn bộ về Thơ của ông được in lần đầu vào năm 1999. Bản dịch tiếng Việt các bài thơ của Rutger Kopland dựa trên hai tuyển tập của ông: Songer à partir, Gallimard, Paris, 1986 và Souvenirs de l'inconnu, Gallimard, Paris, 1998. Cả hai đều do Paul Gellings dịch sang Pháp văn. Các bài tùy bút hay “nhật ký” của Rutger Kopland về thơ cũng trích từ hai tập đó. (DC.)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021