thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
30 NĂM… XÓM TÔI [3 - Chuyện nhà lão Sình]

 

Xóm tôi nằm kề bên một cái nhà máy gạch ngói. Nhà máy có hai ống khói vút cao, chọc thẳng vào bầu trời, nom oai nghiêm lắm. Nghe nói, nhà máy được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Nhiều công nhân tham gia xây dựng đã chết (vì xây hai cái ống khói), bây giờ thỉnh thoảng họ hiện hồn ra khóc lóc trêu đùa nhau. Hãi lắm. Lũ trẻ con chúng tôi hay chui vào đây để ăn trộm đất sét làm bài tập thủ công.

Cả cái nhà máy rộng lớn chỉ có một người làm bảo vệ, đó là lão Sình . Nhưng không phải vì thế mà bọn tôi có thể thoải mái vào chơi hay lấy đất. Bọn tôi rất sợ lão Sình, vì lão dữ lắm. Có hôm lão bắt quả tang chúng tôi đang móc đất (thứ đất sét dầu, nguyên liệu làm gạch ngói), lão vụt túi bụi lên đầu chúng tôi bằng chiếc roi da rất dài. Ngoài công việc bảo vệ, lão Sình còn làm thầy thuốc. Những bà những cô trót nhỡ hay “vỡ kế hoạch”, sang tháng thứ tư thứ năm, bệnh viện lắc đầu, cứ tới lão là xong hết. Chỉ một thang thuốc là tuột ra liền. Cái “bảo sanh viện” của lão Sình rất đông khách, bởi vậy, tuy phải nuôi hai vợ và bẩy đứa con nhưng nhà lão vẫn thuộc loại giầu.

Anh Phong là con lão Sình với bà vợ đầu. Anh là cả. Tôi ghét và sợ lão Sình bao nhiêu thì lại quí anh Phong bấy nhiêu. Anh Phong cao to đẹp trai, da trắng hồng, và đặc biệt anh có một cơ thể rất tuyệt, cơ bắp nổi cuồn cuộn. Trong đầu lũ trẻ chúng tôi luôn hình dung và hay kháo chuyện nhau, rằng một mình anh Phong có thể tay không bóp chết ba thằng giặc. Anh Phong kể chuyện rất hay, anh biết cơ man nào là chuyện ma, chuyện cổ tích. Cứ buổi tối nào anh kể chuyện là lũ trẻ ngồi vây vòng trong vòng ngoài im phăng phắc. Trong đám trẻ, anh Phong có vẻ quí tôi nhất. Biết tôi mê đọc truyện, anh luôn đáp ứng nhu cầu của tôi. Nào “truyện cổ Anderxen”, nào “Nghìn lẻ một đêm”, nào “Juliver du kí” … tất nhiên chỉ là cho mượn, nhưng như thế là quí lắm rồi. Sách báo thời đó không sẵn như bây giờ. Tôi còn nhớ như in, ở trang đầu mỗi cuốn sách, bao giờ anh cũng ghi một, hai câu thơ hay những câu châm ngôn, triết lí. Nét chữ nghiêng nghiêng, đều tăm tắp được viết bằng bút ngòi chấm mực có nét thanh nét đậm, đẹp tuyệt vời… Có lẽ, nhân cách tôi hình thành như ngày hôm nay, có một phần của anh Phong.

Bà vợ hai của lão Sình chỉ có một đứa con, tên là Vũ, bọn tôi gọi là Vũ “lé”. Thằng Vũ học cùng lớp với tôi, tuy bằng tuổi nhưng nó to cao mạnh khoẻ lắm. Trong lớp, không có đứa nào là đối thủ của nó. Là anh em cùng cha khác mẹ với anh Phong, nhưng nó không có điểm nào giống anh. Nó nghịch ngợm, phá phách và đặc biệt học rất dốt. Nói chung, nó có phẩm chất của một nhà lãnh đạo. Suốt mấy năm học cùng, tôi luôn là đứa phải làm bài tập về nhà cho nó. Vì nó đã chỉ định. Còn bài kiểm tra, nó phân công đứa khác.

Trong nhà máy gạch có một dẫy buồng tắm công cộng, dùng phục vụ công nhân nữ (nam giới không cần tắm trong phòng). Phía sau dẫy buồng tắm có một cây ổi to, một cành của nó vươn trùm lên nóc nhà tắm. Thằng Vũ bèn “phát minh” ra trò trèo lên cái cành đó để dòm phụ nữ tắm. Thỉnh thoảng, nó còn rủ thêm mấy đứa đi cùng. Bình thường, nó luôn là đứa xem đầu tiên (và lâu nhất. Vì cành ổi này chỉ chịu được từng đứa một), nhưng hôm đó không hiểu sao đứa xem đầu tiên lại là thằng Cổ (con trai thứ ông Bá Cò). Thằng Cổ xem say mê, mãi không chịu xuống, thằng Vũ phải lấy súng cao su bắn hai phát nó mới chịu xuống. Xuống tới nơi, nó hả hê: “Hay quá!” Thằng Vũ thoăn thoắt leo lên, nhưng chưa đầy hai phút thì nó tụt xuống và ra lệnh tất cả phải đi về. Mặt nó hằm hằm, rất hãi, nên mặc dù đang háo hức nhưng không đứa nào dám phản đối.

Mấy hôm sau, thằng Cổ kể với bọn tôi, rằng trong buồng tắm hôm đó là mẹ thằng Vũ, và đặc biệt, có cả lão Tiện “lác”, tắm chung.

Lão Tiện “lác” cũng là cư dân xóm tôi, lão hành nghề hoạn lợn. Một tuần sau cái vụ đó xẩy ra, nhà lão Tiện bị cháy.

Tuần lễ tiếp sau, lão Sình đánh vợ (mẹ thằng Vũ) liên tục. Mà đánh rất ác. Có hôm lão lột quần áo bà ta, vừa đánh vừa đuổi ra đường. Thằng Vũ bênh mẹ, vác dao chém bố, may trượt, chỉ bị thương nhẹ. Rồi nó và mẹ nó bỏ nhà đi mất tăm. Năm đó, nó đang học lớp bẩy.

Anh Phong tốt nghiệp lớp 10 (phổ thông trung học) với số điểm tối đa, nguyện vọng của anh là thi vào đại học kiến trúc, nhưng lão Sình không chịu. Lão Sình sắm được cỗ xe bò, lão bắt anh nghỉ học đi xe bò kéo. Thời đó đi xe bò kéo làm tốt tiền. Vì việc này mà anh Phong cãi nhau to với lão Sình. Tôi còn nhớ, anh bảo với lão Sình thế này: “Bố không chịu nhìn xa, con tiếp tục học, sẽ có tương lai hơn. Nghề xe bò kéo chỉ là nhất thời. Mai đây, đất nước hiện đại hoá, làm gì có chỗ cho xe bò? Tương lai sẽ thuộc về trí thức. Bố đừng có mà quyết định độc tài như thế.” Lão Sình rít lên: “Mẹ cha mày. Đại học với tiểu học cái tổ sư mày. Mày bảo bố mày là độc tài phỏng? Địt mẹ, ông cho mày biết thế nào là chuyên chính vô sản.” Rồi lão đánh anh Phong một trận tơi bời. Một trận đòn ghê rợn. Tôi chưa từng thấy ai đánh con như lão Sình. Kể ra anh Phong cũng dại mồm. Gọi nhà độc tài là độc tài là điều nguy hiểm, còn nguy hiểm hơn cả gọi gái đĩ là đĩ.

Cuối cùng anh Phong cũng phải khuất phục lão Sình. Nhưng anh cũng chẳng theo nghiệp xe bò kéo lâu la gì. Một năm sau khi anh trở thành tài xế xe bò thì xẩy ra chiến tranh biên giới phía Bắc. Anh Phong viết đơn xung phong nhập ngũ.

 

*

 

Công cuộc đổi mới cơ cấu kinh tế khiến bộ mặt đô thị thay đổi chóng mặt. Cái nhà máy gạch với hai ống khói uy nghi chọc thẳng lên trời năm xưa không còn nữa. Thay vào đó là một khách sạn liên doanh với nước ngoài, 30 tầng lừng lững. Người ta vẫn giữ lại hai cái ống khói, như một thứ di tích. Nhưng nay trông chúng yếm thế thảm hại.

Tôi xa nhà hơn mười năm, nay trở lại ngỡ ngàng.

Lão Sình chết. Lão chết sau năm năm ngồi thiền, nhịn ăn. Sau khi lão chết một tuần người ta mới phát hiện, bởi lão thiền một mình trong một chiếc am cỏ phía tây Hà thành. Xác lão khô đét, bộ mặt thanh thản, cặp mắt khép hờ như người ngủ gà. Đám tang lão khá to, có cả chủ tịch phường – chính là thằng Vũ – tới đọc điếu văn. Trong am, người ta thấy rất nhiều những bức thư pháp tuyệt kĩ, nội dung là những áng văn thơ của chính lão Sình. Sau này, những di sản đó được trưng bầy trong nhà truyền thống phường. Nghe đâu, nhà nước đang có kế hoạch đệ trình Unesco đưa số di sản đó vào danh sách di sản văn hoá nhân loại.

Sau cái đận bà vợ hai và thằng Vũ bỏ đi, cộng với việc anh Phong vứt chiếc xe bò đi bộ đội, lão Sình đâm rượu chè be bét. Nền công nghệ bao cao su thuốc tránh thai phát triển cũng là một tác nhân khiến gia cảnh lão sa sút trầm trọng. Lão Sình quá chán đời, nên lão quyết định tự tử bằng một liều thuốc hỗn hợp gồm: hai thang thuốc sổ thai cộng hai liều bả chuột của trung tâm công nghệ hoá mầu cộng hai tép he-rô-in cộng hai vỉ thuốc ngủ cộng hai viên thuốc lắc. Nhưng lão đã không chết. Không phải vì được cấp cứu kịp thời mà chắc do lão chưa tới số. Cái bài thuốc dùng để tự vẫn của lão chỉ khiến lão ngủ ba ngày. Sau khi tỉnh dậy, lão rụng hết tóc, cấm khẩu và rất giỏi làm thơ. Mấy tháng sau, lão tậu một mảnh đất con con ở phía tây Hà thành, dựng lên cái am cỏ. Lão ngồi thiền, sống bằng nước lã khí giời và làm thơ, viết thư pháp.

Tôi gặp lại anh Phong rất tình cờ. Hôm đó, ngồi trong quán nước trà đầu ngõ, tôi thấy anh đang đi thất thểu. Tôi nhận ra anh ngay, mặc dù anh đã kém phong độ đi nhiều. Vẫn nước da trắng, nhưng không hồng hào mà xanh mét, còn những cơ bắp khi xưa tôi từng thán phục nay đã biến mất cả.

Anh em găp nhau tay bắt mặt mừng, rồi anh cho tôi biết hoàn cảnh anh bây giờ… Sau khi giải ngũ, anh không xin được việc làm, mặc dù các anh chị em giờ đây ai cũng khá giả, nhưng vốn khái tính nên anh kiên quyết không nhờ vả ai, hiện anh đang sống bằng nghề đạp xích lô. Rồi anh bảo: “Hôm nay gặp lại chú cũng là cơ duyên. Xe anh hỏng, đang phải sửa nên anh mới lang thang thế này. Còn bình thường, bận chạy xe chắc gì đã gặp được nhau … À ! chú cho anh mượn năm chục, mai anh gửi trả ngay, anh thêm vào trả tiền công sửa xe. Xe kì này hỏng nặng phải thay nhiều thứ quá …!”

Hai hôm sau, tôi phải ra uỷ ban nhân dân phường để xin chứng nhận tạm trú. Gặp ngay thằng Vũ “lé”, nó to béo bệ vệ, nói năng sang sảng. Gìơ nó là chủ tịch uỷ ban nhân dân phường. Nó cũng nhận ra tôi ngay. Cũng tiện. Chính vì thế mà tôi xin được cái giấy tạm trú rất nhanh chónh, không có chút phiền hà gì. Khi chia tay, nó rỉ tai tôi: “Thích ‘hàng sống’ không? Tớ chiều. Nhà hàng này tớ bảo kê, đảm bảo hàng ‘Việt Nam chất lượng cao’. Thích ‘bóc tem’ cũng có? Chủ nhà hàng là con Lan ‘tây’, nhớ không? Tớ chiêu đãi cậu để trả ơn làm bài tập về nhà đấy nhá … hé… hé … hé.”

Trên đường từ uỷ ban về nhà, tôi nhìn thấy anh Phong (vẫn đi bộ thất thểu), tôi gọi anh, định rủ anh làm mấy vại bia hơi. Anh Phong nghe tôi gọi, anh quay lại, nhìn tôi vẻ sững sờ, rồi anh cắm cổ chạy rõ nhanh.

Hết sức ngạc nhiên về thái độ anh Phong, trong bữa cơm tối hôm đó, tôi mang câu chuyện ra kể với mẹ. Bà nghe xong, cười tủm tỉm rồi bảo: “Từ khi nó xuất ngũ đến nay, có chịu đi làm đi ăn gì đâu. Cũng có lần làm bảo vệ cho một cơ quan, nhưng được đâu nửa tháng thì nó dẫn quân vào khoắng sạch kho của người ta. Bị bắt, đi tù hai năm. Bây giờ nó nghiện hê-rô-in, toàn vật vờ ăn cắp vặt, ‘xin đểu’, ‘vay đểu’. Mẹ cũng bị nó ‘vay đểu’ một lần. Thôi, coi như đánh rơi.”

 

*

 

30 năm thống nhất. Gần 20 năm đổi mới. Bộ mặt xã hội thay đổi như rồng cuốn. Xóm tôi cũng vậy. Từ nhà cửa đường xá xe cộ tới con người, thay đổi như hổ vồ.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021