thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Dưới hoa và chim

 

1.

 

Và rồi tiếng chim cu cườm lại cất lên.

Tiếng chim vang đến mi từ dưới tán lá bìm bìm nở rực hoa và phủ đầy mái hiên.

Tán lá dầy mượt đầm đìa mưa đang che chở cho chim cu cườm nhưng không thể che phủ hàng trăm cánh hoa rực hồng của chính nó khi mà những lòng hoa cứ mở thoáng trước những giọt mưa linh loạn nhảy múa.

Hoa bìm bìm rì rầm trong mưa như những chiếc phong linh nhưng thanh âm của nó thì không dễ gì nghe được.

Chim cu cườm thì kêu bên hoa, gióng giả từng tiếng một, cứ ba âm một lần.

Mi thì ngồi dưới hiên trước hoa.

Mỗi bận vào ra mi đều phải luồn cúi dưới tán hoa bìm và luồn cúi dưới tiếng chim cu cườm ấy.

Những luồn cúi ấy khiến mi bật cười vì mi đang tách mình làm hai, mi đang quan sát mi, như đang quan sát hoa và chim.

Nếu có ở đây, cô ấy chắc hẳn nói rằng mi rất biết cúi luồn. Dưới hoa và chim mi đã cúi luồn. Còn những gì đáng cúi luồn hơn thì mi không làm hoặc là không biết. Hoặc có thể, chắc chắn hơn, cô ấy nhìn mi mà im lặng.

Hay là gọi cô ấy lên đây. Gọi cái im lặng ấy lên đây. Gọi cái im lặng ấy bước vào trong cõi hoa và chim này.

Ðể làm gì khi cái im lặng trường kỳ ấy đã đẩy mi ra xa.

Ðã bao lâu rồi từ khi cô ấy bắt đầu im lặng sao mi không nhớ. Một tuần, một tháng hay một mùa?

Và nguyên cớ của cái im lặng ấy sao mi không biết gì?

 

2.

 

Và rồi tiếng chim cu cườm lại cất lên.

TỤC – TÊ – TÊ

Mi lên tiếng và cô ấy chỉ im lặng.

Mi hỏi một điều gì đó và cô ấy không trả lời.

Mi đòi giải thích và cô ấy dửng dưng.

Mi thử chạm tay vào vai cô ấy. Cô ấy không buồn động dậy, chỉ nằm im và nhắm mắt.

Mi nổi giận, thực thế. Nhưng vô ích.

Cô ấy chỉ im lặng dù mi tìm mọi cách xuyên phá bức tường vô thanh.

Mi cảm thấy tiếng nói – tiếng hét – tiếng gầm gừ của mình không hề vang lên.

Tiếng kêu của mi ư? Không có cả tiếng vọng của chính nó.

Vậy thì chính tiếng nói của mi mới lặng im một cách đáng sợ.

Trong khi cái lặng im của cô ấy thì vang rền trong đầu mi, ong ong bên trong mi, cuộn sóng ầm ầm vây quanh mi. Dù thế, bên trên bề mặt của niềm im lặng ấy, không có gì xao động.

Thì ra tiếng vọng của lặng im không phải là im lặng mà chính là cái dư vang sấm sét ấy.

Cô ấy nằm im, cuộn chăn quanh mình hoá thành chiếc kén trắng.

Cô ấy dệt cái im lặng thành kén, cái im lặng rút ra từ bên trong cô ấy.

Cô ấy làm loãng cái im lặng thành nước, trải nó thành hồ quanh mình và cô bơi lặng lờ trong đó như một con cá lười lĩnh.

 

3.

 

Và rồi tiếng chim cu cườm lại cất lên.

MỆT – MÊ – MÊ

Trước đây, trong buổi mới gần nhau, đã từng có những khoảnh khắc im lặng tuyệt vời giữa hai người, một niềm lặng im huyền ảo, mê man, đầy hơi thở và ý nghĩa.

Ðó là niềm im lặng của hai bàn tay đan chặt nhau, hai áng tóc quyện nhau, hai niềm cô đơn lan toả vào nhau, thấm sâu vào nhau.

Hai niềm cô đơn đã từng mê đắm nhau.

Cái cô đơn xa xưa ấy, cái niềm im lặng xa xưa ấy đã chết.

Và khi cái im lặng mới, cái cô đơn mới xuất hiện, nó hoàn toàn đáng sợ.

Mi đã diễn giải cái im lặng mới tinh ấy ở nơi cô bằng nhiều cách.

Giận dỗi vì mi đi về bất thường.

Giận dữ vì mi thường say rượu.

Tức giận vì mi không quan tâm đến sức khỏe cô ấy.

Căm giận vì mi không còn là mi như thể con người phải đông cứng chứ không thể khác đi. Mà mi thì sợ tù đọng.

Nhưng diễn giải thì diễn giải, mi vẫn không hiểu không rõ không chắc và không thể thấu suốt niềm im lặng của cô ấy.

Vậy là mi rời xa cô ấy để lên đây, lên phố núi này vốn là nơi ẩn náu của mi những khi cần thiết.

Chính cái im lặng của cô ấy khiến phố núi vẫy gọi mi và một lần nữa mi cảm thấy sự cần thiết của ẩn náu.

? trang viên này, căn phòng của mi trở thành một hang động mà cửa hang phủ hoa bìm bìm.

Không chỉ vậy, mi rút lui vào bên trong mi.

Còn nơi chốn nào xa hơn là ở bên trong của chính mình, nơi mà mặt trời mọc và lặn phải tuân theo một quy luật khác.

 

4.

 

Và rồi tiếng chim cu cườm lại cất lên.

HỰC – HÊ – HÊ

Em thật lạ, mi nói.

Em muốn gì thì phải lên tiếng.

Im lặng là khi không thể lên tiếng nhưng cái “không thể” ấy lại có thể xuất hiện giữa chúng ta sao?

Em im lặng cũng được, nhưng cái im lặng của em phải nói lên một điều gì đó. Đằng này...

Cái im lặng của em thì vô nghĩa.

Và cái im lặng của em cũng làm tiếng nói của anh trở nên vô nghĩa.

Đó là điều không thể chấp nhận được.

Có thể là anh đã có một lỗi lầm nào đó. Nhưng một lỗi lầm không thể được chỉ ra bằng niềm im lặng.

Trước khi lên đây, mi tuyên bố là mi ly dị cái im lặng đó.

Anh ly dị cái im lặng của em.

Em cần biết rằng cái mà anh ly dị chính là sự im lặng của em, chứ không phải là bản thân em.

Nhưng lên đây rồi thì mi thấy làm sao mà có thể tách niềm im lặng của một người ra khỏi người ấy.

Vì lời nói gió bay.

Còn niềm im lặng thì không. Im lặng tựa như hư vô. Cả hai không thể bay theo gió loạn.

Thế rồi mi lên đây nhưng vẫn không ra khỏi cái từ trường đáng sợ là niềm im lặng của cô ấy.

Trong cái từ trường mênh mông ấy, mi chờ đợi một tiếng gọi.

Không có tiếng gọi nào.

Chỉ có gió.

Chỉ có thông reo dưới thung lũng.

Chỉ có tiéng mưa rơi trên lá trên hoa.

 

5.

 

Và rồi tiếng chim cu cườm lại cất lên.

THỰC – THÊ – THÊ

Mỗi lần cất tiếng, con chim cu cườm ẩn trong tán hoa bìm bìm ấy chỉ buông ra ba âm, như một điệu thơ tuyệt ngắn.

Nó láy đi láy lại một điều gì đó, không cách nào nghe rõ. Do vậy, mỗi lần nghe có hơi khác một chút.

Thế rồi thay vì tiếp tục diễn giải cái im lặng của cô ấy, mi quay sang diễn giải tiếng chim cu cườm.

Nó kêu thế nào nhỉ?

Nghe bao nhiêu lần rồi mi vẫn không thể phiên âm tiếng gáy ấy.

Ban đầu mi thấy tiếng gáy cu cườm rất trữ tình, nghe như là tiếng ai đang gọi gái thơ: CẬP – KÊ – KÊ

Đó là một diễn giải gần như bịa đặt, gợi đến con gái đương thì. Có phải mi đang nhớ đến cô gái cùng làng ngày xưa?

Sau đó, cơn mưa dai dẳng trên tán hoa bìm đẩy mi vào trạng thái liêu xiêu, uể oải và nghe tiếng cu cườm buông từng tiếng một: LỆCH – LÊ – THÊ

Như thể là mi đang phiêu lưu vào một xứ sở kỳ lạ, nơi cư dân chỉ nói một lần ba âm đứt quãng và ai đó đang phiên dịch cho mi những ý nghĩa mơ hồ, bất định.

Tuy chim cu cườm không thể sửa giọng theo bi kịch của mi, nhưng mi vẫn “nghe ra” những ý nghĩa buồn cười trong tiếng nó gáy.

Vậy thì bi kịch của mi đã hoá thành buồn cười rồi: RỰC – RÊ – RÊ

Mi không buồn nữa. Mi chỉ buồn cười thôi. Và cái gì buồn cười? Tiếng gáy cu cườm? Niềm im lặng cô ấy? Mi vào ra, luồn cúi dưới tán hoa bìm bìm?

 

6.

 

Và rồi tiếng chim cu cườm lại cất lên.

... – ... – ...

 

 

 

---------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021