thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sống và chết

 

Riêng gửi nhà thơ Hoàng Ngọc Biên
& nhà thơ Tú Trinh

 

 

SỐNG VÀ CHẾT

 

(1)

 

Trên bàn làm việc của tôi có một tập lịch nho nhỏ. Mỗi trang lịch được in hai mặt: một mặt in ngày tháng năm, mặt bên kia in mười hàng kẻ để trống cho người dùng có thể ghi chép những việc cần làm trong ngày; bên dưới mười hàng kẻ trống đó, mỗi ngày có một câu danh ngôn được in sẵn.

Hàng ngày, trước giờ làm việc, tôi thường hay lật một tờ lịch, viết vắn tắt vài dòng cho công việc mỗi ngày, đọc câu danh ngôn in bên dưới, ngồi ngẫm nghĩ một chút rồi bắt tay vào làm việc. Có những câu danh ngôn hay làm tôi suy nghĩ suốt ngày hôm đó. Thậm chí thỉnh thoảng có một câu danh ngôn rất hay, khiến tôi phải ngừng lật lịch vài hôm sau, để tiếp tục suy nghĩ cho cặn kẽ ý tưởng mà câu danh ngôn ấy muốn nhắn nhủ cho tôi.

Dưới đây là một câu đã làm cho tôi ngẫm nghĩ một thời gian dài.

“You don’t get to choose how you’re going to die.

Or when.

You can only decide how you’re going to live.

Now.”

(Joan Baez)

Từ lúc phát hiện bị bệnh ung thư, chỉ hơn hai năm sau thì Thầy tôi mất, sự ra đi của Thầy làm cho tôi càng suy nghĩ nhiều hơn về sống và chết. Mọi biến chuyển về sức khoẻ của Thầy tôi diễn ra thật nhanh chóng. Từ một người vui tươi, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát, thích đi đây đi đó, thích học hỏi thêm những điều mới lạ, sau hai năm bị bệnh, Thầy tôi phải nằm một chỗ, và rồi, ông đã ra đi vĩnh viễn. Ông đã phải chịu mệt mỏi và đau đớn rất nhiều vì căn bệnh ung thư hiểm nghèo.

Giờ đây, sau khi Thầy tôi đã qua đời, các học trò và bằng hữu của ông đã tỏ lộ sự thương tiếc thành lời qua các bài văn xuôi và các bài thơ. Thầy tôi đã không có được cái quyền để chọn lưa cái chết cho ông, nhưng ông đã có sự chọn lựa cách sống mỗi ngày. Thầy tôi ra đi nhưng ông vẫn còn để lại những kỷ niệm đẹp đẽ; ông là một tấm gương để chúng tôi noi theo; ông sống mãi trong lòng chúng tôi.

Vài năm gần đây, tôi thường hay suy nghĩ về sống và chết. Tôi cũng không có quyền chọn lựa cái chết, nhưng tôi được quyền chọn lựa cách sống cho mình. Tôi vẫn cứ suy nghĩ, mỗi ngày mình nên sống như thế nào cho đẹp?

 

(2)

 

Ngày bắt đầu bằng tia sáng mặt trời. Mặt trời đem ánh sáng, hơi ấm và nhựa sống đến cho vạn vật. Dưới ánh sáng mặt trời, cây cỏ reo vui, đua nhau vươn cao lên, đâm những chồi non, nở những nụ hoa muôn màu muôn sắc. Trẻ con chạy nhảy vui đùa, lớn lên, tràn đầy sức sống. Cuộc sống với những sôi nổi, tưng bừng, rộn rịp, hân hoan diễn ra dưới ánh mặt trời rực rỡ.

Ngày rồi cũng sẽ kết thúc khi màn đêm buông xuống. Ngày đã ra đi. Thay vào đó là màn đêm yên ả, sâu lắng, được trang điểm bởi vầng trăng và những ánh sao. Đêm tĩnh lặng đã ban cho vạn vật sự yên nghỉ dịu êm

Ngày và đêm — sống và chết.

 

(3)

 

Trên một bức tranh tuyệt đẹp, người hoạ sĩ pha trộn những màu sắc xanh da trời, đỏ, xanh lá cây và vàng để tạo nên những màu mới. Màu rực rỡ của niềm vui, màu tươi thắm của sự yêu thương, màu dịu ngọt của hạnh phúc, màu ảm đạm của nỗi cô đơn, đó là những màu sắc của sự sống.

Để làm nổi bật lên vẻ đẹp của những màu sắc kia, người hoạ sĩ đã dùng màu đen. Màu của sự sâu thẳm, màu của sự lắng đọng, màu của cái chết.

Màu sắc lộng lẫy và đen thẫm — sống và chết.

 

(4)

 

Âm nhạc bắt nguồn từ những âm thanh trong cuộc sống, nó phản ánh tình cảm của con người. Những nốt nhạc trầm bổng Đô, Rê, Mi, Fa, Sol, La, Si. Những nốt tròn, nốt đen, nốt móc đơn, nốt móc kép... tạo nên trường độ nhanh chậm. Âm nhạc có cao độ, trường độ, cường độ và âm sắc như nhịp sống của vạn vật. Nốt cao, nhanh và mạnh cho ta cảm giác của niềm vui, niềm hân hoan, niềm hạnh phúc. Nốt thấp, chậm và nhẹ cho ta cảm giác buồn, cô đơn.

Và trong âm nhạc còn có những dấu lặng. Những dấu lặng tròn, lặng trắng, lặng đen, lặng đơn, lặng kép... cho ta những ngưng nghỉ, không âm thanh, im lặng.

Trầm, bổng, nhanh, chậm và lặng im — sống và chết.

 

(5)

 

Trong cuộc sống hàng ngày, tôi và những người thân trong gia đình và bạn bè thường hay chia sẻ những niềm vui và những nỗi buồn lo với nhau. Chúng tôi khuyến khích, an ủi, khuyên bảo nhau. Tôi yêu thương, chăm sóc những người thân và bạn bè; và những lúc nào tôi cần có sự giúp đỡ, họ luôn có mặt bên cạnh tôi (trực tiếp hoặc gián tiếp), và ngược lại. Một cách nôm na, tôi gọi mối quan hệ hàng ngày này của tôi là “sống”.

Khi đối diện với một hoàn cảnh bế tắc, không có lối nào thoát, khi những gì mà cuộc sống không còn giúp được cho mình nữa, người ta nghĩ đến cái “chết”. Không phải là người ta tự tử để tìm lối thoát đó sao? Hoặc trong trường hợp người ta bị những cơn đau của bệnh tật hành hạ mà các bác sĩ không thể giúp được nữa, cuộc sống không còn có giá trị gì nữa, thì người ta tìm đến cái chết, để chấm dứt những đau đớn kia, phải không?

Tôi nghĩ rằng “chết” là cứu cánh cho một số trường hợp, và “chết” cũng nên được xem như một người bạn. Vì một người bạn chân tình là người sẽ hiện diện bên ta khi ta gặp hoạn nạn, giúp cho ta những lúc ta cần.

Có nhiều người sợ hãi khi nghe đến cái “chết”, nhưng tôi đã bắt đầu làm quen với người bạn này, và dần dà tôi không cảm thấy sợ hãi khi nghe nói đến cái chết nữa.

Hàng ngày, tôi vẫn luôn yêu thương, trân trọng, quý giá người bạn “sống” của tôi, nhưng người bạn “chết” vẫn luôn đồng hành với tôi. Một ngày nào đó, khi tôi đưa tay ra, người bạn “chết” sẽ ân cần nắm tay tôi như tôi đang được người bạn “sống” ân cần với tôi vậy.

 

22/07/2011

 

 

---------------------
Bấm vào đây để đọc những bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm đã đăng trên Tiền Vệ.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021