thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tuột xích

 

 

TUỘT XÍCH

 

Trích tiểu thuyết Thang máy Sài Gòn [chưa xuất bản]

 

Tin chú Điền “tuột xích” ở lại Pháp do công an khu vực báo một cách không chính thức cho vợ con chú Điền. Công an khu vực bất ngờ bước vào nhà, đứng giữa phòng khách, đưa mắt nhìn quanh rồi hất hàm hỏi vợ chú Điền: — Chị có tin tức của anh Điền?

Vợ chú Điền không có tin tức gì của chú, nhưng linh cảm thấy chuyện chẳng hay, nên im lặng nhìn xuống mười đầu ngón chân.

Công an khu vực chỉ vào chiếc áo màu trứng sáo và chiếc quần bộ đội của chú Điền vẫn treo ở mắc, hỏi tiếp: — Trước khi đi anh Điền có biểu hiện khả nghi?

Vợ chú Điền lắc đầu, lần nào đi công tác xa, chú cũng về quê thăm bố mẹ và các em.

Công an khu vực lại chỉ vào cuốn từ điển Pháp-Việt của chú Điền vẫn để trên giá sách, hỏi tiếp: — Anh Điền có họ hàng ở Pháp?

Vợ chú Điền lắc đầu lần nữa, lý lịch chú khai thế nào thì vợ chú tin thế ấy.

Trước khi đứng lên, công an khu vực nhìn thẳng vào mắt vợ chú Điền, nghiêm giọng: — Bất cứ khi nào có tin tức của anh Điền, chị phải có nhiệm vụ báo ngay cho chúng tôi.

Trong lúc vợ chú Điền còn đang cuống cuồng sợ hãi thì công an khu vực rẽ vào nhà ông tổ trưởng khu phố, đặt lại tất cả các câu hỏi vừa đặt cho vợ chú Điền, cũng không nhận được câu trả lời khả quan hơn. Trước khi ra khỏi cửa, công an khu vực nhìn thẳng vào mắt ông tổ trưởng rồi nghiêm giọng: — Bất cứ khi nào có dấu hiệu khả nghi từ vợ con anh Điền, ông phải có nhiệm vụ báo ngay cho chúng tôi.

Trong lúc công an khu vực về văn phòng gọi điện lên Sở báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo thì khu tập thể nhà chú Điền náo loạn bởi tin chú Điền “tuột xích”. Hai chữ này, không biết ai là người nghĩ ra đầu tiên, nhưng ngay lập tức trở thành hai chữ được sử dụng nhiều nhất trong toàn khu. Chúng vang lên ở khắp mọi nơi, bên máy nước công cộng, trên cầu thang, giữa sân, ngoài cổng, bên hành lang, thậm chí cả trong mấy hàng dài rồng rắn trước quầy bánh mì phân phối hay trước hố xí tập thể nằm ở góc sân chung... Đầu tiên, người ta nói với nhau thế này: trên đường đi Cuba, chú Điền đã “tuột xích” ở Pháp. Mấy tiếng sau, người ta nói với nhau thế này: trên đường đi Cuba, vừa đặt chân tới sân bay Paris, chú Điền đã “tuột xích” lại nhà họ hàng ở Pháp. Ngày hôm sau, người ta nói với nhau thế này: họ hàng ở Pháp của chú Điền trước năm 54 từng phục vụ cho quân đội Pháp (vì thế chú mới không dám khai vào lý lịch), bây giờ đã giải ngũ và làm chủ mấy quán ăn Việt Nam ở Paris, rất cần một kỹ sư thực phẩm có khả năng chế tạo từ chất liệu Tây Âu các loại đặc sản Bắc Kỳ như đậu phụ, tương Bần, mắm tôm, trứng vịt lộn. Họ đã liên lạc với chú Điền và ngỏ ý mời chú qua Pháp hợp tác, họ bảo chỉ cần chú đặt chân tới sân bay Roissy, phần còn lại họ sẽ chịu trách nhiệm, bảo đảm trả lương tương đương kỹ sư thực phẩm Pháp. Điều này giải thích tại sao trong khi các kỹ sư Viện Thực phẩm Hà Nội tranh nhau đi Liên Xô, Đông Đức, Tiệp Khắc thì chú Điền chỉ lẳng lặng đăng ký một suất đi Cuba ngắn ngày, chú đã tìm hiểu và biết rằng máy bay Mạc tư khoa—La Habana nhiều phần trăm phải ghé Paris để mua thêm xăng và bánh mì đũa, rất tiện lợi cho kế hoạch “tuột xích”.

Từ ngày hôm đó trở đi, vợ và con gái chú Điền không dám ló mặt ra ngoài. Thời ấy, dân thủ đô có thể ghen tức với nhau chỉ vì cùng là gạo bán theo sổ nhưng nhà này mua được chỗ ít mốc hơn nhà kia, cùng là cán bộ công nhân viên nhà nước nhưng nhà này ăn rau muống ngoài còn nhà kia ăn rau muống mậu dịch. Vì thế cái sự kiện chú Điền “tuột xích” ở Pháp, được đón tiếp nhiệt tình, được trả lương hậu hĩnh... khiến cả khu tập thể nhà chú Điền mất ăn mất ngủ một thời gian dài. Chẳng ai có đủ bình tĩnh để suy tính xem những tin đồn ấy có đáng tin cậy hay không, và vào cái giờ phút mà ai nấy lồng lộn lên trước sự may mắn hiếm có của chú Điền thì rất có thể chú đang lang thang ở một gầm cầu hay một xó xỉnh nào đó của thành phố Paris, không có giấy tờ nên chú không dám lai vãng những nơi công cộng xin một chân bốc vác hay lau cửa kính, là đảng viên và cán bộ của miền Bắc xã hội chủ nghĩa chú cũng không dám gõ cửa cộng đồng Việt kiều xin một chân rửa bát hay phụ bếp, sứ quán đương nhiên là nơi chú tránh từ xa, được người qua đường hảo tâm cho ít quan Pháp và rất muốn đánh một bức điện về nhà cho vợ con nhưng qua một đêm suy nghĩ, chú đành lắc đầu tự nhủ chưa phải lúc.

Từ ngày hôm đó trở đi, vợ và con gái chú Điền không dám ló mặt ra ngoài. Sau mấy hôm nằm nhà, vợ chú bị cơ quan gọi lên làm kiểm điểm và nhận quyết định thôi việc. Sau mấy hôm nằm nhà, con gái chú bị ban giám hiệu gọi lên làm kiểm điểm và nhận quyết định chuyển sang lớp dành cho học sinh cá biệt. Tổ trưởng khu phố và công an khu vực thay nhau hằng ngày viết báo cáo lên trên. Hai mẹ con đi đâu, làm gì, gặp ai, lúc mấy giờ, thậm chí mặc áo hoa hay áo trơn cũng được trình bày chi tiết.

Cho đến khi một tin sét đánh nữa lại nổ ra giữa bầu trời toen hoẻn của khu tập thể nhà chú Điền: một người quen của một người quen của một người quen của một ai đó, trong lần quá cảnh tại Paris, mang ô mai sấu phố Hàng Điếu ra ngồi bán ở phố Tolbiac, gặp chú Điền khoác tay thân tình một phụ nữ Việt kiều. Sau ngày “tuột xích”, chú đã vào dân Tây và lấy tên Tây, chú trẻ ra, nhanh nhẹn và ăn mặc rất oách, chú không còn phụ trách sản xuất đậu phụ và tương Bần cho quán ăn của họ hàng mà làm chuyên viên nghiên cứu thị trường cho một công ty đang có kế hoạch xuất khẩu rượu vang đỏ và pho-mát bò cười sang Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Tuy thế, cái tin sét đánh này khiến cơn ghen tập thể tăng nhiệt nhanh bao nhiêu thì cũng hạ nhiệt chóng bấy nhiêu: trong vòng nửa ngày, nó kịp biến thành lòng thương hại, đương nhiên cũng mang tính tập thể. Người ta nối đuôi nhau gõ cửa nhà chú Điền để chia buồn cùng vợ và con gái chú. Mấy hôm sau, vợ chú được cơ quan gọi lên đề nghị đi làm lại, còn con gái chú được ban giám hiệu gọi lên cho phép quay về lớp cũ.

Một buổi chiều, căn hộ nhà chú Điền mở toang, một cặp vợ chồng mới từ đâu chuyển đến đang hăng hái vứt ra cửa những thứ mà vợ và con gái chú Điền đã cố tình bỏ lại — chiếc áo màu trứng sáo và chiếc quần bộ đội cùng toàn bộ sách vở của chú Điền, trong đó có cuốn từ điển Pháp-Việt Đào Đăng Vỹ cũ kỹ, vừa hăng hái vứt ra đã có người hăng hái lấy đi, thời ấy trí thức thủ đô vẫn chưa có mốt học tiếng Pháp để đi Pháp luyện tiếng Pháp nhưng một quyển từ điển cũ hay mới cũng được chai chè đồng nát thủ đô trả vài chục đồng tương đương với hai bát phở mậu dịch thủ đô. Buổi tối cùng ngày, bên hành lang của khu tập thể, cặp vợ chồng mới chuyển đến lại hăng hái thông báo với hàng xóm rằng vợ chú Điền đã được một người đàn ông goá vợ cùng cơ quan thông cảm hoàn cảnh và đón về chăm sóc cả hai mẹ con. Nhưng đó chỉ là một dạng “góp gạo thổi cơm chung” mà thôi vì có muốn hợp lý hoá cũng không có quyền: vợ chú Điền trên giấy tờ vẫn là vợ chú Điền, chú Điền trên giấy tờ vẫn đang thực tập tại Cuba, hai chữ “tuột xích” trên giấy tờ vẫn chỉ dùng cho các loại xe đạp.

Từ đó, người ta ít nhắc đến chuyện chú Điền. Cơn ghen tập thể lần lượt tìm được những đối tượng khác không hề kém cạnh chú Điền: một chị ế chồng bỗng dưng lọt vào mắt một chuyên gia Thụy Điển được cử sang làm lại hệ thống máy nước cho toàn thành phố Hà Nội. Một ông cả đời chưa bao giờ được sờ đến đô-la, đi công tác vào Sài Gòn tình cờ mua ở chợ trời Huỳnh Thúc Kháng một cái đài bán dẫn cũ giá chưa tới một bát phở, về nhà mở không kêu, đem búa tạ ra phá thì tá hoả thấy một tập tiền xanh lịm. Nhưng ấn tượng nhất là một anh thất nghiệp thuộc loại nghèo nhất khu, chạy chọt được một chân xuất khẩu lao động ở Liên Xô, sau một hồi đánh quả, được dân làm ăn bên ấy phong hẳn chức “soái”, tháng nào cũng ùn ùn gửi về cho gia đình một công-tơ-nơ hàng biển cơ man tủ lạnh, giữa tủ lạnh lại cơ man nồi hầm, rồi giữa nồi hầm lại cơ man vòng bi và thuốc kháng sinh, cái này lồng vào cái kia gia đình mở mãi mà không hết, y hệt như người ta mở những con búp bê Matriochka xinh đẹp của nước Nga.

Độc giả thân mến, đến giờ phút này, hai chữ “tuột xích” trên giấy tờ vẫn chỉ dùng cho các loại xe đạp, hoặc một đôi khi cực chẳng đã để ám chỉ hiện tượng xuất tinh sớm ở nam giới; tuy vậy, chúng đã tồn tại với một ý nghĩa khác, thú vị hơn, trong câu chuyện có thật của một người đàn ông tên Điền, xảy ra vào những năm đầu tám mươi của thế kỷ trước.

 

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021