thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Quên Henry Miller / Nhớ Phạm Công Thiện

 

Develop an interest in life as you see it; the people, things,
literature, music - the world is so rich, simply throbbing
with rich treasures, beautiful souls and interesting people.
Forget yourself.
- HENRY MILLER

 

Tôi bắt đầu viết bài này như một phản ứng (muốn “đối thoại”/tâm tình/“phản biện”...) với Phạm Công Thiện, khi vớ được bài “Nhớ về Henry Miller” [1] của ông.

Không biết tôi đã đến với Henry Miller hay là Henry Miller đã từng đến với tôi như thế nào nữa.

Khi cầm trong tay những Tropic of Cancer, Tropic of Capricorn bản tiếng Anh (ở miền Bắc chả tìm đâu được bản dịch tiếng Việt, đã có ai dịch đâu, các bản dịch từ miền Nam trước đây cũng khó sủi tăm trên đất bắc) được photocopy từ một người bạn tôi đã không biết là ông đã đến với tôi hay tôi đã đến với ông. Lúc đó là lúc nào, cách đây đã lâu hay mới gần đây thôi? Tôi không nhớ (nhưng chắc chắn lúc đó đã có máy copier). Sau này thì tôi có mua được bản paperback Black Spring từ một hiệu sách tiếng Anh của một ông chủ người Anh tại Hà Nội. Dấu chân Henry Miller trước đây ở đất “thần kinh” với chả “quỷ kệ” chỉ có vậy.

Chưa từng biết gì về ông nhưng lần đầu nhìn những con chữ ông viết thấy biết thế nào là sự động tâm mãnh liệt. Lạ lắm.

Cái tên Henry Miller dộng vào màng não như một hiện tượng chấn động tự nhiên, nhất là những chữ “tropic” cứ nhay nháy lên. Tất cả thật là tự nhiên.

Vừa hồi hộp vừa bộp chộp lao vào đọc Henry Miller. Cái tâm trạng như đang đói gặp cơm ngon, như đang ốm sắp chết gặp danh sư, như đang mót sex thì gặp người trong mộng.

Thế mà, thật là kỳ lạ...

Lần nào cầm sách lên tôi cũng chỉ đọc được khoảng 5 dòng, nhiều lắm thì 5 trang. Khi thì đọc từ đầu, lúc thì đọc từ dưới lên, quãng thì đọc từ giữa ra...

Vừa mới đọc đã phải dừng lại để nghĩ ngợi hay để cảm xúc.

Có một cái tâm trạng khó hiểu giữa việc muốn đọc ngấu nghiến như bước vào một khu rừng đẹp nhất thế gian, cái gì cũng muốn tận hưởng từng tí một với cái cảm giác như... đang đọc sách của chính mình, cái gì cũng như thể mình biết rồi. Thế mới tồi.

Cứ dằng dai như thế suốt bao nhiêu năm nay. Chưa bao giờ tôi đọc xong một quyển nào của Henry Miller cả.

Thế mà lúc nào tôi cũng thấy mình hiểu ông nhất. Thế nên... lúc nào tôi cũng thấy ông bên mình.

(Cái cảm thức ấy phải chăng nó cứ như kẻ vừa muốn ăn hết cái bánh ngon vừa muốn luôn có cái bánh. Cái sự “vị tế” ấy như một cầu nối và là động lực cho mối quan hệ trường tồn của mối tình ông-tôi??)

Tôi đã đi tìm ảnh Henry Miller để xem mặt người đang “cười cợt cùng Duy Ma Cật và Milarepa”.[2] Một khuôn mặt dài, thô với cặp “thư hùng nhãn”.

 

Henry Miller

(1891-1980)

 

Theo tướng pháp Trung Hoa, đôi mắt đó là của kẻ gian hùng (dân gian Việt có câu “nhất lé [hay lác cũng thế] nhì lùn” là có cái ý này). Nhiều đại lưu manh và tội phạm có cặp mắt này. Trong các đại nhân danh tiếng nhất có đôi mắt ấy có tên Lê Hoàn (941–1005; chân dung ông vẫn còn lưu bên Tử Cấm Thành - Bắc Kinh),[3] người đã được nhắc đến trong Đại Việt sử ký toàn thư thế này (qua ngòi bút của Ngô Sỹ Liên):

Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn.

Thật ghê sợ là lời các sử gia! Chắc rằng họ đều lấy “tam cương” và “ngũ thường” của Nho giáo làm tiêu chí đánh giá mọi nhân vật lịch sử. Tuy nhiên, chưa có sử gia nào trên đời dọa được tôi. Không phải tôi coi thường sử, mà do tôi ưa “đọc vị” những tầng hầm sâu của những con chữ trên văn bản. Không những thế, Nho giáo cũng chẳng thể dọa tôi được. Vì tôi biết chắc những người tôn thờ Nho giáo chưa bao giờ thành công trên đường đời, cuộc sống dường như tôn sùng những kẻ bắt được chữ Thời chứ không phải những nhà “chấp trước” như những đệ tử của Khổng Khâu – một người sinh thời cả đời cũng bất đắc chí vì không được “cấp trên” trọng dụng.

Những “thông dâm với vợ vua” hay “mất cả lòng biết hổ thẹn” có thể làm nhiều ai đó kinh tởm, nhưng, hãy xét cho kỹ đi: nếu không đủ trí thông minh, lòng dũng cảm đến vô đối thì ai dám làm được chuyện tầy trời ấy; nếu không có tình cảm mãnh liệt của “con tim yêu thương” đến tột đỉnh chí thành và vô điều kiện thì hà cớ gì phải đem một con đàn bà “đã một lần đò” lăng loàn bất chính “lập làm hoàng hậu”?!

Tôi nói thế không phải muốn phỉ báng các sử gia. Có điều công việc của họ nặng về Lễ mà không ưa Trí và Dũng thái quá (của những nhân vật lịch sử). Nếu không có sức “tương khắc” của Lễ thì cứ để bọn ỷ vào Trí với Dũng thoải mái khuynh loát nhân luân hay sao.

Nhưng mà:

Lão Tử coi Lễ chỉ là cái vỏ mỏng của Đạo Đức.

Phật xiển dương Trí tuệ và Dũng khí, đã thế còn dậy bảo rất hỏa mù: không lưu manh làm sao thành Phật.

Mà Lão và Phật thì đều là những “nhà giải phóng” vĩ đại nhất loài người.

Về cái vụ “thư hùng nhãn” thì tướng pháp liên đới với khoa Tử Vi bởi sao Thiên Không (cùng với các sao chỉ mắt như Thái Dương, Thái Âm...). Sao này là của những người lắm mưu đồ, gian hiểm, cực thông minh. Người mà số có sao Thiên Không (cùng với Hồng Loan, Đào Hoa) cư/chiếu Mệnh còn có Phật Tổ đại siêu thoát. Vì thế tôi đoán chắc Đức Phật có nhẽ cũng thuộc loại “thư hùng nhãn” (chứ không như các tranh tượng khắp nơi của Ngài đâu). Vừa có sao ấy vừa “thư hùng nhãn” còn có bố tôi (mà ở Mỹ có Bill Clinton cũng sở hữu kiểu mắt này). Suy ra, Henry Miller chắc nhẽ có bộ sao Đào - Hồng - Không của Phật.

Nói chuyện lôi thôi chẳng qua nói thật: Henry Miller không thể được đánh giá theo chuẩn của người thường.

Tôi đọc ông ít thôi nhưng đã luôn phải nhớ ông.

Cứ có chuyện gì động tâm tôi lại lôi ông ra. Với tôi Henry Miller có tác dụng như “bói Kiều” vậy.

Khi cô đơn khủng khiếp, tôi đọc được:

An artist is always alone – if he is an artist. No, what the artist needs is loneliness.
(Một nghệ sỹ luôn độc hành – nếu anh ta thật là nghệ sỹ. Không, cái người nghệ sỹ cần chính là cô đơn)

Khi khủng hoảng trong lý trí tôi thấy:

Analysis brings no curative powers in its train; it merely makes us conscious of the existence of an evil, which, oddly enough, is consciousness.
(Sự phân tích không thể cứu chữa được gì; nó chỉ làm cho chúng ta ý thức được về sự tồn tại của một cái ác, hết sức kỳ quặc, là... ý thức)

Khi bối rối với những suy nghĩ quá khác biệt của mình tôi gặp:

Confusion is a word we have invented for an order which is not understood.
(Sự hỗn loạn là một từ được phát minh ra để chỉ một thứ trật tự mà người đời không hiểu)

Khi tôi thấy nghẹt thở vì sức nặng của ngàn năm kinh điển và sự cổ xúy chúng trên miệng lưỡi những cây đa, cây đề... tôi ngộ:

Every man with a bellyful of the classics is an enemy to the human race.
(Những ai có một bụng đầy kinh điển là kẻ thù của loài người)

Khi đam mê với “suy đồi”, tưởng mình vứt đi rồi, thì Henry Miller lại hiện ra:

I have always looked upon decay as being just as wonderful and rich an expression of life as growth.
(Tôi luôn xem sự đổ nát hủ bại là một biểu hiện tuyệt vời và giầu có của cuộc sống, không khác chi sự thăng triển)

Trên mặt đất này có đông người thích thú với nền dân chủ Mỹ, khi so sánh nó với các chế độ ghê gớm khác, nhưng mà cũng nên tham khảo câu của người “ở trong chăn” này:

It is the American vice, the democratic disease which expresses its tyranny by reducing everything unique to the level of the herd.
(Đó là tội ác của Mỹ, căn bệnh dân chủ thể hiện sự chuyên chế của nó bằng cách hạ cấp mọi thứ độc đáo xuống mức của bầy đàn)

Cuộc đời này đầy nghiệt ngã, trong thế giới của một nhân loại thực dụng:

The dreamer whose dreams are non-utilitarian has no place in this world. In this world the poet is anathema, the thinker a fool, the artist an escapist, the man of vision a criminal.
(Những tay mơ có những mơ mộng không thiết thực không có chỗ trong thế giới này. Ở thế giới này, nhà thơ là kẻ bị nguyền rủa, nhà tư tưởng chỉ là một tên ngốc, nghệ sỹ là kẻ lẩn trốn, người có tầm nhìn là một tên tội phạm)

Vậy thì đây, phao cứu sinh cho tất cả chính là Đức tin:

Back of every creation, supporting it like an arch, is faith. Enthusiasm is nothing: it comes and goes. But if one believes, then miracles occur.
(Chỗ dựa của sáng tạo, như một cổng vòm nâng đỡ, chính là đức tin. Nhiệt huyết chả có nghĩa gì: nó đến rồi đi. Nhưng nếu bạn tin, thì phép lạ sẽ xẩy ra)

If men cease to believe that they will one day become gods then they will surely become worms.
(Nếu người ta thôi tin rằng sẽ có một ngày họ trở thành thánh thì họ sẽ chắc chắn thành sâu bọ)

Điều đặc biệt, Henry Miller dặn ta không được lẩn tránh cuộc đời, tất cả mọi thứ dù là nhỏ nhất.

Tôi hằng tra ông như tra từ điển.

Tôi có một ông thầy Anh văn cỡ đỉnh trong nghề. Ông từng học từ bằng việc nhớ đến đâu thì xé từ điển đến đó. Nghe nói khi ông xé xong cả quyển từ điển đắt tiền thì cũng vừa lúc ông được phong vào hàng đệ nhất đẳng.

Henry Miller “dã man” hơn rất rất rất nhiều. Ông có lẽ đã xé chính mình và nhắn nhủ mọi người cùng xé, đến mức forget yourself thì thôi.

Như Trang Tử “tọa vong”.

Vậy nên...

Tôi vẫn chẳng hay ông đã cần gặp tôi hay tôi cần gặp ông mà... cuộc chơi cứ dùng dằng thế. Trong khi Phạm Công Thiện khẳng định:

Tương lai của toàn thể nhân loại phải bắt đầu lại với Henry Miller thì mới may ra chuyển hoá toàn diện trái đất này thành viên ngọc mani (như ý) trong trẻo của Quán Thế Âm Bồ Tát. Henry Miller là một trong vài ba thiên tài nhân loại đã đánh thức dậy thế lực mãnh liệt nhất của Lòng Đại Bi trong ý thức và vô thức của con người trên mặt đất.[4]

Phạm Công Thiện nhận định được như thế, chắc là vì ông luôn nhớ, luôn bị Henry Miller ám ảnh. Nhưng, Henry Miller đã bảo tôi phải “quên chính mình”, thì, làm sao mà tôi còn nhớ được ông nữa.

Thế nhưng đọc Phạm Công Thiện, thì người ta thấy gì? Đây là một cảm tưởng cực ấn tượng:

Dạy tuổi trẻ tôi những bài học làm sao sống đến cạn cùng sự chán chường, sự thơ mộng, sự rồ dại, sự khao khát, sự giận dữ, sự phóng thả, và quan trọng nhất là nó làm tôi “cháy”.
Có đêm tôi đã nằm ôm cuốn sách và muốn đốt rụi tất cả. Tất cả![5]

Đó cũng chính là cuộc sống của Phạm Công Thiện, như Henry Miller cũng từng sống như vậy. Có điều khác là sau khi “bốc lửa” hết mình cho tuổi trẻ, Phạm Công Thiện đã thấy “nước chẩy” không ngừng trong lòng “Đại Đức Thích Nguyên Tánh”, khi mà thi sỹ luôn “có một dòng sông nhẹ nhàng chảy bên trong”.[6]

Ông đã sống như ông đã từng viết hoa:

            CHÁY

            VÀ CHẢY

            CHÁY VÀ CHẢY KHÔNG NGỪNG...

Tôi đã từng tưởng rằng không bao giờ tôi quên được bố tôi (đã mất) trong từng khoảnh khắc. Nhưng bố tôi lúc sinh thời dường như luôn đưa ra những thông điệp cả bằng những lời xa xôi và bằng lối sống cụ thể, rằng: đừng có nhớ ta, đừng có nhớ ta, nếu mà cứ nhớ ta là làm ta có lỗi, vì cuộc sống tươi đẹp là phải quên, quên nữa, quên hết... Tôi thầm nghĩ, bố tôi quả cũng giống như một cuốn sách của Henry Miller. Mà cuốn sách ấy, nản thay, tôi cũng chưa dám nói là đã đọc hết.

Đầu óc và tình cảm tôi giờ này quả có thấy trống rỗng, không lưu một chút gì, thế mà hình như có giọt lệ ở đâu đó đang rơi. Tôi đã quên hết rồi cơ mà, quên cả chính tôi...

Nhưng mà, Phạm Công Thiện vừa mất, hôm kia.

Ông là ai? Câu hỏi đó đã có các từ điển trả lời. Gõ tên ông vào Google sẽ có 12.100.000 kết quả hiện lên trong 0,10 giây (tuy nhanh đấy, nhưng Internet vẫn chưa chưa thể nhanh bằng 1 sát na,[7] phải không “cư sỹ Phật giáo” Thích Nguyên Tánh?).

Chắc chắn nhiều người biết Phạm Công Thiện, nhưng hãy nghe ông tự nói về mình và thế giới khi mới gần 29 tuổi:

Tai nạn lớn lao nhất trong đời tôi là phải chịu đoạ đầy làm thần đồng lúc còn thơ dại, rồi lúc lớn lên làm thanh niên thì phải chịu đoạ đầy làm thiên tài.
Bây giờ gần 30 tuổi thì tôi lại xuống núi (chứ không phải lên núi như Zarathustra) để làm nước chảy ồn ào trong những lỗ cống của cuộc đời.
Thực ra còn đến hai tháng nữa, tôi mới đúng 29 tuổi. Tôi cho phép tôi làm nước chảy trong cống rãnh trong thời gian một năm nữa thôi, từ 29 tuổi đến 30 tuổi.
Từ 30 tuổi trở đi cho đến 40 tuổi thì tôi sẽ không là tôi nữa. Đó là điều bí mật chỉ có tôi mới biết rõ vì sao tôi sẽ không là tôi nữa.
Từ 40 tuổi cho đến 50 tuổi, hư vô sẽ thổi trên mặt đất.
Từ 50 tuổi cho đến 60 tuổi thì kỷ nguyên Tây lịch đã tới năm 2000.
Từ 60 tuổi cho đến 70 tuổi thì trái đất sẽ rất nhiều chim, những con chim biết nói tiếng Phạn.
Từ 70 tuổi cho đến 80 tuổi thì núi Hy mã lạp sơn sẽ sụp đổ và chảy tan thành một đại dương mới.
...[8]

Ông còn tiên đoán cho thế giới đến khi ông trăm tuổi. Nhưng tôi dừng trích ở đây vì ông đã vừa “đi hết một đêm hoang vu trên mặt đất”, ở tuổi 71. Từ giờ khắc này, ông sẽ nhìn Hy mã lạp sơn bằng con mắt của “loài” khác. Từ bây giờ, tôi cũng đang cảm thấy có một Hy mã lạp sơn đã bắt đầu sụp đổ và tan chẩy. Cho một đại dương cuộc sống mới hình thành.

 

Phạm Công Thiện

(1941-2011)

 

 

26.10.09 – 11.3.11

 

_________________________

[1]Phạm Công Thiện, “Nhớ về Henry Miller”, tienve.org.

[2]Như trên.

[3]Trần Huy Liệu kể rằng có lần Quách Mạt Nhược đã mời ông xem các bức vẽ chân dung các vua chúa Việt Nam từng sang “yết kiến thiên triều”. Các triều Trung Hoa luôn cho họa sỹ vẽ lại hình của các vua Việt Nam, chắc không ngoài mục đích để xem tướng.

[4]Phạm Công Thiện, bài đã dẫn.

[5]Thận Nhiên, “Tro”, tienve.org - [TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)].

[6]Hoàng Ngọc-Tuấn, “Một kỷ niệm với Phạm Công Thiện”, tienve.org - [TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)].

[7]Thuật ngữ nhà Phật hay sử dụng. Danh từ sát na (phiên âm tiếng Phạn [Sanskrit] của Khana) được dùng để chỉ thời gian chớp nhoáng của mỗi biến đổi. Theo Abhidhamma Mahàvibhàsa (Đại Trí Luận) những sự biến đổi của hiện tượng giới được giải thích một cách rõ ràng như sau: “Vạn pháp luôn luôn biến đổi, không một vật gì có thể tồn tại trong hai sát na liên tiếp.” Một ngày 24 giờ được tính bằng sáu ngàn bốn trăm tỷ, chín vạn, chín ngàn, chín trăm tám mươi (6.400.000.099.980) sát na. Nhạc sỹ Phạm Duy có viết: “Tình ta biến hóa trong từng sát na...”

[8]Phạm Công Thiện, Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (1965), đăng lại trên talawas.org (2006).

 

 

-----------------

Bài liên quan:

[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Nó ngồi viết, không cố gắng, không mục đích, không ý nghĩa. Nó không đi tìm hạnh phúc. Nó đang ngồi thở thanh bình, thở im lặng, thở gió, thở trái đất. Hơi thở không thuộc về ai cả. Hơi thở là con bướm trắng tung tăng trên cỏ... (...)
 
Tro  (truyện / tuỳ bút) - Thận Nhiên
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Cuốn sách nhỏ ấy là một người thầy, với riêng tôi. Nó dạy tuổi trẻ tôi những bài học làm sao sống đến cạn cùng sự chán chường, sự thơ mộng, sự rồ dại, sự khao khát, sự giận dữ, sự phóng thả, và quan trọng nhất là nó làm tôi “cháy”... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Chưa bao giờ thương những con chim như chiều nay / tràn đầy mặt đất / những con chim thêu niềm tuyệt vọng / lao về phía tàn tro / cháy bừng / Mộng mị...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... tới đây ai cũng thấy câu chuyện của tôi ngày hôm ấy quả tẻ nhạt, đúng không? // thế thì đây, điểm nhấn / ... tôi lặp lại: chẳng ai gạt được cái chết hết, cho dẫu cái chết cũng một thứ bịp bợm nốt “... rạng đông tôi xin thề thức dậy ba giờ sáng” ...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... em đừng nói với tôi về rừng / buổi chiều hình như đã mưa / cơn mưa phùn mãi mãi ở lại chứ không bay đi như cơn mưa phùn của Thiện / em cũng đừng nói với tôi về mặt trời / vốn không bao giờ có thực...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Ông còn tiên đoán cho thế giới đến khi ông trăm tuổi. Nhưng tôi dừng trích ở đây vì ông đã vừa “đi hết một đêm hoang vu trên mặt đất”, ở tuổi 71. Từ giờ khắc này, ông sẽ nhìn Hy mã lạp sơn bằng con mắt của “loài” khác. Từ bây giờ, tôi cũng đang cảm thấy có một Hy mã lạp sơn đã bắt đầu sụp đổ và tan chẩy. Cho một đại dương cuộc sống mới hình thành... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Thiện ơi, tôi vẫn thỉnh thoảng đọc câu thần chú “Gaté, Gaté, Paragaté, Parasamgaté, Bodhi Svaha” mà bạn đã dạy cho anh em cầu nguyện tai qua nạn khỏi mỗi lần đi qua những nơi đèo heo hiểm trở. Và đôi khi tôi tự hỏi có nên tiếp tục khấn câu thần chú này nữa hay thôi, khi mà được trở về Vương Quốc Hư Vô là một ước nguyện giải thoát. Bây giờ bạn đã giải thoát... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn về thành phố Mỹ Tho, dạo quanh vườn hoa Lạc Hồng, có dãy nhà xây kiểu Pháp, một thời Phạm Công Thiện và gia đình sống ở đây, cố hình dung gương mặt ông lúc hai mươi tuổi... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... gió thổi mưa chiều thứ bảy đã về sớm / cây khế đồi cao không kịp trổ / gió thổi gió thổi gió thổi / hiện tượng cơn bão // Thiện nói Henry Miller chết tôi không buồn / con ong chết tôi buồn lắm / tôi nói trời đất chết tôi không bất ngờ / Phạm Công Thiện chết tôi ngờ ngợ lắm...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... tôi nhớ lại xa lắm những ngày áo sinh viên văn khoa / tuổi đôi mươi tôi tóc dài huyền hoặc / con mắt trần gian đen tròn mê hoặc / sách vở trên tay vụng về chạy theo Sartre / thao thức bức rức nức nở tìm trong Thiện / giọt nắng sân văn khoa thấu qua tôi đau điếng / giọt mưa đường cường để thấm lạnh da con gái / cơn miên man dậy men tự bao giờ...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Tôi tin tưởng vào thiên tài. Với tôi, Phạm Công Thiện là thiên tài. Thiên tài không ở trí tuệ anh, không ở các sáng tác của anh, càng không phải thiên tài ở tư tưởng anh, mà chính là ở sức hút kinh hoàng của hơi thở ngôn ngữ Phạm Công Thiện. Dù hiểu hay không hiểu, ngôn ngữ kia vẫn ẩn chứa sức lôi cuốn ma quái khó cưỡng. Như chớp lửa thiêng sẵn sàng thiêu trụi mọi lưỡng lự, e dè, triển hạn ngáng đường những tâm hồn đồng thanh đồng khí ý hướng tìm đến nhau trong chân trời hủy phá và sáng tạo... (...)
 
Buổi sáng Jakarta  (truyện / tuỳ bút) - Phan Nhiên Hạo
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Thiên tài của Phạm Công Thiện là điên được trong văn chương, một cách chân thành, rực rỡ. Ngoài đời ông có điên hay không tôi không biết, không chắc, không quan trọng. Phạm Công Thiện điên được cũng vì ông sống ở miền Nam, nơi có tự do. Những con chim trong lồng không hiểu được điều này, chúng sẽ nói tự do không làm nên tác phẩm lớn. Chúng không biết rằng điều quan trọng đối với phần lớn thi sĩ không phải tác phẩm lớn hay bé, mà là quyền được điên. Điên mà không sợ bị kiểm điểm, bị phê bình, bị trừng phạt bởi lợn... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Giờ thì tôi nhận ra khu phố mình ở khá nhiều quạ / Nhiều đến nỗi trời mới hừng sáng tiếng chúng kêu dậy trời / Cái tiếng quạ / Thật không lẫn vào đâu được / Hễ nghe thấy nó là liền nghĩ tới những giấc chiêm bao mà chả hiểu vì lí do gì (!) bao lâu nay mình đã không còn nhớ nữa? // Hiện thời lại nghĩ tới bầy quạ đen / cây cam sai trái của phạm công thiện trong “đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất”...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... hơi thở Rắn / trườn đại dương / qua xác thối mặt trời / những đám đông mù loà hò hét / bủa lưới vây lòng hồ thối ngạt / qua rừng đạn, dùi cui / chết chết chết // vành tang cạn...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... tờ giấy hẹn nhiều năm quay trớ / những con ong bay trong phòng / nắng mật lên sớm ngày gối xếp bằng đảnh lễ / sự nhớ cổ tóc con người giữa trang bát nhã / bối rối tiếng kim thanh / bậc đá cuối nhảy lên mười hai ngày chữ xếp cất / cuộc đi ngang trâu xanh gà tía gọi mời / xao xác trưa nhà chân đèo bỏ phế...
 
Phạm Công Thiện và đỉnh lặng  (tiểu luận / nhận định) - Trịnh Thanh Thủy
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... . Ông đã đi trong thế giới hàng ngàn tiếng động, để tâm chao theo từng sát na nhiễu nhương cuộc đời. Ông đã ngồi thiền nghe chim hót quanh mình, nghe thân động, tâm động, tình yêu động. Nhưng phút cuối trên tất cả đỉnh cao là lặng yên, ông đã yên lặng đời đời... (...)
 
Cái rực rỡ của tuyệt vọng  (tiểu luận / nhận định) - Nguyễn Quốc Chánh
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Tôi đọc ông là đọc cái ngữ điệu của thơ mộng trong phẫn nộ và tuyệt vọng. Ông rất giàu những loại ngữ điệu đó, dù ông viết về bất cứ cái gì. Đối với tôi những ngữ điệu đó là cơ sở của nhân tính và thi tính. Cái nhân tính và thi tính nếu không giáp mặt với tuyệt vọng, nó không có khả năng thu hút. Và nếu cái tuyệt vọng bị cái phẫn nộ nung chảy thì nhân tính và thi tính sẽ rực rỡ. Chữ của Phạm Công Thiện là chữ của cái tuyệt vọng rực rỡ... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Phổ từ bài thơ “Buồn” trong thi tập Trên tất cả đỉnh cao là lặng im của Phạm Công Thiện (California: Viên Thông, 2000), Jazzy Dạ Lam viết xong ca khúc “Thôi hết còn gặp nhau” vào năm 2001, cách đây đúng 10 năm, nhưng chưa bao giờ công bố. Phạm Công Thiện vừa ra đi, và hôm nay Jazzy Dạ Lam thu âm ca khúc này lần đầu để tưởng niệm nhà thơ đã khuất...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Một cụm mây lang thang vô sở trú / Đã tìm về Nguyên Tánh / Đai bi đại bi cõi ta bà / Bay về đâu bay về đâu Những cơn mưa phùn...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Khi Nguyễn Xuân Hoàng từ San José / điện thoại báo tin Phạm Công Thiện đã chết / tôi đang ăn múi cam mà nghẹn / buổi chiều mưa mù trởi, lại tiếng còi tàu ứa nước mắt...
 
Chuông ngọ  (thơ) - Trúc-Ty
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Từng khắc thời gian nhỏ giọt, bên dòng sông trôi / dòng cát chảy ùn lên / thành bờ cát trắng, tích luỹ sau / hàng thập niên ánh sáng, sau khi lọc bỏ tất / cả những mảnh vụn bám vào đó, là mỗi chúng ta? / Có phải chúng ta là những bóng ma lếch thếch / rụng lả tả dưới hồi chuông chói loà...
 
Trên tất cả các đỉnh cao...  (tiểu luận / nhận định) - Nguyễn T. Long
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Viết đôi dòng tưởng niệm ông, như một triết gia, một nhà văn, một nhà thơ, như thể một thế giới ở ngoài tôi? – Có lẽ là không. Chỉ còn lại những gì mà Phạm Công Thiện đã hé mở, đã kêu gọi, đã khơi dậy, đã thách thức... trong lòng một thế hệ, một thời đại mà ông cùng chia sẻ. Phạm Công Thiện đã qua đi, không chỉ là một con người, mà là của một thời đại đã qua... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Mình vẫn ước mình gặp Thiện sớm hơn, ở tuổi 16 chẳng hạn, khi còn quên ăn quên ngủ chỉ để thao thức trò chuyện cùng các nhân vật trong tiểu thuyết về tuổi trẻ, tình yêu, ý nghĩ cuộc đời, về văn chương, về tội ác, về sự cao cả, về lòng thương, về lý tưởng, về tất cả... Mình thèm cái cô đơn cái rồ dại cái say sưa của những tình bạn tình yêu ở cái thời thèm sống lẫn thèm chết ấy... (...)
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Ta sẽ hiện hồn về ngay trong đêm nay để vặn cổ hết những đứa phạm công cúc hoa gọi ta là thần đồng / Không, ta sẽ hiện hồn về ngay trong đêm nay để kéo cẳng những đứa phạm công cúc hoa gọi ta là thiên tài / Ừ, ta sẽ hiện hồn về ngay trong đêm nay để thọt lét những đứa phạm công cúc hoa gọi ta là bồ tát...
 
[TƯỞNG NIỆM PHẠM CÔNG THIỆN (1941-2011)] ... Đi qua buổi chiều / những phân tử mùa thu tan, rã / mặc dầu giấc mơ chín, non / gió ngất từng chùm, cụt đầu / con nai chạy tìm bóng mình / truông cũ // đi qua tiếng hát / thôi hết còn gặp nhau...

 

 

------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021