thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mộng của mộng [kỳ XVIII: "Giấc mộng của Giacomo Leopardi, thi sĩ và người «điên» vì trăng"]
(Diễm Châu dịch)

 

Một đêm vào những ngày đầu tháng Chạp năm 1827, ở thành phố Pise xinh đẹp, (đường) via della Faggiola, ngủ giữa hai tấm nệm để phòng ngừa cái lạnh đang siết chặt lấy thành phố, Giacomo Leopardi, thi sĩ và người «điên» vì trăng, nằm mộng. Ông mộng thấy mình ở trên một sa mạc và ông là một người chăn chiên. Nhưng, thay vì có một đàn thú theo sau mình, ông lại ngồi thật thoải mái trong một cỗ xe bốn bánh có bốn con chiên trắng toát kéo, và bốn con chiên này là đàn thú của ông.

Sa mac, và những ngọn đồi viền quanh, làm bằng một thứ cát bạc rất mịn, nó lấp lánh như ánh sáng đom đóm. Lúc ấy là ban đêm nhưng trời không lạnh, trái lại, ấy dường như lại là một đêm đẹp trời ngay sau mùa Xuân, khiến Leopardi cởi chiếc áo choàng không tay mà ông đang khoác trên người ra và vắt lên chỗ dựa cùi tay của cỗ xe.

Các em đưa tôi đi đâu đây, hỡi các chiên con yêu dấu?, ông hỏi.

Chúng em đưa anh đi dạo mát, bốn con chiên đáp, chúng em là lũ chiên nhỏ lang thang.

Nhưng nơi này là nơi nào?, Leopardi hỏi. Chúng ta đang ở đâu?

Anh sẽ khám phá ra trong chốc lát, mấy con chiên đáp, khi anh đã gặp người đang chờ anh.

Người đó là ai thế?, Leopardi hỏi, tôi rất muốn biết.

Ê, ê, lũ chiên đưa mắt nhìn nhau cười, chúng em không thể cho anh biết được, chuyện phải giữ bất ngờ.

Lúc ấy Leopardi thấy đói, có lẽ ông đã thèm ăn một tấm bánh ngọt; một tấm bánh ngon lành có hạt trái thông ăn được, ấy đúng là thứ mà ông đã thèm.

Tôi muốn ăn bánh ngọt, ông bảo, trong sa mạc này lại chẳng có một chỗ nào có thể mua bánh ngọt được sao?

Ngay sau ngọn đồi này, lũ chiên đáp, anh ráng chờ một chút.

Họ đã tới tận cùng sa mạc và đi vòng ngọn đồi, dưới chân đồi có một cửa tiệm. Ấy là một tiệm bánh ngọt xinh đẹp toàn bằng pha-lê, lóng lánh ánh bạc. Leopardi nhìn tủ kính bày hàng, do dự, không biết phải lựa thứ gì. Ở hàng đầu có những tấm bánh tạt đủ mọi màu và đủ mọi cỡ: tạt xanh lục có hạt pistache, tạt đỏ thắm với trái ‘frăm-boa’, tạt màu vàng với trái chanh, tạt màu hồng với trái dâu. Rồi lại có bánh hạnh nhân, với những hình thù ngộ nghĩnh và ngon lành: nắn theo hình trái pomme và trái cam, nắn theo hình trái anh-đào, hay theo hình thú vật. Sau cùng thì tới món «trứng gà chưng» (sabayons), có nhiều kem và dầy đặc, với một trái hạnh-đào ở bên trên. Leopardi gọi người làm bánh và mua ba tấm bánh: một cái bánh có nhân trái dâu, một cái bánh hạnh-nhân và một cái «trứng gà chưng». Người làm bánh, một người nhỏ bé, với mái tóc một màu trắng sáng rực và đôi mắt xanh, đưa cho ông mấy chiếc bánh và tặng thêm một hộp sô-cô-la. Leopardi lại leo lên cỗ xe, và trong lúc mấy con chiên lại khởi sự lên đường, ông bắt đầu thưởng thức những món ngon mà ông đã mua. Con đường trước đó đã lên dốc, lúc này leo trên đồi. Và lạ lùng thay, vùng đất đó cũng sáng lên, nó trong mờ và phát ra một làn ánh sáng bạc. Mấy con chiên đã dừng lại trước một căn nhà nhỏ đang lấp lánh trong đêm. Leopardi hiểu rằng mình đã tới, bước xuống đất, ông cầm hộp sô-cô-la và bước vào trong nhà. Ở bên trong, một thiếu nữ ngồi trên một chiếc ghế dựa đang thêu trên chiếc vòng gỗ căng vải.

Bước tới đi, em đang chờ anh, người thiếu nữ nói. Nàng quay lại, mỉm cười với ông, và Leopardi nhận ra nàng. Ấy là Silvia. Có điều là lúc này, nàng toàn bằng bạc. Nàng có cùng những dáng vẻ bên ngoài như xưa, nhưng lúc này nàng toàn bằng bạc.

Silvia, Silvia yêu dấu, Leopardi cầm tay nàng mà nói, được gặp lại em thật là êm dịu biết bao, nhưng tại sao lúc này em lại toàn bằng bạc?

Là vì em là một cô gái có «nguyệt chất», Silvia đáp, khi mình chết mình tới mặt trăng và trở thành như thế.

Nhưng tại sao cả anh nữa, anh cũng có ở đây, Leopardi hỏi, hay là anh cũng chết rồi chăng?

Kẻ đang ở đó không phải là anh, Silvia nói, ấy chỉ là hình ảnh của anh mà thôi, anh anh hãy còn ở trên trái đất.

Và từ đây ta có thể nhìn thấy trái đất không?, Leopardi hỏi.

Silvia dẫn ông lại một khung cửa sổ, nơi có một ống kính nhìn xa. Leopardi ghé mắt vào thấu kính và lập tức thấy một dinh thự. Ông nhận ra nó: ấy là dinh thự của ông. Một khung cửa sổ lúc ấy hãy còn đèn sáng, Leopardi nhìn vào bên trong và thấy cha ông, mặc áo ngủ, cái bình tiểu cầm tay, đi lại giường. Ông thấy nhói trong tim và xoay cái ống kính theo hướng khác. Ông thấy một cái tháp nghiêng mình trên một đồng cỏ lớn và, kế bên, một con đường quanh co với một tòa nhà nơi có một ánh sáng yếu ớt. Ông cố nhìn vào phía bên trong khung cửa sổ và thấy một căn buồng vừa phải, với một cái tủ ngăn và một cái bàn trên bàn có đặt một tập vở, cạnh nó là một mẩu nến đang lụn dần. Trên giường ông thấy chính ông, đang nằm ngủ giữa hai tấm nệm.

Anh chết rồi chăng?, ông hỏi Silvia.

Chưa, Silvia đáp, anh chỉ đang ngủ, và mộng tới trăng.

 

(trích Mộng của mộng)

 

----------------------

* Giacomo Leopardi. Recanati, 1798 - Naples, 1837. Ông sinh trong một gia đình quý phái, rất ham nghiên cứu các khoa học, triết lý và các ngôn ngữ cổ điển trong thư viện của cha ông, lớn lên thật bất hạnh trong thân xác và đầu óc. Ông lấy làm ghê rợn cái ngục tù tỉnh lẻ nơi ông đã được nuôi dậy, ông gớm ghét tính nhỏ nhen và sự đê tiện, ông yêu mến nghệ thuật, khoa học, tư tưởng sáng suốt, cái nhiệt tình công dân. Ông là một nhà ngữ ngôn học đáng kể, một triết gia cay đắng và một nhà thơ rất lớn. Ông ngợi ca tình yêu, thời gian bỏ trốn, nỗi bất hạnh của con người, cõi vô tận và trăng. (Chú thích của Antonio Tabucchi trong «Những người nằm mộng trong sách này»)

 

-------------------------

Đã đăng:

Mộng của mộng [kỳ I: "Giấc mộng của Dédale, kiến trúc sư và phi hành gia"]

Mộng của mộng [kỳ II: "Giấc mộng của Publius Ovidius Naso, thi sĩ và nịnh thần"]

Mộng của mộng [kỳ III: "Giấc mộng của François Villon, thi sĩ và kẻ gian phi"]

Mộng của mộng [kỳ IV: "Giấc mộng của Arthur Rimbaud, thi sĩ và kẻ phiêu lãng"]

Mộng của mộng [kỳ V: "Giấc mộng của Fernando Pessoa, thi sĩ và người giả bộ"]

Mộng của mộng [kỳ VI: "Giấc mộng của Vladimir Maïakovski, thi sĩ và nhà cách mạng"]

Mộng của mộng [kỳ VII: "Giấc mộng của Federico García Lorca, thi sĩ và người chống phát-xít"]

Mộng của mộng [kỳ VIII: "Giấc mộng của Bác sĩ Sigmund Freud, người giải mộng của kẻ khác"]

Mộng của mộng [kỳ IX: "Giấc mộng của Anton Tchekhov, nhà văn và y sĩ"]

Mộng của mộng [kỳ X: "Giấc mộng của Henri de Toulouse-Lautrec, hoạ sĩ và người bất hạnh"]

Mộng của mộng [kỳ XI: "Giấc mộng của Achille Claude Debussy, nhạc sĩ và nhà thẩm mỹ"]

Mộng của mộng [kỳ XII: "Giấc mộng của Francisco Goya y Lucientes, hoạ sĩ và người có linh thị"]

Mộng của mộng [kỳ XIII: "Giấc mộng của Samuel Taylor Coleridge, thi sĩ và người nghiện thuốc phiện"]

Mộng của mộng [kỳ XIV: "Giấc mộng của Lucius Apulée, nhà văn và pháp sư"]

Mộng của mộng [kỳ XV: "Giấc mộng của Cecco Angiolieri, thi sĩ và kẻ phạm thánh"]

Mộng của mộng [kỳ XVI: "Giấc mộng của François Rabelais, nhà văn và thày tu xuất"]

Mộng của mộng [kỳ XVII: "Giấc mộng của Michelangelo Merisi, tức Caravaggio, hoạ sĩ và người dễ nóng giận"]

 

 

ANTONIO TABUCCHI, nhà văn Ý, sinh tại Pise năm 1943, đã có trên 15 tác phẩm (có một cuốn viết bằng tiếng Bồ-đào-nha), gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, nghiên cứu văn học..., còn là người phiên dịch Fernando Pessoa sang tiếng Ý. Hai (hay ba) cuốn phim đã được thực hiện dựa theo các tác phẩm của ông.

Mộng của mộng (1992) được đề tặng con gái ông là Teresa, gồm hai mươi «chuyện kể» mà đa số liên hệ tới các thi sĩ (9), một số tới các nhà văn (5), các họa sĩ (3) và cả một nhạc sĩ, một nhà phân tâm học và một.. «phi hành gia»! Lối văn hài hước nhẹ nhàng thân ái của một người yêu mến các văn nhân, nghệ sĩ mình nói tới, đặc biệt khác với lối viết trong các «truyện ngắn» của chính tác giả. Trong một «Ghi chú» ở đầu sách, Tabucchi viết: «Tôi thường ao ước được biết những giấc mộng của các nghệ sĩ mà tôi yêu. Thật không may, những người mà tôi nói tới trong tập sách này đã không để lại cho chúng ta những đoạn đường đêm hôm của đầu óc họ. Sự cám dỗ bù đắp lại điều ấy thật lớn, bằng cách kêu gọi tới văn chương để thay thế những gì đã mất. Tuy nhiên, tôi biết rằng những mẩu chuyện thay thế này, do một kẻ luyến tiếc những giấc mộng không được biết tới tưởng tượng ra, chỉ là những giả thiết nghèo nàn, những ảo tưởng mờ nhạt, những vật giả không có gì là chắc chắn. Ước chi chúng được đọc như thế và ước chi hồn thiêng của các nhân vật của tôi, lúc này đang mộng từ Phía Bên kia, hãy khoan dung độ lượng với kẻ đại diện tồi tàn cho đám hậu thế của họ. A.T.» Có dịp trao đổi thư từ với Antonio Tabucchi và gặp mặt tác giả trước khi dịch, tôi đã bày tỏ với ông ý định của mình và đã được ông vui vẻ chấp thuận.

Bạn đọc Pháp văn có thể coi thêm Antonio Tabucchi, Rêves de rêves, bản dịch Bernard COMMENT, nhà xuất bản. Christian Bourgois, Paris, 1994.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021