thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Lửa

 

Tất nhiên tôi sẽ nhận được những lời phỉ báng khi mặc chiếc áo lửa ra đường. Và không chỉ như vậy thôi đâu, nhiều lần tôi còn bị tóm cổ và dẫn về đồn. Người ta cho rằng tôi là nguyên nhân của hầu hết những vụ hoả hoạn xảy ra trong thành phố. Nhưng có phải tôi đâu. Hoàn toàn không phải.

Tôi mặc những ngọn lửa ấy, đơn giản chỉ vì muốn cuộc đời này có thêm một sắc màu, hơn nữa, một sắc màu cuồng liệt.

Tại sao ghét bỏ chiếc áo của tôi, trong khi lại tỏ ra sùng kính những kẻ khoác bộ da thú nghênh ngang đi lại ngoài đường? Nếu tôi là nguyên nhân của vụ cháy chợ cách đây hai tháng, thì hẳn bọn họ phải là hung thủ của vụ giết người hôm thứ hai tuần vừa rồi: Một người đàn bà bị gặm mất đầu và trên người đầy những dấu vết của móng vuốt.

Nhưng chẳng cách nào làm cho người ta hiểu, bởi họ không chịu lắng nghe. Tôi đã nói với họ rằng lửa không phải bao giờ cũng nóng, hay nó không nóng theo cái cách thiêu rụi người ta. Nó chỉ ôm ấp và làm ta phấn khích. Nó làm ta trở thành nguồn sáng. Họ hất những chiếc thùng đầy nước bẩn vào người tôi. Nếu tôi có gắng nói thêm điều gì đó, họ đáp lại bằng cách nhấc điện thoại và gọi cho cảnh sát. Chiều hôm ấy, “kẻ phá hoại” trở về nhà với vô số vết bầm tím trên người.

Tôi chẳng đời nào chịu cởi bỏ những ngọn lửa. Nhưng để cho yên chuyện, mấy ngày sau, tôi ra đường với một cái bành tô xám khoác bên ngoài. Mặt trời trốn sau những đám mây. Tôi ghé vào quán cà-phê Suri, chọn một chiếc bàn phía trong góc, nơi có cây lộc vừng đang trải thảm hoa đỏ rực, và gọi một ly capuccino. Tôi nhắp cà-phê, kín đáo đưa tay vào bên trong chiếc áo bành tô để châm một điếu thuốc. Những ngọn lửa vẫn reo vui một cách âm thầm. Gã Tây Nguyên ngồi phía bên kia thỉnh thoảng liếc nhìn tôi. Mấy thằng người Kinh đang đánh bài gần quày thu tiền thì tỏ ra hằn học. Họ đấm vào tường một cách giận dữ, như thể sẵn sàng lao đến tôi bất cứ lúc nào. Mặc kệ, tôi chẳng làm gì động đến họ cả. Tôi rít thuốc và sưởi ấm một mình. Tôi nghĩ đến cái truyện đang viết dở. Tôi thích đem những ý tưởng mới chia sẻ với bạn bè. Nhưng từ khi tôi sở hữu chiếc áo bằng lửa ấy, chẳng ma nào dám lại gần tôi nữa. Kể cũng lạ lùng, những kẻ mà tôi tưởng họ đang cố gắng nhen nhóm và nuôi dưỡng những ngọn lửa, lại xa lánh tôi, tệ hơn, họ còn gọi tôi là quái vật. Miên, người tôi từng nghĩ là có đầu óc cởi mở nhất trong nhóm, cách đây năm ngày, đã mang trả lại tôi tất cả những cuốn sách mà trước đây hắn mượn. Những cuốn sách hắn từng say mê và ca tụng, giờ đây hắn vứt chúng lên giường tôi với vẻ mặt khinh bỉ. Rồi hắn cút thẳng, không chào tôi lấy một lời.

Gã Tây Nguyên bước lại bàn tôi, xin lửa mồi điếu thuốc. Tôi đưa điếu thuốc đang hút dở cho gã. Châm xong, gã ngỏ ý muốn được nói chuyện với tôi. Tôi gật đầu. Gã kéo chiếc ghế nhựa và ngồi xuống. Gã nói gã cũng có một chiếc áo lửa. Nơi gã ở, ai cũng có một chiếc áo lửa. Nhưng rồi bọn mặt trắng đã đến và tìm cách dập tắt những ngọn lửa ấy. Gã là người duy nhất thoát chết, vì hôm đó gã đang ở trong rừng, mải mê đuổi theo một con chim bảy màu. Tôi chia buồn cùng gã. Gã nói tôi nên cẩn thận thì hơn. Tôi gật đầu. Gã ngỏ ý muốn xem chiếc áo của tôi. Tôi mở hàng cúc của chiếc áo bành, hé tà cho gã ngó vào trong. Gã ngó rất chăm chú, thỉnh thoảng còn đưa tay rà quanh những ngọn lửa, như thể đo độ nóng. Gã cũng cho tôi xem những ngọn lửa của gã, những ngọn lửa khoẻ mạnh bập bùng bên dưới lớp áo xanh có những đường thêu tinh xảo. Khi hai chúng tôi ngước lên thì thấy mấy thằng người Kinh đang vây xung quanh. Một thằng mắt lồi hất ly nước vào mặt tôi, mấy thằng còn lại lao vào đánh tôi loạn xạ. Bằng một hành động chậm rãi, gã Tây Nguyên tóm cổ từng thằng một, lôi chúng ra và tống một quả đấm vào giữa mặt. Mọi chuyện được thu xếp ổn thoả. Gã Tây Nguyên đưa tôi về nhà.

Sau vụ ẩu đả ở quán Suri, luôn có mấy thằng lảng vảng trước cửa nhà tôi. Chúng giả bộ ngó trời khi tôi nhìn ra, nhưng tôi biết chúng đang theo dõi. Gã Tây Nguyên (tên gã là Y Thi) thì cứ cách dăm ba hôm lại đến thăm. Khi đi qua cổng, gã ném về phía mấy thằng kia một cái nhìn đầy tia máu. Chúng tôi thường ngồi trước hiên nhà và bàn luận về những ngọn lửa, về những quyển sách nói về lửa. Lúc khác thì nói về những truyện ngắn của tôi, và cả của Y Thi (gã cũng là một tay mê viết), lúc khác nữa thì nghe gã kể về ngôi làng trong quá khứ của gã. Trong những tháng ngày ghẻ lạnh ấy, Y Thi là người bạn duy nhất của tôi. Có hôm, chúng tôi đánh xe đến một cánh rừng và ở đó cả ngày. Chúng tôi cắm trại, câu cá, ngắm nhìn những ngọn lửa của nhau. Y Thi hát cho tôi nghe một bài hát có âm hưởng giống như một khúc nhạc tế thần. Giọng gã lên cao rồi đột ngột xuống thấp, chêm thêm những tiếng blê bê mê blê ở giữa câu. Tôi chẳng hiểu gì về ý nghĩa của nó, nhưng cảm nhận được sự say mê trong mắt Y Thi. Đến đoạn bài nhạc chuyển sang nhịp điệu nhanh, gã đứng dậy, với những ngọn lửa trên người, nhảy một vũ điệu mà, theo tôi nghĩ, đến mặt trời cũng quên xuống núi.

Đó là quãng thời gian tươi đẹp, cho đến khi Y Thi bị giết. Nghe đâu gã bị cào rách lồng ngực trong quán rượu Vầng Hồng. Tôi nghĩ thủ phạm là mấy thằng hay rập rình trước ngõ nhà tôi. Nhưng vụ điều tra bị ngừng lại một cách bí ẩn. Và tôi tự biết mình cũng chẳng thể làm gì hơn. Tôi hạn chế ra khỏi nhà, ngồi hàng giờ bên cửa sổ và nhìn những ngọn lửa nhảy múa trên thân thể. Tôi nhớ đến bài hát và điệu nhảy của Y Thi. Tôi nghĩ về quê hương của gã, một vùng đất mà, từ trẻ con cho đến người già, ai cũng biết cách chơi cùng những ngọn lửa. Một ngôi làng nhỏ bé xinh đẹp nằm lơ lửng đâu đó trên sườn một ngọn núi cao hùng vĩ có tên gọi Chư’kpô.

Từ khi Y Thi ra đi, tôi thực sự rất buồn. Tôi buồn cho cái chết của Y Thi, buồn cho cái chết của những con người yêu lửa trên cao nguyên ấy. Tôi buồn cho chính tôi, khi cứ phải sống mãi nơi đây, giữa những con người luôn tìm cách dập vùi ngọn lửa của tôi bằng những thùng nước rác, nơi mà chiếc áo đẹp đẽ của tôi phải cháy một cách chui lủi dưới lớp vải màu xám bạc. Những ngọn lửa của tôi, nhiều khi tôi nghĩ, cái cách mà tôi phải che đậy nó, cứ như thể nó là một món hàng quốc cấm vậy. Tôi chỉ còn biết cháy một mình, cháy trong những gì tôi viết, để hy vọng một ngày nào đó, người ta có thể hiểu tôi hơn. Nhưng không, những bản thảo đều đặn gửi đi rồi đều đặn bị trả về, không thiếu một từ.

Khoảng vài tuần một lần, tôi đánh xe đến cánh rừng dạo trước và ngồi một mình bên dòng suối nhỏ. Tôi nhớ Y Thi khủng khiếp, nhất là những lúc mặt trời sắp lặn trên đỉnh núi xa. Tôi cởi bỏ chiếc áo choàng và nhảy múa loạn xạ cùng ngọn lửa, tôi chạy như điên trên bãi cỏ, luồn qua những thân cây, hú hét vang trời. Khi màn đêm buông xuống, mặc lại chiếc áo choàng, tôi buồn bã trở về thành phố, trở về với bà dì ghẻ của tôi.

Một buổi sáng nọ, người đưa thư đem đến cho tôi một gói đồ được buộc dây kỹ lưỡng. Tôi mở ra và thấy một tập giấy mỏng, trang đầu tiên có một dòng chữ lớn được viết gân guốc nhưng bay bướm: Chuyện của lửa. Đó là truyện ngắn mà Y Thi hay nói với tôi. Hẳn gã đã đoán trước được mọi sự.

___

 

Già Y K’sê nói: mỗi người chúng ta đều có một chiếc áo lửa. Chiếc áo canh phòng thú dữ và sưởi ấm mùa đông; chiếc áo ban niềm vui và sự say mê cuộc sống. Ngọn gió của thần Y K’nông không ngừng thổi, và những ngọn lửa không ngừng nhảy múa, nhảy múa vĩnh cửu. Này những kẻ phương xa, các ngươi đã đến buôn ta vào một buổi chiều. Các ngươi muốn dập vùi ngọn lửa. Các ngươi muốn chúng ta chỉ còn bóng tối, và cúi đầu run sợ vì cái lạnh của rừng già. Nhưng các ngươi đâu biết rằng, lửa trong máu chúng ta, cháy mãi, cháy mãi cho sự hồi sinh, ngay cả khi chúng ta đã chết.

___

 

Hằng đêm, tôi viết và sau đó đốt những gì tôi viết. Lửa reo trên sàn nhà và nhảy múa trên thân thể tôi. Một sự cộng hưởng kỳ lạ day dứt. Rồi một hôm, thực sự vui mừng, tôi được gặp lại Y Thi, vẫn những ngọn lửa trên người. Gã nói đã được đoàn tụ với tất cả dân làng. Họ vẫn là những ngọn lửa say mê cháy, dù ở bất cứ đâu. Mỗi tháng một lần, họ tụ tập nhau bên bờ suối, nhảy múa hát ca. Bóng tối hoảng sợ trốn vào những cánh rừng. Bóng tối xanh xao vì mất ngủ. Từ đó, cách dăm ba hôm Y Thi lại đến với tôi. Vào những lúc cao hứng, Y Thi lại hát và nhảy múa. Tôi ngồi trên thềm, đầu lắc lư và mắt long lanh. Chẳng rõ mấy kẻ ngoài kia có trông thấy Y Thi không, nhưng cứ mỗi lần Y Thi đến, thì y như rằng nửa đêm hôm ấy có một trận mưa gạch đá trút xuống mái nhà. Y Thi cảm thấy buồn vì điều đó, ngỏ ý rằng gã không nên đến nữa thì hơn, kẻo ngôi nhà sẽ bị phá sập, và tính mạng của tôi cũng e không được bảo toàn. Tôi nằng nặc nói rằng Y Thi cứ đến, vì đối với tôi bây giờ, Y Thi là niềm vui to lớn nhất cuộc đời. Y Thi cười buồn.

Một tuần, rồi một tháng trôi qua, không thấy bóng Y Thi. Những kẻ khốn nạn vẫn lởn vởn ngoài đường, và đêm đêm, tiếng hú của chúng làm tôi không chịu nổi. Sống như thế này, tôi nghĩ, thà xuống địa ngục còn hơn. Máu tôi sôi sục, những ngọn lửa bốc lên cao. Tôi ao ước những ngọn lửa này có thể thiêu rụi bọn chúng. Trong một lần như thế, với sự phẫn uất không thể kìm nén nổi, để nguyên chiếc áo lửa trên người, tôi chạy ra đường. Tôi nghĩ sẽ giết bất cứ kẻ nào mà tôi gặp mặt. Tôi thấy bóng chúng lấp ló ở hè phố đằng kia. Cầm một viên gạch trên tay, tôi đuổi theo chúng. Chúng nhìn thấy tôi và hò hét làm cả thành phố bừng tỉnh. Những khung cửa sổ bật mở, những khuôn mặt ngái ngủ với đầu tóc rối bù ngó xuống. Cửa hiệu quần áo New Art đang bốc cháy. Kẻ quái quỷ nào đó đã chơi xỏ tôi. Rồi tôi nghe tiếng hú còi của xe cảnh sát.

Khi tỉnh dậy, tôi thấy Y Thi đang dìu tôi bay trên bầu trời đêm. Những ngọn lửa ôm ấp và xoa dịu vết thương nơi lồng ngực. Những ngọn lửa cũng reo ca trên thân thể Y Thi. Dưới kia, thành phố ngập ngụa trong bóng tối. Chúng tôi hạ cánh xuống bên một dòng suối nhỏ, nơi có vô số những ngọn lửa đang nhảy múa hân hoan.

Chúng ta là sự sống, những ngọn lửa hát vang, kẻ nào yêu chúng ta thì sống mãi, ngay cả khi đã chết đi rồi.

 

 

---------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021