thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TỰ THUẬT VĂN HỌC: Những khó khăn & tác phẩm [kỳ 16]

 

THẾ UYÊN

(1935~)

 

 

Về miền Nam...

 
 

Ba người di cư không Công giáo

 

Tàu đã cặp một bến khu Khánh Hội, cầu thang đã được hạ xuống và những người Công giáo di cư bắt đầu xuống thang, đặt những bước chân đầu tiên lên vùng đất mới. Họ, cũng như tôi, đều không thể nào biết được vùng đất này sẽ ưu đãi họ, hơn cả những gì các cha cố đã hứa hẹn. Họ sẽ bữa nào cũng được ăn cơm với cơm, không độn ngô khoai như ở miền Bắc, sẽ có quần áo đủ mặc, trẻ con được học hành, thanh niên muốn đi đâu thì đi ở đâu thì ở... Xứ sở ngay cả ăn mày cũng ăn cơm với cơm và “không hề thấy mồ mả của đứa nào chết vì đói!” Câu nói này của một người dân Nam kỳ, không nhớ là của ai, có lẽ là nhà văn Sơn Nam.

Ba ông “chức sắc” chính quyền Việt Nam, trong đó có tôi, đã chào từ biệt ông thuyền trưởng từ sáng, bây giờ đứng tựa lan can tàu ngó những người di dân xuống tàu. Thấy ban tiếp đón trên mặt đất làm việc khá hữu hiệu: bất cứ ai, không phân biệt người lớn trẻ con, cứ đặt chân lên đất liền là được tặng bánh mì baguette, cá hộp, chắc là khẩu phần ăn tạm thời tối nay. Sau đó một nhân viên cầm một xấp cao giấy một trăm màu đỏ, cứ đếm đầu người, phát mỗi người một tờ. Đằng sau ban tiếp tân này có ba cái bàn, một bàn có nhiều cần xé bánh mì bao quanh, một bàn xếp cá hộp, và một bàn có lính gác ngó chừng những xấp bạc rực rỡ bày sẵn trên bàn. Tôi cũng như hai ông bạn đồng hành chưa bao giờ được ngó thấy nhiều tiền bạc một chỗ như vậy.

Toàn tiền mới tươi rói, không mùi chi khác ngoài mùi... tiền bốc lên tận lan can tầu, làm ông Trưởng Toán đột nhiên nói: “Chút nữa hai cậu đừng nói gì cả, cứ lẳng lặng xuống như mọi người di cư, lấy trăm bạc xài đỡ...” Tôi bé nhất toán, dĩ nhiên chủ trương ai sao ta vậy, không thắc mắc. Không biết ông trưởng toán lương bao nhiêu, hai đứa thiện nguyện chỉ được cơm nuôi nằm giường nệm trong mấy hôm vừa qua, vậy... tôi đặt chân lên bờ với một trăm mới tinh, cầm tay hai hộp cá, tay kia kẹp nách ổ bánh mì dài. May tôi đã bán chiếc xe đạp ở Hải Phòng, đỡ vướng víu, cứ lỉnh kỉnh như thấy băng qua dãy GMC chờ sẵn, đi thẳng ra cổng, thuê xích lô máy đi liền.

Với đồ nghề linh tinh như vậy, tôi bước vào căn nhà gỗ thiếu đủ mọi tiện nghi ven đường Hui Bôn Hoa sau này đổi là Lý Thái Tổ. Chiều hôm đó là 28 Tết, cả nhà đang tụ họp đầy đủ, trừ ông anh Duy Lam vẫn làm thông dịch cho các khoá sĩ quan tu nghiệp ở Mỹ. Bố tôi vui hẳn lên, cười tươi quay lại nói với mẹ: “Tôi nói đúng chưa, nó hứa sẽ về ăn Tết là nó về...” Ông quay lại tôi: “Con đang cầm tiền gì đó?” Khi biết là tiền được phát không, ông giơ tay cầm lấy liền cho tôi đỡ... nặng (thời đó một ly nước mía lớn có 1 đồng, nếu mua ly nhỏ có 50 xu, và ông bán hàng thản nhiên xé đôi tờ 1 đồng, thối lại cho khách một nửa. Một nửa của 1 đồng, chẳng là 50 xu sao?). Như vậy bố (và mẹ) có quà rồi, còn mấy đứa em thì khỏi lo, đứa em trai đã mở xong một hộp cá sardine xứ Maroc, mấy anh chị em ồn ào bẻ bánh mì chấm cá ăn vui vẻ. Tôi đi lại ngồi cạnh mẹ, đưa tay nắm tay bà bóp một cái. Bà cười, vẫn nụ cười hiền lành ấm cúng quen thuộc. Tôi cũng cười với bà. Thế là xong nghi lễ đoàn tụ giữa hai mẹ con.

Dù nghèo, bố mẹ tôi vẫn gói bánh chưng, kiểu mẹ tôi, nghĩa là kích tấc bằng viên gạch hoa lót nhà (nhà người ta, còn nhà tôi đang ở chỉ tráng xi măng). Đằng sau nhà là một xưởng mộc giờ này bỏ trống vì thợ về quê ăn Tết, mẹ tôi đã điều đình mượn chủ nhà xưởng gỗ để đặt nồi bánh chưng. Giá thử tôi không về được, mẹ tôi ăn tối xong sẽ vẫn nổi lửa như thường. Sẽ có một số anh chị em họ cùng bạn bè hẹn 9 giờ sẽ tới, mang bánh kẹo hạt dưa đến canh nồi bánh cho vui, trong đó có cả anh của nàng Mặt Trời. Anh bắt tay tôi vui vẻ, cùng mọi người hỏi han về Hà Nội, thành phố bây giờ kể như bị bỏ lại sau lưng quá khứ. Anh không hỏi và sẽ không bao giờ hỏi là tôi còn yêu còn nhớ Mặt Trời không, và tôi cũng không nói phương thuốc đi tìm Mặt Trăng để chữa bệnh thất tình Mặt Trời đã hiệu nghiệm. Dĩ nhiên không thất tình nữa không có nghĩa là quên, vì không thể nào quên quá khứ tình yêu trong tuổi trẻ, và tôi sẽ mãi mãi “đa thê” vì trong tôi, phần sâu thẳm, hai nàng Mặt Trăng Mặt Trời vẫn còn đó, nhưng, mượn câu kết truyện “Đôi bạn” của Nhất Linh, chỉ còn là “một nỗi nhớ xa xôi đang mờ dần”.

Sáng hôm sau, sau khi ăn sáng bánh chưng nóng hổi, tôi quần áo chỉnh tề gọi taxi đến nhà bà chị họ nào đó của Hoàng. Tôi đi taxi vì vướng bó hoa, vẫn cứ tươi tốt vì dù say sóng lắc lư tôi vẫn tưới đều và suốt đêm qua mấy đứa em gái đã ngâm hoa vào phuy nước. Nàng T., tạm gọi như thế, chị họ của Hoàng, trắng trẻo xinh xắn và trường túc, mặt đỏ bừng đón bó hoa bằng cả hai tay, và mặc dù được người tặng hoa ủy quyền muốn nói gì thì nói, tôi chỉ kể hoa được trao cho tôi từ ba hôm trước tại cầu tầu cảng Hải Phòng. Với lời dặn trao tận tay T. Và tôi đã trao tận tay... Nhiệm vụ kể như xong. Trong lúc người con gái còn lúng túng với bó hoa, tôi cúi chào giã từ, đi thẳng ra cửa. Thật lâu về sau khi tôi đang theo học năm thứ ba Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, tôi mới gặp lại T. vào học năm thứ nhất và đang có bầu. Thấy nhau ở sân trường có nhiều cây cổ thụ không cao nhưng nhiều bóng mát, T. chỉ khẽ gật đầu chào tôi. Thế thôi. Không một lần đứng lại nói chuyện. Tôi thường tôn trọng sự im lặng, kín tiếng của người con gái, nên cũng không lại gần cho đến khi gió lớn cuộc đời cuốn hai đứa tôi mỗi đứa một ngả.

Nhà văn Pháp sinh trưởng ở Nam kỳ, Marguerite Duras, khi về già có viết một tự truyện nhan đề giản dị L’Amant (Người tình), thuật lại mối tình đầu của mình năm 15 tuổi rưỡi với một chàng Trung Hoa giàu có. Mối tình chấm dứt năm 17 tuổi khi chàng theo lệnh cha lấy một cô gái Tàu. Chàng cũng lo vé tàu cho toàn thể gia đình nàng hồi hương nước Pháp. Nàng cắp sách đi học tiếp, lấy chồng, ly dị, lấy chồng, ly dị... và viết văn nổi tiếng. Khi cô gái Duras xinh đẹp ở Sa Đéc năm xưa đã thành bà Duras tóc bạc, đang ngồi viết văn thì nhận được điện thoại của “người tình đầu Trung Hoa” hồi nhỏ: Ông cho biết đã sang Paris, và dù vợ con cháu chắt đùm đề và nửa thế kỷ thời gian nặng trĩu trên vai, “chàng” vẫn cứ yêu “nàng” nhất trên đời...

Sau khi liên lạc với quá khứ xa vời nơi miền nhiệt đới gió mùa Đông Dương, bà lão Duras đặt máy điện thoại xuống, chưa lâu lắm, thì điện thoại nhà tôi, tại một thị trấn lẫn trong tùng bách, không xa biên thùy Canada cho lắm, bỗng rung chuông từ dĩ vãng. Cô gái ngày xưa, người đã nhờ tôi ôm bó hoa từ Bắc vào Nam tặng người bạn tên Hoàng, từ đâu đó gọi tới. Cô, cứ tạm gọi như thế, cho biết vừa về thăm Hà Nội sau đúng nửa thế kỷ xa cách. Cô đã đến căn gác năm xưa thăm ông em họ đã từng có thời yêu cô. Hoàng đã bị một cơn tai biến mạch máu não tê liệt nằm một chỗ và cũng không còn nhận ra ai hết. Cô gái, tôi vẫn thích dùng từ này hơn từ “một bà trạc tuổi lục tuần”, nói thêm: “Năm xưa Hoàng yêu tôi mà tôi đâu có hay...” Tôi giữ điện thoại im lặng một chút rồi nói “Vâng”, trước khi ngưng điện đàm. Trong phim Người tình bà già Duras cũng đã “vâng” một tiếng với người tình xưa, trước khi đặt máy điện thoại xuống. Tôi biết làm gì khác hơn?

Sau bữa cơm tối, tôi kể lại chuyện ấy với vợ, nàng hỏi tôi: “Chị ấy ở đâu gọi lại?” Tôi ngẩn ngơ trả lời: “Anh không hỏi. Chị ấy ở đâu đó, không ở nước Mỹ thì cũng quanh quẩn trên thế gian này.” Tôi nhìn bâng quơ ra ngoài kính cửa sổ phòng ăn, bên ngoài trời mùa thu vùng tây bắc nước Mỹ chưa chi đã tối đen.

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

Đã đăng:

... “Những hạt cát” là tên của truyện ngắn đầu tiên tôi viết trên đời. Động cơ thúc đẩy không có gì là oai hùng, siêu hình siêu linh, hay sứ mệnh văn học hiện đại chi hết...: tôi viết chỉ vì bắt chước mọi người chung quanh, nhất là anh tôi, nhà văn Duy Lam... (...)
 
Không phải tôi bắt chước họa sĩ Picasso mà đặt tên các thời kỳ văn học bằng mầu sắc xanh đỏ vàng, mà vì văn chương viết thời kỳ cộng tác với tạp chí Tân Phong, thuộc dòng lãng mạn cổ điển kiểu Pháp thế kỷ 19, kiểu tiền chiến Việt Nam. Đặt tên màu xanh êm đềm như thế để phân biệt với vàng, đỏ như máu, văn chương có lửa, văn nghệ xám của nhóm văn hóa Thái Độ sau này... (...)
 
Nguyễn Tường là họ ngoại của tôi. Còn họ nội của tôi ra sao? Bố tôi là đứa con cuối cùng của giòng họ Cát ở Vân Đình, Hà Đông, không có gì lẫy lừng từ nhiều đời, ông nội tôi (chết sớm) chỉ là ông đồ... (...)
 
Thời gian xẩy ra sự cố nói trên, tôi đang cộng tác với nhật báo Chính Luận của Từ Chung và Đặng Văn Sung. Mới đầu tôi viết mỗi tuần một đoản văn... (...)
 
Trong khi theo học đại học ở Mỹ, tôi dần dà khám phá ra nền giáo dục xứ này không đề cao tinh thần thượng võ và ít chú trọng đến việc xiển dương, đề cao, khích động lòng yêu nước, nhiều như ở Việt Nam. Nếu lấy đơn vị là một cho dễ nói, nền giáo dục miền Nam Việt Nam đề cao tinh thần thượng võ và lòng yêu nước mười lần hơn Hoa Kỳ, và miền Bắc Việt Nam lại mười lần cao hơn miền Nam... (...)
 
... Bố tôi không khoẻ, và thuốc phiện còn làm ông suy yếu hơn. Tự ông cũng biết mình sẽ không thọ (và đúng vậy, ông chết khá sớm, năm 56 tuổi) và khả năng kiếm tiền đã thấp (sau thời kỳ làm quản lý cho Phong Hoá Ngày Nay), ông thường làm công chức cấp nhỏ, lương thấp, đông con... (...)
 
Trong danh sách những nghề bố bảo nên gia nhập, tôi còn kể sót một trường là Quân Y ngay gần nhà. Bố tôi mặn mà với trường này lắm vì ra trường vừa là trung úy vừa là y sỹ, vừa có chữ thọ to tướng vừa có thể làm ngoài, thiếu gì tiền... (...)
 
Yêu một cô bé xinh đẹp con nhà và được yêu lại, được lấy nhau làm vợ chồng, còn niềm vui nào lớn hơn. Ngồi ở công trường vắng lặng Ban Mê Thuột uống một ly đậu đỏ tồi ơi là tồi, bùn đỏ xứ này còn như muốn nở hoa, buồn làm sao được... (...)
 
Năm 1954 tôi theo gia đình rời Hà Nội di cư vào Nam, định cư tại thành phố Sài Gòn. Năm đó tôi vừa 19 tuổi. Đủ lớn để có một, không phải một người yêu, mà là một người để yêu. Nàng đầu tiên là Mặt Trăng... (...)
 
Tôi đã tưởng mối tình (tình một chiều và thất tình một phía) hồi mười chín tuổi đã bị xoá trong bộ nhớ não tôi; gần nửa thế kỷ, bao nhiêu là nước chảy qua chân các cầu rồi còn gì. Nhưng tôi lầm... (...)
 
... Phương thuốc tôi cho là hiệu lực nhất là “dĩ độc trị độc”, lấy tình mới trị thất tình cũ: “Mi đau buồn vì một cô gái phải không? Hãy tìm một cô gái khác mà thay thế (hơn phân nửa thế giới là phụ nữ, lo gì?)...” (...)
 
... Tôi ngủ một giấc ngon lành không mộng mị, khi mở mắt ra, tôi phải định thần một chút mới nhớ ra mình đang ở đâu trên đất nước Việt Nam. Trời đã sáng từ lâu... (...)
 
... Khi tôi trở lại, bốn mươi năm sau, không còn chi để thăm để viếng... Kể như xong đời một phụ nữ nghèo vùng châu thổ sông Hồng triền miên đói này. Sống âm thầm và chết cũng âm thầm, không có đến cả một nấm mồ cho cháu chắt tìm đến thắp một vài nén hương... (...)
 
Nhiều năm về sau, chính xác ra là 40 năm sau, tôi mới có dịp trở lại thành phố Hà nội, lúc đó chưa “Đổi Mới” nhiều, còn đầy rêu và mốc meo... (...)
 
... Đầu năm 1955, rời Hà Nội xuống Hải Phòng để trở lại miền Nam, tôi không tuân theo đà phát triển nam tiến của dân tộc, mà là do chọn lựa của cá nhân. Có dịp để sống ở cả hai miền theo hai chế độ khác nhau, tôi cân nhắc so sánh, đối chiếu... Chọn lựa ở lại, là vô ở trong chum trong lọ, là gia nhập một tập thể đoàn ngũ hoá tới kẽ tóc chân lông... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021