thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Giải pháp | Nếu chúng ta tồn tại đời đời | Bertolt Brecht:
(Diễm Châu dịch)
 

GIẢI PHÁP

 
Sau cuộc nổi dậy ngày 17 tháng Sáu*
Ông thư ký Hội nhà văn
Đã cho phân phát truyền đơn trên đường Stalin
Truyền đơn bảo: nhân dân, vì lầm lỗi,
Đã đánh mất sự tin cẩn của chính quyền
Và chỉ bằng lao động gia tăng
Mới có thể giành lại được.
Chẳng phải là đơn giản hơn nữa hay sao,
Nếu chính quyền giải tán nhân dân và
Bầu ra một nhân dân khác?
 
-------------------------------------------------------------
* Đây là cuộc nổi dậy của nhân dân ngày 17. 6. 1953 tại Berlin theo sau những biện pháp kinh tế đưa đến việc giảm 30% thu nhập của các công nhân. Ngày 16, hai ngàn công nhân phản đối ngoài đường phố, đòi hỏi những cuộc bầu cử tự do. Hôm sau, 50 ngàn người diễu hành trên các đường phố ở Đông Berlin. Quân đội chiếm đóng (Liên sô) tuyên bố tinh trạng «đặc biệt» và dân quân nổ súng vào đám đông. Kế đó, phong trào lan rộng tới các thành phố khác ở Đông Đức. Đã có hàng trăm người bị chết, nhiều hơn nữa bị thương và nhiều người bị đem ra tòa xử, trong đó có bốn án tử hình và ba đã được thi hành. Bài này nằm trong tập cuối cùng của Brecht, viết năm 1953.
 
 

NẾU CHÚNG TA TỒN TẠI ĐỜI ĐỜI

 
Nếu chúng ta tồn tại đời đời
Thời mọi sự hẳn sẽ đổi thay
Nhưng bởi chúng ta chẳng sống mãi
Nhiều điều cổ lỗ vẫn còn hoài.
1956
 
 

BERTOLT BRECHT:

 
«Thành Carthage vĩ đại
đã theo đuổi ba cuộc chiến tranh.
Vẫn hùng cường
Sau cuộc chiến thứ nhất,
Hãy còn cư ngụ được
Sau cuộc chiến thứ nhì,
Người ta hoài công tìm kiếm dấu vết nó,
Sau cuộc chiến thứ ba.»*
 
------------------------------------------------------------------------
* «Bài» này từng được trình bày như một bài thơ của Bertolt Brecht, bằng chữ đỏ trên một tấm bích chương lớn mà trước đây người ta có thể thấy khi băng qua «bức tường Berlin» trên đường tới Đông Berlin. Thực ra đây chỉ là những gì còn lại của một lá thư (đã bị kiểm duyệt) của Bertolt Brecht, tựa là «Thư ngỏ gửi các nghệ sĩ và nhà văn Đức» (1951), trong đó Brecht kêu gọi sự thống nhất nước Đức một cách hòa bình và bãi bỏ kiểm duyệt tại Cộng hòa Dân chủ Đức.
 
 
--------------------------
Ghi chú của dịch giả:
BERTOLT BRECHT (1898-1956), nhà thơ và kịch tác gia Đức, sinh tại Augsburg ngày 10. 2. 1898. Năm 1918, trở thành lính Quân y. Năm 1922, vở Tiếng trống trong đêm của ông đoạt giải Kleist. Năm 1933, di cư qua Tiệp-khắc, Thụy-sĩ, Pháp, Đan-mạch, Thụy-điền, Phần-lan, Nga để tới Hoa-kỳ (1941). Năm 1947, từ Hoa-kỳ trở về Zurich. Năm 1948, trở về Berlin. Mất tại Berlin ngày 14. 8. 1956. Ngay đối với những kẻ không ưa con người «cộng sản» nơi ông, thơ Bertolt Brecht vẫn được coi như tuyệt diệu.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021