thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ca thi cho Bogotá | Ca thi cho Guillaume Apollinaire
(Diễm Châu dịch)
 
CA THI CHO BOGOTÁ
 
Tôi đến từ một lục địa nơi máu trút như mưa
nơi đất phồng lên dưới ánh mặt trời
nơi cái chết và ngọn lửa giao tranh thổi cuồng loạn
nơi người ta xé nát thời gian và đêm tối
 
Và đây một vì sao vì sao chiếu sáng cho các tù nhân
đây một vì sao đã dẫn đưa tôi
tới một đỉnh cao có tên gọi Bogotá
thành phố được trang hoàng bằng những áng mây
 
Và đỉnh cao này không phải chỉ là một khu vườn
nơi ta học biết tên các trái cây
anons mangos zapotes
nơi người ta dạy ta tên các thức hoa
tên các thức hoa hay những vuốt ve mơn trớn
agapangos soldaritos ababoles
không phải chỉ là thành phố này
nơi vang vọng những giờ và những tiếng chuông
nơi tràn ngập mùi cà-phê hương vị của cuộc đời
đỉnh cao này thành phố Bogotá này
trước hết là nơi mà tình yêu thi ca
thi ca cực kỳ mãnh liệt thi ca phép nhiệm mầu
không bao giờ bị xao lãng
hay khinh khi
nevermore
Từ đỉnh cao của các bạn
hỡi các bạn Colombie của tôi
từ Bogotá các bạn quan sát thế giới
và từ chiều cao mà chim chóc và những quả chuông yêu mến này
các bạn có thể thấy không gian và thời gian
các bạn có thể biết như tôi đã thưa với các bạn
rằng thơ thời mạnh hơn
những mảnh bom
rằng tiếng nói của thơ mãnh liệt hơn
tiếng đại bác
 
Một lớp sương mù màu máu
những đám mây hổ nhục
trong ít lâu nữa
vẫn còn trùm lấp bầu trời của thành phố quê tôi
cũng là thành phố của các bạn
Paris của chúng ta
nhưng các nhà thơ ở đôi bờ sông Seine
vẫn mơ mộng và ca hát vẫn thì thầm và cất tiếng kêu
các nhà thơ của nước Pháp những người bạn của các bạn
không quên niềm tin tưởng và tinh thần
 
Chẳng bao lâu nữa một bình minh
Chẳng bao lâu nữa từ Paris các bạn sẽ nghe tiếng gọi này
A-lô Bogotá Đây Paris
Thơ vẫn sống hổ nhục đã chết
A-lô Bogotá Đây Paris
chúng tôi không hề quên bằng hữu của chúng tôi
và các nhà thơ
bởi tình yêu tình bằng hữu và thơ
là sự hồi sinh sự sống và tự do
 
1944
 
 
CA THI CHO GUILLAUME APOLLINAIRE
 
Tội nghiệp Guillaume* bạn tôi
người ta phủ lên anh vinh quang hoa lá và tro
con người vĩ đại giữa ngoặc kép pho tượng đồng
với nước sạm bóng của danh tiếng
người ta chất lên anh tất cả những gì anh thật khó thương
người ta đội quanh vầng trán anh vòng nguyệt quế
người ta lay động bộ xương anh để làm bật ra những tia lửa
 
Guillaume thân mến bạn tôi
tôi không quên nụ cười của anh
cũng chẳng quên những tiếng cười nhạo khe khẽ của anh
hay nỗi kinh hoàng của quên lãng và bội bạc
thế là anh rốt cuộc đã được mãn nguyện
bóng ma bóng ma được đặt vòng hoa
người ta sẽ còn cho anh gì nữa
trong những thứ mà anh thật khó thương
vinh quang danh dự những huy chương
rồi thêm nữa ái tình
ái tình của những mụ ngu ngốc những kẻ trì độn
và của những đứa con gái ấy
những kẻ không biết nhìn
xa hơn đầu mũi anh
 
Anh hãy nhớ tới mặt trời mọc
tới lúc đầu ngày ở đầu mút Auteuil
và tới cơn khát không một xu uống nước
tới cửa hàng tạp hóa mà anh đã lục lọi
tuyệt vọng và tỉ mỉ
mà không biết điều anh tìm kiếm
để làm bừa bộn đôi chút đời anh
tới những chiếc dĩa cổ những cuốn sách cũ
và tới mặt trời trong khối thạch anh
 
Tôi đã quen biết Guy rất mau
vào thời anh là nhà binh
và quả là buồn rất buồn
như một ngày không bánh mì và không trăng
anh kiêu hãnh hơn cả Artaban
là vì anh là thiếu úy
bộ binh thời chiến
và khư khư với mấy cái lon
và khi nhìn ngắm tôi nghĩ tới
tất cả những người sẽ còn chết
mà chẳng bận tâm
cả đến tương lai lẫn vinh quang
đến thời gian trôi như dòng sông Seine
dưới cầu Mirabeau
 
Tôi đã thường theo rõi bóng ma anh
trong những con đường ghê rợn ở Auteuil
khu phố của những nỗi buồn lớn của anh
mơ tới Anne tội nghiệp của anh
khi các bạn anh nhạo báng
và khi anh biết rằng đã đến lúc
phải biết điều anh muốn
và anh chỉ mới ngờ tới
trong lúc anh trông đợi tự do
và phải tìm cách sống
cuộc sống mà anh đã phung phí
vui nhộn như cái trống
và đơn độc đơn độc
 
Guillaume Guillaume bớ Guillaume
như người ta vẫn thường kêu anh ở góc phố các nhà in
ở góc đường Croissant và đường Montmartre
nơi anh thường tới chiêm ngưỡng
như những đứa trẻ trầm trồ trước những chiếc xe lửa
chạy bằng điện
những dàn máy sắp chữ những người bạn gái của anh
reng những tiếng chuông nho nhỏ
vào giờ chót «chót hết»
khi đã tới lúc phải sống ban đêm
và khi các vì sao ra hiệu cho anh mình còn sống
Guillaume ôi kẻ đi đêm
tôi lại theo đuổi những lộ trình của anh
những nỗi âu lo của anh dọc sông Seine
màu ý thức anh
khi anh tìm cách tới
phút hừng sáng
và Billancourt
nơi anh hẳn tìm thấy rạng đông
đang đốt cháy ngôi đền Hy-lạp bằng xi-măng cốt sắt
và những ngọn lửa lớn
cho những lễ hiến sinh
của bốn mươi giờ
của cảnh những người già về hưu
và của những sự dũng cảm thật mơ hồ
 
Sau cùng anh đã mỏi mệt với cái thế giới cũ kỹ này
với vinh quang và những vòng nguyệt quế
với tất cả những gì anh đã từng mong ước
và anh không bao giờ có được
và chúng ta cũng chẳng bao giờ nên có
cả anh lẫn tôi
 
1962
---------------------------------
Ghi chú của dịch giả:
* Guillaume Apollinaire (1880-1918): nhà thơ lớn của Pháp (chỉ có quốc tịch năm 1916).
 
PHILIPPE SOUPAULT (1897-1990) là một nhà thơ Pháp, được biết tới nhiều vì những liên hệ của ông với trường Siêu thực Pháp. Đi từ dada tới siêu thực, trở thành đồng-tác giả của Les champs magnétiques (với André Breton), Philippe Soupault bị vị «giáo chủ» này của Siêu thực khai trừ, vẫn tiếp tục làm thơ, ngoài mọi trường phái... Các bài trên trích dịch từ tập Odes (1930-1980) của Philippe Soupault, do Jacques-Marie Laffont xuất bản, Lyon, 1980.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021