thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Quá khứ
 
Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn
(sau khi đọc “ba lá thư” của Jacques Roubaud)
 
 
 
JACQUES ROUBAUD
(1932~)
 
 
 

Quá khứ

 
Nàng nói với chàng: “Trời quá đẹp.”
Do đó
trời đẹp.
Nếu trời đẹp, không nhất thiết trời quá đẹp.
Nếu nàng đã nói “trời đẹp”
liệu chàng có hiểu rằng nàng, khả dĩ,
một cách nào đó,
đã nói
“trời đẹp, nhưng trời không quá đẹp”?
Không.
“Trời đẹp” chắc hẳn đã không biểu lộ ở nàng bất cứ sự e dè nào.
Nhưng chắc hẳn chàng cũng đã không nghe trong câu nói của nàng
“trời đẹp”
(nếu nàng đã nói “trời đẹp”)
cái ý “trời đẹp, thậm chí trời quá đẹp”.
“Trời đẹp”
chắc hẳn đã không biểu lộ
ở nàng
bất cứ sự cả quyết nào.
 
Cũng như vậy nếu đã nói “trời đẹp”
(mà trường hợp này đã không phải vậy)
mà nàng lại nói thêm “thậm chí trời quá đẹp”
thì phải chăng câu này có nghĩa là nàng đã nghĩ
rằng nếu chỉ đơn giản nói
“trời đẹp” thì nàng đã không nói đủ chính xác
tức là nàng chưa khẳng định
cái đẹp của thời tiết?
Chắc là vậy.
Nhưng phải chăng nàng đã nói
“trời quá đẹp, trời thậm chí quá đẹp”?
Không.
Tại sao?
Vì điều đó không được nói ra. Nếu nàng đã nói
“thậm chí trời quá đẹp” sau khi đã nói
“trời quá đẹp”
thì nàng chắc hẳn đã áp dụng phụ từ “thậm chí” vào câu nói
“trời quá đẹp”. Nhưng khi ta nói
“trời quá đẹp” thì không có trường hợp nào ta lại nói
trời đẹp nhưng không quá đẹp,
mà câu đó thêm vào sau câu “trời đẹp”
thì cũng không thích hợp như câu “thậm chí trời quá đẹp”
và do đó từ “thậm chí” này không thể áp dụng
vào câu nói
“trời quá đẹp”.
 
— Thật sao?
 
Và trời có đẹp không?
 
— Trời đẹp.
 
 
--------------
Dịch từ nguyên tác “Le Passé”, trong Jacques Roubaud, La Forme d’une ville change plus vite hélas que le cœur des hommes (Paris: Éditions Gallimard, 1999).
 
 
Đã đăng:
 
Thư 1 | Thư 2 | Thư 3  (truyện / tuỳ bút) 
Ta vừa nhận được lá thư sau cùng của bạn và ta trả lời lập tức. Bạn hỏi ta là ta đã nhận được lá thư sau cùng của bạn chưa và ta có ý định trả lời thư ấy hay không. Ta xin phép lưu ý bạn là việc bạn gửi lá thư sau cùng làm cho lá thư bạn gửi cho ta trước đó không còn là lá thư sau cùng của bạn nữa và nếu như ta trả lời như ta đang trả lời lá thư sau cùng của bạn, thì ta không phải là đang trả lời lá thư giờ đây là lá thư trước lá thư sau cùng của bạn. Vậy là ta không thể thoả mãn điều mà bạn đòi hỏi ta làm trong lá thư sau cùng của bạn... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên] (...)
 
Những đường phố Paris có hai phía / đây là một qui tắc chung // Không có đường phố nào ở Paris chỉ có một phía / (vả chăng ta không thấy được làm sao một đường phố ở Paris (hay ở một nơi khác) chỉ có một phía) / Không có một đường phố nào ở Paris chỉ có duy nhất một phía... | Sacré-Cœur! / ta thấy mi / Ôi Bình sữa bú / với cái đầu vú to tướng hình chữ thập... | Hơn ngàn lần đi xuống con phố ấy / tôi cố gắng / không nhìn thấy / nhưng vô ích // Khi chắc chắn đã qua khỏi phố / tôi ngẩng mắt lên / nó vẫn ở đó... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021