thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỮNG BÀI THƠ TÌNH CỦA RENÉ CHAR [II]
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
RENÉ CHAR
(1907-1988)
 
Năm 1986, tạp chí Le Genre humain có cho ra một số chuyên đề về “Tình yêu” [số 13, tháng Giêng 1986], René Char được yêu cầu tự chọn những bài thơ tình, và rút từ tác phẩm Œuvres complètes của mình, ông đã liệt kê bảy bài thơ: “Singulier” [Arsenal] trong tập Le marteau sans maître; “Vivante demain” [Poèmes militants] trong Le marteau sans maître; “Madeleine à la veilleuse” [La fontaine narrative] trong Fureur et mystère; “L’amoureuse en secret” [Le consentement tacite] trong Les matinaux; “La chambre dans l’espace” [Poème des deux années] trong La parole en archipel; “Madeleine qui veillait” [Pauvreté et privilège] trong Recherche de la base et du sommet; và, tất nhiên bài thơ dài “thay da đổi thịt” nhiều lần: “Lettera amorosa”, tác phẩm thời thanh xuân đầy sức sống tươi mát, với những minh hoạ tuyệt đẹp của Georges Braque, mới đây nhân kỷ niệm NĂM RENÉ CHAR 2007, đã được in lại trong ấn bản in chung với Guirlande terrestre – với nhiều minh họa rất ấn tượng của Jean Arp [Poésie / Gallimard, tháng 3.2007]. Trong kho tàng thơ và thơ tình yêu của René Char, tất nhiên chúng ta thấy có nhiều hơn thế, và nếu được yêu cầu chọn thêm, người đọc chúng ta sẽ không khỏi lúng túng, nhưng chắc chắn chúng ta cũng sẽ không bỏ qua những bài như “Allégeance” chẳng hạn, hoặc “Marthe” [“em chính là hiện tại chất chồng”], hoặc “La complainte du lézard amoureux”, “La sieste blanche”... Thế nhưng phải nhìn nhận chọn lựa của tác giả là một chọn lựa cảm tính... có ý thức. Những bài đã được chọn có thể đối với nhà thơ là có vẻ như đáp ứng được một sự thôi thúc riêng tư, chứa đựng một ngọn lửa, và đã lên tiếng nói về tình yêu dưới hình thức mãnh liệt nhất, thanh khiết nhất...
 
Trong bài đóng góp cho tạp chí Europe số đặc biệt về René Char [số 705-706 tháng Giêng-Hai 1988], tác giả Nelly Stéphane viết về các bài thơ tình được nhà thơ chọn: “... Ba nhân vật ám ảnh những bài thơ ấy và có vẻ qui vào những con người riêng biệt, có lẽ nhiều hơn thế, có điều là đều được gọi là ta, em, nàng. Chúng ta không bận tâm tìm cho ra lý lịch của họ. Nếu ta là nhà thơ, em nàng có vẻ không phải lúc nào cũng vẫn là cùng một người nữ. Quả là vô ích nếu ta muốn đưa họ vào bất cứ một câu chuyện tiểu thuyết nào...”
 
Tình yêu? Từ ấy trong “Madeleine canh thức” René Char một lần đã nhắc đến, và chúng ta không nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện gặp gỡ không phải là không có tình yêu – như nhà thơ khẳng định. Có phải vì thế mà ông đã đặt vào cuối chọn lựa của mình, một câu “bình giảng”: Thực tế cao quý không lẩn tránh người nào gặp nó để trân trọng...? Cái thực tế kia mở rộng ý nghĩa của tình yêu, như người đọc có lẽ sẽ nhận ra suốt những dòng “Madeleine canh thức”, khi tìm thấy bên cạnh những cảm xúc nồng ấm chan hòa, còn có một tình cảm cao đẹp hơn: sự thanh khiết.
 
 

Madeleine trước ngọn đèn chong

tranh của Georges de La Tour
 
Hôm nay ta muốn cỏ phải trắng để giẫm lên bằng chứng đã được thấy em đau khổ: ta sẽ không nhìn dưới bàn tay em trẻ trung biết bao hình dạng cứng[*] không một lớp trát vữa của cái chết. Một ngày tuỳ nghi, những kẻ khác cho dù không khao khát bằng ta, sẽ lột chiếc áo vải của em, sẽ nằm lên chiếc giường của em. Nhưng khi ra đi họ sẽ quên dập tắt ngọn đèn chong và một chút dầu theo lưỡi ngọn lửa sẽ tràn xuống thứ dung dịch lạ đời.
 
 
Madeleine à la veilleuse [khoảng 1640-1645] – tranh sơn dầu
[128cm x 94cm] của họa sĩ người Pháp Georges de La Tour
(1593-1652) – vẽ một phụ nữ ngồi trước ngọn đèn chong trước
giờ “thánh hoá”. Nhà thơ René Char khám phá những tác phẩm
của họa sĩ trong dịp triển lãm “Những Họa sĩ Hiện thực ở Pháp
thế kỷ XVII”, tại viện bảo tàng Orangerie [11.1934–2.1935]
 
[*] Ý nói chiếc sọ người đặt trên đùi người phụ nữ.
 
 
 

Madeleine canh thức

 
Tôi vừa ăn tối ở nhà họa sĩ Jean Villeri bạn tôi. Bây giờ đã quá mười một giờ đêm. Xe điện hầm đưa tôi trở về nhà. Tôi đổi tàu ở nhà ga Trocadéro. Nặng trĩu một cơn mệt dễ chịu, tôi lơ đãng lắng nghe bước chân mình vang dội trên những lối đi ở hành lang. Đột nhiên một thiếu nữ từ hướng trước mặt đến gần, và nói với tôi, tôi nghĩ là sau một hồi lâu chăm chú nhìn tôi. Nàng hỏi xin tôi một thứ ít ra cũng là bất ngờ: “Thưa ông, ông có một tờ giấy viết thư chứ?” Khi tôi trả lời không và chắc hẳn là trước vẻ thích thú của tôi, nàng nói thêm: “Ông thấy hỏi như thế có vẻ buồn cười sao?” Tôi trả lời không, tất nhiên, thế này hay thế nào cũng thế... Nàng thốt lên với một chút giọng tiếc rẻ: “Nhưng dù sao!” Dáng ốm yếu, xanh xao và ánh mắt sáng ngời của nàng rõ ràng khác thường. Nàng bước đi với cái vẻ thoải mái của đám người hạ lưu như chính kiểu bước đi của tôi đây. Tôi hoài công tìm kiếm một chút vẻ đẹp trên cái dáng người thảm hại đó. Chắc chắn gương mặt hình trái xoan, cái trán, nhất là cái nhìn kia phải làm ta chú ý, phải khuấy động. Nhưng chỉ vì thế mà ta có thể tò mò muốn biết thì không! Tôi chỉ nghĩ đến chuyện bỏ đi. Tôi đến trước đoàn tàu Saint-Cloud và tôi vội vàng nhảy lên. Nàng lao theo sau tôi. Tôi bước mấy bước trong toa tàu để thoát xa và cắt đứt. Không kết quả. Đến ga Michel-Ange-Molitor tôi vội vàng bước xuống. Nhưng tiếng bước chân nhẹ nhàng vẫn theo tôi và theo kịp. Giọng nói bây giờ đã thay đổi. Một giọng khẩn cầu nhún nhường. Bằng vài lời êm ái tôi nói rõ rằng mọi việc phải chấm dứt tại đây. Thế là nàng nói: “Ông không hiểu, ồ không phải thế! Chuyện không như ông nghĩ đâu.” Không khí đêm bao quanh chúng tôi đem lại cho sự trâng tráo của nàng một vẻ đáng yêu: “Chẳng lẽ ông nhìn thấy tôi đứng trên những hành lang vắng vẻ, mà mọi người đang vội vàng bỏ đi, là để mời chào chuyện gái trai này nọ sao? – Cô ở đâu thế? – Rất xa đây. Ông không biết đâu.” Hồi ức về cuộc tìm kiếm những điều khó hiểu, thời tôi khám phá ra cuộc đời và thơ ca, trở lại trong trí tôi. Tôi khó chịu, cố xua đuổi nó ngay. “Tôi không bị lôi cuốn bởi những chuyện bất khả thi như ngày xưa (tôi nói dối). Tôi đã nhìn thấy quá nhiều đau khổ... (thật là sỗ sàng!)” Và câu trả lời của nàng: “Không phải tin lần nữa mà nỗi đau sẽ gia tăng đâu. Hãy cởi mở. Ông sẽ không nhìn thấy mình chết được.” Nàng mỉm cười: “Đêm thật là ẩm ướt!” Tôi cũng cảm thấy như thế. Con đường Boileau, thường ngày trông tỉnh lẻ và yên bình, giờ đây trắng sương muối, nhưng tôi hoài công tìm kiếm dấu vết những ngôi sao trên trời. Tôi nhìn nghiêng quan sát người thiếu nữ: “Cô tên gì, hả em? – Madeleine.” Nói đúng ra, tên nàng không làm tôi ngạc nhiên. Mới chiều nay tôi vừa viết xong Madeleine trước ngọn đèn chong, gợi hứng từ bức tranh của Georges de la Tour mà dấu hỏi hiện đang rất thời sự. Bài thơ này đã làm tôi hao mòn. Làm sao tôi có thể không nhận ra, trong con Người qua đường kiên trì ấy, sự xác minh tôi muốn nhìn thấy? Hai lần rồi, với những bài thơ đặc biệt đắt giá khác, cùng sự cố như vậy đã xảy ra với tôi. Tôi thấy chẳng có gì khó khăn khi phải tự th yết phục về chuyện này. Có được một lớp cảm xúc và nhãn quan sâu sắc là điều thuận lợi cho việc nẩy sinh cái Thật bao la. Người ta không thể đạt đến nó mà không phải có một lời cám ơn thánh hiền. Tôi không nghĩ khẳng định như thế là phi lý. Tôi không phải là người duy nhất thỉnh thoảng quả là có được ban cho những dấu chứng hiếm hoi ấy. “Madeleine, cô rất tốt bụng và rất kiên nhẫn. Nào, chúng ta cùng đi với nhau một lát nữa chứ?” Thế là chúng tôi bước đi hòa hợp tuyệt hảo trong bóng đêm. Tôi nắm cánh tay người thiếu nữ và tôi nhận ra những cảm xúc tương tự như khi ta chạm vào sự mảnh mai yếu ớt. Những cảm xúc ấy gần như biến mất ngay tức thì, nhường chỗ cho mỗi cảm giác cô đơn dữ dội và cùng lúc là thứ ân huệ toàn diện, mà tôi nhận ra khi tôi đặt bút chấm hết cho bài thơ vừa viết xong. Bây giờ đã mười hai rưỡi khuya. Đại lộ Versailles, ánh đèn nhà ga xe điện hầm Javel, nhợt nhạt, từ đất chiếu lên. “Xin từ biệt cô ở đây.” Tôi do dự, nhưng tấm thân mảnh mai đã tự mình gỡ ra. “Ông hãy ôm hôn tôi, để tôi có thể ra đi hạnh phúc...” Tôi đưa hai bàn tay lên ôm đầu cô và hôn lên mắt và lên tóc cô. Madeleine bỏ đi, biến mất dưới những bậc cầu thang xe điện hầm mà những cánh cửa sắt sắp được kéo xuống lưng chừng và sẵn sàng đóng lại.
 
Tôi thề toàn bộ câu chuyện này là có thật và đã xảy ra với tôi, không phải là không có tình yêu, như tôi đã đem câu chuyện kể lại, cái đêm tháng Giêng ấy.
 
Thực tế cao quý không lẩn tránh người nào gặp nó để trân trọng, chứ không phải để nguyền rủa nó hay giam cầm nó. Đó chính là điều kiện duy nhất mà chúng ta không phải lúc nào cũng trong sáng đủ để có thể hoàn thành được.
 
 
----------------
“Madeleine trước ngọn đèn chong” dịch từ nguyên tác “Madeleine à la veilleuse” [La fontaine narrative, 1947] trong René Char, Fureur et mystère (Paris: Poésie / Gallimard, 1962). “Madeleine canh thức” dịch từ nguyên tác “Madeleine qui veillait” trong René Char, Œuvres complètes (Paris: Gallimard, 1995).
 
Đã đăng:
 
Năm bài thơ tình “La chambre dans l’espace”, “Vivante demain”, “L’amoureuse en secret”, “Allégeance” và “Marthe”... Như tiếng hót của con bồ câu trong rừng khi trận mưa rào gần đến – không gian phủ bụi mưa, mặt trời ám ảnh –, tôi thức dậy rửa sạch, tôi chảy tan khi đứng lên; tôi hái bầu trời mới sáng... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021