thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mười một bài thơ văn xuôi
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
JEAN COCTEAU
(1889-1963)
 
Jean Cocteau tên đầy đủ là Jean Maurice Eugène Clément Cocteau sinh ngày 5 tháng Bảy 1889 tại Maisons-Lafitte, Pháp — một thành phố nhỏ gần Paris. Ông không chỉ làm thơ, viết kịch, viết tiểu thuyết, phê bình văn học, mà còn làm điêu khắc, làm gốm, vẽ tranh, minh họa, làm phim, viết nhạc và trang trí. Tình bạn giữa ông và chàng trai trẻ tác giả Le Diable au corps là Raymond Radiguet gây nhiều tai tiếng, nhất là việc ông bắt đầu hút thuốc phiện kể từ cái chết non trẻ của người bạn tình ấy ở tuổi hai mươi. Những mối quan hệ khăng khít với tài tử Jean Marais và họa sĩ Edouard Dermit cũng để lại trong đời ông những dấu ấn đậm đà, và có thể nói là... tích cực. Cho dù những nhận định và đánh giá về con người và tài năng ông rất khác nhau và rất hay thay đổi — bởi chính công việc của ông cũng không hề đứng nguyên một chỗ! — Cocteau vẫn được coi là nhà mỹ học và là một gương mặt độc đáo của những phong trào văn học nghệ thuật tiền vệ (avant-garde) đầu thế kỷ 20. Ngoài thơ, tiểu phẩm, tiểu thuyết và kịch, như Le coq et l’arlequin (1918), Le Potomak (1919), Plain Chant (1923), Thomas l’Imposteur (1923) Les Mariés de la tour Eiffel (1924), Orphée (1927), Les Enfants Terribles (1929), Opium (1930), La Machine Infernale (1934), Les Parents Terribles (1938), Renaud et Armide (1943, Cocteau còn dựng vở Le Sang d’un Poète (1930), tham gia thực hiện vở L’Éternel Retour (1943), và quay các phim La Belle et la Bête (1946), Orphée (1949), Le Testament d’Orphée (1960).
 
Jean Cocteau là Viện sĩ của Viện Hàn lâm Pháp và Viện Hàn lâm Hoàng gia Bỉ, và nhiều viện hàn lâm và hiệp hội khác trên thế giới, kể cả Đức, Mỹ, Hungari, vân vân... Ông cũng từng chủ trì nhiều liên hoan điện ảnh và âm nhạc. Trong số nhiều giáo đường và nhà nguyện Jean Cocteau trang trí, có nhà nguyện trong lâu đài của ông ở Milly-la-Forêt là chỗ đất ông vĩnh viễn nằm xuống năm 1963, sau một cơn đau tim, chấm dứt một đời làm nghệ thuật liên tục và phong phú, dường như không ngừng trả lời câu thách đố mà nhà hoạt động sân khấu ballet người Nga Diaghilev ở châu Âu từng nói với ông: “Hãy làm tôi ngạc nhiên.”
 
 
 
MƯỜI MỘT BÀI THƠ VĂN XUÔI
 
 

Cái chết của nhà thơ

 
Ta đang hấp hối, hỡi nước Pháp! Hãy đến gần đây cho ta nói, đến gần hơn nữa. Ta hấp hối vì mi. Mi đã chửi rủa ta, đã chế nhạo ta, đánh lừa ta, tàn phá ta. Mọi thứ ta đều coi như không. Ta phải ôm hôn mi, hỡi nước Pháp, một lần cuối ta phải ôm hôn lên con sông Seine tục tĩu của mi, lên những vùng trồng nho ghê tởm của mi, lên những cánh đồng ác độc của mi, lên những hòn đảo tầm thường của mi, lên Paris thối nát của mi, lên những pho tượng giết người của mi.
 
Hãy đến gần hơn, gần hơn nữa, để ta nhìn mi. Ôi! lần này thì ta nhìn ra mi rồi. Có khóc lóc cũng vô ích, có cầu cứu cũng vô ích. Không gì có thể gỡ được những ngón tay người chết. Ta bóp cổ mi một cách thích thú đây. Ta sẽ không chết một mình đâu.
 
 
 

Mùa xuân

 
Tôi biết đọc những vì sao trên trời. Nhưng đây là chuyện không có thật. Tốt hơn nên thú nhận nó ngay từ đầu trước khi bị người khác bắt tại trận. Ô! kìa... hãy nhìn kìa, không, không, kia kìa! trên đường đi ấy. Vàng đấy – “Đấy là đồng” – Đấy là vàng, tôi cho anh biết, vàng dát anh bạn ạ! Vâng, vâng, những thẻ vàng đội lên đầu cô thiếu nữ kia.
 
Chúng ta hãy tránh ra. Cô ta không nhìn thấy. Cô nguy hiểm đấy. Cô bước tới trước như một một cỗ máy nông nghiệp dưới những mảng đá cuội xối xả màu hồng.
 
Một điều lạ khác: Bàn tay nhỏ đặt lên cánh cửa căn nhà. Một bàn tay nhỏ thật sự của người sống dùng làm cái chặn cửa.
 
Cảm động trước những điều kỳ diệu kia, chúng tôi bước vào một ngôi nhà thờ để cảm tạ Chúa.
 
Ban đêm, chúng tôi đi xuống từ cái lỗ của người nhắc tuồng. Chúng tôi lấy những bẫy sập, những gương soi, những cánh cửa bí ẩn, những chiếc thuyền cong mũi. Chúng tôi trở về phòng bước đi dưới mặt nước. Chúng tôi thở bằng những ống tre ngậm trong miệng. Trên mặt nước chúng tôi chỉ nhìn thấy đầu cọng tre di chuyển tới trước như những ống kính viễn vọng Trung hoa rình rập đám người chậm phát triển khốn khổ và tàn sát họ.
 
Đấy là lỗi ở mùa xuân, do một tính toán sai lầm ngu xuẩn về ngày tháng, đã xuất hiện vào tháng hai trên những vùng núi. 
 
 
 

Phúng dụ

 
Coi kìa... bạn biết rõ đấy... hãy nghĩ lại xem: Một thiếu nữ to lớn rỗ chằng, hơi khoẻ, với một bộ ngực, và hai bắp đùi to tướng... cận thị...   Tôi chắc chắn bạn biết tôi đang nói về người nào... Ngu quá đi... ấy hãy đợi đã... không có cánh tay? vâng! thế thì... đích thị là Thần Vệ nữ Milo.
 
 
 

Ô! là! là!

 
Những thần linh có thật: đó là quỷ sứ. Tôi yêu cuộc sống: nhưng nó ghét tôi; tôi đau khổ vì chuyện ấy. Tôi không khuyên các bạn bắt chước những giấc mơ của tôi. Trong giấc mơ cái chết viếng thăm và bẻ góc danh thiếp của mình, ném vào những thứ quần áo bẩn, viết đầy lên tường những chữ ký không đọc được, vẽ đầy những hình vẽ ghê tởm. Ngày hôm sau tôi là nhân vật chủ chốt của một câu chuyện lạ lùng xảy ra trên trời.
 
 
 

Lòng tốt bí ẩn của Chúa

 
Hồi còn rất nhỏ, một bà nọ từng ăn cắp những quả anh đào. Bà đã sống một cuộc đời đạo đức để mong chuộc lại hành động ấy. Thế nhưng cầu nguyện, làm việc thiện, hành hương, thảy đều không làm bà yên tâm. Bà chết rất già và rất lo âu. Sau khi bà chết, Chúa bảo bà: Con đang ở thiên đàng, chính là vì hồi còn rất nhỏ, con đã đánh cắp những quả anh đào.
 
 
 

Kính ẩn vọng

 
Tôi vẫn còn run đây. Hôm Chủ nhật tôi muốn chế một cái kính tiềm vọng tạm bợ với những cái hộp cũ có cổ giả và những cái gương bỏ túi. Kính có nhiều lỗ đề đưa mắt vào nhìn. Nhưng, do một sai nhầm trong thiết kế, tôi nhìn thấy gì đây? Thần chết! Thần chết nhỏ tí xíu và rất nổi, đi lui, đi tới như là đang ở trong nhà mình.
 
 
 

Daily Mail

 
Người ta kể lại rằng trong vùng Herculanum, những du khách nhìn thấy một cái cây bằng vàng khối và có một hình dáng kỳ lạ. Thay vì trái cây, cành cây lại mang những đồ gỗ mới bắt đầu ráp nối và những bàn tay người.
 
Mọi thứ đều cho phép ta tin rằng, do một sự phối hợp lạ lùng những chất liệu quí, dung nham và những tầng địa chất, một kho tàng đã mọc lên.
 
Ít ra đây cũng là ý kiến của nhà qúy tộc Lord Arthur Graal. Người ta còn nhớ nhà khảo cổ học lỗi lạc này chính là người phát minh ra cái máy rất đơn giản cho phép ta thu nhỏ thành bụi các vị vua Ai-cập.
 
 
 

Quan toà

 
Người ta căm ghét các thi sĩ đến độ trói gô họ vào những loại bánh xe vuông và thả những cái bánh xe ấy từ trên cao tuột xuống những con dốc dẫn đến các hố sâu đầy thú dữ. Một đám đông ngày hội vui vẻ chứng kiến khổ hình này. Không gì làm họ thấy thú vị như những bánh xe vuông giật nẩy liên hồi cho đến tận cái hố có những con thú đang chờ đợi. Cái người ta thấy ấy là các con thú dữ nằm và liếm vào chân các nạn nhân. Đến đây thì đám đông nổi giận chửi rủa thú dữ và gọi chúng là một lũ hèn nhát. Tôi có chứng kiến cảnh khổ hình này. May thay người ta không buộc tội tôi là thi sĩ. Nhưng tôi quan sát thấy có một ông toà nhìn tôi đầy ác ý, mắt liếc ngang.
 
 
 

Du khách

 
Anh ta càng bước nhanh, anh ta càng đến gần nhà mình, ngôi nhà càng nhỏ đi, nhỏ dần đến độ không ai ở được. Khoảng cách đông đặc lại sau bước đi của anh ta và đẩy anh với nhịp bước của một toán quân không có gì thúc đẩy. Anh cần phải bước vào căn nhà bé tí này, là điều không sao làm được và có làm được là khi bức thành quân lính dừng lại. Du khách bấy giờ bé lại rất nhanh trong khi căn nhà thì thoắt một cái phình to lên và một cô thiếu nữ xinh đẹp hiện ra ở cửa sổ và cười chế giễu cuộc phiêu lưu của anh chàng.
 
 
 

Biết bao điều muốn nói

 
Biết bao đá lửa vỡ làm đôi, biết bao tia chớp cay đắng, biết bao đầu người chết vỡ tung quanh hốc mắt của mình, biết bao con ngựa cười đau khổ dưới nắng, biết bao dưa đắng, bao rau húng, bao khoai ma nằm trong bùn dưới những suối sâu, biết bao kẻ bị treo cổ chim bu đầy mình. Biết bao hình bù nhìn chữ thập. Biết bao thiếu nữ cặp tay nhau trong mùi hương khủng khiếp của những nhà máy ở Nauplie, biết bao con sóng bắn vào các tảng đá ở Bretagne, biết bao chiếc tàu ngầm lặn theo các kho tàng mù quáng, biết bao ánh trăng núp sau một lùm cây, biết bao bóng tối gây chết chóc làm chúng lộ rõ. Biết bao điều muốn nói trong im lặng của tiếng ầm ĩ trên những hành tinh và những con người la lối rất xa cho đến khi ánh sáng của chúng ta biến thành ánh sáng của họ. Biết bao sách vở chất đầy Tháp nghiêng Pisa. Biết bao nhiêu rơi rụng đang chờ một tín hiệu. Biết bao ân sủng vùi chôn trong cái miệng yêu tinh của con số không.
 
 
 

Tiền vệ

 
Anh không nghe con chim kia hót ngược chiều sao? Anh không nhìn thấy con sông mang đi ánh phản chiếu của cây kia? Có một cái gì không bình thường đang diễn ra. Những tín hiệu. Những tín hiệu của sự thiếu thông minh. Sự táo bạo của một triều đại đang can dự vào một triều đại khác. Một sự dối trá. Bộ anh không biết là những viễn cảnh luôn lừa dối và thiên nhiên thè lưỡi trêu anh ngay khi anh quay lưng bỏ đi sao. Thế nhưng những tín hiệu kia làm tôi lo lắng nhiều hơn cả những trận địa chấn và những cơn lốc ngoài khơi. Ở đấy có một toan tính làm tiền vệ. Một toan tính tiền vệ nguy hiểm. May thay có một tiếng nói già vốn căm ghét trẻ làm ta yên bụng khi y la toáng lên: “Ta không đi đâu.”
 
 
------------------
“Cái chết của nhà thơ“, “Mùa xuân”, “Phúng dụ“, “Ô! là! là!”, “Lòng tốt bí ẩn của Chúa“, “Kính ẩn vọng”, và “Daily Mail” dịch từ nguyên tác “La mort du poète”, “Le printemps”, “Allégorie”, “Oh! là! là!”, “Bonté mystérieuse de Dieu”, “Le cryptoscope”, và “Daily Mail” trong Jean Cocteau, Œuvres poétiques complètes [Opéra] (Paris: Bibliothèque de la Pléiade, Gallimard, 1999). “Quan toà”, “Du khách”, “Biết bao điều muốn nói”, và “Tiền vệ ” dịch từ nguyên tác “Le voyageur”, “Le juge”, “Que de choses à dire”, và “Avant-garde” trong Jean Cocteau, Œuvres poétiques complètes [Appogiatures] (Paris: Bibliothèque de la Pléiade, Gallimard, 1999).
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021